Myanmar sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào?
Báo Myanmar Times ngày 30/12 dẫn lời ông U Aung Htoo, Vụ phó Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết, khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới, nước này sẽ phải tránh bất kỳ hình thức gây áp lực nào từ bên ngoài về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Myanmar nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ Brunei vào ngày 10/10/2013
Theo ông U Aung Htoo, Myanmar sẽ tham khảo phương pháp tiếp cận của Brunei và góp phần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông.
“Trung Quốc hiện tại đã đồng ý bàn thảo về bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông. Chúng tôi không thể đối đầu với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xử lý các thỏa thuận về tranh chấp với Trung Quốc”, ông U Aung Htoo nói.
Cũng theo ông U Aung Htoo, điều quan trọng là trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Myanmar không được ngả về bất kỳ bên nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông và sẽ nỗ lực tránh lặp lại trường hợp ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung sau hội nghị hồi tháng 7/2012, trong nhiệm kỳ Campuchia làm Chủ tịch.
Ông U Aung Htoo tuyên bố: “Chúng tôi có thể ra tuyên bố chung khu vực mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài”.
Myanmar nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ Brunei vào ngày 10/10/2013 và sẽ bắt đầu tổ chức cuộc họp ASEAN đầu tiên trên cương vị Chủ tịch khối vào ngày 15/1/2014.
Video đang HOT
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình, theo U Than Maung – một cố vấn của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Myanmar (ISIS) – cơ quan tư vấn chính sách đối ngoại cho Bộ Ngoại giao Myanmar, nước này cần phải tuân theo một chính sách ngoại giao “độc lập” để tránh xung đột với các đối tác của ASEAN cũng như các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, U Kye Myint – một cố vấn khác cũng từ ISIS lo ngại rằng, Myanmar sẽ bị “kẹt” giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bởi hiện Trung Quốc vẫn là đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng của Myanmar, song Mỹ đang giữ “chốt cửa”, mở đường cho nước này hội nhập sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị… của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù vậy, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar U Aung Lynn cho biết, Myanmar cam kết tiếp tục ủng hộ tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời khẳng định: “Xây dựng lòng tin và sử dụng các biện pháp ngoại giao là nền tảng của việc giải quyết tranh chấp này”.
Theo Minh Châu
Petrotimes
ASEAN phá vỡ kế "chia để trị" của Trung Quốc?
Cách đây một năm, Trung Quốc dường như đã ít nhiều giành được thành công trong chiến thuật "chia để trị" đối với ASEAN bằng việc lôi kéo đồng minh Campuchia, khiến Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại không thể đưa ra được một tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng. Tuy nhiên, một năm sau, mọi việc đã đổi khác. ASEAN đã "vô hiệu hóa" được chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc.
(Ảnh minh họa)
Cú sốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra ở Campuchia hồi năm ngoái được xem là một thất bại bởi lần đầu tiên trong lịch sử ra đời và tồn tại của hiệp hội này, các thành viên không đạt được sự đồng thuận để ra một tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị. Lý do là Trung Quốc đã gây sức ép buộc nước chủ nhà cũng là Chủ tịch luân phiên khi đó của ASEAN - Campuchia không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung. Vốn là một đồng minh thân thiết của Trung Quốc nên Phnom Penh dễ dàng bị khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh. Campuchia đã chọn đứng về phía Trung Quốc thay vì là ASEAN.
Sau hội nghị trên, người ta bắt đầu hiểu rõ hơn "âm mưu" của Trung Quốc. Nước này rõ ràng đã tìm cách chia rẽ ASEAN để dễ bề đối phó với các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông với họ.
Có tới 4 thành viên của ASEAN gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, và Malaysia đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh thừa biết, nếu phải đối diện với một ASEAN thống nhất, đoàn kết thì nước này sẽ khó có khả năng đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông. Vì thế, Bắc Kinh đã tìm cách khai thác những "huyệt yếu" của các nước thành viên ASEAN với mục tiêu "chia để trị".
Vốn là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã dùng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của mình để thiết lập quan hệ thân thiết với các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao như Campuchia, Myamar và Lào. Trong đó, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến phát triển mối quan hệ kinh tế với Campuchia. Cường quốc số 1 Châu Á mạnh tay đầu tư vào Campuchia, với tổng vốn đầu tư thường gấp nhiều lần do với mức đầu tư của ASEAN hay Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á.
Song song với việc đổ tiền vào các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao, Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEAN không có tranh chấp trên Biển Đông hoặc nếu có thì cũng không lớn lắm.
Chiến lược trên của Trung Quốc phải nói rằng đã phát huy tác dụng ít nhiều. Điều đó đã được thể hiện qua kết quả Hội nghị ASEAN hồi năm ngoái ở Campuchia. Tuy nhiên, một năm sau, tình thế đã đổi khác. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm nay chứng kiến một ASEAN đoàn kết hơn, nhất trí hơn và điều đó đã khiến Trung Quốc buộc phải có lập trường mềm mỏng, dịu nhẹ hơn.
ASEAN đoàn kết, Trung Quốc nhượng bộ
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 diễn ra ở Brunei năm nay đã được khai màn trong sự lo lắng và hoài nghi. Người ta lo ngại về khả năng các nước thành viên ASEAN tiếp tục bất đồng về vấn đề tranh chấp Biển Đông và hoài nghi về một kết quả thành công của hội nghị lần này sau thất bại của hội nghị năm ngoái.
Tuy nhiên, trái với dự đoán bi quan của một số người, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm nay đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Không chỉ thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất, ASEAN còn khiến Trung Quốc phải nhượng bộ, chấp nhận đàm phán chính thức về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trước thềm hội nghị này, đã có không ít các nhà phân tích nổi tiếng nhận định, Bắc Kinh sẽ tìm cách "câu giờ", trì hoãn để tránh phải đề cập đến bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Vì đâu Trung Quốc lại xuống nước một cách bất ngờ như vậy và ASEAN lại thể hiện được sự đoàn kết, gắn bó như vậy?
Có thể nói, các hành động hung hăng, hiếu chiến liên tiếp của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trong suốt thời gian qua đã khiến cường quốc Châu Á này phải "lãnh hậu quả". Cách hành xử thái quá của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới và đặc biệt là các nước trong khu vực. Indonesia dưới sự giúp đỡ của Singapore đã thực hiện một chiến dịch ngoại giao con thoi nhằm tìm cách hàn gắn lại hình ảnh đã bị tổn thất đi ít nhiều của ASEAN sau vụ việc hồi năm ngoái. Trong khi đó, Campuchia cũng cảm thấy cần thiết phải hàn gắn lại mối quan hệ giữa nước này với các nước ASEAN khác đang có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam.
Ngoài ra, với tư cách là nước chủ nhà và là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Brunei cũng thể hiện nỗ lực trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Brunei đã củng cố một cách hiệu quả quyết tâm của ASEAN trong việc tìm cách thuyết phục Trung Quốc cam kết với một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc ở Biển Đông. Bộ quy tắc đó sẽ giúp quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp hàng hải đồng thời tăng cường sự hợp tác hàng hải giữa các nước trong khu vực.
Ngoại trưởng Indonesia từng nói: "Chúng ta buộc phải có một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nếu không, bất ổn sẽ thắng thế". Phát biểu này cho thấy, ASEAN đã nhận thức được tính cấp bách của vấn đề và quyết tâm giải quyết nó.
Trước sự đoàn kết của ASEAN và lo ngại viễn cảnh ASEAN ngả về phía Mỹ, Trung Quốc đã buộc phải mềm mỏng, xuống nước. Tại hội nghị ASEAN hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí với các nước ASEAN về việc sẽ tiến hành đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong cuộc họp chính thức giữa hai bên vào tháng 9 tới. Đây rõ ràng là một kết quả khả quan trong bối cảnh Bắc Kinh trước đây luôn tìm cách né tránh việc bàn đến bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trung Quốc vốn không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bởi nước này hiểu rõ họ sẽ có lợi thế nếu giải quyết "tay đôi" trực tiếp với từng nước nhỏ hơn.
Theo VNE
Mỹ "mong người dân VN không còn bị đe dọa bởi bom mìn chưa nổ" Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam tại Hà Nội sáng ngày 16/12/2013, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Lễ ký kết Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác khắc phục hậu...