NATO châu Á – Đường còn quá xa xôi
Trong thời gian gần đây, trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, châu Á xôn xao về việc thành lập một liên minh quân sự kiểu NATO. Tuy nhiên, theo Defense One, một liên minh như vậy ở châu Á vẫn còn rất xa vời.
Defense One cho rằng, trong nhiều năm qua, tại Đối thoại Shangri-La hàng năm, Mỹ và các cường quốc khác đã tăng cường thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống an ninh chung ở châu Á. Kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có tới 5 chuyến công du tới châu Á.
Theo Defense One, Washington đang rất nỗ lực để thành lập liên minh quốc phòng châu Á và hiện một số bộ trưởng quốc phòng châu Á đã có những dấu hiệu ủng hộ ý tưởng này.
Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, Defense One dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, cho biết: “Chúng tôi phải khuyến khích các đồng minh của mình vượt qua khuôn khổ các liên minh song phương để hướng tới một kỷ nguyên hợp tác an ninh đa phương. Chúng tôi có quá nhiều mối quan tâm chung và quá nhiều mối đe dọa chung”.
“Bất kì cấu trúc an ninh nào đạt được cũng phải đủ rộng để cho tất cả các quốc gia coi trọng các quy định pháp luật, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cùng tham gia”, ông nói thêm.
Châu Á sẽ sớm có liên minh quân sự kiểu NATO?
Theo Defense One, tuyên bố trên có ý gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng quân đội Trung Quốc không nên tự loại trừ mình khỏi các liên minh quân sự châu Á trong tương lai bằng cách sử dụng vũ lực và gây hấn với các nước láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ, mà thay vào đó, hãy dùng các biện pháp ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Defense One cho rằng, các quan chức Lầu Năm Góc đang đưa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tới trung tâm của các thỏa thuận an ninh khu vực trong tương lai. Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM ), cho thấy khu vực này đang cần có một liên minh khác, một cái gì đó ngoài ASEAN. Thảo luận về tương lai hình thành một cấu trúc an ninh khu vực, bà nói: “Khu vực này đang còn rất nhiều thách thức… không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết tất cả những thách thức đó”.
Bà cho rằng cách thức quân đội của các nước ASEAN hợp tác hiện tại sẽ giúp thiết lập một cấu trúc lâu dài hơn cho tương lai, giống như kiểu NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Shangri-La.
Tuy nhiên, rất nhiều người hoài nghi về việc một tổ chức ngoại giao như ASEAN có thể là nơi sinh ra một liên minh quân sự. Defense One dẫn lời Tim Huxley , giám đốc điều hành của IISS – Asia, cho rằng đánh giá trên về ASEAN đã quá lạc quan.
Theo Defense One, mặc dù đang có nhiều nỗ lực để tiến tới việc hình thành một liên minh quân sự kiểu NATO ở châu Á, nhưng Mỹ vẫn biết rằng sẽ cần rất nhiều thời gian. Defense One dẫn lời một quan sự quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: “Hầu hết chúng tôi đều không hy vọng rằng sẽ có một cấu trúc an ninh kiểu NATO ở châu Á trong tương lai gần”.
Nhiều chuyên gia về châu Á cũng có nhận xét tương tự.
Defense One dẫn lời Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho rằng, một số bộ trưởng dường như muốn nói rằng nếu ASEAN muốn trở thành hạt giống cho một cái gì đó mới, thì liên minh này phải làm mới mình. Ông nói: “ASEAN không thể trung lập nữa đối với các vấn đề liên quan tới các cường quốc. Đồng thời, chúng ta cũng không nên để bị cho là đứng về phe nào nữa. Vì vậy, đây là một thách thức đối với ASEAN”.
Trả lời phỏng vấn của Defense One, Cựu Đại sứ Indonesia tại Mỹ Dino Patti Djalal cho rằng, các cường quốc sẽ coi trọng ASEAN hơn nếu tổ chức này thống nhất lời nói và hành động. Tuy nhiên, ông nói: “Điều đó cần sự thay đổi văn hóa ngoại giao của ASEAN”.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường chính sách Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore thì cho rằng, châu Á đang thực hiện tốt hơn châu Âu trong việc quản lý những khác biệt về địa chính trị. Ông dẫn chứng rằng khủng hoảng Ukraine gần đây là một sự thất bại hoàn toàn của các tổ chức châu Âu. Theo ông, ASEAN đang có vai trò rất quan trọng. Ông nói: “Chỉ cần tưởng tượng khu vực này sẽ ra sao nếu không có ASEAN”.
