NATO họp thượng đỉnh quan trọng nhất từ khi Bức tường Berlin sụp đổ
Hội nghị Thượng đỉnh năm 2014 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay (theo giờ VN) đã khai mạc tại xứ Wales (Vương quốc Anh) trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với số lượng chưa từng có các cuộc khủng hoảng an ninh quy mô toàn cầu.
Tàu khu trục HMS Duncan của Anh tới Cardiff, xứ Wales, hỗ trợ an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra từ ngày 4-5/9 (theo giờ địa phương) ở ngoại ô thủ phủ Cardiff của xứ Wales, thu hút sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia tới từ 28 nước thành viên NATO. James Stavridis, Cựu Tư lệnh Tối cao NATO giai đoạn 2009-2013 và hiện nay là Chủ nhiệm Khoa Luật pháp-Ngoại giao của Trường Fletcher (Đại học Tufts), đánh giá “rõ ràng đây là hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất của NATO kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ vì hàng loạt cuộc khủng hoảng đang đồng thời bùng phát ở khắp nơi trên thế giới”.
Theo ông James Stavridis, những mối lo ngại chính hiện nay là hoạt động của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, Iraq và dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; vấn đề NATO rút quân khỏi Afghanistan và sứ mệnh dài hạn tại quốc gia Tây Nam Á này; mối đe dọa ngày càng gia tăng của tin tặc, dịch bệnh Ebola và “rất nhiều vấn đề khác”… Tuy nhiên, ông Stavridis cho rằng vấn đề sẽ chi phối các cuộc thảo luận tại hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và khoảng 60 nhà lãnh đạo khác sẽ là việc NATO phải làm gì trước cuộc khủng hoảng tại Đông Nam Ukraine, nơi mà họ cáo buộc đang có sự can thiệp từ Nga bất chấp những tuyên bố bác bỏ từ Moskva.
Quân đội Ukraine tham gia chiến dịch ở miền đông.
Cho dù Moskva nhiều lần phủ nhận, chính quyền Kiev vẫn cáo buộc binh sĩ Nga đang được triển khai tại Đông Nam Ukraine, vấn đề đe dọa sẽ làm bùng phát một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai nước láng giềng này và có khả năng lôi kéo sự tham gia của các cường quốc quân sự lớn nhất trong NATO, như Mỹ và Anh. Ông Michael Clarke, Viện trưởng Viện Nghiên cứu “Royal United Services Institute” (RUSI) có trụ sở tại London, nhận định: “Nếu như NATO không cho thấy một sự phản ứng đáng kể (trước hành động của Nga ở Ukraine), khi đó tiếng nói của liên minh này về vấn đề Trung Đông, hay những sự kiện ở Ấn Độ Dương… sẽ không còn quan trọng nữa. Có cảm giác Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Wales sẽ trải qua một chương trình nghị sự rất dài, song trên thực tế chỉ có một vấn đề thật sự trọng tâm. NATO cần phải đưa ra một loạt chính sách có thể ứng phó được với hành động của Nga”.
Cũng theo giới bình luận, cách phản ứng của NATO đối với những thách thức an ninh hiện nay, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine, là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì nó thể hiện uy tín chính trị và tầm ảnh hưởng của liên minh quân sự này. Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ở Wales, Tổng thống Mỹ Obama ngày 3/9 đã tới Estonia trong một động thái dường như nhằm “lên dây cót tinh thần” cho các nước thành viên NATO nằm gần biên giới với Nga tại khu vực Baltic.
Charles Kupchan, chuyên gia cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết không phải ngẫu nhiên Tổng thống Obama lại chọn điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu lần này là Estonia, 1 trong 3 nước thành viên NATO giáp biên giới với Nga và có 25% dân số mang sắc tộc Nga. Theo ông Kupchan, “quyết định đó của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Moskva rằng cách hành xử của Nga là không thể chấp nhận được”. Dư luận nhận định Tổng thống Obama sẽ cam kết bảo vệ với ba nước thành viên NATO ở khu vực Baltics trong trường hợp những nước này bị tấn công, điều phù hợp với Điều 5 trong hiến chương NATO, theo đó hành động tấn công một nước thành viên NATO bị coi là tấn công toàn bộ liên minh.
Video đang HOT
Ukraine không phải là một quốc gia thành viên NATO, song hai bên đã thành lập Ủy ban NATO-Ukraine, đồng nghĩa với việc Kiev có thể hợp tác với liên minh này trong một loạt lĩnh vực, bao gồm cả việc nhận viện trợ quân sự. Dù vấn đề Afghanistan, Iraq và Syria sẽ được đưa ra thảo luận, song đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine chắc chắn sẽ là chủ đề “ nóng” nhất của Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2014 và là hình ảnh rõ ràng nhất về vai trò của liên minh này sau 65 năm thành lập.
Theo Thanh Tuấn
Baotintuc.vn/USA Today/AFP, Reuters
Putin đề xuất kế hoạch hòa bình 7 điểm cho Ukraine trước hội nghị NATO
Tổng thống Nga Putin ngày 3/9 đã đưa ra một kế hoạch hòa bình sâu rộng gồm 7 điểm đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales vào ngày hôm nay
Tổng thống Nga Putin.
"Trên đường từ thành phố Blagoveschensk tới đây, Ulan-Bator (Mông Cổ) tôi đã phác thảo một số ý tưởng và kế hoạch hành động. Nó đây, bằng viết tay", ông Putin cho biết với các phóng viên.
