Nắng nóng và xâm nhập mặn ‘uy hiếp’ 700 ha lúa hè thu ở Nghi Lộc
Đến 15/6, có khoảng 700 ha trên tổng số 5.100 ha lúa hè thu của huyện Nghi Lộc bị uy hiếp bởi nắng nóng thiếu nước tưới và xâm nhập mặn.
Nắng nóng và thiếu nước tưới, khiến hơn 100 ha lúa hè thu xã Nghi Thuận bị khô nứt nẻ. Ảnh: Nguyễn Hải
Xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) là địa phương cuối nguồn nước tưới, nên chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt nắng nóng này. Ông Nguyễn Đình Phương, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Vụ hè thu năm nay, xã gieo cấy 310 ha lúa. Thế nhưng do nắng nóng và thiếu nguồn nước tưới nên gần như toàn bộ diện tích đã bị ảnh hưởng, trong đó hiện khoảng 100 ha đất lúa đã bị khô hạn, nứt nẻ; chỉ cần nắng từ 5-7 ngày nữa thì rất khó cứu vì mạ sẽ chết hoàn toàn.
Không chỉ Nghi Thuận mà các xã khác ở phía cuối hệ thống sông Cấm như Nghi Diên, Nghi Hoa, Nghi Hưng, thị trấn Quán Hành… do nắng nóng nên lúa bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Vụ hè thu năm nay, Nghi Lộc gieo cấy 5.100 ha trên kế hoạch 7.000 ha (diện tích còn lại làm lúa muộn). So với các năm trước, năm nay huyện xuống giống sớm hơn nên các trà 1 và trà 2 đang phát triển tốt. Tuy nhiên, do nắng nóng nên có 700 ha đã bị hạn và trên 200 ha đã bị khô nứt nẻ, có nguy cơ bị thiệt hại, mất trắng rất cao.
Do không có nước ngọt về nên hệ thống trạm bơm và kênh mương đều bị vô hiệu hóa. Ảnh: Nguyễn Hải
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, công tác phòng chống hạn và cứu lúa ở Nghi Lộc khó khăn không chỉ vì thiếu nước tưới mà thậm chí có vùng có nước nhưng cũng không thể tưới được. Nguyên nhân là do Nghi Lộc nằm cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Nam nên lượng nước ngọt từ thượng nguồn về gần như không có nên 65 trạm bơm tưới dọc sông Gai và sông Cấm bị vô hiệu hóa.
Không những thế, sông Cấm đã bị nước mặn xâm thực sâu nên không thể tưới. Theo kết quả quan trắc của Công ty Thủy nông Nam cảnh báo, nguồn nước sông Cấm đã bị nhiễm mặn xâm thực ngược lên 12 km, đến cầu Phương Tích (xã Nghi Phương,) nên các xã phía dưới không thể tổ chức bơm tưới.
Một Trạm bơm gần cầu N5 xã Nghi Thuận do mực nước giảm sâu và nước mặn xâm thực nên không thể bơm tưới. Ảnh: Nguyễn Hải
Video đang HOT
Thực tế tại xã Nghi Thuận cho thấy, xã có 5 trạm bơm công suất lớn nhưng 3 trạm đã bị treo vì thiếu nguồn nước còn 2 trạm bơm thì chỉ khi nào kiểm tra chắc chắn là nước ngọt về mới được bơm lên đồng.
Để cứu lúa hè thu, huyện Nghi Lộc chỉ đạo các xã vùng hồ đập như Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều… tưới tiết kiệm nước; các xã Nghi Yên, Nghi Hưng, Nghi Đồng, tiết kiệm nguồn nước còn lại từ các hồ đập, nạo vét bùn và khơi thông dòng chảy tại sông Gai để tưới giữ ẩm cho lúa. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết… nếu thiếu nước thì tạm dừng sản xuất lúa hè thu; tổ chức đắp quai tại cống qua đường N5 đoạn chảy qua xóm 11 xã Nghi Thuận để ngăn nước mặn chảy ngược lên.
Một máy bơm ở Nghi Thuận ở trong tình trạng “chập chờn” vì khi có kết quả quan trắc tỷ lệ nước ngọt đảm bảo mới dám bơm lên đồng. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngoài các xã vùng dưới thì các xã vùng trên cao cưỡng như Nghi Văn, Nghi Lâm và Nghi Kiều cũng đang căng mình chịu hạn. Ông Trần Văn Sao – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho hay: Nghi Văn cũng như các xã vùng hồ đập đang căng mình chống nắng hạn. Vụ này, xã chỉ đạo bà con gieo sạ 510 ha hè thu nên xã tiết kiệm được nước tưới.
Hiện nay, mức nước của các hồ đập trên địa bàn đã xuống và diện tích lúa của xã có khả năng chịu được 10 ngày nữa, nếu căng quá thì mới phải dùng bơm cơ động để tưới…
Đoạn sông Cấm chảy qua xã Nghi Thuận, do nước ngọt giảm sâu và nước mặn xâm thực nên dù chưa cạn kiệt nhưng không thể bơm tưới cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Phương án đắp quai ngăn nước mặn tại cống qua đường N5, xã Nghi Thuận là tối ưu nhất, chậm ngày nào thì nước mặn xâm thực lên nhiều thêm.