Ngoài ra, theo The Diplomat, nhiều chuyên gia cho rằng một liên minh kiểu NATO sẽ khó có thể hoạt động được ở châu Á vì “các nước trong khu vực này có lợi ích đa dạng, các mối quan tâm khác nhau và không đủ tin tưởng để hợp nhất với nhau (như trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc)”.
Theo Diplomat, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục không tuân thủ luật pháp quốc tế khi gây hấn và ép buộc các nước láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ thì mục đích của liên NATO châu Á là nhằm chống lại sự hung hăng ngày một tăng của Trung Quốc.
Do đó, một trở ngại khác mà châu Á phải đối mặt nếu muốn thành lập một liên minh quân sự kiểu NATO đó là nhiều nước trong khu vực này lo ngại về việc phải “xa lánh” Trung Quốc vì kinh tế của nhiều nước trong khu vực đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc . Trung Quốc hiện đang có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với hầu hết các nước láng giềng. Đây được cho là trở ngại lớn nhất đối với việc thành lập một liên minh quân sự kiểu NATO ở châu Á.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin công nghệ quốc phòng Defense One của Mỹ và tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Defense One chuyên cung cấp tin tức, các bài phân tích về các chủ đề và xu hướng sẽ định hình tương lai của quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ. The Diplomat là một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Infonet
Tân Cương lạc nhịp trong giấc mơ Trung Hoa
An ninh Trung Quốc vừa phát hiện một kho gần 2 tấn thuốc nổ và bắt giữ 5 đối tượng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Thêm vũ khí và tội phạm
Chính quyền sở tại thành phố Hòa Điền, phía Nam Tân Cương cho biết trên truyền thông nước này đã "triệt phá 2 cơ sở tạo chất nổ và tịch thu 1,8 tấn nguyên liệu dùng để tạo các thiết bị gây nổ, trong đó đã có một số lượng lớn các thiết bị gây nổ gần hoàn thiện."
Theo thông tin được chia sẻ trên cổng thông tin của chính quyền thành phố này, những đối tượng trên đã bắt đầu tạo bom với âm mưu "lái xe vào những khu vực đông người và cho bom phát nổ" ở thành phố Hòa Điền.
Giới chức nơi đây cho rằng đây là những hành động theo định hướng khủng bố bởi những đối tượng bị bắt giữ đã xem video cổ xúy cho chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Trong một tháng vừa qua, tình hình an ninh tại khu vực tự trị này của Trung Quốc đang diễn ra rất phức tạp. An ninh nước này đã bắt giữ hơn 200 nghi phạm và tịch thu hơn 200 thiết bị gây nổ tại Tân Cương chỉ trong một tháng.
Một thực tế cho thấy, nhìn vào các cuộc tấn công tại các thành phố ở vùng tự trị này, và các cuộc tấn công lan rộng khắp Trung Quốc, đều có một điểm chung: đối tượng tấn công mang hình thức nhằm vào chốn đông người, hoạt động độc lập nhưng có sự thống nhất về ý chí và mục đích giữa các cuộc tấn công, nghi phạm các cuộc tấn công đều tử vong do chất nổ của mình.
An ninh Trung Quốc siết chặt tại Tân Cương
Còn nhớ, những năm trước, tại khu vực này, các cuộc tấn công xuất hiện ít hơn, hình thức là tấn công bằng dao hay vũ khí thô sơ của nhóm đông người vào các cơ sở an ninh. Dù luôn khẳng định, các vụ tấn công ở Tân Cương không phải là "đánh bom tự sát" nhưng rõ ràng, vấn đề này đang khiến giới chức Bắc Kinh hết sức lo ngại.
Càng bắt bớ, càng chống đối
Một thực tế cho thấy, càng có sự bắt bớ, triệt phá của an ninh Trung Quốc chỉ làm cho tình hình ở khu vực này trở nên tồi tệ. Còn nhớ vụ bạo loạn tại huyện Bachu (tỉnh Kashgar, Tân Cương) khiến 21 người chết. Khi đó, cảnh sát ập tới kiểm tra một ngôi nhà nghi chứa súng và chất nổ, tuy nhiên, sau đã bùng phát thành một cuộc tấn công tập thể bằng dao và vũ khí tự chế.