Kế hoạch hòa bình bảy điểm của ông Putin bao gồm: phe ly khai phải ngừng tiến công quân sự ở vùng Donetsk và Lugansk; Lực lượng vũ trang được Kiev ủng hộ phải rút tới vị trí mà pháo không thể bắn được vào khu dân cư; quốc tế giám sát đầy đủ và công bằng lệnh ngừng bắn; không dùng máy bay chiến đấu chống lại dân thường và nhằm vào các làng mạc; trao đổi tù binh theo công thức "đổi tất", không có điều kiện; tạo hành lang nhân đạo cho người tị nạn và vận chuyện đồ cứu trợ khắp vùng Donetsk và Lugansk; cho các nhóm tái thiết trực tiếp tiện cận các cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Ông Putin bày tỏ hi vọng thỏa thuận cuối cùng giữa Kiev và phe ly khai ở đông nam Ukraine có thể đạt được tại một cuộc họp của nhóm liên lạc vào ngày 5/9.
"Tôi hi vọng lãnh đạo Ukraine sẽ ủng hộ sự tiến triển dự kiến trong mối quan hệ song phương", nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Ông cũng kêu gọi Ukraine tham gia, hợp tác tích cực với nhóm liên lạc "để giải quyết thấu đáo và cuối cùng đối với tình hình ở đông nam Ukraine".
Nói về cuộc điện đàm với Tổng thống Poroshenko trước đó vào ngày 3/9, ông Putin nhấn mạnh "quan điểm của họ về cách thức giải quyết xung đột giống nhau".
Sau đó, cũng vào ngày 3/9, Tổng thống Ukraine bày tỏ "hi vọng lớn" rằng tiến trình hòa bình sẽ bắt đầu được đàm phán ở Minsk vào thứ sáu này.
Trong khi đó, phe ly khai chống Kiev cho biết sẵn sàng buông súng, nếu lực lượng chính phủ cũng làm như vậy.
Đức ủng hộ, Mỹ còn hoài nghi
Đức ủng hộ thông tin hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine đang chứng tỏ sẵn sàng giải quyết xung đột và cho biết Đức cùng cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp nhằm đảm bảo ngừng bắn.
"Tổng thống Putin và Poroshenko đang chịu trách nhiệm cho không chỉ nước họ mà cho toàn châu Âu", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ở Hamburg. Ông nhấn mạnh giờ đây điều quan trọng là đưa ra các bước quyết đoán nhằm thiết lập ngừng bắn ở Ukraine.
Tuy nhiên, tại Ukraine, kế hoạch hòa bình của ông Putin lại vấp phải chỉ trích của Thủ tướng Arseniy Yatsenuk, người cho rằng kế hoạch thực sự của Nga là phá hủy Ukraine và phục hồi Liên Xô cũ.
"Chúng ta đang đợi quyết định từ NATO và EU về cách ngăn chặn kẻ hiếu chiến này", ông nói.
Theo ông Yatsenuk, kế hoạch 7 điểm của ông Putin là "nhằm che mắt cộng đồng quốc tế trước hội nghị thượng đỉnh NATO và nhằm tránh những quyết định của EU trước khả năng áp đặt làn sóng trừng phạt mới với Nga".
Ông nhấn mạnh điều "tốt nhất" cho Ukraine là kế hoạch một điểm, theo đó quân Nga rút khỏi Ukraine.
Tuy nhiên Nga liên tục phủ nhận cáo buộc quân đội nước này tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở đông Ukraine.
Tổng thống Mỹ Obama phản ứng thận trọng đối với một triển vọng ngừng bắn mà ông Putin và Poroshenko nhắc tới. "Vẫn còn quá sớm để nói ngừng bằn ở đây nghĩa là gì", ông Obama nói. "Ở đây có một cơ hội. Hãy xem điều gì diễn ra tiếp theo", ông nói.
Châu Âu tẩy chay World Cup 2018?
Theo một nguồn tin chính phủ Anh được hãng tin AFP trích dẫn, ông Poroshenko sẽ thông báo ngắn gọn với Tổng thống Obama, Thủ tướng Anh Cameron, Thủ tướng Đức Merkel và các nhà lãnh đạo thế giới khác về tình hình trong nước trước khi bắt đầu hội nghị NATO.
Hội nghị sẽ gửi "tín hiệu rõ ràng về sự ủng hộ đối với chủ quyền của Ukraine và Nga phải có trách nhiệm giảm leo thang tình hình", nguồn tin cho biết.
AFP cũng dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết các quốc gia châu Âu đang thảo luận một kế hoạch do Anh đưa ra nhằm tẩy chay World Cup năm 2018 do Nga đăng cai.
Liên minh châu Âu cũng đang soạn thảo một danh sách trừng phạt mới với Nga, và quyết định sẽ được đưa ra vào ngày thứ sáu.
Pháp cũng giành được sự ca ngợi của Obama, các nước phương Tây khác sau khi thay đổi quyết định trước đó và ngừng chuyển tàu sân bay trực thăng hiện đại đầu tiên trong 2 chiếc nước này bán cho Nga. Ông Putin đã định triển khai tàu này ở Crimea, khu vực thuộc Ukraine đã được Nga cho sáp nhập vào nước này hồi tháng 3 năm nay.
Trung Anh
Tổng hợp
Theo dantri
Mỹ từng cố gắng giải cứu các con tin tại Syria nhưng bất thành Quân đội Mỹ gần đây đã cố gắng giải cứu các công dân Mỹ bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ tại Syria nhưng không thành, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ngày 20/8 xác nhận, một ngày sau khi IS tung video chặt đầu một nhà báo Mỹ. Nhà báo Foley (áo vàng) trước khi bị sát hại....