Mỹ: Vì sao nhiều bác sĩ không dám lấy dịch mũi người nghi mắc Covid-19 để xét nghiệm?
Bất chấp biện pháp hợp tác xét nghiệm Covid-19 công – tư mà Nhà Trắng đưa ra, nhiều bác sĩ tại Mỹ cho biết, họ không thể làm xét nghiệm cho bệnh nhân vì thiếu thốn khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
Anjali Viswanathan, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện New Jersey cho biết, cô không dám thực hiện xét nghiệm Covid-19 dù có bộ kit xét nghiệm vì không được trang bị khẩu trang và đồ bảo hộ.
Xét nghiệm Covid-19 sẽ cần làm thủ thuật đặt một ống nhỏ vào sâu trong mũi bệnh nhân và xoáy nhẹ nó vài lần trong mũi để lấy dịch, bác sĩ Viswanathan cho biết.
“Nếu không may có người nhiễm Covid-19 hắt hơi khi đang làm thủ thuật đặt ống trong mũi, chúng tôi cũng sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Suốt 75% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, các bệnh nhân của tôi liên tục hắt hơi”, bác sĩ Viswanathan nói.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 cần phải có găng tay, đồ bảo hộ, khẩu trang N95 và che mắt bằng kính bảo hộ.
Nhiều bác sĩ tại Mỹ không thể làm xét nghiệm Covid-19 vì thiếu khẩu trang y tế (ảnh: ABC News)
Suốt một tuần qua, bác sĩ Viswanathan không thể thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 vì bệnh viện nơi cô làm việc không có loại khẩu trang N95.
Bác sĩ Viswanathan cho biết, cô không muốn phơi mặt của mình ra trước virus mà không được bảo vệ bằng khẩu trang y tế, điều này đồng nghĩa với việc không thể làm xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Viswanathan, nhiều đồng nghiệp của cô cũng gặp phải tình cảnh tương tự và họ thường than thở với nhau trên Facebook về vấn đề này.
Video đang HOT
Các bác sĩ trong nhóm của Viswanathan đều cho rằng, thực hiện đặt ống trong mũi mà không có đủ thiết bị bảo hộ là quá nguy hiểm và họ cảm thấy thất vọng vì cả bệnh viện lẫn chính phủ không cung cấp đủ vật tư y tế trong khi có rất nhiều bệnh nhân vẫn đang chờ xét nghiệm.
Đường phố New York (Mỹ) vắng vẻ trong dịch Covid-19 (ảnh: AP)
Nguồn cung khẩu trang N95 tại Mỹ khan hiếm đến nỗi vào hôm 17.3, Phó Tổng thống Mỹ – ông Mike Pence, đã phải lên tiếng kêu gọi các công ty xây dựng nước này để cho công nhân dùng các loại khẩu trang khác, khẩu trang N95 nên được dùng cho các bác sĩ tại bệnh viện.
Hôm 18.3, bác sĩ Viswanathan đã nghĩ ra một giải pháp tình thế đó là yêu cầu bệnh nhân của mình – một người đàn ông 50 tuổi, tự cho ống vào sâu trong mũi sau đó đặt mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm lên khay. Bác sĩ Viswanathan sau đó sẽ nhờ tài xế bệnh viện đưa mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm.
Tuy nhiên, bác sĩ Viswanathan vẫn thấy cách làm như vậy là không ổn.
“Tôi nghe nói rằng, nhiều xét nghiệm sẽ không hợp lệ nếu không được thực hiện thủ thuật đúng cách”, bác sĩ Viswanathan lo lắng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Theo danviet.vn
Tình báo Israel 'gom' gấp 100.000 bộ test COVID gửi về nước
Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) đã gom được 100.000 bộ xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và gửi ngay về nước. Đây chỉ là lô đầu tiên trong số 4 triệu bộ kit mà Mossad đảm bảo sẽ đưa về Israel những ngày tới.
Một y tá cầm bộ xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Y tế UW ở Seattle, Mỹ ngày 9/3. Ảnh: Reuters
Kênh truyền hình Channel 12 của Israel là cơ quan truyền thông đầu tiên đăng tải thông tin Mossad đã sở hữu được và vận chuyển về ngay 100.000 bộ xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhằm giúp chính phủ tăng tốc xét nghiệm các bệnh nhân tiềm tàng. Channel 12 cho hay đây mới là lô hàng đầu tiên trong kế hoạch 4 triệu bộ kit xét nghiệm bổ sung mà Mossad sẽ chuyển về Israel trong những ngày tới.
