Năm dấu hiệu trẻ gặp vấn đề tâm lý tại trường học
Nằng nặc đòi mua đồ giống bạn bè hoặc liên tục so sánh mình với người khác là dấu hiệu trẻ gặp vấn đề tâm lý tại trường học.
1. Liên tục so sánh mình với người khác
“Matt có một chiếc iPad. Con có thể sở hữu một chiếc như vậy không?”, trẻ nói.
So sánh xã hội là một phần tự nhiên của cuộc sống và đó là cách mỗi người xây dựng bản sắc của mình. Tuy nhiên, Desiree Wee, Nhà tâm lý học lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Singapore, cho biết trẻ em gặp khó khăn trong việc phần biệt giữa nhu cầu và mong muốn.
“Những đứa trẻ nghĩ rằng chúng phải có những thứ giống bạn bè, nếu không sẽ ít người chơi cùng. Trẻ em có thể buồn, tức giận hoặc cảm thấy cô đơn khi không được đáp ứng nhu cầu như bạn bè”, Desiree giải thích.
Cách khắc phục
Desiree đề nghị bố mẹ chấp nhận cảm xúc của trẻ bằng cách nói: “Mẹ biết con cũng muốn có iPad giống Matt” hoặc “Có iPad thích thật đấy. Mẹ biết con rất buồn khi Matt có mà mình thì không”.
Bố mẹ cần tránh gạt đi hoặc phớt lờ yêu cầu của trẻ, hoặc dùng một số từ mang ý nghĩa tiêu cực như “tham lam”, “hư hỏng”. Việc này có thể khiến trẻ nghĩ nhu cầu của mình không quan trọng hoặc bố mẹ không ủng hộ điều trẻ muốn.
“Phụ huynh cần dạy trẻ rằng chúng không cần có hoặc làm mọi thứ như bạn bè. Thay vào đó, bố mẹ có thể nói về các giá trị vật chất và tinh thần khác mà trẻ sở hữu, nhấn mạnh việc trẻ vẫn hạnh phúc với những điều đó”, Desiree nói thêm.
Nhà tâm lý học lấy ví dụ, “Thật buồn khi không có iPad nhưng con biết gì không, chúng ta có một chiếc tivi để xem những bộ phim mình yêu thích. Mẹ thấy hạnh phúc khi cả nhà cùng nhau xem tivi”.
Ảnh: Shutterstock
2. Trở thành kẻ bắt nạt
Trẻ em bắt nạt người khác vì rất nhiều lý do. Theo Desiree, những đứa trẻ trở thành kẻ bắt nạt thường có thành tích học tập kém và có khả năng bị trầm cảm.
“Về lâu dài, những hành vi hung hăng khiến các kỹ năng xã hội của trẻ kém phát triển, tăng nguy cơ sử dụng chất kích thích và vi phạm pháp luật”, Desiree nói.
Cách khắc phục
Video đang HOT
Khi biết trẻ bắt nạt bạn bè, bố mẹ có thể giận dữ, khó chịu hoặc xấu hổ nhưng điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. Những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi tiêu cực và cần có bố mẹ làm gương trong cách xử lý xung đột một cách lành mạnh.
Desiree khuyên để giải quyết hành vi bắt nạt, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. “Liệu trẻ có cảm thấy buồn bực, giận dữ hoặc cô đơn khi ở trường hay không? Từ đó bố mẹ dạy trẻ cách kiểm soát và xử lý cơn giận, giảm sự tiếp xúc của trẻ với các chương trình tivi, game bạo lực. Trường hợp không thể can thiệp, bố mẹ cần đến gặp bác sĩ tâm lý”, bà nói.
3. Bị bắt nạt
Donus Loh, nhà tâm lý học, giám đốc Weave Singapore, chia sẻ nạn nhân của việc bắt nạt thường hướng nội, thụ động khi xảy ra xung đột, có kỹ năng xã hội kém và thường không có khả năng tự bảo vệ mình. Theo thời gian, những đứa trẻ này có thể nghĩ mình yếu đuối và bất lực, gia tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Sanveen Kang-Sadhnani, nhà Tâm lý học lâm sàng cao cấp tại Promising Health, cho biết thêm một số đặc điểm khác của những đứa trẻ bị bắt nạt là có năng khiếu tại một lĩnh vực nào đó, thu hút sự chú ý của người khác.
Cách khắc phục
Bố mẹ có thể hỏi trẻ hiểu bắt nạt là gì vì trẻ có xu hướng nghĩ bắt nạt là hành vi gây hấn về thể chất. Nếu trẻ chưa hiểu đúng, bố mẹ cần chỉ ra biểu hiện của bắt nạt còn bao gồm các hành động trêu chọc, đe dọa tinh thần.
“Nếu mọi chuyện nghiêm trọng, bố mẹ cần ghi lại tất cả sự cố với trẻ, sau đó nói với giáo viên và nhờ đại diện trường học can thiệp”, Donus nói.
Ảnh: Shutterstock
4. Gian lận trong kiểm tra và thi cử
Các hành vi gian lận có thể là biểu hiện của việc trẻ gặp áp lực học tập và kỳ vọng phải đạt điểm số cao, không thua kém bạn bè.
Cách khắc phục
Bố mẹ cần giải thích cho trẻ hậu quả của gian lận và việc này ảnh hưởng thế nào đến những học sinh đã cố gắng làm bài một cách tử tế. Hãy nói với trẻ, không trung thực mang lại những giá trị không thật. Việc đạt kết quả cao không có ý nghĩa gì nếu không xuất phát từ khả năng thật sự của mình.
Bên cạnh việc phê phán hành vi gian lận, bố mẹ cần khen ngợi và thưởng cho trẻ vì sự trung thực, can đảm khi hoàn thành bài kiểm tra bằng thực lực của mình.
5. Bị điểm kém
Khi trẻ bị điểm kém, nhiều bố mẹ có phản ứng tiêu cực, mất bình tĩnh và cho rằng trẻ bất cẩn, lười biếng hoặc ngu ngốc… “Những phụ huynh này cho rằng việc phê bình sẽ thúc đẩy trẻ, nhưng thực tế không phải vậy”, Donus nói.
Cách khắc phục
Bố mẹ nên hỏi trẻ cảm thấy như thế nào về kết quả học tập và tôn trọng những điều trẻ nói ra, từ đó khích lệ bằng cách nhấn mạnh vào khả năng khác để trẻ tự tin hơn.
Thanh Hằng
Theo Young Parents/VNE
Dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề tâm lý
Thích bạo hành động vật, thích nghịch lửa, hay tự gây thương tích cho bản thân là những dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề tâm lý.
Trang VerywellFamily liệt kê nhiều dấu hiệu của trẻ mà bố mẹ không thể bỏ qua .
Dấu hiệu cảnh báo chung
- Các biện pháp kỷ luật của bố mẹ không còn tác dụng với con.
- Con bạn thường xuyên bị phạt ở trường học và gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc, bài tập ở trường do hành vi của bản thân.
- Đời sống xã hội của con bạn không được bình thường, không có những tương tác xã hội tích cực. Con bạn không có bạn bè hoặc khó kết bạn được lâu.
- Hành vi của con bạn không phù hợp với sự phát triển, quá trình trưởng thành. Chẳng hạn con bạn 8 tuổi nhưng vẫn thường xuyên nổi cơn thịnh nộ, hoặc đứa con 10 tuổi của bạn đánh người. Đây là những hành vi không phù hợp với sự phát triển, chưa trưởng thành so với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Dấu hiệu cụ thể
Đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, một số hành vi cụ thể sau cảnh báo chúng đang gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng và cần sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các chuyên gia.
- Đối xử tàn ác với động vật.
- Thích nghịch lửa.
- Có các hành vi tình dục không phù hợp với sự phát triển (chẳng hạn đứa trẻ 12 tuổi thích đi bộ trần truồng trong nhà), thích xem nội dung đồi trụy, thích kéo quần áo của những đứa trẻ khác xuống...
- Thường xuyên có các hành vi hung hăng, gây hấn với bạn bè, đe dọa, đập phá, ném đồ đạc hoặc làm tổn thương người khác.
- Tự gây thương tích cho bản thân như tự đập đầu vào tường, tự rạch tay...
- Không tuân thủ các quy tắc của bố mẹ, nhà trường.
- Không thay đổi hành vi bản thân dù đã bị phạt.
- Có dấu hiệu của bệnh tâm thần: Nghe hoặc nhìn thấy những thứ mà người khác không nghe hoặc nhìn thấy.
- Không biết hối hận và thiếu sự đồng cảm với cảm xúc của người khác.
Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia để được tư vấn. Ảnh: Healthessentials
Các chuyên gia có thể giúp đỡ trẻ như thế nào?
Các chuyên gia tâm lý, hành vi trẻ em có thể giúp con bạn loại trừ vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nếu con bạn bị ADHD, chuyên gia có thể thảo luận và lựa chọn cách điều trị.
Bên cạnh đó, bệnh trầm cảm cũng có thể gây ra các vấn đề hành vi ở trẻ nhỏ. Ví dụ trẻ bị trầm cảm rất hay cáu kỉnh và không muốn thức dậy vào buổi sáng đi học, thay vào đó chỉ muốn nằm lì trong phòng.
Chứng rối loạn lo âu cũng được xem là nguyên nhân gây ra các vấn đề hành vi. Để giúp con sớm ổn định, bố mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia sớm để xác định rõ nguyên nhân và có liệu pháp điều trị cá nhân hoặc gia đình.
Nếu vấn đề của con bạn chưa quá nghiêm trọng, chuyên gia có thể đề nghị điều trị ngoại trú. Trường hợp xấu hơn, điều trị nội trú là cần thiết nếu một đứa trẻ không thể duy trì an toàn trong cộng đồng.
Cách tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu bạn nghi ngờ các hành vi của con không bình thường thì có thể nói chuyện với bác sĩ nhi khoa trước. Hãy thảo luận về mối quan tâm của mình và nếu cần thiết, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia hành vi trẻ em để kiểm tra.
Thanh Hương
Theo VerywellFamily/VNE
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, chất thải để phòng chống dịch bệnh do nCoV Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản số 522/SYT-NVY gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập về việc tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát chất thải trong cách ly, chăm sóc, điều trị, phòng và chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV). Ảnh minh...