Đê quai tạm thời ngăn nước mặn tại cống qua cầu N5, xóm 11 xã Nghi Thuận. Dù bị người dân có ý kiến phản ứng nhưng đây là giải pháp cấp bách và tối ưu nhất. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài, lúa bị thiệt hại thì phải chấp nhận. Khi đó, huyện sẽ tính toán, trích ngân sách hỗ trợ bà con trồng cây khác khi mưa xuống. Về lâu dài, Nghi Lộc mong tỉnh đẩy nhanh Dự án xây dựng mới cống Nam Đàn để đưa vào vận hành cung cấp nguồn nước ngọt về sông Gai và sông Cấm, qua đó hệ thống bơm tưới sẽ phát huy được tác dụng, hiệu quả với cây lúa và sẽ khắc phục cơ bản hiện tượng nước mặn xâm thực diễn ra mỗi khi có nắng hạn hàng năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc
Theo Baonghean
Kiên Giang: Làm bể lót bạt nuôi tôm thẻ dày đặc, dân trúng lớn
Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao lót bạt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt phát triển trong 2 năm qua. Kết quả, trong số 20 mô hình đã triển khai thực hiện thì hơn 90% thành công, mở ra mô hình nuôi tôm mới cho nông dân, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp...
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Năm 2019, huyện An Minh đang triển khai mô hình này tại 15 hộ dân và tiếp tục đầu tư phát triển trong thời gian tới.
"Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/vụ/hồ 500 - 1.200 m, nuôi 2 - 3 vụ/năm. Mô hình hiệu quả, an toàn, bền vững hơn so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống trong ao đất.
Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi ở ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang).
Ông Suồi chia sẻ, gia đình ông đầu tư 5 hồ tròn nuôi tôm, mỗi hồ rộng 500 m. Giai đoạn 1, thả giống ngày 15/02/2019 vào hồ tròn lót bạt diện tích 100 m, che lưới lan 100%, mật độ 2.300 con/m2, thời gian ương vèo 14 ngày, tỷ lệ tôm sống trên 98%, với hơn 70 kg.
Tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2, thả con giống này trên các hồ tròn lót bạt, diện tích 500 m2/hồ, che lưới lan 50%, mật độ 450 con/m2. Quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thay nước định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, độ mặn, độ kiềm, pH, nhiệt độ, màu nước... Sau 55 ngày tuổi thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 80 con/kg, tỷ lệ sống trên 90%; năng suất 2,5 tấn/hồ; tổng thu 245 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất lợi nhuận gần 70 triệu đồng/hồ".
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Nông dân Nguyễn Văn Suồi cho biết thêm, so với trước đây, nuôi tôm quảng canh, sản xuất tôm - lúa thì nuôi theo mô hình này rất có lợi. Cụ thể là chủ động kiểm soát được con tôm về dịch bệnh, số lượng, tỉ lệ sống hay chết, sức khỏe tăng trọng của nó, xử lý môi trường, thay nước sạch...
Còn như nuôi quảng canh hay sản xuất tôm - lúa không kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và khi thu hoạch mới biết trúng mùa hay thất mùa. Nuôi tôm thẻ chân trắng lãi nhiều hơn so với nuôi quảng canh hay tôm - lúa, nhưng hạn chế rủi ro, an toàn, hiệu quả. Đó còn chưa kể, vụ nuôi tiếp sau, nông dân không phải đầu tư hồ nuôi mới nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận sẽ tăng cao hơn vụ trước.
Bước đầu triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh tìm hiểu, phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, tỉnh Bạc Liêu thực hiện.
Huyện An Minh phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Kỹ sư Võ Trường Chinh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh chia hay, năm 2018, Công ty Trúc Anh phối hợp với huyện An Minh mở 20 điểm nuôi tôm siêu thâm canh thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiệu quả rất khả quan, tỉ lệ thành công hơn 90%.
Cán bộ kỹ thuật công ty theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quy trình cũng như quá trình sản xuất từ khâu thiết kế đến thu hoạch để vừa kịp thời chủ động xử lý những tình huống xấu, bất lợi xảy ra đối với tôm nuôi, vừa tạo ra sản phẩm tôm sạch, năng suất, chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Huyện An Minh thuộc vùng sản xuất U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có điều kiện tự nhiên ven biển Tây thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm của huyện này phần lớn phát triển theo mô hình tôm - lúa, hàng năm năng suất, sản lượng tăng không nhiều, tiềm ẩn rủi ro cao, chưa thực sự an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh bày tỏ, thực hiện kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang trên địa bàn huyện An Minh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 100 ha trở lên năm 2020. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao, hồ lót bạt đã và đang thực hiện hiệu quả.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt hạn chế tác động xấu đối với môi trường, sự bùng phát dịch bệnh tại vùng nuôi, sản xuất bền vững, hiệu quả; chủ động quản lý chặt chẽ thức ăn, tỷ lệ sống của tôm, giảm rủi ro do dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ thành công, tăng số vụ nuôi 2 - 3 vụ/năm. Mô hình nuôi tôm này còn là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, nhân rộng quy trình cho người nuôi, nhất là các xã ven biển có lợi thế về nuôi tôm.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt còn nhiều những khó khăn, bất cập. Cụ thể là vốn đầu tư lớn, nông dân ngán ngại, tiềm lực kinh tế hạn chế, ngân hàng tham gia đầu tư chưa nhiều, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm...
Ông Lê Văn Khanh cho hay, tiếp tục đồng hành cùng nông dân, Phòng Nông nghiệp huyện An Minh tăng cường tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề, tư vấn để nông dân mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình sản xuất. Kiến nghị tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí đối ứng cùng với người dân; đề nghị các đơn vị có liên quan, ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi tôm; cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất...
Theo Lê Huy Hải (TTXVN)
Nghệ An: Nắng nóng, hồ đập trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ Nghệ An có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ còn 4 hồ chứa còn đầy nước, còn lại 82 hồ mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 40% lượng nước, trong đó có một số hồ đã cạn kiệt nguồn nước. Hồ chứa nước Nhà Hữu...