“Nausica of the Valley of the Wind”: Chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ngây thơ…
Tinh thần thủ lĩnh nằm trong chính trong mỗi con người. Chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ngây thơ, nhưng phải dũng cảm trong trái tim, rồi kiên trì nuôi dưỡng đến khi tinh thần thủ lĩnh ấy bừng cháy…
Được thành lập từ năm 1985, hãng phim Studio Ghibli ở Nhật Bản đã cho ra đời nhiều bộ phim hoạt hình được đánh giá rất cao. Nausica of the Valley of the Wind (Kaze no Tani no Naushika) vẫn thường được xem là bộ phim đầu tiên của hãng Studio Ghibli, dù được ra đời trước khi hãng phim thành lập.
Nausica of the Valley of the Wind là bộ phim điển hình cho phong cách của đạo diện nổi tiếng Hayao Miyazaki: đầy ắp trí tưởng tượng, niềm đam mê đối với bay lượn và một câu chuyện đầy ý nghĩa. Bộ phim rất được hoan nghênh bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vì được lồng ghép trong một cốt truyện đầy hấp dẫn là những thông điệp mạnh mẽ về vấn đề môi trường sinh thái.
Bối cảnh phim là 1.000 năm sau cuộc chiến tranh tàn khốc gọi là Bảy Ngày Khói Lửa (7 Days of Fire). Trong cuộc chiến khủng khiếp đó, con người đã sử dụng tất cả những thứ vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân để giết chóc lẫn nhau dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn nền văn minh công nghiệp. Loài người đã làm cho toàn bộ bề mặt trái đất, sông, suối, ao, hồ bị nhiễm độc nặng nề và cùng với đó đã tạo ra một Rừng Chết (Toxic Jungle) đầy chất độc không ngừng lan rộng đe dọa sự tồn tại của chính loài người.
Những người còn sống sót tập trung rải rác thành những vương quốc nhỏ ở những khu vực bị ảnh hưởng nhẹ hơn bởi chất độc. Nausicaa, nhân vật chính của bộ phim, là một cô gái mạnh mẽ, thông minh và là công chúa của vùng Thung lũng Gió.
Nhưng những tham vọng của người Tolmekia, sự bất bình của người Thung lũng Gió, những âm mưu trả đũa của người Pejite có nguy cơ một lần nữa đưa nhân loại đến một cuộc chiến tranh và giết chóc. Trong khi đó, những hành động của con người đã khiến hàng đàn những con côn trùng đột biến, nhất là loài côn trùng khổng lồ có tên gọi là Ohm phát điên. Chúng kéo hàng đàn từ Rừng Chết ra tàn phá các vùng đất của con người.
Nausicaa phải tìm cách để mọi người hiểu được rằng cách duy nhất để con người tồn tại là phải sống hòa hợp và là bạn với thiên nhiên chứ không phải là khống chế thiên nhiên. Để làm được điều đó con người phải học cách tin tưởng lẫn nhau thay cho những nghi kị và sợ hãi.
Cốt truyện phim nghe có vẻ giống với những phim khoa học viễn tưởng hoặc kỳ ảo nhưng có khá nhiều khác biệt. Dù cũng có những cuộc phiêu lưu và những cảnh chiến đấu nhưng bộ phim không quá nhấn mạnh đến điều này. Ngay cả khi nhân vật chính là nàng công chúa Nausicaa được miêu tả rất toàn diện bao gồm cả kỹ năng chiến đấu đến mức có thể đánh bại vị tướng quân kẻ thù, cô vẫn tin tưởng cách giải quyết bằng hòa giải.
Video đang HOT
Một cụm từ được nhắc lại khá nhiều lần trong bộ phim đó là &’nỗi sợ hãi’. Chính nỗi sợ hãi được xem là nguyên nhân sâu xa cho những rối loạn và bất ổn của thế giới. Khi người Pejite khai quật được thứ vũ khí sinh học khủng khiếp mang tên Chiến Binh Khổng Lồ, những người Tolmekia đã tiến đánh Pejite vì sợ những vương quốc khác sẽ dùng thứ vũ khí này để chống lại mình.
Đến lượt mình, những người Pejite vì sợ hãi Tolmekia đã bày ra những kế hoạch kinh khủng để chống lại. Và cũng vì sợ hãi, những con người này nghĩ đến sử dụng Chiến Binh Khổng Lồ để đốt trụi Rừng Chết mà không hề hiểu rằng bao nhiêu năm qua con người còn tồn tại được là nhờ khu rừng ấy vẫn không ngừng làm sạch chất độc cho Trái đất.
