Nâng ngực, hút mỡ chết người như chơi
Một chuyên gia phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ có tiếng tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) khẳng định, tất cả các thủ thuật động tới dao kéo thẩm mỹ, cho dù được quảng cáo là an toàn thế nào, vẫn đều ẩn chứa những rủi ro nhất định.
Vụ việc chị Lê Thị Thanh Huyền sau khi hút mỡ, nâng ngực tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, Hà Nội gặp biến chứng và tử vong đang khiến nhiều chị em xôn xao, lo ngại về phương pháp cải thiện vòng 1 vốn được các chuyên gia tư vấn là an toàn, ít phản ứng phụ nhất trong các liệu trình thẩm mỹ từ trước tới nay.
Nâng ngực dễ gặp biến chứng chết người.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm là người trực tiếp tiến hành gây mê cho chị Huyền. Ông đã hút 11 ống mỡ ở vùng bụng và bơm số mỡ này vào ngực. Sau 6 tiếng thực hiện, quá trình hút mỡ, nâng ngực của chị Huyền cơ bản hoàn thành nên chị được đưa ra ngoài phòng nghỉ. Nhưng 30 phút sau, chị Huyền bỗng có hiện tượng sùi bọt mép, chóng mặt và được bác sĩ tiêm cấp cứu và trở lại trạng thái bình thường.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ngay khi bác sĩ rời khỏi viện thẩm mỹ không lâu, chị Huyền lại tiếp tục bị tím tái, sùi bọt mép. Lúc bác sĩ quay trở lại truyền dịch, chống sốc, chị Huyền đã chết lâm sàng và tử vong.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ có tiếng tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) khẳng định, tất cả các thủ thuật động tới dao kéo thẩm mỹ, cho dù được quảng cáo là an toàn thế nào, vẫn đều ẩn chứa những rủi ro nhất định, những biến chứng dị thường và bất ngờ mà thậm chí cả những chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu cũng khó lường hết.
Hút mỡ không đúng quy trình sẽ làm tắc mạch máu đẩy lên phổi và gây tắc phổi.
Trong trường hợp của chị Huyền, theo chuyên gia từ Bệnh viện 108 (Hà Nội), nguyên nhân tử vong có thể là do tắc động mạch phổi. Khi mỡ hút ra không đúng quy trình sẽ dễ làm tắc mạch máu, đẩy lên phổi và gây tắc phổi thì khó có thể cứu được. Dù biến chứng này là rất hiếm nhưng vẫn xảy ra và có diễn biến rất nhanh, dẫn tới đột tử. Ngay tại các bệnh viện lớn, kỹ thuật hiện đại, triệu chứng này cũng rất khó cứu bởi tắc động mạch phổi sẽ dẫn đến phản xạ là tim ngừng đập.
Thân hình chuẩn khiến nhiều chị em ao ước và quyết tâm “lên đời” bằng việc phẫu thuật thẩm mỹ.
Thực tế, theo bác sĩ, thủ thuật hút mỡ tự thân và nâng ngực ẩn chứa nhiều rủi ro và đòi hỏi người phẫu thuật phải có tay nghề rất cao. Trong số các biến chứng, điển hình có 4 trường hợp sau:
1. Bác sĩ lấy mỡ không đúng kỹ thuật gây tắc mạch máu hay tổn thương phân tử mỡ. Làm sai quy trình, lượng mỡ cấy vào da có thể tan sớm, gây hoại tử, méo mó vùng da. Thông thường, một người khỏe mạnh chỉ có thể hút tối đa 300 ml mỡ một lúc ở tất cả vùng bụng, đùi, mông… Với những người gầy, lượng mỡ này chỉ cho phép ở mức 80 ml.
2. Việc cấy ghép mỡ tự thân phải được bác sĩ thực hiện nhiều lần, mỗi lần không quá 100 ml mỡ. Nếu bác sĩ lấy lượng mỡ quá nhiều và bơm vào quá dư lượng, mỡ sẽ không kịp thẩm thấu, làm tắc mạch máu, gây biến chứng khó lường.
3. Khi gây tê cho bệnh nhân, nếu bác sĩ phẫu thuật không thử thuốc trước dễ bị sốc phản vệ. Như trường hợp của chị Huyền, không được cấp hồi sức cấp cứu kịp thời nên nguy cơ tử vong là điều khó tránh.
Ngoài ra, nguy hiểm nhất trong cả quy trình thực hiện là quá trình gây mê bởi người bệnh khi đó không đau nhưng có thể bị ảnh hưởng hô hấp bất cứ lúc nào. Khi thực hiện gây mê, bác sĩ cần phải kiểm tra kỹ các thông số về mạch, huyết áp, nhịp thở, lượng oxy trong máu… để kịp thời kiểm soát khi có biến chứng.
4. Kiểm tra sức khỏe tổng thể trước phẫu thuật không kỹ, bệnh nhân là người có hiện tượng máu khó đông. Tại các phòng khám tư, quá trình kiểm tra hiện tượng máu khó đông thường bị bỏ qua, trong khi đó người bệnh ít có thói quen trình bày bệnh sử cho bác sĩ biết. Khi phẫu thuật, lượng máu mất quá nhiều, không cầm được máu thì nguy cơ tử vong cũng rất lớn.
Theo Xzone