Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học tại Syria
Hôm nay (14/9) Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận về giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria. Theo đó kho vũ khí của Damascus sẽ bị tiêu hủy hoặc tháo dỡ hoàn toàn vào giữa năm 2014.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong buổi họp báo chung với ngoại trưởng Nga
Bước vào ngày đàm phán thứ 3 tại Geneva, Thụy Sỹ về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, vấn đề trở ngại lớn nhất trước đó là việc Washington nhất quyết yêu cầu đưa điều khoản đe dọa sử dụng vũ lực với Syria, trong trường hợp Damascus không tuân thủ, vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên Nga lại kiên quyết phản đối vấn đề này. Và cuối cùng Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ.
Trước đó, tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định báo cáo của Liên Hợp Quốc sẽ xác nhận “một cách vô cùng mạnh mẽ” rằng khí độc đã được sử dụng tại Syria hồi tháng trước. Nhưng ông không bình luận gì về việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 21/8 tại phía Đông Damascus.
Bên cạnh đó, ông khẳng định Tổng thống Syria Bashar al- Assad đã phạm “nhiều tội ác chống lại loài người” trong phát biểu tại diễn đàn Phụ nữ quốc tế Liên Hợp Quốc, được chiếu trên truyền hình của Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu ra một khuôn khổ hành động gồm 6 điểm, và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Assad thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra với cộng đồng quốc tế.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã đạt được một đánh giá chung về số lượng và loại vũ khí hóa học mà chính quyền Assad sở hữu. Và chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng quốc tế nhanh chóng giành quyền kiểm soát những vũ khí này”, ông Kerry phát biểu trước báo giới.
Ông cũng tuyên bố “sẽ không có chỗ cho trò chơi chính trị hoặc bất kỳ điều gì khác ngoài sự tuân thủ hoàn toàn bởi chính quyền Assad”.
Theo đó chính quyền Syria sẽ phải giao nộp một danh sách toàn bộ các kho vũ khí hóa học của mình trong vòng một tuần, trước khi các vũ khí này được di chuyển và phá hủy.
Ông Kerry khẳng định chính phủ Syria phải để cho Liên Hợp Quốc tiếp cận đầy đủ với các địa điểm cất giữ vũ khí hóa học và nhấn mạnh rằng kế hoạch giải giáp sẽ được thực hiện một cách minh bạch. Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào hay địa điểm nào sẽ đảm nhiệm việc tiêu hủy.
Về lịch trình, ông Kerry cho biết thanh sát viên Liên Hợp Quốc sẽ có mặt tại Syria không muộn hơn tháng 11 tới, trong khi việc phá hủy vũ khí phải được hoàn tất trước giữa năm 2014. Dù vậy chưa có thông tin cụ thể về nước nào sẽ thực hiện việc tiêu hủy các vũ khí hóa học.
Nếu Damascus không tuân thủ kế hoạch này, họ sẽ bị trừng phạt theo Chương 7, Hiến chương Liên Hợp Quốc, ông Kerry nói, ám chỉ việc sử dụng vũ lực. Chương 7 này quy định “hành động bởi các lực lượng bằng đường không, đường biển hay đường bộ có thể là cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế” trong trường hợp các biện pháp khác thất bại.
Tuy nhiên ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết thỏa thuận không bao gồm bất kỳ khả năng tiềm tàng nào về việc sử dụng vũ lực chống lại Syria. Tuy nhiên, ông cho biết việc không tuân thủ bản kế hoạch, bao gồm việc tấn công các thanh sát viên Liên Hợp Quốc, sẽ được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan sẽ quyết định các hành động tiếp theo.
Không có sự đồng thuận trước nào về các biện pháp Hội đồng Bảo an có thể thực hiện nếu Syria không tuân thủ, ông Kerry khẳng định.
Thanh Tùng
Theo Dantri
Ngoại trưởng Mỹ đi châu Âu vận động tấn công Syria
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến châu Âu và các nước Ả-rập thống nhất để tìm kiếm sự ủng hộ và tham gia vào một hành động quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm ngăn chặn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Trong 3 ngày tới, ông Kerry sẽ gặp lãnh đạo Liên minh châu và Ả-rập tại Lithuania, Pháp và Anh. Theo một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ tháp tùng ông Kerry, việc hoạch định quân sự đang được tiến hành nhằm xác định dạng hỗ trợ vũ trang mà các nước đóng góp cho chiến dịch quân sự do Mỹ và Pháp cùng đề xuất.
Ông Kerry, người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc can thiệp quân sự tại Syria trong chính quyền Obama, sẽ nói chi tiết về các phương án quân sự và sự trợ giúp của Mỹ cho các nhóm nổi dậy ôn hòa vốn đang chiến đấu trên mặt đất.
Ngoại trưởng Mỹ phải đối mặt với thách thức ngoại giao nhằm thuyết phục 28 quốc gia thành viên của EU và một số bộ trưởng Ả-rập có hành động cụ thể hơn là chỉ lên án ông Assad và những người bạn của Syria, vốn đang hỗ trợ quân sự cho nước này.
Ông Kerry có mặt tại Lithuania để gặp một nhóm các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng EU, vì nước này hiện giữ chức chủ tịch liên minh châu Âu.
Trong lúc ông Kerry vận động ở nước ngoài, chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ cố gắng vận động quốc hội phê chuẩn một kế hoạch tấn công giới hạn chống lại Syria.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao đã tiết lộ với các nhà báo tháp tùng ông Kerry rằng Bộ ngoại giao Mỹ đang bắt đầu trợ giúp phe nổi dậy ôn hòa tại Syria thiết lập "luật lệ và trật tự" tại các khu vực mà chính quyền Assad không còn kiểm soát.
Ngoài ra, Mỹ sẽ mở rộng một chương trình nhằm cung cấp trang thiết bị thông tin và huấn luyện cho một lực lượng cảnh sát địa phương ở thành phố Aleppo. Đây là một phần trong chiến dịch trợ giúp phe nổi dậy ôn hòa dần dần giành được sự ủng hộ của các cộng đồng địa phương.
An Bình
Theo AFP
Tổng thư ký LHQ: Ông Assad phạm các tội ác chống lại loài người Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 13/9 nói rằng Tổng thống Syria đã phạm phải "các tội ác chống lại loài người" và cho biết một báo cáo của Liên hợp quốc sắp được công bố sẽ xác nhận rằng các vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria hồi tháng trước. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban...