Nắng nóng – Bệnh nhân nhập viện tăng mạnh
Thời tiết nắng nóng như chảo lửa những ngày qua tại Bắc Bộ và Trung Bộ đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi và trẻ em. Ghi nhận từ các bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng mạnh.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân lớn tuổi điều trị các bệnh liên quan tới nhiệt độ cao.
4.000 trẻ em tới khám ngày cao điểm
Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng đáng kể. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Khoa Cấp cứu A9 mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 20 – 30 bệnh nhân vào viện điều trị các chứng bệnh liên quan tới nắng nóng như sốc nhiệt, say nắng, hay các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Đặc biệt, đã có một bệnh nhân bị tổn thương não nặng do làm việc liên tục trong thời tiết nắng nóng. Được biết bệnh nhân là nam, 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, hôn mê, da khô, không tiếp xúc được. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não. Mặc dù được cứu sống nhưng bệnh nhân chịu tổn thương não nghiêm trọng.
Ngoài bệnh nhân trên, Khoa Cấp cứu A9- BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nam 62 tuổi có tiền sử cao huyết áp bị đột quỵ ngay trong đêm. Khi nhập viện, bệnh nhân đã liệt nửa người và rơi vào tình trạng hôn mê.
Tại BV Lão khoa Trung ương, trong thời điểm nắng nóng hiện nay, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị đã tăng 150% so với bình thường. Mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận trung bình 30 – 40 bệnh nhân, trong đó có không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch như tai biến mạch máu não, viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy…
Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Hà Nội những ngày gần đây cũng phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng đột biến vào thăm khám. Đặc biệt, các bệnh liên quan tới nhiệt độ có xu hướng tăng, như đường huyết tăng, cao huyết áp, suy tim. Các bác sĩ tại bệnh viện này cho biết thời tiết cực đoan sẽ tác động xấu đến sức khỏe người già.
Ngoài người già, trẻ em cũng nằm trong nhóm dễ bị tổn thương bởi thời tiết nắng nóng. Đại diện Phòng khám BV Nhi trung ương cho hay mỗi ngày BV phải tiếp nhận 2.500 – 3.500 trẻ đến thăm khám. Có thời điểm quá tải, phải tiếp nhận 4.000 trẻ đến khám mỗi ngày.
Tại Trung tâm các bệnh lâm sàng nhiệt đới trẻ em, BV Nhi trung ương cũng đã có thêm các trường hợp viêm não các thể nhập viện trong khoảng thời gian gần đây. Đáng chú ý trong số này là bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Được biết, viêm não Nhật Bản hay gặp ở trẻ từ 15 tuổi trở xuống.
Chủ động phòng chống
Video đang HOT
Cùng với việc sốc nhiệt, những hệ lụy từ nắng nóng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới da và mắt. Trưởng phòng công tác xã hội BV Da liễu trung ương Đặng Bích Diệp cho hay, những ngày nắng nóng này số người đến khám và điều trị các bệnh về da tại bệnh viện tăng 15-20%.
BS Lê Mạnh Đức, Phó Giám đốc BV Bưu điện kiêm Trưởng Khoa Mắt của bệnh viện cho biết, trong những ngày nắng nóng, vấn đề người dân hay gặp phải nhất đó là chứng khô mắt. Điều này xảy ra là do nền nhiệt cao khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh.
Đặc biệt, ở đối tượng dân văn phòng làm việc nhiều với máy tính và thường xuyên trong phòng máy lạnh thì vấn đề khô mắt rất phổ biến. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 95% dân văn phòng ở Việt Nam mắc chứng khô mắt. Tình trạng này nếu cứ để kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng mắt.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng đã tạo ra nhiều yếu tố nguy cơ làm bệnh lý nền mà người dân đang mắc trở nên bất ổn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng không phải yếu tố trực tiếp gây bệnh mà chỉ là yếu tố gián tiếp khiến bệnh nền của nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái không ổn định.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, Bộ Y tế vừa yêu cầu về việc đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện/Viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và triển khai xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các quận, huyện, xã, các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, quản lý tốt các nguồn bệnh lây nhiễm; xử lý rác thải, chú trọng phòng chống dịch bệnh tả, lỵ, sốt xuất huyết, chân tay miệng…Rà soát, bổ sung nguồn thuốc, dịch truyền, vật tư y tế dự trữ phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết trong mùa nắng nóng.
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng, người dân nên giảm thời gian tham gia giao thông, làm việc ngoài trời trong khung giờ 12 – 16h. Người cao tuổi, mắc bệnh tim mạch, huyết áp… không di chuyển đột ngột từ nơi có điều hòa không khí ra ngoài trời và ngược lại.
Trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, mỗi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa,… Khi từ nơi nắng nóng nhiệt độ cao về nhà không nên tắm ngay bằng nước lạnh mà nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp.
Trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai: 4 nhóm người dễ bị say nắng, ảnh hưởng nặng nhất do nắng nóng
Thời gian vừa qua, tại Khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho một số bệnh nhân liên quan trực tiếp đến thời tiết nắng nóng như say nắng, sốc nhiệt.
Phù não vì say nắng
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mới đây, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam, trên 40 tuổi đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng.
Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu A9 thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Bệnh nhân được bóp bóng qua mask, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá.
Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể.
PGS Chi cho biết dù bệnh nhân được cứu sống tuy nhiên sẽ không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.
Bác sĩ khoa Cấp cứu đang thăm khám cho một bệnh nhân đột quỵ vào viện trong tình trạng rối lọan ý thức, liệt nửa người bên phải
Bình thường, cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C.
Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào cho nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết để giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể,...
Nhiệt độ tăng lên 41 độ C ngoài trời thì những người làm việc trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận. Đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.
Theo PGS Chi, nắng nóng như vừa qua có 4 nhóm người ảnh hưởng nặng nề nhất:
Thứ nhất, nhóm đối tượng bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, người công nhân lò cao, người tham gia giao thông đi xe đạp, xe máy trên đường trong thời gian dài, người công nhân xây dựng,...
Thứ hai, nhóm đối tượng có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính,....khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý người bệnh đang mắc có thể dẫn tới những biến chứng không thể lường trước được;
Thứ ba, các cháu nhỏ chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng thì sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng.
Thứ tư, người già, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém nên dễ bị thiếu nước,...
Biểu hiện của say nắng
Biểu hiện của say nắng đó là người bệnh thấy mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu,...
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi (bên trái) đang thăm khám và hội chẩn tại giường cho một bệnh nhân nặng điều trị tại Khoa Cấp cứu A9
PGS Chi nhấn mạnh, khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng, việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân.
Các bước sơ cứu cơ bản đó là nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân.
Nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch, có thể cho dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân.
Để phòng say nắng, bác sĩ khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ cao như trên nên tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa...
Ung thư phổi di căn, người đàn ông Hà Nội vẫn sống tốt sau 6 năm Thấy ho ra máu tươi, ông Việt đi khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn hạch nhiều nơi. PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai chia sẻ, khi mắc ung thư, rất nhiều người coi đây là "án tử", nhưng nhiều năm trở...