Năng lực chiến tranh mạng Triều Tiên mạnh thứ 3 thế giới
Hôm nay, một chuyên gia Hàn Quốc cho rằng cho biết năng lực chiến tranh mạng của Triều Tiên mạnh thứ ba thế giới và chỉ đứng sau Nga và Hoa Kỳ.
Một binh sĩ Triều Tiên dùng máy vi tính tại một thư viện ở Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại hội thảo an ninh thông tin của Tư lệnh an ninh quốc phòng diễn ra tại Seoul, giáo sư Lee Dong-hoon từ Đại học an ninh thông tin Hàn Quốc còn cho biết chính đơn vị chiến tranh mạng điện tử của Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ gây nhiễu tín hiệu GPS (tín hiệu định vị) ở Hàn Quốc vừa qua.
Video đang HOT
Từ ngày 28/4 đến 13/5, các tín hiệu GPS đã bị nhiễu gây khó khăn cho công tác kiểm soát giao thông hàng không và đường biển.
Theo giáo sư Lee, Tổng cục do thám Triều Tiên có trách nhiệm gây nhiễu tín hiệu GPS của Hàn Quốc.
Tổng cục do thám Triều Tiên được thành lập năm 2009 bằng cách hợp nhất 3 tổ chức có cùng nhiệm vụ hoạt động gián điệp và phá hoại tại Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Giáo sư Lee cũng cho rằng tổng cục này có nhiều đơn vị riêng biệt có đơn vị chuyên thực hiện các cuộc tấn công mạng vào quân đội, đơn vị chuyên chiến tranh tâm lý trên mạng nhắm đến xã hội nói chung và đơn vị chuyên tấn công (hack) các tổ chức của Hàn Quốc.
“Triều Tiên đã chuẩn bị cho chiến tranh trên mạng từ cuối những năm 1980 và hiện đang mạnh thứ ba về chiến tranh mạng chỉ sau Nga và Hoa Kỳ”, ông Lee nói, “Triều Tiên đào tạo nguồn nhân lực về chiến tranh mạng để đạt các mục tiêu quân sự và hiện có khả năng tiến hành nhiều hình thức tấn công mạng khác nhau trong đó có từ chối dịch vụ và tấn công (hack)”.
Ông cũng nói thểm rằng cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán, hay còn gọi là DDoS, được thực hiện vào năm 2009 bị nghi là do Đại học Công nghệ máy tính Bình Nhưỡng thực hiện.
Vào tháng 7 năm 2009, 26 trang web của Hàn Quốc và các tổ chức nước ngoài đã bị tấn công từ chối dịch vụ phân tán. Trong số 26 trang web đó có trang web của Văn phòng tổng thống (nhà Xanh), Quốc hội, Bộ quốc phòng, Ngân hàng Shinhan và Ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc.
Về phía quân đội Hàn Quốc, giáo sư Lee cho rằng có nhiều việc phải làm để chuẩn bị đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Ngược lại với Triều Tiên, quân đội của chúng ta chỉ tuyển vài cá nhân có bằng về viễn thông để phục vụ cho an ninh quốc phòng trên mạng mà không hề có các chuyên gia”, giáo sư Lee nhận xét.
Ông kiến nghị: “Cần phải thành lập một chi nhánh chuyên về quốc phòng trên mạng để thực hiện một cách có hệ thống các nhiệm vụ tấn công mạng và các nhiệm vụ quốc phòng có liên quan đồng thời phải xây dựng cơ sở đào tạo về chiến tranh mạng và “thao trường” diễn tập chiến tranh mạng”.
Trung tướng Bae Deag-sig, lãnh đạo Tư lệnh an ninh quốc phòng, cũng bày tỏ lo ngại về năng lực chiến tranh mạng của Triều Tiên.
“Triều Tiên đang tìm cách sử dụng các tin tặc để xâm nhập vào hệ thống thông tin của quân đội chúng ta, ăn cắp các bí mật quân sự và vô hiệu hóa hệ thống thông tin quốc phòng”, ông Bae nói.
“Triều Tiên đang hiện đại hóa các chính sách và hệ thống bảo vệ thông tin nhằm tăng cường khả năng đáp trả của mình”, ông Bae cảnh báo.
Theo Infonet