Mỹ và Nhật Bản khẳng định quan hệ đồng minh, hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu
Rạng sáng 17/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiến hành hội đàm tại Nhà Trắng.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo và là lần đầu tiên Tổng thống Biden tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Mỹ sau thời gian lạnh nhạt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định củng cố quan hệ đồng minh, hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, gene và chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Ông nhấn mạnh: “Nhật Bản và Mỹ đều đầu tư mạnh vào đổi mới và hướng tới tương lai. Chính sách này bao gồm việc đảm bảo rằng chúng tôi đầu tư và bảo vệ những công nghệ sẽ duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh của chúng tôi”.
Lãnh đạo hai nước có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác song phương để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn chất bán dẫn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các sản phẩm cần thiết đối với hàng hóa công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy mạng 5G đáng tin cậy.
Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới các vấn đề an ninh khu vực như hoạt động của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền vào gọi là Điếu Ngư.
Video đang HOT
Tại buổi họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Suga nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí phản đối mọi nỗ lực làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc hành vi cưỡng ép tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Với Bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau khi Bình Nhưỡng nối lại vụ thử tên lửa mà Washington và Tolyo cho là tên lửa đạn đạo vào tháng trước. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tìm kiếm một giải pháp ngay lập tức đối với vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Tổng thống Biden cho biết hai bên nhấn mạnh tăng cường hợp tác, góp phần đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai. Trong khi đó, Thủ tướng Suga khẳng định mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ nằm trong khuôn khổ các giá trị phổ quát như pháp trị và mối quan hệ song phương đó ngày càng trở nên quan trọng.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu theo hình thức trực tuyến, dự kiến diễn ra vào tuần sau và do Tổng thống Biden chủ trì, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu thế giới trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Kể từ khi nhậm chức, ông đã đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump và đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu nhằm kêu gọi các nền kinh tế lớn nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến kiềm chế tốc độ nóng lên của Trái Đất.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đã chia sẻ mục tiêu đạt được trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và trọng tâm là đưa ra mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng vào năm 2030. Thủ tướng Suga khẳng định hai nước sẽ dẫn đầu nỗ lực trung hòa carbon của thế giới.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Suga đã khẳng định quyết tâm của Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo vào mùa Hè này và Tổng thống Biden đã bày tỏ ủng hộ điều này. Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với những hoài nghi trong và ngoài nước về việc thúc đẩy sự kiện thể thao toàn cầu giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Mỹ: Tạo sức mạnh mới từ quan hệ đồng minh
Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Mỹ lần này cho thấy Tokyo có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách "đưa nước Mỹ trở lại" của Tổng thống Joe Biden.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự kiến ngày 16/4 sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến chuyến công du tới Mỹ từ 15-18/4. Theo đó, ông Suga Yoshihide sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm thể hiện đúng cam kết của ông Suga khi nhậm chức là kế thừa các chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ rộng mở và ổn định với các quốc gia khác dựa trên trụ cột là quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Chia sẻ sức mạnh từ quan hệ đồng minh
Chuyến thăm lần này được lên kế hoạch ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm bộ Tứ và Đối thoại chiến lược Ngoại giao, Quốc phòng (2 2) cấp Bộ trưởng Nhật - Mỹ cho thấy quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ ngày càng được coi trọng và củng cố vững chắc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Nhật Bản thời gian gần đây nhận được sự "ủng hộ" mạnh mẽ của Mỹ đối với nhiều vấn đề như cam kết bảo vệ quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc (Senkaku/Điếu Ngư) theo Điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Bên cạnh đó, hai nước đã nhanh chóng thống nhất được mức chia sẻ kinh phí quân sự.
Mặt khác, trong khi nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã tự mình "rút" khỏi một số Diễn đàn, Hiệp định hợp tác quốc tế và khu vực thì Nhật Bản thời gian qua lại ngày càng trở nên năng động, tích lũy được quan hệ ngoại giao lâu dài với nhiều nước, uy tín được củng cố hơn trong cộng đồng quốc tế. Từ đó, Nhật Bản nắm ưu thế là nước điều phối và đưa ra các kiến nghị quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình trật tự quốc tế như vai trò dẫn dắt trong đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và Xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay thúc đẩy sự phối hợp chiến lược trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ.
Như vậy, cuộc gặp Thượng đỉnh lần này cho thấy Nhật Bản có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách "đưa nước Mỹ trở lại" của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các nội dung trong tuyên bố chung sau cuộc họp 2 2 ngày 16/3 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước sẽ là cơ sở cho chương trình nghị sự lần này.
Ngoài việc thúc đẩy củng cố quan hệ đồng minh, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp giải quyết các vấn đề "nóng" của quốc tế và khu vực như: Hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, triển khai các biện pháp kiềm chế hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ, sản xuất vaccine ngừa Covid-19, các công nghệ mới nổi quan trọng và biến đổi khí hậu. Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Suga sẽ là cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ các nhân giữa hai nhà lãnh đạo.
Cam kết thúc đẩy hợp tác trong vấn đề Triều Tiên
Có thể thấy rằng, quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên thời gian gần đây tiếp tục "căng thẳng" với những động thái "ăn miếng trả miếng". Ngày 25/3 vừa qua, đúng lúc Nhật Bản khai mạc Lễ rước đuốc Olympic Tokyo, Triều Tiên phóng 2 vật thể mà nước này cho là "đầu đạn dẫn đường chiến thuật mới" xuống khu vực Biển Nhật Bản. Tiếp đến, ngày 6/4, nhân lúc Nhật Bản gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thêm 2 năm thì Triều Tiên cũng chính thức tuyên bố không tham dự Olympic Tokyo năm nay với lý do bảo vệ các vận động viện khỏi dịch Covid-19. Động thái này được coi là chấm dứt cơ hội hiếm hoi để có thể xúc tiến đến các cuộc đàm phán không chỉ giữa Nhật Bản và Triều Tiên, mà còn giữa Mỹ - Triều Tiên, Mỹ - Hàn....
Nhật Bản một mặt lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp trừng phạt đối với nước này, nhưng cũng bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà không cần điều kiện gì. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn để ngỏ mong muốn này của Nhật Bản.
Do quan hệ Nhật Bản -Triều Tiên chưa có dấu hiệu ấm lên, nhưng Nhật Bản vẫn mong muốn cải thiện để giải quyết vấn đề tồn tại giữa hai nước có liên quan đến sự quan tâm của người dân Nhật Bản. Chính vì lẽ đó, trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nhật-Mỹ lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và thống nhất việc tiếp tục thúc đẩy các biện pháp ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Nội dung này được coi là một nội dung được đề cập sâu trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm. Điều này có khả năng sẽ gây ra cho Triều Tiên những phản ứng tiêu cực, nhưng rõ ràng Nhật-Mỹ đã thực hiện được cam kết liên quan đền vấn đề Triều Tiên.
Một cuộc hội đàm có thể chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề. Nhưng nó sẽ là cơ hội cho những cam kết có thể thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước và hợp tác của hai nước trong các vấn đề quốc tế.
IAEA ủng hộ xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 13/4 bày tỏ ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giám sát việc xả thải này. Các bể nước thải...