Trong khi chính phủ Trung Quốc coi đây là vụ tấn công khủng bố, thì Uỷ ban Duy Ngô Nhĩ thế giới lại cho rằng đây là hành động trả thù của nhóm người Duy Ngô Nhĩ đối với việc một nam thanh niên dân tộc này bị lực lượng vũ trang Trung Quốc bắn chết.
>> Trung Quốc coi Tân Cương, Tây Tạng là mối họa quốc gia
Hay như việc Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 4 qua tới thị sát tình hình an ninh và kiểm tra khả năng phản ứng của lực lượng quân đội, cảnh sát chống bạo động của nước này tại Tân Cương, ngay lập tức đã có một vụ tấn công bằng dao và thiết bị gây nổ tại nhà ga xe lửa ở Urumqi, khiến 3 người chết và 79 người bị thương.
Sau khi ông Tập Cận Bình rời khỏi nơi đây, ba quan chức của chính quyền Tân Cương đang câu cá cũng bị ám sát.
Những hành động này không phải ngẫu nhiên, mà đã có sự tổ chức và dụng ý đối đầu rất rõ ràng giữa người tổ chức tấn công và chính quyền Trung Quốc.
Tân Cương - Viên ngọc đẹp
Vì sao Tân Cương trở thành điểm nóng của sự bất ổn tại cường quốc châu Á đang trỗi dậy này? Trước hết phải thấy rằng, khu vực này là một viên ngọc quý về địa chính trị, năng lượng, khoáng sản, và không ít người đều nhòm ngó viên ngọc này.
Tân Cương chiếm khoảng 1/6 diện tích Trung Quốc, 1/4 chiều dài đường biên giới quốc gia và là khu tự trị, đồng thời là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc với diện tích lên tới 1,6 triệu km2, nhưng chỉ có khoảng 4,3% diện tích đất đai ở đây thích hợp cho con người cư trú.
Một số phần tử bạo loạn của người Duy Ngỗ Nhĩ trong vòng vây cảnh sát
Tuy chỉ là một khu tự trị, nhưng Tân Cương có đường biên giới tiếp giáp với 8 quốc gia (Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ). Ngoài ra, Tân Cương còn quan hệ "lân bang" với 2 tỉnh và 1 khu tự trị của Trung Quốc là Cam Túc, Thanh Hải và Tây Tạng. Tân Cương là khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Hồi...
Theo thống kê chính thức, Tân Cương có trữ lượng dầu khí (đã được phát hiện) khoảng 2,5 tỉ thùng và 1.400 tỉ m3 khí đốt (chiếm 34% trữ lượng khí đốt của Trung Quốc và Bắc Kinh đã xây dựng tuyến đường ống dài 4.000km để chuyên chở 24 tỉ m3 khí đốt từ đó về Thượng Hải). Tân Cương cũng quản lý tuyến đường quan trọng vận chuyển dầu từ Kazakhstan về Trung Quốc.
Tân Cương hiện có sản lượng khai thác dầu khí lớn thứ 2 Trung Quốc (1,1 triệu thùng/ngày), sản lượng khai thác khí đốt chiếm 14% cả nước. Tân Cương còn có trữ lượng than lên tới 2.190 tỉ tấn, cùng sản lượng khai thác 80 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng sản lượng than của Trung Quốc. Tân Cương cũng sở hữu mỏ vàng, đồng, nickel và số mỏ quặng sắt lên tới 1/4 trữ lượng của toàn quốc. Ngoài ra, Tân Cương còn là nơi cung cấp bông lớn nhất Trung Quốc.
Sự giàu có từ thiên nhiên, với đặc điểm nằm cách xa đặc khu hành chính, quân sự Bắc Kinh khiến bản thân khu vực này chứa nhiều bất ổn. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề, không phải các thế lực bên ngoài đang tham gia vào Tân Cương như thế nào, mà bản thân chính quyền Trung Quốc đã giải quyết vấn đề ra sao?
Giấc mơ Trung Hoa, không phải giấc mơ Duy Ngô Nhĩ
Trước hết phải thấy rằng, bản thân chính quyền Bắc Kinh đang không hiểu, hoặc giả như hiểu nhưng không giải quyết được triệt để vấn đề tồn tại ở khu vực tự trị này.
Theo nghiên cứu của Raymond Lee, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc đăng trên chuyên trang của hãng thông tấn Al Jazeera thì có 5 nguyên nhân như sau:
Trước hết, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt và không hề bền vững. Từ khi Đặng Tiểu Bình áp dụng chính sách cải cách và mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã đi theo một quá trình hiện đại hóa quá nhanh. Sự gia tăng đô thị hóa, mức sống, đồng thời là phân biệt giàu nghèo đã khiến Trung Quốc bỏ qua những giá trị cốt lõi cho sự bền vững của xã hội.
