Nâng chuẩn công ty đại chúng từ năm 2021
Từ năm 2021, tiêu chuẩn công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán mới được nâng lên, nhưng công ty chỉ phải thực hiện nghĩa vụ sau khi được xác nhận tư cách công ty đại chúng.
Nâng chuẩn để cải thiện chất lượng hàng hóa
Luật Chứng khoán 2006 quy định, công ty đại chúng là doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: (1) đã chào bán cổ phiếu ra công chúng (2) có cổ phiếu được niêm yết (3) có ít nhất 100 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.
Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã “nâng chuẩn” công ty đại chúng, theo đó, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc 1 trong 2 trường hợp: (1) có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ, (2) đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Luật mới nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông có tối thiểu 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Theo ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI, quy định này nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty. Đây là nền tảng ban đầu để cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Quy định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được điểm yếu của các tiêu chí hiện tại. Theo đó, nền kinh tế có cả nghìn công ty đại chúng, nhưng nhiều trong số đó có quy mô nhỏ, không đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán và các nghĩa vụ khác theo quy định.
Theo thống kê của Ban soạn thảo Luật Chứng khoán 2019, ở thời điểm làm luật, trong số 1.940 công ty đại chúng, có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, 69,03% có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, chỉ có khoảng 19%, tương ứng với 367 công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ mới.
Với quy định mới, một bộ phận công ty cổ phần sẽ bị loại khỏi danh sách công ty đại chúng kể từ năm 2021.
Theo đó, khối doanh nghiệp này sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ về quản trị, công bố thông tin mà các công ty đại chúng phải tuân thủ.
Để giải quyết các trường hợp công ty cổ phần đã niêm yết nhưng không còn đáp ứng được tiêu chuẩn của công ty đại chúng, Luật mới đưa ra điều khoản chuyển tiếp.
Video đang HOT
Theo đó, các công ty đã niêm yết, đăng ký giao dịch đáp ứng điều kiện công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán 2006 thì vẫn tiếp tục niêm yết, đăng ký giao dịch, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông có quyết định khác.
Các công ty chưa niêm yết, đăng ký giao dịch mà không đáp ứng tiêu chuẩn theo Luật Chứng khoán mới thì bị hủy tư cách công ty đại chúng.
Với điều khoản chuyển tiếp này, số công ty đại chúng sẽ phải hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng được tiêu chí về quy mô theo Luật Chứng khoán mới sẽ không nhiều.
Một số công ty quy mô nhỏ quan tâm đến vấn đề hủy tư cách công ty đại chúng. Theo quy định tại Luật Chứng khoán mới, khi công ty không còn đảm bảo những điều kiện để được công nhận là công ty đại chúng nữa, công ty phải làm thủ tục thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau 1 năm kể từ ngày không còn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1, Điều 32, của Luật Chứng khoán mà công ty vẫn không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hủy tư cách công ty đại chúng.
Trong thời gian đó, công ty vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến khi có thông báo hủy tư cách công ty đại chúng.
Khi nào phát sinh nghĩa vụ công ty đại chúng?
Điểm thay đổi đáng kể trong luật mới là ở thời điểm phát sinh nghĩa vụ công ty đại chúng. Theo quy định hiện hành, nghĩa vụ công ty đại chúng phát sinh ngay tại thời điểm công ty cổ phần đáp ứng điều kiện công ty đại chúng.
Tuy nhiên, đối với công ty trở thành công ty đại chúng do chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông, mà chưa từng thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng thì phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chỉ sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng thì công ty mới phát sinh nghĩa vụ của công ty đại chúng, bao gồm công bố thông tin, tuân thủ quy định về quản trị công ty và đăng ký lưu ký cổ phiếu tập trung (Điều 34, Luật Chứng khoán 2019).
Tham khảo góc nhìn của một số nhà đầu tư cho thấy, họ có những băn khoăn về điều khoản của Luật. Cụ thể, trường hợp công ty (đủ tiêu chuẩn) đại chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được xác nhận hoàn thành việc đăng ký công ty đại chúng thì nghĩa vụ công ty đại chúng chưa phát sinh.
