Nắng nóng cần cẩn trọng với 5 loại bệnh nguy hiểm
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, hoa mắt, chóng mặt.
Không những thế, nắng nóng còn là điều kiện để vi rút, vi khuẩn hoạt động cực mạnh, đe dọa rất lớn đến sức khỏe.
5 LOẠI BỆNH TĂNG CAO
Một số bệnh lý thường gặp khi thời tiết nắng nóng như: Hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, sỏi thận. Theo bác sĩ, khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể buộc phải thích nghi theo, chế độ ăn uống cũng thay đổi nên dễ mắc bệnh hơn. Nhiệt độ cũng làm cho thức ăn dễ bị hư hỏng nên với những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh thì khi ăn vào sẽ gây tăng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Thông tin từ Bác sĩ Chuyên khoa 2 Mai Huy Trúc, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, trong tháng 4-2024, bệnh viện tiếp nhận trên 60 ngàn lượt bệnh nhân đến khám bệnh và gần 6.700 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân điều trị nội trú có 559 bệnh nhân bị viêm phổi, chiếm tỷ lệ cao nhất trong 10 bệnh lý nhập viện nhiều trong tháng.
Tiêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu đầy đủ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp đối với trẻ nhỏ.
Về nguyên nhân bệnh viêm phổi tăng được Bác sĩ Cao Hồng Như, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang giải thích: Thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu. Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp gia tăng những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng cũng như vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, là cơ hội để bệnh đường hô hấp và một số bệnh khác bùng phát.
Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp cũng rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 – 38 độ C. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn mau hư hỏng và dễ bị hôi thiu hơn bình thường, nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Ngoài ra, khi nắng nóng, nhiều người sẽ tìm cách uống mọi loại nước nhằm thỏa cơn khát, do đó dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.
Video đang HOT
Bệnh lý về tim mạch cũng đáng quan tâm. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) làm các mạch máu co lại đột ngột, sẽ dẫn đến thiếu máu não, hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim.
Trời quá nóng còn khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu loát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.
Sỏi thận cũng là bệnh tiết niệu thường gặp trong thời tiết nắng nóng do các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ mất nước, làm tăng nồng độ khoáng chất trong nước tiểu, giúp sỏi có cơ hội hình thành cao hơn.
PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG
Bác sĩ Cao Hồng Như, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho rằng, cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước nhưng nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều trong một lần. Đem theo khăn mát để lau cơ thể phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài. Song song đó, nên ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản; ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Đối với trẻ em, phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chơi đùa; ăn uống hợp vệ sinh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.
Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp. Đối với mọi người, khi sử dụng máy lạnh, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27 – 28 độ C.
Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ, như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, thì rửa mặt bằng nước, hoặc lau bằng khăn ướt, rồi hãy từ từ bước vào phòng máy lạnh. Ngược lại, không nên đột ngột ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp. Trước khi ra ngoài trời, cần để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy.
Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp, đối với trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu đầy đủ. Người lớn nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mỗi năm 1 lần.
TP.HCM: Nắng nóng kéo dài, người cao tuổi và trẻ nhỏ đổ bệnh tăng cao
Những ngày qua, thời tiết tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài, số lượng người cao tuổi và trẻ nhỏ đến khám bệnh đang có xu hướng tăng lên.
Chật kín giường bệnh
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS CKII Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua tại khu vực phía Nam là nguyên nhân khiến cho số lượng trẻ đến khám tăng cao.
Theo thống kê, thời điểm này, các bệnh nhi đến khám do nắng nóng tăng so với những ngày sau Tết khoảng 15%. Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 trẻ nhỏ đến khám, ngày cao điểm con số này lên đến 4.200 bệnh nhi.
Các nhóm bệnh thường gặp ở trẻ liên quan đến thời tiết nắng nóng là bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột), bệnh về đường hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới), sốt phát ban, bệnh về da. Đặc biệt cũng có các trường hợp trẻ bị say nắng, say nóng.
"Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi và vi nấm phát triển. Vì vậy, trẻ nhỏ dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công gây ra các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ cao khiến cho thực phẩm dễ bị ôi thiu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về tiêu hóa trong thời tiết nắng nóng như hiện nay", bác sĩ Hải chia sẻ.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, số lượng người cao tuổi và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao.
Ghi nhận tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Thống Nhất, những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như thời điểm trước Tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 người bệnh thì hiện nay, số ca bệnh đã tăng lên khoảng 2.500 người. Đặc biệt, do thời tiết nắng nóng, số lượng người cao tuổi đến khám bệnh cũng có xu hướng tăng lên.
Thời tiết năm nay được đánh giá khắc nghiệt hơn so với mọi năm. BS CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất cho biết, khoa có 50 giường bệnh nhưng hiện đã có 60 bệnh nhân. Người bệnh nằm chật kín giường nên khoa còn phải thêm băng ca ở hành lang.
Lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng
Theo bác sĩ Hoàng, đa số các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng đều là người lớn tuổi với nhiều bệnh nền. Có những bệnh nhân có đến 5 bệnh lý kèm theo nên việc điều trị khá khó khăn. Đặc biệt, vào đợt cao điểm nắng nóng sắp tới, bệnh nhân nhập viện sẽ nhiều hơn và có nguy cơ quá tải. Vì vậy, khoa cũng chuẩn bị những kịch bản ứng phó.
"Bệnh viện Thống Nhất đã có kế hoạch tăng cường quản lý các mặt bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh mạn tính, nếu cần thiết hay nhận thấy triệu chứng bệnh tiến triển nặng, các bác sĩ sẽ cho người bệnh nhập viện điều trị sớm", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Các bác sĩ nhận định, số bệnh nhân nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng nếu người dân chủ quan.
Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là điều trị dự phòng đối với người cao tuổi. Theo đó, người dân nên quan tâm đến sức khỏe của những người lớn tuổi trong gia đình. Người có bệnh lý nền phải tuân thủ điều trị, tái khám và uống thuốc đầy đủ.
Trước thực trạng nắng nóng kéo dài và dự báo có thể bùng phát diện rộng với cường độ mạnh hơn những năm trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân nên uống đủ nước, hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, nhất là thời điểm từ 10 - 16 giờ. Trường hợp cần thiết phải ra ngoài, mọi người nên đeo khẩu trang; mặc quần áo dài tay, thoáng mát để duy trì thân nhiệt ổn định.
Khi làm việc ngoài trời nắng, người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Nếu có thể, mọi người nên chọn làm việc trong môi trường ít nắng (buổi sáng, buổi chiều), chủ động làm việc trong bóng râm, nơi có mái che, có hệ thống điều hòa, quạt thông gió... để hạ nhiệt. Sau khi làm việc khoảng hơn một tiếng đồng hồ, người dân nên nghỉ ngơi, có thời gian cho cơ thể thích nghi với nhiệt độ khi thay đổi môi trường.
Hàng nghìn người ở TP.HCM đi tiêm vaccine dại Chỉ 2 tháng sau Tết 2024, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã ghi nhận số trường hợp đến tiêm phòng dại tăng vọt so với năm ngoái. Nhiều người chờ tiêm phòng dại tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Duy Hiệu. Chỉ 2 tháng sau Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận tới 5.300 lượt tiêm...