Nâng cao năng lực điều phối để hoạt động tình nguyện hiệu quả hơn
Công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ khu vực miền Trung vừa qua đã đặt ra vấn đề: Cần làm gì để hoạt động thiện nguyện phát huy được hiệu quả nguồn lực, tránh chồng chéo, lãng phí? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.
Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia
PHÓNG VIÊN: Chưa bao giờ hoạt động tình nguyện lại rầm rộ như trong thời gian vừa qua. Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển này?
Bà ĐỖ THỊ KIM HOA: Năm 2020 là một năm có nhiều thiên tai địch họa; cũng là năm hoạt động tình nguyện có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở công tác đảm bảo an sinh xã hội trong các đợt dịch Covid-19, hoạt động cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Bên cạnh các tổ chức có tư cách pháp nhân thì các đội nhóm, cá nhân tự lập ra để hoạt động thiện nguyện ngày càng nhiều.
Tôi cho rằng, đó là một tín hiệu rất tốt vì không chỉ phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn mà còn góp phần thay đổi quan điểm sống, thái độ sống tích cực của nhiều cá nhân trong xã hội. Các hoạt động cộng đồng sẽ dần trở nên phổ biến hơn, trở thành một kênh quan trọng bên cạnh vai trò chủ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân vùng khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhưng, các hoạt động thiện nguyện ồ ạt trong thời gian gần đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, gây ra nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, công bằng trong thực hiện cứu trợ, bà nghĩ sao về điều này?
Hoạt động tình nguyện mà cụ thể là công tác cứu trợ trong thời điểm cấp bách khó tránh được những bất cập, hạn chế. Có nhiều người làm tình nguyện tự phát do thiếu kỹ năng, thông tin dẫn đến hoạt động cứu trợ chưa hiệu quả.
Ví dụ, câu chuyện gói bánh chưng cho vùng lũ vừa qua là việc làm rất tốt, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về nhu cầu thực tế, về yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm thì lại gây ra hư hỏng, lãng phí. Hay như, có người dân muốn đi bằng được vào nơi nguy hiểm bất chấp cảnh báo nên đã gây ùn tắc, cản trở các hoạt động khác.
Đặc biệt, tình trạng người được nhiều, người được ít, nơi được nhiều, nơi được ít và sự minh bạch trong tiếp nhận, phân phối nguồn lực đôi lúc gây bức xúc dư luận. Do chưa có những quy định cụ thể nào để điều chỉnh những hành vi này nên đó thực sự là một bài toán khó hiện nay.
Video đang HOT
Vậy theo bà, chúng ta cần phải làm gì để hoạt động tình nguyện thực sự hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là khi hoạt động cứu trợ khẩn cấp đã cơ bản xong và bước sang giai đoạn tái thiết?
Có đi thực tế thì mới thấy hết sự khó khăn cùng cực của người dân khi trong tay họ “không còn gì cả”; có những thanh niên vừa vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp bị lũ cuốn trôi hết. Lúc này, cộng đồng cần hỗ trợ họ vốn, cây giống, vật nuôi, khoa học kỹ thuật để khôi phục sản xuất. Việc xây dựng lại điểm trường sau lũ, hỗ trợ đồ dùng dạy và học cũng cần phải làm ngay.
Tuy nhiên, để hỗ trợ hiệu quả, các tổ chức, đội nhóm tình nguyện nên thông qua chính quyền địa phương để điều phối quà tặng đúng người, đúng địa chỉ thực sự cần được giúp đỡ, tránh chồng chéo nơi quá nhiều, nơi quá ít hỗ trợ. Các cá nhân, đội nhóm tình nguyện nên nhận tư vấn của các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ cộng đồng vì họ có mạng lưới, kinh nghiệm.
Điều quan trọng, dù tổ chức có tư cách pháp nhân hay các đội nhóm tình nguyện tự phát thì cũng đều cần minh bạch về tài chính. Nếu làm mất niềm tin của cộng đồng thì rất khó lấy lại. Về phía người dân, khi muốn tham gia vào đội nhóm tình nguyện thì cũng nên tìm hiểu về lịch sử hoạt động, tôn chỉ mục đích của tổ chức đó và phải tham gia giám sát hoạt động của cá nhân, tổ chức mà mình gửi gắm niềm tin.
Dường như điều khó nhất hiện nay vẫn là kết nối, điều phối các nguồn lực tình nguyện. Cổng thông tin kết nối tình nguyện quốc gia được kỳ vọng là sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn này hay không, thưa bà?
