Na Đông Triều được giá
Thị xã Đông Triều là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều nông sản nổi tiếng, được thị trường nhiều nơi biết đến; trong đó, có quả na – thương hiệu OCOP của địa phương.
Dù vụ na năm nay sản lượng có giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên người nông dân phấn khởi vì na cho chất lượng, mẫu mã đẹp nên được giá, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Anh Nguyễn Văn Khoa tại xã Dân Việt, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thu hoạch na.
Giá bán tăng cao
Vụ na mùa năm 2022 của thị xã Đông Triều cho thu hoạch muộn hơn khoảng một tháng so với năm ngoái, sản lượng giảm khoảng từ 10%. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường; cùng đó, do có nhiều diện tích na đã canh tác trên cùng một thửa đất lâu năm, chưa chuyển đổi và cây na già cỗi nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình cho quả và sản lượng của na.
Chị Nguyễn Thị Trà, thuộc Hợp tác xã na VietGAP thôn Khê Thượng xã Việt Dân, thị xã Đông Triều cho biết, gia đình chị trồng hơn 1ha na, từ đầu vụ đến nay thu hoạch được hơn 1 tấn quả, giá bán na tuyển đạt khoảng 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2021. Năm nay không ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thương lái đến tận vườn thu mua ổn định, ở thời điểm hiện tại giá khá cao. Năm ngoái thu hoạch được gần 10 tấn, năm nay chắc giảm khoảng 30%, chị Trà thông tin thêm.
Là cây chủ lực của thị xã Đông Triều, hàng chục năm qua cây na đã giúp đổi thay diện mạo vùng nông thôn, mang lại đời sống kinh tế xã hội ổn định cho người nông dân. Anh Nguyễn Văn Khoa người dân xã Việt Dân chia sẻ, so với các loại cây khác cây na dễ chăm sóc, lại có thể tự ươm giống tại nhà nên chi phí không cao. Những năm gần đây nhờ tham gia trồng na VietGAP nên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, có thể chủ động thời gian ra hoa, cho quả. Na được thu hoạch theo mùa, na gối và na chiêm, sản lượng các vụ không chênh lệch nhiều vì người dân áp dụng khoa học công nghệ.
Anh Khoa phấn khởi cho biết, năm nay không còn giãn cách xã hội, không còn phải lo lắng đến đầu ra, quả na được thương lái đến tận vườn thu mua, nếu bán xô thì giá hiện tại khoảng 25.000 đồng/kg, na tuyển thì từ 40.000 đồng/kg, tùy vườn và chất lượng na.
Hàng chục năm nay, nhờ có cây na mà người dân có điều kiện cho các con học hành, như nhà anh có hai con đi du học ở Hàn Quốc, nhà cửa khang trang, đời sống ở vùng quê yên bình, ổn định, xã cũng đạt nông thôn mới kiểu mẫu từ rất sớm.
Giữ vững thương hiệu OCOP
Trên địa bàn thị xã Đông Triều có gần 900 ha na; trong đó, có gần 400 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ yếu là na dai, được trồng nhiều ở các xã An Sinh, Việt Dân,Tân Việt, Bình Khê…
Video đang HOT
Vốn là cây trung niên, nên cây na chỉ khai thác hiệu quả trong vòng 20 năm trở về, vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiện nay các hộ dân đã bắt đầu cải tạo, thay thế cây trồng mới khoảng 1/3 vườn na đang có. Với hình thức trồng xen canh gối vụ, đảm bảo sẽ cho thu hoạch 3 vụ 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã An Sinh, thị xã Đông Triều cho biết, xã có 450 ha na, cũng là địa phương có diện tích trồng na lớn nhất tỉnh, để bảo vệ thương hiệu na Đông Triều nói chung và của xã nói riêng, hiện nay địa phương đang hướng bà con cải tạo vườn bằng việc thay thế trồng giống na mới có năng suất cao hơn.
Tiểu thương thu mua na tận vườn.
Ngoài việc tiếp tục xây dựng na VietGAP, năm vừa qua xã đã thí điểm 3 ha na hữu cơ và cơ bản cho thu nhập cao. Hiện nay, xã xây dựng mô hình trồng na Thái Lan và na Đài Loan, đánh giá tổng kết cho thu nhập cao và tiến tới khuyến khích người dân chuyển đổi các giống na này vì ưu điểm chống chịu sâu bệnh tốt hơn cây na bản địa.
Trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/vụ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn quả/vụ và gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống. Với ưu điểm vượt trội, na dai Đông Triều vẫn giữ là cây chủ lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Khoa, người dân xã Việt Dân cũng mong muốn tiếp tục khắc phục kỹ thuật trồng na, đồng thời sẽ thực hiện sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, tạo thành chuỗi sản xuất chất lượng cao, duy trì đầu ra hiệu quả.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều cho biết, vụ na năm nay chín muộn và trong khoảng 1 tháng sẽ tiêu thụ hết khoảng 9.000 tấn na chín rộ với nhiều thị trường từ các tỉnh miền Trung trở ra. Đối với na VietGAP cũng được đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng và bảo vệ thương hiệu na Đông Triều, tới đây địa phương này có kế hoạch mở rộng diện tích na VietGAP đã đạt tiêu chuẩn đối với các xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện quy trình kỹ thuật để na có năng suất chất lượng cao nhất.
Đồng thời, khuyến cáo các chủ vườn na có tuổi đời trên 20 năm, già cỗi thì nên thay thế, chuyển đổi giống na và chuyển đổi cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tăng cạnh tranh cho vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu
Đến nay, Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 9.400 ha với sản lượng thu hoạch hàng năm trên 236.000 tấn quả.
Diện tích thanh long tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây và Gò Công Đông; trong đó, nhiều nhất là huyện Chợ Gạo, gần 7.500 ha và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho trái thanh long Chợ Gạo.
Trái thanh long được hệ thống cáp vận chuyển về điểm tập kết tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hữu Chí/TTXVN
Xác định thanh long là một trong những chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của địa phương và là nguồn nông sản hàng hóa mang lại giá trị xuất khẩu cao, Tiền Giang đang đưa ra nhiều giải pháp trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của trái cây đặc sản, giúp giải quyết ổn định đầu ra nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng "trúng mùa, dội chợ", giá cả bấp bênh trong thời gian qua. Từ đó, đưa vùng chuyên canh thanh long phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào việc đổi mới nông nghiệp - nông thôn, nông dân tạo dựng cơ nghiệp vững vàng trong giai đoạn mới.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, từ năm 2017, tỉnh đã triển khai Đề án "Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025" mà một trong những trọng tâm là ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu.
Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương tổ chức các diễn đàn khoa học, chuyển giao kỹ thuật thâm canh thanh long cho nông dân vùng chuyên canh, hướng bà con áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trồng thanh long leo giàn, kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ, thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, thâm canh theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP) gắn với phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng thanh long...
Ngoài ra, giống cũng được hết sức chú trọng nên Viện Cây ăn quả Miền Nam tọa lạc tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã lai tạo, đưa nhiều giống thanh long mới có những ưu điểm vượt trội, được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng vào sản xuất đại trà tại vùng chuyên canh như: thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng đã chứng nhận 2 cây đầu dòng thanh long ruột đỏ trong nỗ lực cung cấp nguồn vật liệu nhân giống chất lượng, sạch bệnh phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long là hướng đi mới tại vùng chuyên canh thanh long Tiền Giang, phù hợp chủ trương đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của tỉnh. Cụ thể, thông qua hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến đang được nông dân vùng chuyên canh thanh long áp dụng một cách rộng rãi góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng trái thanh long xuất ra thị trường.
Điển hình như kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước được áp dụng trên 73% tổng diện tích thanh long, trồng thanh long leo giàn giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả được áp dụng trên diện tích gần 500 ha, sử dụng các chế phẩm sinh học chiếm đến 70% tổng diện tích thanh long, sử dụng các loại đèn compact tiết kiệm điện trong xử lý thanh long ra hoa đạt 100% diện tích..Đồng thời, xử lý cho trái rải vụ để tránh tình trạng "trúng mùa, dội chợ" được nông dân đặc biệt quan tâm. Ước tính, diện tích xử lý cho thu hoạch rải vụ hàng năm đạt khoảng 6.800 ha.