Nếu doanh nghiệp cứ chây ì như vậy thì cổ đông nhỏ lẻ sẽ rất khó tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp. Chế tài cho việc này chỉ là doanh nghiệp có thể phải chịu khoản phạt hành chính về việc vi phạm nghĩa vụ đăng ký, nhưng sẽ không bị phạt về việc vi phạm nghĩa vụ công ty đại chúng như hiện nay.
Trong khi đó, cổ đông nhỏ không thể tham gia hội đồng quản trị chủ yếu trông chờ sự minh bạch thông qua việc tuân thủ các nghĩa vụ công ty đại chúng.
Theo ông Nguyễn Kim Long, một điểm quan trọng khác đối với công ty đại chúng theo luật mới là phải “đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.
Sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống giao dịch này, công ty đại chúng có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng các điều kiện niêm yết chứng khoán”.
“Nhiều khách hàng của SSI là các công ty đại chúng đang có dự kiến niêm yết trong năm 2021 quan tâm về quy định thời hạn 2 năm giao dịch bắt buộc trên UPCoM tại Luật Chứng khoán”, ông Long chia sẻ. Theo đó, quy định này cần phải hướng dẫn cụ thể hơn.
Có vốn ngoại trên 50%, công ty đại chúng đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài
Một trong những điểm được các thành viên thị trường quan tâm là quy định về hoạt động của các công ty đại chúng mà có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đa số sau khi mở “room”. Khoản 1, Điều 143 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán có quy định: “Công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán (ngoại trừ quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục) áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm dương lịch”.
Theo dự thảo Nghị định, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thống kê và công bố hàng năm các công ty đại chúng có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong khoảng thời gian ít nhất 180 ngày để các công ty có cơ sở thực hiện quy định này.
Theo ông Nguyễn Kim Long, sẽ có trường hợp công ty đại chúng thay đổi tư cách là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài hàng năm, tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong năm trước. Việc phải tuân thủ các điều kiện về đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài cũng có nghĩa công ty đại chúng đó không thể đầu tư vào các doanh nghiệp đã hết room như trước đây.
Một số ý kiến đề nghị, ngoài tiêu chí về tỷ lệ vốn ngoại nắm giữ 50% vốn điều lệ và thời gian tối thiểu 180 ngày như dự thảo, cần bổ sung thêm tiêu chí có một nhà đầu tư nước ngoài và/hoặc người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài này nắm giữ từ 35% vốn điều lệ trở lên, vì khi đó nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát công ty.
Dòng tiền chủ động khối ngoại sẽ tích cực hơn vào năm 2021
Việc rút vốn dòng của khối các quỹ chủ động diễn ra do yếu tố dòng tiền nhiều hơn là do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Kỳ vọng năm 2021, khi kinh tế Việt Nam khẳng định phục hồi tốt hơn quốc gia khác, thì dòng vốn chủ động tham gia trở lại sẽ diễn ra.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2021, khi kinh tế Việt Nam khẳng định phục hồi và tăng trưởng tốt hơn các quốc gia khác thì dòng vốn chủ động tham gia trở lại. Ảnh: Duy Dung.
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam? Nếu đặt so sánh tương quan của bối cảnh TTCK toàn cầu và khu vực, diễn biến giao dịch của khối ngoại tại thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi nhận thấy hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục diễn ra tương đối mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong 3 tháng qua, tổng khối lượng bán ròng lên tới hơn 180 triệu USD; nâng mức bán ròng từ đầu năm lên 345,5 triệu USD trên cả ba sàn. Nếu loại bỏ khối lượng nước ngoài mua thỏa thuận từ một số giao dịch đặc biệt như VHM và MSN, thì tổng khối lượng bán ròng của khối ngoại đã lên tới hơn 1,1 tỷ USD trong năm nay.
