Nấm – Thủ phạm gây viêm xoang
Thông thường nguyên nhân gây viêm xoang là do vi khuẩn và virut. Song còn một loại tác nhân gây viêm xoang rất nguy hiểm là nấm lại ít được chú ý.
Trong tự nhiên, bào tử nấm có mặt trong đất, không khí nhiều bụi bặm và trong các chất hữu cơ, xác động, thực vật thối rữa… nếu chúng ta hít phải các bào tử nấm, chúng sẽ bám vào vách mũi, hốc xoang và gây bệnh viêm xoang.
Các loại nấm gây viêm xoang hay gặp nhất là nấm Aspergillus. Điều kiện thuận lợi để nấm phát triển và gây bệnh là khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, khiến nấm dễ phát tán trong không khí. Nếu kết hợp với không khí ô nhiễm, nhiều bụi thì nguy cơ nhiễm nấm càng cao.
Ngoài ra, việc có sẵn bệnh lý làm giảm sự dẫn lưu của xoang như lệch vẹo vách ngăn, dị vật trong mũi xoang, hoặc có sức đề kháng kém, mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV, tiểu đường, các bệnh về máu… cũng là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Biểu hiện giống viêm xoang do nhiễm khuẩn
Viêm xoang do nấm cũng có những triệu chứng tương tự như các trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn. Khi phát bệnh, người bệnh thấy có các biểu hiện: nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi trong hay đục. Viêm xoang do nấm hay gặp ở xoang hàm và xoang bướm.
Video đang HOT
Tùy vị trí nhiễm bệnh mà có triệu chứng khác nhau như: viêm xoang hàm thường nhức đầu vùng gò má, thái dương hai bên; viêm xoang bướm (xoang má) thì thấy nhức đầu ở vùng đỉnh hay vùng chẩm ở phía xoang bị bệnh. Một số trường hợp khịt mũi hay khạc đờm có lẫn ít máu.
Biến chứng nguy hiểm
Biến chứng nguy hiểm của viêm xoang do nấm là khi người bệnh thường thường bỏ qua các triệu trứng ban đầu dẫn đến bệnh nặng hơn khi mà nấm đã phát triển thành khối lớn choán đầy hốc xoang, phá hủy các thành xoang rồi xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não.
Khi nấm xâm nhập vào hốc mắt sẽ làm người bệnh thấy mắt bị mờ dần, nguy hiểm nhất là bị mù vĩnh viễn. Nấm xâm nhập vào trong sọ sẽ gây viêm màng não hoặc viêm não; Trường hợp nấm xâm nhập vào các dây thần kinh sẽ gây liệt các dây thần kinh và vùng do thần kinh này chi phối; Đặc biệt nguy hiểm khi nấm làm tổn thương mạch máu sẽ gây chảy máu ồ ạt khiến bệnh nhân tử vong.
Do đó người bệnh không nên chủ quan, khi thấy các dấu hiệu: nghẹt mũi, chảy mũi, nhức đầu cần phải đến cơ sở y tế khám tìm nguyên nhân để được điều trị đúng bệnh.
Viêm xoang do nấm có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất là phải lấy dị vật trong mũi xoang, giải quyết những nguyên nhân gây bít tắc xoang như cắt polyp, khối u hay khắc phục những dị hình khác ở mũi xoang.
Nếu phát hiện có khối nấm trong xoang sẽ được xử lý triệt để, đồng thời bơm rửa sạch hốc xoang. Người bệnh có thể phải dùng thuốc diệt nấm tùy theo giai đoạn của bệnh và có khi phải phối hợp nhiều loại thuốc, thuốc kháng nấm thường có hại cho gan nên người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
Theo SKĐS
Các bệnh không lây - kẻ giết người thầm lặng
Các bệnh mãn tính không lây hiện nay là vấn đề rất lớn về y tế công cộng. Tuy bệnh không diễn tiến ồ ạt nhưng lại kéo dài, trở đi trở lại, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nhóm bệnh này đang nằm trong tốp có tỷ lệ tử vong cao và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Bệnh mãn tính không lây không thể ngừa bằng vắcxin, không thể chữa khỏi và cũng không tự biến mất. Nguyên nhân gây bệnh cũng không do vi khuẩn, virút, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra.
