Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Tiến rất gần đến thị trường mới nổi
Năm nay, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE Russell xếp trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Theo giới phân tích, đây là động thái tích cực cho thấy những nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) của cơ quan quản lý đã được ghi nhận và việc nâng hạng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhiều cơ hội để nâng hạng
Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Đức Hùng Linh chỉ rõ, vận động của TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 20% tổng tài sản trên thị trường và khoảng 14% giá trị giao dịch. Do đó, giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng lớn tới giao dịch cũng như tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Trong bối cảnh đó, việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một khối lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư thụ động, đặc biệt khi hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới. Dòng vốn mới ước tính có giá trị khoảng 1 tỷ USD có thể là lực đẩy mới đối với TTCK Việt Nam. Mặt khác, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển về chất và tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết.
Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một khối lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư thụ động, đặc biệt khi hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới. Dòng vốn mới ước tính có giá trị khoảng 1 tỷ USD có thể là lực đẩy mới đối với TTCK Việt Nam.
Cũng theo ông Hùng Linh, Việt Nam đang “tiến rất gần tới nhóm thị trường mới nổi thứ cấp”. Theo đó, “xét về quy mô thị trường cũng như quy mô giao dịch, Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia trong nhóm thị trường mới nổi. Trong các tiêu chí yêu cầu, Việt Nam chỉ vướng một tiêu chí về thanh toán chứng khoán. Chúng tôi cho rằng khi đạt tiêu chí này, Việt Nam có nhiều cơ hội được nâng hạng”, ông Hùng Linh tin tưởng.
Video đang HOT
Trên thực tế, hồi cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE Russell đã công bố danh sách xếp hạng các thị trường chứng khoán, trong đó tiếp tục xếp Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Điều này cho thấy FTSE Russell ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện và phát triển thị trường vốn cũng như những phản hồi có tính xây dựng của Việt Nam với tổ chức này trong suốt một năm qua.
CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam Phan Linh tỏ rõ sự lạc quan khi cho rằng, theo đánh giá của FTSE Russell, hiện Việt Nam đã đạt được 7/9 tiêu chí. Như vậy, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt yêu cầu về hoạt động bảo đảm khả năng thanh toán vì vẫn chưa có cơ chế kiểm tra trước giờ giao dịch; tiêu chí “bù trừ và thanh toán – T 2/T 3″ vẫn ở mức hạn chế do thông lệ thị trường trong việc tiến hành kiểm tra trước giao dịch.
Tuy nhiên, ông Phan Linh nhấn mạnh, TTCK đã đạt về rất nhiều tiêu chí khác như sự cạnh tranh về môi giới, tính thanh khoản, cơ quan quản lý chủ động giám sát… Điều này thể hiện sự chủ động và nỗ lực phát triển thị trường của cơ quan quản lý Việt Nam trong một năm qua. Do vậy, dù chưa chính thức được nâng hạng song khả năng này sẽ không còn lâu nữa.
“Thông thường, các thị trường sẽ mất từ 2 – 3 năm ở trong danh sách xem xét trước khi được FTSE Russel chính thức nâng hạng. Chúng ta mới được tổ chức này đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ tháng 9 năm ngoái, hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí thì khả năng nâng hạng vào tháng 9 năm tới rất cao”, ông Phan Linh nhận định.
Gỡ vướng mắc về hạ tầng
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, vẫn còn nhiều thách thức để nâng hạng thị trường. Cụ thể, dù môi trường đầu tư hiện nay đang rất mở nhưng trong thời kỳ chuyển giao từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp, công tác quản lý chưa thật sự chặt chẽ. Việt Nam vẫn chưa theo chuẩn kế toán quốc tế khiến nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý e ngại, sợ rủi ro khi vào Việt Nam.
Do đó, để nâng hạng thị trường, tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư, giới phân tích cho rằng, trước tiên, Việt Nam cần phải khắc phục vướng mắc về hạ tầng bởi đây là thay đổi mà FTSE Russell kỳ vọng ở Việt Nam và sẽ tác động tích cực tới kết quả nâng hạng.
“Hiện nay Việt Nam vẫn là thị trường tiền mặt, nghĩa là phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding). Theo FTSE Russell, Việt Nam cần theo thông lệ quốc tế là thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền (Delivery vs Payment – DvP), tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T 2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T 0. Nếu thay đổi được điểm này, TTCK Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Còn theo ông Phan Linh, mặc dù Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã rất nỗ lực nhưng chúng ta vẫn có những hạn chế nhất định về khả năng giao dịch, thanh toán bù trừ, thủ tục mở tài khoản mới và cơ chế thuận tiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong giao dịch các cổ phiếu hết “room”… Do vậy, thời gian tới cần làm chặt việc minh bạch trong công bố thông tin.