Đánh bom ở Thiên An Môn được cho là của những nhóm khủng bố Duy Ngô Nhĩ thực hiện
Tân Cương cũng nằm trong xu thế chung của cả Trung Quốc. Sự mất bền vững kết cấu xã hội đã được thể hiện ở xu thế tội phạm gia tăng ở khu vực này. Trong giai đoạn từ 2000 - 2009, những vụ giết người ở Tân Cương có tỉ lệ cao nhất cả nước.
Thứ hai, đó là sự bất mãn với chính quyền địa phương. Người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc có khoảng 10 triệu người, 80% dân số này sống tại Nam Tân Cương, dân trí thấp, chủ yếu làm nông dân và ít có cơ hội tiếp xúc với việc làm.
Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào khu vực này, nhưng công nhân đều được mang từ tỉnh khác đến, càng tạo thêm khoảng cách giữa người bản địa với sự phát triển chung của đất nước.
Chính sách chia để trị của Trung Quốc được áp dụng triệt để khi 60% dân số Tân Cương là người Duy Ngô Nhĩ, 40 % là người Hán, nhưng quan chức lại đại đa số là người Hán. Tình trạng chia rẽ xã hội gắn với việc khai thác đất đai, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, nạn tham nhũng trong chính quyền địa phương, và cảm giác thất vọng vì bị gạt ra ngoài lề xã hội, định kiến sắc tộc, và không hiểu văn hóa,... tất cả làm gia tăng cảm nhận tiêu cực của người Duy Ngô Nhĩ về chính sách Phát triển miền Tây Trung Quốc.
Thứ ba, điều kiện kinh tế xã hội nội tại ở khu vực Duy Ngô Nhĩ (phía Nam Tân Cương) làm nảy sinh sự bất bình xã hội mạnh mẽ vì bất bình đẳng khu vực. Ở Tân Cương, người ta thường có câu "giàu hơn người giàu nhất, nghèo hơn người nghèo nhất." Tuy nhiên, người giàu chỉ rơi vào các trường hợp người Hán.
Cảm giác bị tước đoạt về điều kiện sống không chỉ củng cố thêm bản sắc của dân tộc Duy Ngô Nhĩ mà còn làm nảy sinh xu hướng thù địch chống lại sự cai trị của người Hán.
Đời sống nghèo khổ, khắc nghiệt của người Tân Cương
Thứ tư, sự mất tự do về các hoạt động tôn giáo dẫn đến những hình thức tuyên truyền, sinh hoạt tôn giáo "chui", là mấu chốt để những tư tưởng cực đoan xâm nhập vào ý thức hệ của những người Duy Ngô Nhĩ tại đây, đặc biệt với những người trẻ.
Cuối cùng, sự áp đặt an ninh, những biện pháp mang tính thiết quân luật đã không đủ sức răn đe mà chỉ khiến mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Bắc Kinh đã không giải quyết tận gốc khủng hoảng, mà chỉ chạy theo xử lý bề nổi.
Một thực tế cho thấy rằng, Duy Ngô Nhĩ và Tân Cương chất chứa rất nhiều uất ức với chính quyền. Và Bắc Kinh dường như chưa xem xét tâm tư nguyện vọng của những người thiểu số này một cách công bằng.
Chủ tịch Tập Cận Bình hô hào cả quốc gia Trung Quốc theo đuổi một giấc mơ Trung Hoa, với tham vọng vươn biển, nuốt biển. Tuy nhiên, những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, những sai lầm chính sách về bình đẳng các dân tộc và giấc mơ về một thiên triều hoàng kim của người Hán sẽ khiến Trung Quốc đổ vỡ từ bên trong. Điều này cũng giống như một người bên ngoài khỏe mạnh, nhưng bên trong mang đầy mầm mống ung thư.
Theo Báo Đất Việt
Trung Quốc đang làm gì để đại tu "sức mạnh cơ bắp"? Theo Thời báo New York, nhằm dùng &'sức mạnh cơ bắp' để lấn lướt các nước khác trong các tranh chấp chủ quyền, ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sử dụng quyền lực chính trị của mình để đại tu quân đội. Ông Tập muốn có một quân đội có thể phô bày sức mạnh ở Thái Bình Dương và...