Năm sau tôi quyết tâm ăn Tết chứ không để Tết… ăn mình
Năm sau, tôi đề xuất bố mẹ chồng chỉ cúng cơm đúng 3 món, còn lại cả nhà ăn Tết bằng cá kho, thịt kho như thường ngày.
Lấy chồng đã 5 năm nhưng Tết năm nay là lần đầu tiên tôi phải đứng bếp. Chắc nhiều chị em sẽ nói tôi thật may mắn. Tôi cũng công nhận điều đó.
Năm nào cũng vậy, cứ 29 Tết vợ chồng tôi mới về nội, tay xách nách mang quà cáp, bánh kẹo, hoa trái đủ thứ. Những ngày giáp Tết cả hai vợ chồng tôi đều bận rộn nên sẽ dành nửa ngày đi chợ và siêu thị để mua tất cả món đồ đã lên danh sách.
Không giống như các nàng dâu khác thường phải cắm mặt vào bếp mấy ngày Tết, tôi may mắn có bố mẹ chồng rất dễ tính.
Về đến nhà nội, vợ chồng tôi thong thả lượn chợ hoa, ưng mắt thì mua thêm cành đào, cây quất. Thậm chí, nhiều năm vợ chồng, con cái còn thảnh thơi đi uống cà phê. Tối 30, chúng tôi rủ nhau đi lượn phố, xem pháo hoa, qua giao thừa mới về nhà.
Chúng tôi được thảnh thơi như thế bởi lẽ việc bếp núc, cỗ bàn đã có ông bà lo tất. Tôi chỉ được giao nhiệm vụ chăm chút cho khu vực phòng khách thật xinh đẹp, ấm cúng. Năm nào cũng vậy nên tôi thực sự có được cảm giác Tết nghỉ ngơi, thư giãn thay vì sợ Tết như nhiều nàng dâu khác.
Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo
Video đang HOT
Nhưng năm nay, bố chồng tôi đổ bệnh. Mẹ chồng tôi cũng đã cao tuổi. Tôi mạnh dạn xung phong sẽ lo cơm nước ngày Tết thay ông bà. Bố mẹ chồng tôi nhất trí ngay và nói sẽ hỗ trợ vài món của nhà như luộc gà, gói bánh chưng.
Trước Tết, tôi khá hào hứng trước trọng trách “vĩ đại” này như một nàng dâu mới toanh.
Tất nhiên, bằng sự tỉnh táo của một nàng dâu hiện đại, tôi nhanh trí “ order” vài món ăn sẵn, đảm bảo 3 yếu tố: ngon, tiện, lạ miệng. Đếm sơ thì hai phần ba mâm cỗ Tết của tôi là đồ mua sẵn, chỉ việc rán, hấp qua là có thể ăn ngay.
Nhưng tôi không ngờ là một phần ba số món còn lại cũng đủ “rút kiệt” sức lực của tôi mấy ngày Tết. Thịt đông, món xào, món canh… là những thứ tôi không thể mua trước để đến bữa chỉ việc mang ra bày. Cứ thế suốt từ 29 đến mồng 2 Tết ở nhà nội, hầu hết thời gian của tôi là ở trong bếp.
Thực sự chỉ khi bắt tay vào làm tôi mới biết mọi năm bố mẹ chồng đã vất vả nhường nào. Đó là chưa kể tôi đã mua sẵn phần lớn mâm cơm.
Ngày mồng 3, tôi về quê ngoại, tình hình cũng tương tự ở nhà nội. Sau khi lăn vào bếp giúp ông bà cơm nước suốt 3 ngày, tôi thấy mệt lử và nhận ra cả cái Tết chẳng lúc nào được nghỉ ngơi, thư giãn. Bao nhiêu bộ phim, cuốn sách chuẩn bị để nhâm nhi mấy ngày Tết cũng bị xếp xó.
Tôi đang bàn với chồng, Tết năm sau hãy ủng hộ tôi làm một “cuộc cách mạng” để cả nhà thực sự được tận hưởng kỳ nghỉ Tết.
Trước hết, tôi ủng hộ đề xuất của anh trai mời bố mẹ vào TP.HCM ăn Tết với con cháu một năm, thay vì anh chị và các cháu rồng rắn về với ông bà.