Thêm nữa, cần xem xét mở rộng các sản phẩm mới của thị trường Việt Nam (không còn mới với các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản…) như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm… để tạo sân chơi rộng hơn cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp của thị trường.
“Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo Đề án Nâng hạng TTCK Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường mà Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra. Đây là điều cần thiết để rút ngắn khoảng cách giữa thị trường chứng khoán nước ta và các nước phát triểni”, ông Linh nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải bổ sung, để sớm nâng hạng thị trường, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cần bảo đảm công tác thực thi nghiêm túc. Trong đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát cần được đẩy mạnh để “quét” những cổ phiếu “làm giá” khỏi thị trường; xử lý triệt để tình trạng gian lận báo cáo tài chính, bán chui cổ phiếu… “Chỉ khi có thị trường đúng nghĩa, việc nâng hạng sẽ là tất yếu”.
Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn
Nút thắt duy nhất khiến Việt Nam chưa được nâng hạng
Việt Nam đạt 8/9 tiêu chí đạt tiêu chuẩn, chỉ còn tiêu chí duy nhất là về thanh toán chỉ ở mức hạn chế do trừ tiền luôn khi mua cổ phiếu. Các công ty chứng khoán hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán/cho vay/xác nhận với nhà đầu tư tổ chức.
Sáng nay, đơn vị cung cấp chỉ số FTSE Russell công bố kết quả phân hạng thị trường kỳ tháng 9. Việt Nam đạt 8/9 tiêu chí đạt tiêu chuẩn mà FTSE Russell đưa ra. Tiêu chí duy nhất không đạt là về thanh toán (Clearing & Settlement) T 2/T 3 chỉ ở mức hạn chế (Restricted).
FTSE Russell đánh giá sự hợp tác của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và ghi nhận sự nỗ lực để phát triển và nâng cao thị trường vốn. Cơ quan xây dựng chỉ số này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sự cam kết này.
Đánh giá của FTSE Russell về Việt Nam trong kỳ review tháng 9/2019 (màu xanh hoặc trắng là đạt, các tiêu chí cần đạt được đánh dấu X bên cạnh). Nguồn: FTSE Russell
Lý do là vì Việt Nam vẫn là thị trường tiền mặt, nghĩa là phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding). Theo FTSE Russell, Việt Nam cần theo thông lệ quốc tế là thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền (Delivery vs Payment - DvP), tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T 2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T 0.
Đây là điểm yếu của Việt Nam kể từ khi được vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2018 nhưng hiện có thể giải quyết.
Theo điều 7.2 thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, "Ngoại trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua khi đã ký quỹ đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký và mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán, nhà đầu tư được đặt lệnh mua và công ty chứng khoán được thực hiện lệnh mua khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư".
Như vậy, có thể hiểu đối với nhà đầu tư tổ chức (có tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký), thì chỉ cần có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký là có thể giao dịch, không cần phải có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Điều này đã được đề cập nhiều lần trong các buổi làm việc với FTSE Russell, cũng như khi lấy ý kiến thành viên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay vẫn áp dụng một cách "cứng nhắc" quy định này, nghĩa là vẫn kiểm tra tiền trên tài khoản và không có hướng dẫn cụ thể về việc bảo lãnh thanh toán/hay xác nhận của ngân hàng lưu ký. Điều này cần được các cơ quan quản lý xem xét để có các hướng dẫn phù hợp với Thông tư 203 để các thành viên thị trường có thể thực hiện điều 7.2 trong thực tế.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán/cho vay/xác nhận với nhà đầu tư tổ chức (dịch vụ có thu phí) nếu được Ủy ban chứng khoán cho phép. Điều này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam đạt được tiêu chí cuối cùng để có thể được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ xét hạng tiếp theo vào tháng 9/2020.
Theo Phạm Lưu Hưng
Người đồng hành
Chứng khoán ngày 2/12: Lao dốc vì Vinamilk "bốc hơi" 5.440 tỷ đồng Thị trường chứng khoán ngày 2/12/2019: VN-Index cắm đầu đi xuống do áp lực lớn nhất từ Vinamilk khi CP này "bốc hơi" tới 5.440 đồng. Chỉ số VN-Index lao dốc giảm hơn 11 điểm sau phiên giao dịch ngày 2/12/2019. Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12/2019, chỉ số sàn HOSE nhích nhẹ lên trên tham chiếu trong nhưng...