Mỹ xem xét số thương vụ đầu tư nước ngoài cao kỷ lục
Ngày 31/7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã xem xét số thương vụ xin phê duyệt cao kỷ lục trong năm 2022.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
CFIUS là một ủy ban liên ngành do Bộ Tài chính đứng đầu, chuyên xem xét các rủi ro an ninh quốc gia của các giao dịch liên quan đến đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo hằng năm của CFIUS, cơ quan này đã xem xét 286 thương vụ xin phê duyệt vào năm ngoái, tăng từ mức kỷ lục 272 hồ sơ vào năm 2021 và 187 hồ sơ vào năm 2019. Trong số đó, các trường hợp liên quan đến lĩnh vực tài chính, thông tin, dịch vụ và sản xuất chiếm khoảng 80%.
CFIUS cho biết “các thương vụ mà ủy ban xem xét, bao gồm cả công nghệ đang được đầu tư phát triển, ngày càng phức tạp, do đó dẫn tới nhiều thỏa thuận an ninh quốc gia nhằm giải tỏa các nguy cơ đã được xác định”.
Video đang HOT
Hầu hết người nước ngoài muốn nắm cổ phần hoặc thậm chí là vị trí cổ đông không kiểm soát trong các công ty Mỹ đều phải có được sự đồng ý của CFIUS. Năm 2022, CFIUS đã tiến hành 162 cuộc điều tra, tăng đáng kể so với 130 cuộc trong năm 2021. Trong số 88 hồ sơ thương vụ xin phê duyệt bị CFIUS từ chối có 68 hồ sơ được yêu cầu phải có những thay đổi nhằm giảm thiểu lo ngại về an ninh quốc gia.
Tháng 9/2022, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu CFIUS tăng cường tập trung vào các mối đe dọa đối với dữ liệu nhạy cảm, an ninh mạng và các lĩnh vực như vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, đồng thời xem xét kỹ lưỡng hơn các thương vụ có thể làm lung lay vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ sinh học và máy tính lượng tử.
EU siết kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng
Ủy ban châu Âu hướng đến kiểm soát xuất khẩu hàng hóa "lưỡng dụng" được chỉ định có thể có ứng dụng quân sự.
Các nhân viên đang lắp ráp công cụ bán dẫn của công ty ASML ở Veldhoven, Hà Lan. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 20/6, Ủy ban châu Âu có kế hoạch đề xuất các biện pháp trong năm nay để giải quyết các rủi ro an ninh do đầu tư ra nước ngoài gây ra cũng như tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự, đồng thời chú ý đến các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.
Trong một tài liệu có tựa đề "Chiến lược An ninh Kinh tế châu Âu", Ủy ban châu Âu đưa ra quan điểm về cách EU có thể làm cho nền kinh tế của mình trở nên mạnh mẽ hơn và xác định các rủi ro mới nổi.
Tài liệu nêu rõ những rủi ro này có thể đến từ xuất khẩu và đầu tư qua đó rò rỉ bí quyết cho các đối thủ nước ngoài trong một "loạt công nghệ có ý nghĩa quân sự", với điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 6G, công nghệ sinh học và người máy là ví dụ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ trình bày "báo cáo" trên trước các nghị sĩ EU và các quốc gia thành viên, nơi các nhà lãnh đạo của họ sẽ thảo luận về quan hệ với Trung Quốc tại Brussels vào tuần tới.
Tài liệu không nêu tên Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh việc hợp tác với các quốc gia có chung mối quan tâm với EU và sử dụng cụm từ "giảm thiểu rủi ro", một chính sách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu cũng có kế hoạch đưa ra một danh sách khác với các thành viên EU về các công nghệ quan trọng đối với an ninh kinh tế, cũng như chú ý đến đầu tư trong nước và có thể đề xuất sửa đổi cơ chế sàng lọc đầu tư trước cuối năm 2023.
Tài liệu của Ủy ban châu Âu cho biết EU sẽ tập trung vào các rủi ro đối với chuỗi cung ứng, bao gồm năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như mạng viễn thông, cũng như chống lại sự ép buộc kinh tế và rò rỉ công nghệ hàng đầu.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu sẽ cần phải hành động thận trọng vì việc cấp giấy phép xuất khẩu và cân nhắc các lợi ích an ninh là năng lực quốc gia mà các chính phủ EU sẽ muốn duy trì.
Một kế hoạch của Hà Lan nhằm ngăn chặn hiệu quả các công ty Trung Quốc mua các công cụ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất của tập đoàn ASML là một trường hợp điển hình
Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Các quốc gia thành viên EU chưa sẵn sàng chuyển giao toàn bộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhưng chúng ta có thể sẽ thấy điều gì đó nhiều hơn nữa trên con đường hợp tác lớn hơn".
Khảo sát: Ông Donald Trump nhận được ủng hộ cao nhất trong đảng Cộng hòa Theo kết quả khảo sát mới, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên làm đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Theo đó, tỷ lệ ủng hộ trong...