Nâng cao chất lượng huấn luyện dự bị động viên
Cách đây 40 năm, trước yêu cầu khẩn thiết của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, ngày 6-3-1979, tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, Sư đoàn 317 ( Quân khu 7) được thành lập. Chỉ sau 11 ngày thành lập, sư đoàn đã trực tiếp giáp chiến với nhiều sư đoàn của địch.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang bị khó khăn, kẻ thù vô cùng tàn bạo, đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, dựa vào nhân dân xây dựng lực lượng, huấn luyện, chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Sư đoàn đã trực tiếp đánh, truy quét hơn 2.600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 6.000 tên địch; bắt sống, buộc ra hàng hơn 4.200 tên, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Vừa anh dũng chiến đấu, sư đoàn còn vừa tổ chức nhiều tổ, đội kịp thời giúp nhân dân cứu đói, xây dựng, củng cố hàng nghìn phum, sóc ổn định, xây dựng LLVT vững mạnh. Sư đoàn 317 đã được Đảng, Nhà nước ta và Chính phủ Campuchia tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Sư đoàn 317 phối hợp với huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) động viên, huấn luyện quân nhân dự bị. Ảnh: DUY HIỂN
Tháng 7-1982, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, sư đoàn được lệnh trở về nước, khẩn trương củng cố lại tổ chức biên chế, chuyển sang quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Một lần nữa, sư đoàn đối mặt với những khó khăn mới cả về nhận thức, lý luận đến nội dung, phương thức tiến hành, cơ chế chính sách. Với kinh nghiệm, truyền thống gắn bó với nhân dân, sư đoàn đã giải quyết tốt tồn đọng chiến tranh, lần lượt vượt qua các khó khăn, thách thức. Đơn vị đảm nhiệm việc quản lý, huấn luyện, động viên quân nhân dự bị (QNDB) tại tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh.
Để nâng cao chất lượng xây dựng và huấn luyện lực lượng DBĐV, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 317 đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó xác định cán bộ là yếu tố quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Sư đoàn ra sức bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ khung A, B, có phẩm chất, năng lực, thích ứng nhanh với nhiệm vụ quốc phòng, làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành động viên, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nội dung tập huấn đi sâu vào bồi dưỡng kinh nghiệm nắm, quản lý, phúc tra nguồn QNDB; tình hình an ninh địa bàn, chiến thuật… Sư đoàn phối hợp với địa phương làm tốt công tác chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong quân hàm, tập huấn; sắp xếp, biên chế đúng chuyên nghiệp quân sự; bổ sung phương tiện, vật chất, kỹ thuật theo đúng nguyên tắc, chất lượng cao. Kết quả, 100% cán bộ có năng lực khá, giỏi.
Sư đoàn thường xuyên yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường nắm nguồn, quản lý, rèn luyện QNDB; nắm chắc về quê quán, nơi ở, làm việc, trình độ, sức khỏe, văn hóa; tập quán, hoàn cảnh, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và các mối quan hệ của QNDB. Hằng năm, sư đoàn giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ và xác định kết quả nắm, quản lý nguồn là một tiêu chí quan trọng trong bình xét cán bộ, đảng viên. Đơn vị phối hợp với địa phương, cùng địa phương nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng, gắn xây dựng QNDB với xây dựng các nòng cốt chính trị ở cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị, nhiều nguồn lực cho nhiệm vụ. Ngoài các đợt công tác bám cơ sở theo quy định, các đơn vị còn linh hoạt phối hợp với các địa phương tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận kết hợp khảo sát, phúc tra QNDB; qua đó kịp thời thông tin tình hình chính trị, thời sự, âm mưu thủ đoạn mới của kẻ thù, định hướng tư tưởng, phổ biến pháp luật cho quân nhân… Đơn vị còn chủ động phối hợp với địa phương, doanh nghiệp ký các cam kết giữ việc làm, tạo thuận lợi cho QNDB hoàn thành các đợt động viên, huấn luyện.
Hằng năm, sư đoàn đều phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách, kịp thời quan tâm tới các QNDB khó khăn. Sư đoàn xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả: “Kết nghĩa”; “Tự quản”; “Đi từng nhà, rà từng địa chỉ, ghi chép tỉ mỉ, động viên kịp thời”; “Bốn cùng, năm biết”… Cán bộ, chiến sĩ xác định tốt nhiệm vụ quân sự, đồng thời tích cực phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Trên cơ sở nắm, quản lý chắc nguồn, căn cứ đặc điểm địa bàn, tình hình sản xuất, sư đoàn phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng động viên, huấn luyện sát thực; bám sát đặc điểm thế trận phòng thủ quân sự của địa phương để xây dựng nội dung huấn luyện sát địa bàn. Theo đó, mỗi đợt động viên huấn luyện đều gắn với tình huống, tổ chức hành quân hơn 100km, sau đó huấn luyện bổ sung, thực hành diễn tập. Hằng năm, sư đoàn động viên, huấn luyện đạt hơn 99,7% quân số, chấp hành tốt kỷ luật, tác phong cơ động nhanh. Từ năm 2012 đến nay, kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, 76,5% khá, giỏi. Qua rèn luyện, các QNDB thực sự là một trong những nòng cốt tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, sư đoàn liên tục được Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 tặng cờ thi đua.
Video đang HOT
Đại tá LÊ MINH TÒNG (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 317)
Theo QĐND
'Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989 là sự kiện không thể nào quên'
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài từ 1979 - 1989 là sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam.
GS - TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo
ẢNH LÊ HIỆP
Ngày 15.2, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại".
Đây là hội thảo thứ 2 được tổ chức sau 40 năm, kể từ hội thảo tổ chức năm 1979 cũng do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
60 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước đã được gửi tới hội thảo.
Phát biểu khai mạc, GS - TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2.1979 đến tháng 9.1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam.
Ngày 17.2.1979, 60 vạn quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400 km. Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi. Quân đội Trung Quốc đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Đến ngày 18.3.1979, quân đội Trung Quốc cơ bản rút khỏi biên giới phía bắc Việt Nam.
'Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước", ông Thuấn nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS - TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt, đồng thời bị nhân dân thế giới phản đối.
Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng có một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác - lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong hai cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một "cuộc phản công tự vệ".
Nhiều người đã hiểu rõ rằng, với việc phát động cuộc chiến tranh ấy, Trung Quốc hướng vào nhiều mục tiêu sau khi đã có những thay đổi chiến lược đối ngoại, trong một tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi với các quan hệ phức tạp giữa các nước lớn và việc Trung Quốc muốn mau chóng trở thành một thế lực mới, chi phối trước hết vùng Đông Nam Á, lấp vào chỗ trống mà Mỹ đã phải rút đi.
Nhắc lại một sự thật lịch sử
"40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đối. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua...", ông Cường nói, và cho biết việc tổ chức hội thảo quốc gia không phải để khoét sâu mốt hận thù, mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
Các đại biểu tham dự hội thảo
ẢNH LÊ HIỆP
Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cuộc hội thảo còn nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Bên cạnh đó, cuộc hội thảo nhằm rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn phải tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay.
"Xin nhắc lại lời của G.Phu xích nhà văn Tiệp Khắc viết năm 1943 trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ: "Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác". Cảnh giác với mọi mưu toan nhằm phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, cản trở sự phát triển của Tổ quốc muôn vàn yêu quý của chúng ta", ông Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hội thảo góp phần khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Theo Thanhnien
40 năm nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Sáng 15/2, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại (1979-2019)". Hội thảo "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40...