Trong lúc con người ghê sợ Rừng Chết đầy chất độc cũng như những con côn trùng khổng lồ, Nausicaa, trái lại, tin tưởng rằng thiên nhiên tồn tại luôn có lý do của nó. Có thể nói, Nausicaa đi ngược lại tất cả, cô thậm chí bảo vệ loài Ohm vì &’chúng đâu có làm gì sai”. Nausicaa không hề hèn nhát khi chọn lựa đối thoại thay vì chiến đấu với kẻ thù, bởi vì thế giới trong mắt cô quá trong trẻo, tâm hồn cô quá trong sáng. Cô tin rằng giữa con người với nhau cũng như giữa con người với thiên nhiên thay vì là sự phòng thủ và đối địch thì phải là sự thấu hiểu và liên kết.
Niềm tin và lòng tốt của Nausicaa từng bị Kushana, thủ lĩnh Tolmekia, chế giễu là ngây ngô và dại dột. Nhưng Nausicaa kiên trì với niềm tin của mình. Cô không chỉ chinh phục được người dân vương quốc của mình mà còn khiến người dân các vương quốc khác phải kinh ngạc và thay đổi thái độ.
Có một lời tiên tri ở vùng Thung lũng Gió rằng: “Sau 1000 năm tăm tối sẽ xuất hiện một thủ lĩnh mặc bộ quần áo màu xanh, bước đi trên cánh đồng vàng, người ấy sẽ sống lại mối liên kết giữa con người và trái đất.” Đến khi Nausicaa liều mình đối diện với loài Ohm khổng lồ, máu của loài Ohm nhuộm xanh bộ đồ của Nausicaa thì một người già trong Thung lũng Gió đã nhận ra nàng chính là người thủ lĩnh được nói đến.
Con người đã luôn tìm kiếm một vĩ nhân nào đó ở xa xôi. Nhưng hóa ra người thủ lĩnh ấy ở chính trong cộng đồng, thậm chí ở chính trong mỗi con người. Chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ngây thơ, nhưng phải dũng cảm trong trái tim, rồi kiên trì nuôi dưỡng đến khi tinh thần thủ lĩnh ấy bừng cháy.
Đôi khi, người xem sẽ có thể nhận ra những chuyển động hình ảnh trong phim chưa thật mượt mà, có lẽ do sự hạn chế của kỹ thuật thời những năm 1980. Nhưng những hình ảnh đẹp và giàu tưởng tượng sẽ nhanh chóng khiến họ đắm chìm trong thế giới của phim. Nausica of the Valley of the Wind là sự kết hợp hài hòa giữa một cốt truyện lôi cuốn, cùng với nhân vật đáng yêu và những hình ảnh giàu sức tưởng tượng. Đây chắc chắn là một bộ phim không chỉ hấp dẫn về mặt giải trí mà còn giàu ý nghĩa giáo dục, không chỉ đối với trẻ em và ngay cả đối với người lớn.
Theo Thiên Ý / MASK Online
Lắng lòng với câu chuyện xúc động trong "Tạm biệt mẹ"
"Tạm biệt mẹ" bi kịch nhưng không bi lụy. Đằng sau nỗi đớn đau vẫn có những nụ cười tươi sáng...
Bất cứ khán giả nào từng đọc qua về nội dung của Goodbye Mom - Tạm biệt mẹ chắc hẳn cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để xem bộ phim này - một bộ phim sẽ lấy đi của bạn rất nhiều... khăn giấy.
Tạm biệt mẹ mở ra bằng hình ảnh cô học trò ngỗ ngược Aeja (Choi Kang Hee) ở trường trung học thường xuyên khiến cho mẹ mình phải nổi điên vì những trò nghịch ngợm, quậy phá.
10 năm sau, Aeja lúc này đã trở thành một nhà văn nhưng tính cách ngỗ ngược, nổi loạn của cô nàng vẫn không hề thay đổi và mẹ vẫn phải là người đi giải quyết những rắc rối do cô con gái đem lại.