Sản xuất theo hướng GAP nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho sức khỏe và môi trường được tỉnh đặc biệt quan tâm, khuyến khích nông dân nhằm tăng khả năng cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường nói chung. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới.
Liên kết chuỗi giá trị
Ông Nguyễn Văn Mẫn nhấn mạnh, để phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp - nông thôn đổi mới thì bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực trồng trọt thì phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa là vấn đề hết sức bức bách hiện nay đối với địa phương.
Tính đến nay, tỉnh đã thành lập được 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Các hợp tác xã đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho trái thanh long. Mặt khác, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể trong việc cấp mã số vùng trồng cho cây thanh long nhằm thuận tiện xuất khẩu sang các nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã cấp 125 mã số vùng trồng cho cây thanh long, trong đó 33 mã số sang thị trường Trung Quốc, 92 mã số sang các thị trường khó tính khác như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia... trên diện tích gần 6.800 ha thanh long với sản lượng xuất khẩu hàng năm trên 206.000 tấn quả.
Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo chia sẻ, là địa phương có vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh, huyện Chợ Gạo tập trung lãnh đạo sản xuất thanh long theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản xuất khẩu.
Đến nay, Chợ Gạo đã xây dựng được vùng trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP 2.180 ha, đã hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn về logo thanh long Chợ Gạo, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cũng như quảng bá thương hiêu, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho trái thanh long đặc sản. Nhở vậy, toàn huyện có 15 xã được cấp mã vùng trồng và 135 cơ sở đóng gói xuất sang Trung Quốc.
Từ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của đối tác, khách hàng khi đưa thanh long ra thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đi đầu trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trên cây thanh long có Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo.
Theo ông Võ Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, hợp tác xã được thành lập vào năm 2009 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long và các nông sản khác, cung ứng vật tư nông nghiệp... có quy mô 250 thành viên, hoạt động chủ yếu trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long và một số cây hoa màu chủ lực của Tiền Giang trên diện tích 300 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.
Nhiều năm qua, hợp tác xã đã sản xuất theo quy trình Global Gap, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc. Năm ngoái, hợp tác xã có doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, ngoài lợi nhuận 3.000 đồng/kg cho nông dân, hợp tác xã vẫn lãi 1,8 tỷ đồng. Doanh thu mỗi thành viên hợp tác xã khoảng 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm.
Nông dân Lê Văn Thủy, xã viên Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An cho biết, được sự hỗ trợ của Hợp tác xã, ông áp dụng qui trình canh tác theo tiêu chí GlobalGAP trên 1,7 ha thanh long. Theo ông Thủy, trồng theo tiêu chí GlobalGAP cho ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Sản phẩm thanh long sạch của ông và các xã viên được hợp tác xã bao tiêu với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm bình quân 10.000 đ/kg. Do vậy, ông rất an tâm phát triển vườn thanh long GlobalGAP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, Tiền Giang định hướng đúng và có bước đi phù hợp nhằm phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu. Kết quả đã tạo được cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thâm canh thanh long.
Đặc biệt, vườn cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 80% sản lượng trái cây hàng năm được xuất khẩu; trong đó, xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng sản lượng, còn lại xuất sang các thị trường khó tính khác như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,...Hàng năm, xuất khẩu chính ngạch trái thanh long của Tiền Giang đạt 100 triệu USD; đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh thanh long tạo việc làm cho trên 15.000 lao động tại chỗ.
Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha thanh long đạt tiêu chí GAP; diện tích thu hoạch đến năm 2025 là 7.900 ha, sản lượng trên 235.000 tấn quả. Kim ngạch xuất khẩu thanh long đến năm 2025 đạt 150 triệu USD, gấp 1,5 lần hiện nay, chưa kể xuất tiểu ngạch. Qua đó, phát huy vai trò vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đạt từ 10 - 11%/ năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Quảng Ninh xem xét trách nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh liên quan vụ Việt Á Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo xem xét trách nhiệm ông Phạm Văn Thành, PCT UBND tỉnh, nguyên Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều. Tối 13/6, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đang chỉ đạo xem xét trách nhiệm của ông Phạm Văn Thành,...