Vé máy bay từ Bắc vào Nam trong dịp Tết rẻ hơn nhiều so với chiều từ Nam ra Bắc. Chẳng phải Tết là dịp để đoàn tụ, sum vầy hay sao? Vậy thì sum họp ở đâu không quan trọng bằng việc các thành viên trong gia đình đều quy tụ về một chỗ. Hơn nữa, ông bà đã quanh quẩn luỹ tre làng cả một đời rồi. Vào TP.HCM ăn Tết vừa là cơ hội để ông bà được đi đây đi đó, vừa biết chỗ ăn ở, môi trường sống của con cháu ra sao.
Còn với nhà nội, tôi sẽ thuyết phục ông bà để cho tôi làm rất đơn giản 3 món cúng gia tiên, gồm bánh chưng, gà luộc và thịt đông, đồng thời bớt số lần cúng cơm lại. Mỗi ngày chỉ nên cúng 1 bữa. Theo quan điểm của tôi, người chết đã chết rồi, cúng kiếng chỉ mang tính tượng trưng để con cháu nhớ về tổ tiên, thế là đủ.
Cả nhà ăn Tết với nhau thì chỉ cần những món ăn hằng ngày vẫn ăn là được – vừa đỡ ngấy vừa ngon miệng. Ví dụ hôm nay kho nồi thịt kho tàu, hôm sau kho một nồi cá… làm thế nào giản tiện nhất có thể.
Thời gian rảnh để cả nhà cùng nghỉ ngơi, trò chuyện, đi thăm họ hàng, lễ chùa, thậm chí cùng nhau ghé chơi một điểm du lịch gần nhà.
Trước mắt, chồng tôi rất tâm đắc trước đề xuất đó của vợ, chỉ còn công tác làm tư tưởng cho ông bà hai bên nữa là xong. Năm sau, chúng tôi quyết tâm nghỉ ngơi để ăn Tết chứ không để Tết… ăn mình.
Tết này mình gói bánh nha con?
Nghe mẹ "bỏ nhỏ" mong muốn được gói bánh như ngày nào mà lòng tôi rưng rưng, muốn khóc.
Đã từ lâu rồi tôi ngăn, không để mẹ được nấu bánh tét - niềm vui hiếm hoi của mẹ những ngày tết đến xuân về.
"Truyền thống" gói bánh tét ngày tết này bắt đầu từ nhà ngoại tôi. Ngoại tôi có đến 10 người con, dù nhà ngoại thuộc loại khá trong xóm nhỏ khu Cống Bà Xếp (quận 3) nhưng để lo bánh mứt cho đàn con đang tuổi lớn, ăn "không biết bao nhiêu là đủ", bà gói bánh tét tại nhà cho tiết kiệm. Những năm đầu, thợ chính gói bánh là bà Út - em út của bà ngoại. Để được bà Út ra công gói bánh giúp cho thì nhà ngoại tôi phải chuẩn bị gút nếp sẵn, đậu xanh, thịt... tất cả phải sơ chế xong rồi đem xuống nhà bà cố tôi (cách nhà ngoại khoảng 50m) để bà Út gói. Khi bà Út gói xong lại đùm túm đem lại về nhà "chính chủ" nấu. Về sau, thấy bất tiện, mẹ tôi và các dì tự mày mò gói.
Những năm cả nước khó khăn, ngoại tôi cũng cố gắng gói bánh cho con cái có cái ăn tết và cũng đãi bạn bè đến chơi. Mẹ tôi kể, mỗi khi bánh chín, ngoại tôi chia phần cho các con mỗi đứa vài đòn bánh, tự giữ "lương thảo" trong những ngày tết để đãi bạn hay để ăn tùy ý. Cứ mỗi lần gói bánh, bà ngoại là tổng chỉ huy, ông ngoại chỉ thong thả ra vô uống trà, nhìn con cái trong nhà lăng xăng gói bánh, cãi cọ và trêu chọc nhau. Nhìn thong thả thế thôi nhưng ông tôi lại sốt ruột, muốn thử bánh xem sao.
Tôi nhớ, có năm chiều ý ông, bà tôi vớt bánh sớm nên bánh chưa chín hẳn. Dù vậy nhưng bà tôi cũng chẳng cằn nhằn gì. Tính bà ngoại tôi là vậy. Với lại tết mà, chín bỏ làm mười chứ để bụng chi chuyện nhỏ đó. Được sinh ra ở Sài Gòn nên bà ngoại tôi cũng hào sảng, nhất là vào những ngày tết, như bao người dân Nam bộ lâu nay. Có lần, thấy mẹ tôi và các dì lu bu, ba tôi "phán": "Gói cái này dễ ẹt chứ có gì đâu mà không gói được". Nghe vậy, mấy dì "tuyển ngay" ba tôi vào làm thợ chính. Cũng quấn, cũng cột mà cái đòn bánh ba tôi gói nó lạ lắm. Lần thứ hai ba tôi lại đùm đùm, túm túm vẫn không ổn. Lúc này ba tôi mới than: "Ủa, lúc trước thấy bà già dưới quê túm túm dễ lắm mà ta?". Dù có năm bánh "nín" nhưng với tôi những cái bánh tét năm nào nhà ngoại gói vẫn ngon hơn cả. Nó không chỉ là cái bánh của sự chờ mong được ăn mỗi khi tết đến mà trong đó có gia vị của sum vầy, đầm ấm và sự bảo bọc, yêu thương của gia đình ngoại.
Ba tôi mất khi 5 anh em tôi còn tuổi học. Để tiết kiệm như ngoại, mẹ tôi cũng tự gói bánh cho nhà. Mẹ dạy tôi cách để lá dọc bên ngoài, để lá ngang bên trong, mặt xanh lên trên để bánh khi chín có màu xanh đẹp mắt. Tôi chỉ biết lý thuyết vì bao giờ phần gói cũng là mẹ tôi, tôi chỉ cột bánh sao cho đẹp là được; rồi canh, nấu bánh. Sau này, khi chúng tôi đã đi làm, mẹ vẫn muốn tự tay gói bánh. "Gói bánh cho có không khí tết", mẹ tôi luôn nói vậy. Ngoài phần ăn và biếu bà con lúc nào mẹ tôi cũng để dành cho anh trai tôi ở Đức Trọng (Lâm Đồng) vài đòn bánh khi anh tôi về nhà sau tết.
Anh em tôi dần đi xa nhà, 28 Tết tôi mới được nghỉ làm nên nhiều lần tôi cằn nhằn mẹ gói chi để cực thân, muốn mua thì siêu thị đã sẵn có. Nhưng mẹ tôi vốn khó tính. Bánh mua ngoài mẹ tôi chê đắt, lúc thì nếp nhiều quá, lại chỉ có vài miếng mỡ bên trong nhân. Khi thì chê thịt nhiều quá ăn ngán... Thấy con gái nhăn nhó, có năm, mẹ tôi không gói ở nhà nữa mà rủ dì tôi sang... nhà ngoại gói, dù ông bà tôi mất đã lâu, các dì cậu đều đã ở riêng từ lâu.
Sau mấy năm nghỉ gói bánh, giờ mẹ tôi lại "bỏ nhỏ": "Năm nay mình gói bánh nha con?". Nghe mẹ hỏi ý mà tôi rưng rưng trong lòng. Rồi tôi giật mình thảng thốt. Tóc mẹ tôi giờ trắng như mây, ngồi lâu một chút đã than đau lưng nhưng mẹ vẫn thích mỗi khi tết đến được gói bánh, được đi chợ tết, cho có không khí tết. Tôi sợ cái ngày mà mẹ tôi không còn sức gói bánh cho con cháu mỗi khi tết đến. Hay mẹ tôi không còn trách tôi mua bánh bên ngoài dở, nhân không đậm đà...
Ngày mai tôi sẽ đi mua nếp ngon, mua đậu xanh, đi siêu thị mua thịt để ngồi gói bánh cùng mẹ. Những cái bánh của tình yêu thương, của màu xanh hy vọng mẹ sẽ mãi khỏe mạnh để luôn gói cho đám con cháu những cái bánh tét truyền thống năm nào.
Có 300 triệu cho con gái vào đại học mà con chỉ muốn đi lao động xuất khẩu Trong khi gia đình đang rối ren vì chuyện chọn hướng đi cho con gái thì người bạn của chồng tôi lại đề xuất thêm 1 phương án nữa. Bây giờ gia đình tôi mỗi người 1 ý kiến, không biết chọn thế nào mới hợp với con tôi nữa? Ảnh minh họa Ngày con gái nhận được giấy trúng tuyển đại học...