Năm 2019 trên 43% khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc đang tích cực tuyên truyền, vận động nhằm tăng gấp đôi số khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt tương ứng với tỷ lệ hơn 43%.
Bớt cảnh nhân viên Điện lực đến nhà khách hàng thu tiền điện
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang quản lý trên 27 triệu khách hàng, trong đó có 91,64% là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; 8,35% là khách hàng gồm các cơ quan, doanh nghiệp. Kết quả thu tiền điện hàng năm của EVN đều đạt ở mức rất cao với tỷ lệ trên 99%.
Nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng và giúp nâng cao năng suất lao động, từ năm 2005, EVN đã triển khai việc thu hộ tiền điện qua ngân hàng tổ chức trung gian. Qua đó đã ký thoả thuận hợp tác với 4 ngân hàng lớn là (BIDV, VietcomBank, Vietinbank, AgriBank)…. Tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm: từ 14,88% số khách hàng trong năm 2015) lên 44,95% số khách hàng năm 2017 và 49,45% số khách hàng trong năm 2018.
Tuy nhiên, theo EVN, trong giai đoạn từ 2005-2011, số lượng khách hàng tham gia chưa cao và mặc dù tiền điện thanh toán qua ngân hàng nhưng nhân viên điện lực vẫn phải đến nhà khách hàng để trả hóa đơn tiền điện.
Đến giai đoạn 2012-2015, sau khi có chính sách triển khai hóa đơn điện tử, EVN là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thức hiện thí điểm và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Cụ thể, khách hàng có thể lấy hóa đơn tiền điện qua website chăm sóc khách hàng của ngành điện cũng như nhận hóa đơn qua email của khách hàng.
Sau khi hoàn thành việc áp dụng hóa đơn điện tử, từ năm 2016, để nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng, chỉ tiêu thu tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian bắt đầu được đưa vào thành chỉ tiêu định lượng để điều hành hằng năm của Tập đoàn.
EVN cho biết, việc đẩy mạnh này được thực hiện thông qua các giải pháp tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng.
Video đang HOT
Khách hàng đăng ký trả tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Trong năm 2017, với việc hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian, EVN không còn nhân viên của điện lực đến nhà khách hàng thu tiền điện.
“Tôi thấy việc hợp tác giữa ngành điện và các tổ chức trung gian trong việc thu hộ tiền điện đã tạo thuận lợi, giảm bớt phiền hà hơn rất nhiều cho khách hàng sử dụng điện. Sẽ không còn cảnh nhân viên ngành điện phải đến từng nhà khách hàng sử dụng điện để thu tiền điện”, chị Ngô Thị Yến, phòng 2114 CT6A, Tổ hợp Chung cư Thương mại Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho biết.
Đa dạng hình thức thanh toán
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ và nhiệm vụ được Chính phủ giao cho EVN tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1//2019 về các nội dung liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4, hiện nay, 100% các đơn vị của ngành Điện đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trong dịch vụ thu tiền điện.
Đồng thời, EVN cũng mở rộng hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán như: ECPay, Payoo, Momo, VNPay, Zalopay, Viettel, VNPost, Napas…
Khách hàng có thể lựa chọn các hình thức: Trích nợ tự động; thanh toán qua internet banking/ mobile banking/ví điện tử; ủy nhiệm chi; thanh toán tại điểm giao dịch ngân hàng; siêu thị, cửa hàng của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Với việc đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, công tác thu hộ tiền điện của EVN đã đạt được những kết quả khả quan. Tính đến hết năm 2018 có 49,45% khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua ngân hàng và tổ chức trung gian.
Các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt như: Trích nợ tự động, ATM, ngân hàng trực tuyến, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… đạt trên 21,74% khách hàng của EVN.
Đến hết tháng 5/2019, có 52,36% khách hàng của EVN tham gia thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian; các hình thức thu tiền không sử dụng tiền mặt đạt trên 27,37%.
Đáng chú ý, các khu vực có tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện theo hình thức không dùng tiền mặt cao tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn là TPHCM đạt 91,61% và Hà Nội đạt 81,98%.
Toàn Thắng
Theo baochinhphu.vn
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt" do tạp chí Nikkei Asia công bố hồi tháng 4/2019.
Bắt đầu từ năm nay, ngày 16/6 hàng năm được chọn là Ngày không tiền mặt tại Việt Nam. Sự kiện này do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) khởi xướng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến tháng 3/2019, giá trị giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng là hơn 171.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị hơn 900.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động. Khoảng 16 ngân hàng đã triển khai hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Ảnh minh họa.
Thanh toán không dùng tiền mặt được dự báo sẽ bùng nổ dựa trên nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ. Không chỉ có ngân hàng, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam còn có sự góp mặt của các loại ví điện tử như Moca, Vimo, Napas hay Monpay mà giờ đây, thị trường này còn sôi động hơn khi chính các ứng dụng gọi xe và các nhà mạng đang dần trở thành trung gian thanh toán và có ý định cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thanh toán cho người sử dụng.
So với giao dịch tại quầy, tỷ lệ thanh toán qua kênh Mobile Banking, Internet Banking đã chiếm hơn 1/4 tổng giao dịch qua ngân hàng và mỗi năm tốc độ tăng khoảng 40% - 50%. Riêng kênh Mobile Banking chiếm tới 70%. Các ví điện tử, các trung gian thanh toán dịch vụ tiện ích đang ngày càng hút hơn khách hàng nói không với sử dụng tiền mặt.
Ngoài những tiện ích trong đời sống, trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.
Tại hội thảo về "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm kinh tế. Điều đó cho thấy Việt Nam đã nắm bắt kịp thời để sớm đưa ra những giải pháp cần thiết trong xu hướng xã hội không tiền mặt toàn cầu.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh với những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm bởi hiện tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ là 14%. Mức độ minh bạch về đường đi của một số dòng tiền vẫn là một dấu hỏi. Để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự đi vào cuộc sống cần sự tham gia đồng bộ và thay đổi của nhiều ngành, cấp, từ bản thân mỗi cá nhân đến các ngành như công an, thông tin truyền thông, thuế, kho bạc, tài nguyên...
Theo vtv.vn
Đất Xanh Miền Trung ra mắt "Đóa hồng Châu Âu" tại thị trường Phú Yên Với những ưu thế vượt trội từ vị trí cùng hàng loạt những tiện ích hiện đại bậc nhất khu vực, sự kiện ra mắt dự án La Maison Premium diễn ra vào ngày 27/4 vừa qua đã thu hút gần 500 khách hàng tham gia với hàng chục căn shophouse đã tìm được chủ nhân trong chương trình. Được tổ chức tại...