Việc bán ròng này theo chúng tôi xuất phát từ việc khối ngoại tiếp tục thực hiện phân bổ lại danh mục đầu tư toàn cầu theo hướng giảm bớt vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi và đang phát triển. Chúng tôi nhận thấy, hầu hết các thị trường này đều bị bán ròng khá mạnh trong năm nay, ví dụ như Thái Lan (-9 tỷ USD), Malaysia (-5,2 tỷ USD), Indonesia (-3,1 tỷ USD), Đài Loan (-20,7 tỷ USD), Phillipines (-2,1 tỷ).
Việc khối ngoại bán ròng ở TTCK Việt Nam khá tương quan với các thị trường khác, khối lượng bán cũng khá tương đồng xét theo quy mô thị trường. Chỉ có một vài thị trường đặc biệt như Trung Quốc và Ấn Độ là nhận được vốn ròng từ khối ngoại trong năm nay.
- Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng dòng vốn vào thụ động, thì Việt Nam đang là điểm sáng của dòng vốn ngoại vào qua các ETF. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về dòng vốn này? Tại sao các ETF lại hấp dẫn dòng vốn ngoại hơn là kênh đầu tư trực tiếp?
- Dòng vốn thụ động vào Việt Nam lại có xu hướng tăng lên trong thời gian qua. Các ETF ngoại trên thị trường Việt Nam hầu hết huy được vốn thêm trong các tháng gần đây. Cụ thể, quy mô của Vaneck Vector Vietnam ETF hiện ở mức 384,9 triệu USD, tuy vẫn giảm so với thời điểm đầu năm (443,6 triệu USD) nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể trong các tháng qua (tăng 51,4 triệu USD trong quý III và 60,7 triệu USD trong quý II). Quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF cũng huy động được thêm 24,6 triệu USD trong quý III và 46,1 triệu USD trong quý II/2020.
Chúng tôi nhận thấy, dòng vốn đầu tư vào các ETF hầu hết tới từ các nhà đầu tư cá nhân. Trong bối cảnh dòng tiền cá nhân từ các TTCK đều có xu hướng mạnh lên, một bộ phận đã thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường tiềm năng khác thông qua việc đầu tư vào các quỹ ETF. Còn các quỹ chủ động tiến hành phân bổ lại danh mục đầu tư như trên hầu hết do việc các thị trường phát triển đang hiệu suất đầu tư tốt hơn trong thời điểm này.
- Nếu bỏ qua dòng vốn ngoại vào thụ động, thì dòng vốn vào chủ động vẫn chưa trở lại. Theo ông, đâu là các yếu tố cần và đủ TTCK Việt Nam hấp dẫn dòng vốn chủ động tham gia trở lại?
- Chúng tôi nhận thấy, việc rút vốn ròng của khối các quỹ chủ động diễn ra do yếu tố dòng tiền nhiều hơn là do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng năm 2021, khi kinh tế Việt Nam khẳng định phục hồi và tăng trưởng tốt hơn các quốc gia khác thì việc dòng vốn chủ động tham gia trở lại sẽ diễn ra.
Ngoài ra, nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các yếu tố hạn chế hiện tại đối với khối ngoại như room ngoại,... thì sẽ thu hút được thêm vốn vào các cổ phiếu ưa thích của khối ngoại mà đang hết room.
- Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020, ông dự báo thế nào về diễn biến của dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam? Liệu chúng ta có cơ sở nào để kỳ vọng về một sự đảo chiều của dòng vốn ngoại vào chủ động hay không, thưa ông?
- Chúng tôi nhận thấy rất khó có thể đưa ra dự đoán về dòng vốn nước ngoài trong thời điểm này, do đây là xu hướng chung không chỉ xảy ra ở riêng thị trường Việt Nam mà còn ở phạm vi các thị trường mới nổi và đang phát triển khác.
Tuy nhiên, như đã chia sẻ ở trên, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền từ khối ngoại sẽ trở nên tích cực hơn trong năm 2021, do sự phục hồi của nền kinh tế sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh được thể hiện rõ ràng hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 3: Nghị định "xoay" chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay Các kế hoạch dài hơi của các ngân hàng có nguy cơ đổ bể, nếu quyền định đoạt về room bị tước mất. Nhiều ngân hàng tỏ ra hoang mang. Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư....