Năm 2020, có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, bước sang năm 2020, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất.
Xin cho biết, nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019?
Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu và các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng trong suốt năm.
Không như nhiều nền kinh tế châu Á khác vốn đang gặp nhiều thách thức để duy trì tăng trưởng và vượt qua rủi ro, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7% trong quý III/2019, quan trọng hơn, tăng trưởng được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ.
Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh là đầu tàu kéo thương mại phát triển. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2019 chứng kiến mức thặng dư thương mại kỷ lục với mức xuất siêu lên đến 9,1 tỷ USD, đặc biệt là đóng góp từ lĩnh vực điện thoại và linh kiện.
Xuất khẩu của Việt Nam mặc dù giảm nhẹ so với năm trước, nhưng vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kỳ, tính tới thời điểm tháng 11 năm nay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang tạo ra những bất ổn trong kinh tế thế giới. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, bán lẻ được kỳ vọng vượt qua mức của năm 2018, tăng 12,6% so với cùng kỳ tính tới tháng 11. Cụ thể, vận tải, đồ uống và thực phẩm, quần áo đều đang phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ được duy trì một cách bền vững trong điều kiện vốn FDI đang và sẽ tiếp tục đổ vào nền kinh tế.
Về FDI, chúng ta đã thấy dòng vốn chuyển hướng qua Việt Nam, củng cố vị thế ngành sản xuất. Trong 3 quý đầu năm, dòng vốn đăng ký mới đã đổ vào ngành sản xuất, cụ thể là điện tử. Trong khi đó, vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với chính sách tiền tệ 2019 được cho là có một năm thành công của cơ quan điều hành. Nhận định về chính sách tiền tệ năm 2019?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Trong năm, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường.
Video đang HOT
Tiền Đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Cặp tỷ giá USD/VNĐ gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của 2019 và thậm chí VNĐ tăng giá so với đồng bạc xanh khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11.
Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và dao động quanh tỷ giá mua vào của NHNN ở mức 23.200 và sau đó là 23.175 khi NHNN hạ giá mua USD. Từ đó NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng Nhân Dân Tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá, xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tiền Đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định. Xu hướng này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Áp lực lạm phát có tác động lên lãi suất, thưa ông?
Áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11/2019, hạ từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu “dưới 4%” mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực cũng như các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Trung Quốc lục địa, Mỹ và EU.
Các thị trường này chiếm tới một nửa tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, do đó xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu có sự suy giảm về cầu, từ đó tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.
Với lạm phát, mặc dù ở môi trường triển vọng về giá dầu giảm, lạm phát có thể được kiểm soát, tuy nhiên trong những tháng cuối năm, chỉ số CPI có dấu hiệu tăng nhanh do giá thực phẩm tăng chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đây cũng là tín hiệu đáng quan sát cho năm sau.
Những kỳ vọng trong năm 2020 và nhận định của ông về mặt bằng lãi suất, tỷ giá sẽ thế nào?
Bước sang năm 2020, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như những bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ…
Trong khi đó, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, do đó nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.
Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều hành chính sách điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất. Kinh tế năm sau nhiều khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề định hướng hướng đi cho tỷ giá cũng đứng trước nhiều thách thức.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, đứng trước những biến động khó lường của tỷ giá, doanh nghiệp cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất…, để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Tiêu dùng cá nhân của Việt Nam chiếm tới 75% trong tăng trưởng GDP năm năm gần đây nhất, chỉ đứng thứ hai sau Philippines về tỷ trọng trong GDP. Nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc chuyển đổi lao động từ nông nghiệp qua các ngành đòi hỏi kỹ năng cao.
Nền kinh tế của Việt Nam đang dần chuyển sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng thuộc hàng cao nhất trên thế giới do triển vọng tích cực về nghề nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tầng lớp trung lưu cũng đang gia tăng. Những điều này đang đem lại vị thế tích cực cho Việt Nam để có thể tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình.
Vậy thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam là gì, thưa ông?
Một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chi phí trả nợ vay khi Việt Nam không còn nằm trong số các nước được hưởng các khoản vay ưu đãi.
Trong lúc đó, chúng ta vẫn cần cân đối giữa quản lý để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế.
Một yếu tố cần lưu ý nữa là Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và bất cứ một sự suy giảm về cầu cũng có tác động tới tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải xét tới thực tế là các nền kinh tế đối tác thương mại của Việt Nam sẽ giảm nhẹ tăng trưởng trong năm 2020.
Để có thể duy trì tăng trưởng trong năm sau, Việt Nam sẽ cần nhiều cải cách hơn nữa, đồng thời phát triển thị trường vốn nợ nội địa.
Hiện tại, thị trường vốn của Việt Nam còn đi sau các nước trong khu vực khá xa, thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô nhỏ nhất Đông Nam Á, vẫn còn dư địa để phát triển nếu chúng ta có và thực hiện đúng những kế hoạch cho trung và dài hạn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Tỷ giá ngoại tệ ngày 19/12, USD tăng giá
Đồng đô la Mỹ tăng so với đồng euro trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung có sự cải thiện và động thái của Fed về lãi suất.
Chỉ số đô la theo dõi đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính tăng lên mức 97.343. Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer cho biết, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng hóa châu Âu khi nước này tìm cách giảm thâm hụt thương mại, làm dấy lên lo ngại về triển vọng của đồng euro do xuất khẩu.
Vào tháng 10, Washington đã đi trước một bước và áp thuế 10% đối với máy bay dân dụng lớn và mức thuế 25% đối với hàng nông sản từ châu Âu. Mỹ từ lâu đã lập luận rằng, các khoản trợ cấp cho Airbus đã làm tổn thương hãng máy bay khổng lồ Boeing của Mỹ và các nỗ lực của EU để tuân thủ các phán quyết trước đây của WTO đối với các khoản trợ cấp không đủ cho một sân chơi bình đẳng.
Đồng tiền của Anh đã giảm 0,3% ở mức 1.3099 đô la sau khi giảm xuống còn 1.3074 đô la. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho biết, chính phủ Anh cam kết đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) trước cuối năm 2020.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), Michel Barnier tuyên bố, EU sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng được thời hạn gấp rút và đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với nước Anh trước cuối năm tới. EU sẽ nỗ lực tối đa nhằm đáp ứng thời hạn 11 tháng cho việc ký kết thỏa thuận thương mại với Anh và tránh khả năng không thỏa thuận, khi điều này có thể khiến nền kinh tế phải gánh thiệt hại.
Đồng đô la tăng so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, giao dịch ở mức 7,0016 tại thị trường nước ngoài. Mỹ và Trung Quốc đang hoàn tất thỏa thuận thương mại một giai đoạn một, mặc dù lo ngại vẫn còn trong tương lai.
Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.158 đồng (giảm 4 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.803 đồng (giảm 4 đồng).
Đầu giờ sáng 18/12, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.110 đồng (mua) và 23.230 đồng (bán).
Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều niêm yết ở mức: 23.110 đồng (mua) và 23.230 đồng (bán). ACB: 23.125 đồng (mua) và 23.225 đồng (bán).
Đông Sơn
Theo Vietnamnet.vn
Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định những ngày cuối năm Thị trường ngoại hối đang chứng kiến "chuyện lạ" khi không những không căng thẳng vào dịp cuối năm như thường lệ, mà tỷ giá USD/VND đi ngang và thậm chí thấp hơn so với tỷ giá cuối năm 2018 là 0,16%. Sẵn sàng để đồng nội tệ tăng giá Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 9-13/12 tiếp tục chứng kiến tỷ...