Mục tiêu của Cổng thông tin kết nối tình nguyện quốc gia là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tăng cường hiệu quả, tính kết nối, nâng cao năng lực điều phối trong hoạt động tình nguyện tại cộng đồng. Tuy nhiên, do mới ra đời (tháng 9-2020) nên chưa phát huy được hết yêu cầu đặt ra. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với mạng lưới ở các địa phương cập nhật địa chỉ tình nguyện để kết nối người cần hỗ trợ và người có nguồn hỗ trợ. Để đảm bảo thông tin chính xác, cổng chỉ cấp tài khoản cho các tổ chức có uy tín được cập nhật thông tin. Các cá nhân nếu muốn cung cấp địa chỉ phải được các tổ chức thẩm định lại.
Nhiều quốc gia cũng sử dụng cổng thông tin kết nối tình nguyện để phát huy tốt nhất nguồn lực cộng đồng. Ở nhiều quốc gia, lực lượng làm tình nguyện chủ yếu là người cao tuổi nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu là thanh niên.
Điều đáng mừng là Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn, các bộ ngành liên quan đang dự thảo chuẩn bị trình Thủ tướng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên, trong đó có các điều khoản về thanh niên tình nguyện. Đây là lần đầu tiên hoạt động tình nguyện được luật hóa với những hướng dẫn cụ thể về các nội dung như: tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng tình nguyện viên và cán bộ quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện; tiêu chí các tổ chức được phép tiếp nhận nguồn lực; sự ghi nhận, tôn vinh của những người có đóng góp cho hoạt động tình nguyện…
Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ cả về chính sách, công nghệ thông tin, trong thời gian tới, hoạt động tình nguyện sẽ hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí hơn.
Biệt đội nổ mìn phá đá vào Rào Trăng 3
Với quyết tâm bằng mọi cách phải mở đường vào Rào Trăng 3, nhiệm vụ phá tảng đá nặng hơn 40 tấn, sạt xuống, án ngữ trên đường 71 - con đường độc đạo dẫn vào nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã được giao cho lực lượng công binh của Lữ đoàn 414 (Quân khu 4).
Chỉ sau 1 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn.
Nguy hiểm rình rập
4 giờ sáng, ngày 22-10-2020, theo chân tổ công binh khoan nổ Lữ đoàn 414, do Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng lữ đoàn chỉ huy, xe chúng tôi khởi hành từ Ban CHQS huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (nơi Lữ đoàn 414 tập kết lực lượng ứng cứu sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337).
8 giờ, tổ công binh nhanh chóng di chuyển xuống thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lên ghe cơ động vào nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4. Sau hơn 1 giờ, vượt quãng đường thủy hơn 20km qua lòng hồ thủy điện Hương Bình, chúng tôi được lực lượng tiền trạm của lữ đoàn tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4, do Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 phụ trách đón. Không một phút nghỉ ngơi, tổ công tác nhanh chóng tập kết vật chất, khí tài, thuốc nổ, hành quân bộ hơn 2km theo đường 71, vượt qua nhiều điểm sạt lở để tiếp cận vị trí tảng đá tại km18.
Bộ đội công binh không quản ngại vất vả, hiểm nguy thực hiện nhiệm vụ.
Tranh thủ vừa uống hớp nước, ăn vội miếng lương khô mang theo, anh Hưng trò chuyện với chúng tôi: "Khi nhận nhiệm vụ khoan nổ phá tảng đá này, phương án ban đầu được vạch ra là sử dụng máy ép hơi mini vận chuyển từ đơn vị vào. Tuy nhiên, xét thấy quãng đường vận chuyển xa, máy nặng hơn 700kg, cồng kềnh, để đưa được vào hiện trường là điều không đơn giản, trong khi yêu cầu đặt ra phải phá đá, mở đường thật nhanh, tiết kiệm thời gian để phương tiện vào cứu nạn. Sau một hồi thảo luận, cuối cùng, chúng tôi chốt phương án sử dụng máy đục bê tông được trang bị trên xe cứu hộ đa năng (MAN) để khoan đá". Nói chưa hết câu, anh đứng dậy, xăm xăm đi tới, ra lệnh: "Khẩn trương lên, chúng ta trinh sát thực địa thôi các đồng chí!".
Cùng các chiến sĩ công binh tới vị trí sạt lở, quan sát chúng tôi thấy một cảnh tượng kinh hoàng, hàng trăm khối đất đá trên núi sạt xuống, vùi lấp Đường 71; tảng đá xanh liền khối khoảng hơn 40 tấn án ngữ ngay giữa đường, lún sâu dưới bùn đất. Với chuyên môn và bằng kinh nghiệm qua nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn, sau khi khảo sát, hội ý nhanh với tổ, anh Hưng báo cáo với chỉ huy lữ đoàn và Sở chỉ huy tiền phương phương án nổ thành nhiều đợt, bóc tách từng lớp từ ngoài vào cho đến khi thông xe và nhận được sự đồng ý.
Chứng kiến bộ đội công binh khoan nổ mới thấy hết trách nhiệm, tinh thần vượt khó, không quản ngại vất vả, hiểm nguy vì nhiệm vụ của những người lính công binh. Khoan được tảng đá này thực sự rất khó khăn, bởi tảng đá nằm nghiêng với độ dốc hơn 45 độ. Để tránh trượt chân rơi xuống vực, bộ đội phải cột dây thừng vào bụng để đồng đội níu giữ. Khi búa khoan đóng vào đá tạo nên độ rung lớn, khiến cho nhiều khối đá lớn treo lơ lửng trên vách ta luy có thể sạt xuống đội hình bất cứ lúc nào.
Là người trực tiếp chỉ huy tổ khoan nổ, Đại úy Vương Đình Tuệ chia sẻ: "Khu vực làm nhiệm vụ rất nguy hiểm, vì sau nhiều ngày mưa, đất đá đã no nước, nhiều tảng đá lớn ước khoảng trên 20 tấn treo trên vách núi lâu ngày mỏi, chẳng biết sạt khi nào. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải cử 1 đồng chí thường xuyên theo dõi địa chất xung quanh, sử dụng loa tay sẵn sàng cảnh báo khi có nguy cơ sạt lở. Quá trình khoan, nhồi lèn thuốc nổ, anh em luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên quan sát, xác định trước hướng thoát đề phòng xảy ra sự cố còn kịp thời thoát thân".
Đường 71 vào nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp nghiêm trọng, tảng đá hơn 40 tấn sạt xuống khiến phương tiện cơ giới không thể vượt qua.
P hát huy truyền thống "Mở đường thắng lợi"
Tìm hiểu chúng tôi được biết, loại máy đục bê tông mà lữ đoàn sử dụng là loại máy động cơ hai kỳ, chạy nhiên liệu xăng, trang bị trên xe cứu hộ đa năng (MAN) dùng để đục tường, bê tông trong cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên công suất máy khá nhỏ, chỉ phù hợp khi khoan độ sâu 30 đến 40cm. Trong khi tảng đá quá lớn, cần khoan độ sâu 60 đến 80cm để phá nổ đạt hiệu quả. Vì vậy, khoan được một lúc anh em phải cho máy nghỉ, đề phòng máy chạy quá công suất, dẫn đến hư hỏng.
"Khi khảo sát lên phương án phá nổ, vấn đề an toàn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Vì địa chất yếu, những điểm sạt lở trước đó hay xung quanh khu vực đều có thể sạt lở do chấn động sau nổ gây ra, đây là điều buộc chúng tôi phải tính đến. Sau khi trao đổi kỹ, chúng tôi quyết định sẽ khoan nổ làm hai đợt, bóc hai lớp từ ngoài vào đủ cho phương tiện cơ giới đi qua", anh Hưng chia sẻ với chúng tôi.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 phải cột dây để đồng đội níu giữ khi khoan đá ở độ dốc lớn.
Đợt 1, sau 12 mũi khoan, tổ công binh đã tính toán chính xác lượng thuốc nổ để thuốc nổ nổ om trong đá, nhằm hạn chế tác động lớn đến địa chất xung quanh. Kết quả nổ đầu tiên rất mỹ mãn, tảng đá không vỡ vụn mà nứt ra từng mảnh để xe vào múc, ủi mở đường. Đến 7 giờ 30 phút ngày 23-10-2020 đã mở được chiều rộng 5m, đủ cho phương tiện cơ giới vào cứu nạn. Phát huy kinh nghiệm nổ của đợt 1, đợt 2 với 11 mũi khoan, tổ công binh đã phá xong tảng đá hơn 40 tấn, để đến 17 giờ 30 ngày 23-10-2020, xe cơ giới vào khai thông đường 71, giúp lực lượng cứu nạn của Bộ, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến thẳng vào nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Hiện nay, lực lượng lữ đoàn đang tích cực cùng các lực lượng cứu nạn tranh thủ từng giờ, từng phút, nỗ lực tìm kiếm 12 công nhân bị vùi lấp tại đây.
Nói về vai trò của công binh trong cứu hộ, cứu nạn tại nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thời gian qua, thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan, đơn vị đều đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Lữ đoàn công binh 414, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã và đang phát huy tốt truyền thống "Mở đường thắng lợi" của binh chủng Công binh, mở đường thắng lợi trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Đoàn Hải Vân anh hùng trên quê hương Bác.
Triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Giai đoạn 2016 - 2020, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung triển khai, thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc dành cho trẻ...