Nam giới hãy gặp bác sĩ khi…
Nam giới thường ngại đi khám bệnh vì họ luôn nghĩ mình khoẻ mạnh. Đặc biệt khi những vấn đề trục trặc liên quan tới bộ phận nhạy cảm thì họ lại càng dè dặt.
Tuy nhiên, có những bệnh và những biểu hiện mà bạn không thể trì hoãn việc đi khám.
Nếu bạn gặp các biểu hiện dưới đây, nhất thiết hãy tìm đến bác sĩ:
- Có tổn thương không đau ở thân hay đầu dương vật: Đây có thể là u sùi, giang mai hay một hình thái ung thư.
Video đang HOT
- Sưng đau ở bìu: Có thể do viêm mào tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn có thể rất đau, sốt, khó tiểu, nước tiểu có thể có mủ, cần phải được nằm nghỉ vài ngày. Bệnh thường bình phục sau một tuần. Những trường hợp nặng hoặc nếu không được điều trị, ống dẫn tinh và mào tinh có thể tạo sẹo làm nghẽn một phần hoặc cả ống, có thể dẫn đến vô sinh. Việc chữa trị không triệt để có thể gây thành mạn tính, nhất là những lúc căng thẳng, bị kích thích tình dục mạnh, hay sức ép làm nước tiểu chảy ngược có thể gây tái viêm mào tinh hoàn.
- Tiết dịch màu vàng nhạt hay hơi xanh ở đầu dương vật: Dịch có thể trong, nhầy, trắng đục hoặc màu vàng. Có khi chỉ biểu hiện là ướt hoặc dính ở miệng sáo mà thôi. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan, vì đó là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm nấm, hay nhiễm khuẩn niêm mạc quy đầu, viêm niệu đạo.
- Đi tiểu có cảm giác nóng rát: Nếu bạn bị đau khi đi tiểu sau xuất tinh hoặc khi xuất tinh cũng có thể xảy ra khi bị viêm đường tiết niệu và đường sinh dục, kể từ niệu đạo (đi từ bàng quang đến đầu dương vật), tuyến tiền liệt (tuyến bao quanh cổ bàng quang và niệu đạo) và mào tinh hoàn (ống nhỏ chứa tinh trùng ở phía trên tinh hoàn). Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhiễm khuẩn khác ở đường niệu sinh dục hay tình trạng dị ứng với các chất bôi trơn, thuốc diệt tinh trùng ở bao cao su cũng đều có thể gây đau.
- Tinh dịch có lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh: Có thể là viêm tuyến tiền liệt, viêm hay nhiễm khuẩn túi tinh, cũng có thể là vỡ mạch máu nào đó trong đường ống dẫn tinh hoặc túi tinh, tuyến tiền liệt (hậu quả của viêm mào tinh hoàn, sỏi túi tinh, tuyến tiền liệt, polip niệu đạo). Tình trạng xuất tinh ra máu đỏ tươi có thể tự khỏi sau khi mạch máu được bít lại.
Trường hợp chảy máu do viêm túi tinh, tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, sỏi túi tinh, lao, ung thư tinh hoàn, mào tinh hoàn… thì tinh dịch có màu gỉ sắt hoặc hỗn hợp gỉ sắt với màu đỏ tươi. Khi cần thiết có thể chườm nóng hay dùng thuốc giảm đau nhe.
- Khi giao hợp có cảm giác đau: Có thể do nhiều nguyên nhân như dị ứng với phương tiện tránh thai (thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn…), viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn hay âm đạo của đối tác bị khô. Ngoài ra, cũng không loại trừ đó là dấu hiệu của các bệnh hẹp bao quy đầu, viêm túi tinh, dương vật dị dạng, có u sùi ở “cậu nhỏ”…
- Đau nhiều ở tinh hoàn mà không do chấn thương: Có thể do viêm mào tinh hoàn thể nặng hoặc xoắn tinh hoàn, khiến bộ phận này không có máu đến nuôi dưỡng. Cần đi khám khẩn cấp.
- Một tinh hoàn có cục nhỏ, rắn, không đau: Nên đề phòng ung thư tinh hoàn hoặc một tổn thương lành tính ở đường dẫn tinh.
- Bìu to tròn, căng như quả bóng: Có nước ở tinh mạc. Nếu có một nang nhỏ thì có thể là do viêm mào tinh hoàn.
- Sưng to nhưng mềm ở phía trên tinh hoàn và càng to hơn khi hoạt động, khi nâng vác vật nặng hay khi ho: Có thể là thoát vị bẹn, do có một quai ruột chui vào bìu. Hiếm khi quai ruột bị xoắn nhưng nếu xảy ra thì cần phải mổ. Có loại trang phục mặc vào làm cho ruột đỡ sa và đỡ khó chịu.
BS. Nguyễn Xuân Đào
Theo SK&ĐS