NASA công bố ảnh chụp gần bề mặt Mặt Trời nhất
Những vệt lóa nhỏ kỳ lạ có biệt danh “lửa trại” được ghi hình lần đầu tiên trong ảnh chụp Mặt Trời ở khoảng cách gần nhất của tàu thăm dò Solar Orbiter.
Những vệt lóa nhỏ gần bề mặt Mặt Trời. Ảnh: NASA.
Loạt ảnh cận cảnh Mặt Trời được chụp khi tàu Solar Orbiter bay gần ngôi sao ở khoảng cách 75,6 triệu km vào giữa tháng 6. Những đốm “lửa trại” trong ảnh nhỏ hơn một tỷ lần so với vệt lóa mặt trời quan sát được từ Trái Đất. Chúng có thể góp phần lý giải tại sao lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời lại nóng hơn bên trong. Vành nhật hoa trải rộng hàng triệu kilomet trong không gian nóng trên một triệu độ C trong khi nhiệt độ ở bề mặt Mặt Trời chỉ ở mức 5.500 độ C. Hiểu rõ điều gì tạo ra sự chênh lệch nhiệt này sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán thời tiết vũ trụ.
Video đang HOT
Tàu thăm dò Solar Orbiter, dự án hợp tác chung giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), phóng vào tháng 2/2020 trong nhiệm vụ kéo dài 2 năm nhằm nghiên cứu các phản ứng trên bề mặt Mặt Trời và hiện tượng thời tiết vũ trụ nguy hại kèm theo. Con tàu được chế tạo tại nhà máy của Airbus ở thị trấn Stevenage, Anh. Loạt ảnh chụp mà NASA và ESA công bố được ghi hình bằng Extreme Ultraviolet Imager (EUI), bộ kính viễn vọng do Đại học London (UCL) tham gia thiết kế.
“Chưa có bức ảnh nào chụp Mặt Trời ở khoảng cách gần như vậy trước đây và mức độ chi tiết mà loạt ảnh cung cấp thật ấn tượng. Những bức ảnh hé lộ vệt lóa nhỏ trên khắp bề mặt Mặt Trời, trông như các đốm lửa trại. Chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong hiện tượng bí ẩn khiến lớp ngoài cùng của Mặt Trời là vành nhật hoa nóng hơn 200 – 500 lần so với các lớp bên dưới”, tiến sĩ David Long ở UCL, đồng trưởng nhóm nghiên cứu dự án Solar Orbiter ở NASA, cho biết.
Nghiên cứu Mặt Trời có ý nghĩa thiết yếu giúp lập kế hoạch đối phó với những sự kiện thời tiết gây hại như phun trào nhật hoa (CME). Sự kiện này có thể phá hủy hệ thống GPS, mạng lưới điện, dẫn tới thiếu hụt lương thực và mất điện trên quy mô lục địa. Cơ quan Vũ trụ Anh cho biết thiệt hại có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để khắc phục. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách dự đoán CME.
Solar Orbiter mang theo 10 thiết bị, 6 trong số đó chuyên theo dõi bề mặt ngôi sao và 4 thiết bị còn lại đo môi trường xung quanh tàu với những hạt hạ nguyên tử, gió mặt trời và từ trường. Khi so sánh dữ liệu đo và ảnh chụp, các nhà khoa học có thể tìm hiểu những gì xảy ra trên bề mặt và xung quanh Mặt Trời cùng lúc, qua đó xác định điều gì làm phát sinh luồng tia plasma.
Theo kế hoạch, tàu Solar Orbiter sẽ bay sát Mặt Trời nhất ở khoảng cách 48 triệu km, gần hơn cả sao Thủy. Khoảng cách gần hơn sẽ khiến kính viễn vọng trên tàu bốc cháy. Khi tiến tới cuối nhiệm vụ, con tàu sẽ tận dụng lực hấp dẫn từ sao Kim để điều chỉnh quỹ đạo hình elip và bay qua vùng cực của Mặt Trời năm 2021. Đây sẽ là lần đầu tiên các nhà khoa học có cơ hội quan sát khu vực này và khám phá quá trình sản sinh từ trường của ngôi sao.
Nhóm kỹ sư Airbus thiết kế và chế tạo tàu vũ trụ để chống chọi với hơi nóng cực hạn từ Mặt Trời ở một mặt và nhiệt độ đông lạnh ở mặt còn lại chìm trong bóng tối vũ trụ. Tàu Solar Orbiter trang bị tấm chắn nhiệt titan phủ vật liệu đặc biệt mang tên “SolarBlack”, giúp các thiết bị duy trì hoạt động ở dưới 40 độ C.
Tối nay NASA công bố ảnh chụp gần nhất của Mặt Trời
Loạt ảnh cận cảnh Mặt Trời được tàu Solar Orbiter chụp khi bay cách bề mặt ngôi sao 75,6 triệu km được NASA công bố vào 19h tối nay (giờ Hà Nội).
Mô phỏng tàu Solar Orbiter bay gần Mặt Trời. Ảnh: NASA.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ chia sẻ những những bức ảnh chụp Mặt Trời ở khoảng cách gần nhất. Sau khi phóng vào vũ trụ ngày 9/2, tàu Solar Orbiter lần đầu tiên bay qua gần Mặt Trời vào giữa tháng 6, dù nhóm nghiên cứu phải đối mặt với nhiều trở ngại do Covid-19. Khi thực hiện chuyến bay, con tàu đã bật cả 10 thiết bị cùng lúc để chụp ảnh.
"Những bức ảnh đầu tiên vượt xa mong đợi của chúng tôi", Daniel Mller, nhà khoa học ESA làm việc trong dự án Solar Orbiter, chia sẻ. "Chúng tôi đã thấy nhiều manh mối của các hiện tượng rất thú vị chưa từng được quan sát chi tiết trước đây. 10 thiết bị trên tàu Solar Orbiter hoạt động rất trơn tru, cung cấp hình ảnh tổng thể của Mặt Trời và gió mặt trời. Điều này khiến chúng tôi tin tưởng Solar Orbiter sẽ giúp chúng tôi giải đáp những câu hỏi còn bỏ ngỏ về ngôi sao này".
Trong chuyến bay quanh quỹ đạo đầu tiên, tàu Solar Orbiter bay cách Mặt Trời 75,6 triệu km, bằng một nửa khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất. ESA cho biết con tàu sẽ còn bay gần Mặt Trời hơn nữa. Solar Orbiter đang chậm rãi điều chỉnh quỹ đạo. Vào cuối năm 2021, tàu sẽ bay cách bề mặt Mặt Trời 41,8 triệu km, gần hơn cả sao Thủy, để quan sát toàn bộ vùng cực của ngôi sao.
Các nhà khoa học hy vọng dự án có thể tìm ra đáp án cho một số câu hỏi lớn nhất về sự phát triển của hành tinh, quá trình xuất hiện sự sống, cơ chế hoạt động của hệ Mặt Trời và nguồn gốc vũ trụ. Trước đó, vào tháng 6/2020, NASA chia sẻ video time-lapse ghi hình Mặt Trời trong 10 năm dựa trên dữ liệu từ tàu Solar Dynamics Observatory (SDO). SDO đã thu thập 425 triệu bức ảnh độ phân giải cao của Mặt Trời, tương đương 20 triệu gigabyte dữ liệu, trong vòng một thập kỷ.
Ảnh chụp chớp gamma cách xa 10 tỷ năm ánh sáng Các nhà thiên văn học hôm 13/7 công bố phát hiện một vụ nổ tia gamma hiếm xảy ra trong thời kỳ đầu của vũ trụ. Chớp gamma SGRB181123B (vùng khoanh tròn) chụp bởi kính viễn vọng. Ảnh: Đại học Northwestern. Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Wen-fai Fong từ Đại học Northwestern của Mỹ dẫn đầu đã quan sát...