Aeja sống xa gia đình, cũng không hay về thăm mẹ và anh trai. Cô và mẹ cứ ở cạnh nhau là khắc khẩu, chẳng thể nói chuyện tử tế với nhau được lâu. Mẹ Aeja hay cằn nhằn chuyện con gái chẳng chịu kết hôn, viết tiểu thuyết không kiếm đủ cơm ăn. Aeja vùng vằng bỏ nhà đi, mẹ còn cố gọi với theo "Nhớ mang theo ít kim chi".
Aeja và mẹ có lẽ cứ mãi như nước với lửa như thế nếu một ngày, mẹ Aeja không phải nhập viện vì căn bệnh quái ác. Bệnh tật vừa trở thành thử thách, vừa trở thành chất keo gắn kết "nước" và "lửa" ở lại bên nhau.
Từ đây, bộ phim tập trung tái hiện quãng thời gian ngắn ngủi mà Aeja đồng hành cùng mẹ mình trong hành trình bệnh tật. Vẫn thường xuyên khắc khẩu, vẫn cứ hay cằn nhằn, cãi vã, xung đột, giận dỗi, bỏ đi, trở lại... Thế nhưng phía sau bề nổi ấy là cả một bề chìm của cảm xúc, tình yêu, tình thương không thể nào đong đếm.
Aeja hay càu nhàu mẹ chuyện bắt con gái kết hôn nhưng vẫn cố gắng làm vừa lòng mẹ bằng cách đi xem mắt. Thậm chí cô còn chấp nhận quay lại với người yêu cũ để dẫn anh ta ra mắt mẹ dù biết đó là một người đàn ông không chung thủy. Nhiều lúc bực mẹ đến nổi điên nhưng Aeja vẫn không thể nào bỏ mặc được mẹ như khi cô mạnh miệng tuyên bố. Lúc chẳng tìm thấy mẹ, cô con gái "đầu gấu" cũng khóc lóc, cuống cuồng hoảng loạn như ai.
Về phía mẹ Aeja, bà không ngừng bắt con gái kết hôn cũng chỉ vì muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy con gái có cuộc sống ổn định hạnh phúc; ngoài miệng mắng con nhưng tận sau trong thâm tâm là tình thương con vô bờ bến; luôn tỏ ra mình là người kiên cường mạnh mẽ nhưng thực tâm cũng yếu đuối và cần được yêu thương hơn bất kỳ ai...
Có thể thấy, đoạn mở đầu của Goodbye Mom không thực sự hấp dẫn. Nhân vật Aeja của Choi Kang Hee lúc đứng một mình không nhiều ấn tượng, nếu không muốn nói là có phần nhàm chán. Nhưng bắt đầu từ khi Aeja chăm sóc mẹ, họ tạo thành bộ đôi ăn ý khiến khán giả không thể rời mắt. Cách họ đấu khẩu, giận dỗi nhau, rồi lại vỗ về nhau vừa hài hước lại vừa cảm động. Tình yêu thương giữa 2 con người vốn chẳng quen thể hiện thương yêu đi từ ngượng ngùng, gượng gạo cho đến lúc cảm xúc dâng trào, lưu luyến trước lúc chia xa không khỏi khiến người xem xúc động.
Điều tuyệt vời ở Tạm biệt mẹ, đó chính là tia sáng lấp lánh của nụ cười nằm ở phía sau những mất mát, bi thương. Ngay cả hành trình chiến đấu với bệnh tật của người mẹ cũng không quá nặng nề mà thay vào đó là rất nhiều tiếng cười lạc quan, lồng ghép nhiều câu chuyện dí dỏm. Người mẹ ấy vẫn luôn thể hiện rằng bà không sao, bà vẫn ổn, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
Bộ phim bi kịch nhưng không hề bi lụy, và kết thúc bởi những nụ cười, dù có chia ly, nhưng để lại đằng sau những mất mát đau thương là sự chào đón một tương lai tươi sáng hơn. Đó có lẽ cùng là điều mà các nhà làm phim muốn khán giả nhớ về Goodbye Mom - bằng những nụ cười lạc quan rạng rỡ.
Theo Trithcutre
"Mộ đom đóm": Bi kịch thấm đẫm nước mắt "Tại sao những con đom đóm lại phải chết quá sớm như vậy?" - Câu hỏi của bé Setsuko khiến người xem cảm thấy xót xa, day dứt. Những bộ phim của đạo diễn Isao Takahata không theo các yếu tố tưởng tượng như nhiều phim hoạt hình Nhật khác, mà có yếu tố hiện thực rất cao. Trong số những phim của...