Đây là một loại bệnh dịch vô hình, vì không có tác nhân gây bệnh rõ rệt, thường bệnh xuất hiện do các yếu tố nguy cơ và khác các bệnh dịch thông thường là không lây. Bởi phải chung sống lâu dài và bệnh có thể bộc phát đột ngột nên nếu thiếu quan tâm, người bệnh có thể gặp nguy hiểm.
Nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới
Hiện nay, các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và đái tháo đường đã trở thành những nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ tử vong trên thế giới, chiếm 60% tổng số các ca tử vong.
Theo xếp loại mười bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhất của WHO, các bệnh mãn tính không lây như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, đái tháo đường... đứng ở vị trí hàng đầu về thứ hạng tỷ lệ tử vong.
Riêng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ vị trí thứ tư với tỷ lệ tử vong là 5,1% (năm 2004) đã ước tính nhảy vọt lên vị trí thứ ba (năm 2030) với tỷ lệ tử vong là 3,8%. Bệnh đái tháo đường từ vị trí thứ 12, nhảy lên vị trí thứ bảy (xem bảng).
Cũng theo số liệu của WHO, mỗi năm thế giới có trên 35 triệu người đã chết do các bệnh mãn tính. Trong đó, phân nửa là những người dưới 70 tuổi và phân nửa là phụ nữ. Bệnh này cũng thường thấy ở những người có thu nhập vừa và thấp, do điều kiện sống chưa tốt, thuốc men khi mắc bệnh và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế, kiến thức tự chăm sóc bản thân cũng thiếu.
Với cảm nhận chung, khoảng 80% các ca tử vong do bệnh mãn tính xảy ra ở những người có thu nhập trung bình và thấp. Nhóm bệnh này còn là nguyên nhân của sự nghèo đói và kém phát triển ở nhiều nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Chưa được đánh động đúng mức
Mặc dù, nguy cơ bùng nổ và tỷ lệ tử vong của các bệnh mãn tính không lây đã và đang rất cao, nhưng các nước, trong đó có Việt Nam, hiện vẫn chưa chú ý đúng mức. Việt Nam tuy có hơn một số nước, vì có những chính sách y tế dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhưng trên bình diện chung, chúng ta vẫn còn thiếu một chiến lược đối phó với các loại bệnh mãn tính không lây. Tình hình cấp bách nhưng chưa được đánh động đúng mức.
Hiện nay trong tâm thức xã hội, người ta dường như chỉ e ngại nhiều đến bệnh HIV/AIDS, vì đây là căn bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa mà ít thấy ai lo sợ khi bị bệnh mãn tính không lây, chẳng hạn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong khi dự báo của WHO, đến năm 2030, bệnh HIV/AIDS sẽ giảm thứ hạng trong tỷ lệ chết người, còn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lại tăng.
Điều đó có thể lý giải, vì chúng ta đã tập trung lo nhiều cho bệnh HIV/AIDS và thế giới cũng đổ không biết bao nhiêu tiền của vào chăm sóc bệnh đó, trong khi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh không lây khác lại không được quan tâm đầy đủ như vậy.
Không chủ trương gây hoang mang xã hội, nhưng đã đến lúc cần đánh động quyết liệt hơn để người bệnh đừng coi thường. Bệnh mãn tính không lây thật sự rất nguy hiểm. Có những cơn suyễn, tắc nghẽn mãn tính... nếu lên cơn cấp tính mà không điều trị kịp thời, xử lý tốt sẽ dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, phần lớn các bệnh mãn tính không lây như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, các bệnh hô hấp mãn tính đều có thể ngừa được. Đã đến lúc ngành y tế cần quan tâm theo dõi các bệnh mãn tính không lây một cách đầy đủ hơn, chứ không phải chỉ chú trọng đến những bệnh dịch và bệnh lây nhiễm.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ sở y tế, hoạt động của các trung tâm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đáp ứng được tình hình bệnh tật nêu trên và hướng đến người thu nhập thấp cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc hạ thứ hạng tỷ lệ tử vong của bệnh mãn tính không lây trong bảng xếp hạng của WHO, giúp bệnh nhân sớm hòa nhập lại với cộng đồng.
Theo SGTT
Đau nửa đầu - chị em chớ có xem thường! Đau nửa đầu là bệnh thường gặp ở phụ nữ làm cho người bệnh hết sức khó chịu mỗi khi lên cơn đau và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như công việc hàng ngày. Nguyên nhân gây đau nửa đầu Cho đến nay người ta vẫn chưa biết một cách chắc chắn nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu. Tuy...