Trang tin Ynet của Israel cho biết các bộ dụng cụ được "gom" từ hai quốc gia khác nhau, trong khi tờ Jerusalem Post cho hay Mossad đã nhận được sự đồng ý của các quốc gia đó.
Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), Tổng giám đốc Bộ Y tế Israel Moshe Bar Siman-Tov ngày 19/3 đã xác nhận thông tin nói trên, mặc dù cấp phó của ông nói rằng vấn đề khó khăn chính của chính phủ hiện tại là nó không có đủ tăm bông (một thành phần của bộ xét nghiệm), chứ không phải thiếu cả bộ dụng cụ xét nghiệm.
Phát biểu với Đài truyền hình nhà nước Kan, ông Siman-Tov nói rằng, "chúng tôi cần kiểm tra xem bộ dụng cử xét nghiệm mà Mossad mang về có còn hạn và sử dụng được không" - tờ Times of Israel cho biết. "Chúng tôi đang huy động mọi nguồn nhân lực có trong nước để đối phó đại dịch", ông Siman-Tov nói thêm.
Nhưng cấp phó của ông là Itamar Grotto lại phát biểu với Ynet rằng "những gì được mang về vào lúc này không chính xác là những gì chúng tôi đang thiếu". Ông giải thích, "có nhiều thành phần khác nhau trong bộ xét nghiệm... Vấn đề của chúng tôi là thiếu tăm bông".
Tăm bông là một thành phần của bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Đáp lại, các quan chức của Mossad đã tranh luận về lời khẳng định của ông Grotto, nói rằng: "Mossad đã mang về những gì được đề nghị". "Chúng tôi sẽ làm rõ các nhu cầu với Bộ Y tế. Kênh bí mật đã mở và sẽ tiếp tục được sử dụng để mang về những gì cần thiết".
Khi được đề nghị bình luận, văn phòng Thủ tướng Israel đã gửi một tuyên bố tới tạp chí Newsweek giải thích: "Chúng tôi huy động đầy đủ mọi khả năng của nhà nước để hỗ trợ đối phó với dịch COVID-19, bao gồm cả Mossad và các cơ quan khác. Thiết bị được đưa về Israel là theo yêu cầu và cần thiết".
Giống như các quốc gia khác, Israel đã phải tích cực tăng cường năng lực xét nghiệm để có thể xử lý các trường hợp nghi mắc COVID-19 ở nước này và xác định nơi đang diễn ra sự lây lan. Chính phủ Israel cho biết họ có kế hoạch thực hiện 5.000 xét nghiệm mỗi ngày trong những ngày và tuần tới.
Không chỉ tại Israel, tình trạng thiếu tăm bông xét nghiệm và các dụng cụ y tế khác liên quan cũng là một thách thức hiện nay với ngành y tế Mỹ. Giới chức tại một số sở y tế nhà nước, bệnh viện và phòng thí nghiệm Mỹ nói với kênh CNN rằng họ cần thêm tăm bông xét nghiệm, thuốc thử, xy lanh và các dụng cụ khác cần thiết để tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Ở bang Minnesota, tình trạng thiếu hụt đã khiến một số phòng khám đóng cửa. Ở West Virginia, quan chức phụ trách y tế cho biết, bà đã phải cho tách lẻ từ các bộ xét nghiệm cúm để dùng. Tại Ohio, Cơ quan Y tế bang cho hay họ đang tập trung vào "xét nghiệm các bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất" vì "thiếu nguồn cung toàn cầu".
Nhà cung cấp bộ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, Roche cho biết họ tiến hành sản xuất liên tục, và đang phân phối 400.000 bộ xét nghiệm mỗi tuần cho các phòng thí nghiệm ở Mỹ, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tính đến hết ngày 19/3 có 529 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 ở Israel, tăng 96 ca so với một ngày trước đó và hiện chưa có ca tử vong nào. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 đã tấn công 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, làm lây nhiễm gần 229.000 người và khiến 9.357 người tử vong.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Bệnh nhân Covid-19 ở Anh cảm thấy như "nuốt phải thủy tinh" và "đang bốc cháy" Nhiếp ảnh gia Mandy Charlton, 46 tuổi ở Newcastle (Anh) được đưa tới Bệnh viện Hoàng gia Victoria cấp cứu vì bị sốt cao và ho khan. Xét nghiệm cho kết quả cô dương tính với virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp (Covid-19). Nhiếp ảnh gia người Anh Mandy Charlton hiện đang tự cách ly tại nhà sau khi xét nghiệm...