Mỹ và NATO thảo luận về một thỏa thuận an ninh kiểu Israel cho Ukraine
Mỹ và NATO đang thảo luận về một thỏa thuận an ninh kiểu Israel dành cho Ukraine, ưu tiên chuyển giao vũ khí và công nghệ tiên tiến và thỏa thuận này sẽ được ký kết vào mùa hè này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng tháng 12/2022. Ảnh: AP
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), khi Ukraine bước vào giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột với Nga, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đang thống nhất với nhau về một tầm nhìn củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine và tìm cách đảm bảo tương lai có chủ quyền của nước này. Đó là mô hình an ninh mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Biden, đã so sánh với những gì Israel hiện có.
Các quan chức phương Tây nói với WSJ rằng thỏa thuận an ninh này sẽ liên quan đến quá trình hướng tới tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine, nhưng sẽ không thực sự khiến liên minh Bắc Đại Tây Dương này trở thành một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết một thỏa thuận an ninh kiểu Israel dành cho Ukraine sẽ ưu tiên chuyển giao vũ khí và công nghệ tiên tiến. Ông Duda nói: “Các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra ngay lúc này”. Tổng thống Duda không nêu chi tiết vũ khí hoặc công nghệ nào có thể được chuyển giao cho Ukraine theo thỏa thuận, nhưng Ba Lan đã cung cấp cho Kiev máy bay MiG-29 thời Liên Xô, cùng các thiết bị quốc phòng khác.
Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết cuộc thảo luận về mô hình kiểu Israel nổi lên như một cách để giải quyết cốt lõi các vấn đề an ninh của Ukraine, thừa nhận rằng nước này sẽ không sớm đạt được tư cách thành viên NATO. Nhưng ngay cả khi dựa trên mô hình an ninh của Israel, quan chức này cho biết, các điều khoản của thỏa thuận quốc phòng với Ukraine vẫn linh hoạt.
Video đang HOT
Israel không phải là thành viên của NATO và Mỹ không bị ràng buộc theo hiệp ước để hỗ trợ nước này. Nhưng trong nhiều thập kỷ, Israel đã có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ với tư cách là đối tác tin cậy nhất của Washington ở Trung Đông và đây cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II.
Hỗ trợ của Mỹ cho Israel hiện được vạch ra trong các thỏa thuận 10 năm và trong thỏa thuận gần đây nhất, Washington cam kết cung cấp 38 tỷ USD viện trợ quân sự từ năm 2019 đến 2028.
Khái niệm về một mô hình của Israel lần đầu tiên được soạn thảo vào tháng 9/2022. Tác giả là ông Andriy Yermak, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine và Anders Fogh Rasmussen, cựu lãnh đạo NATO.
“Ukraine cần những đảm bảo an ninh chắc chắn và lâu dài”, ông Yermak nói với tờ WSJ, lưu ý thêm rằng những đảm bảo như vậy sẽ cần được duy trì cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.
Fabrice Pothier, cựu Giám đốc chính sách của NATO và là trợ lý của ông Rasmussen, người đã giúp soạn thảo đề xuất và trình bày với một số chính phủ phương Tây, cho biết Mỹ sẽ đóng vai trò là người bảo đảm chính cho các thỏa thuận an ninh với sự tham gia của các thành viên NATO ở châu Âu.
Thỏa thuận – dựa trên một đề xuất được gọi là Hiệp ước An ninh Kiev – dự kiến sẽ được ký kết sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12/7 năm nay tại Vilnius.
Ý nghĩa chiến lược của cơ sở sản xuất máy bay không người lái Iran ở Nga
Một nhà máy sản xuất UAV chung sẽ củng cố mối quan hệ quốc phòng Nga-Iran, trở thành bổ sung mới nhất cho mạng lưới sản xuất toàn cầu rộng lớn của Tehran và giúp Iran gia tăng sự hiện diện trước "cửa ngõ" của NATO.
Một chiếc UAV của Iran được phóng trong cuộc diễn tập. Ảnh: iranintl.com
Bình luận trên trang web của Quỹ Jamestown (jamestown.org) mới đây, nhà phân tích Sine Ozkarasahin thuộc chương trình an ninh và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại (EDAM) có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Tehran đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) chung ở Nga. Tình báo phương Tây cho rằng nhà máy UAV được đề cập là một phần của thỏa thuận quốc phòng trị giá 1 tỷ USD được ký kết gần đây giữa Moskva và Tehran.
Trong khi đó, cả Nga và Iran đều phủ nhận sự tồn tại của một dự án như vậy và người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng Moskva có "các chương trình phát triển (vũ khí) của riêng mình". Trên thực tế, việc phát triển một cơ sở sản xuất UAV chung sẽ củng cố mối quan hệ quốc phòng Nga-Iran hơn nữa, có khả năng dẫn đến một mối quan hệ đối tác toàn diện, được nhấn mạnh bởi sự hợp tác quân sự sâu rộng.
Theo chuyên gia Ozkarasahin, kể từ mùa thu năm ngoái, phương Tây cho rằng quân đội Nga đã tích cực sử dụng UAV "cảm tử" của Iran để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Gần đây, có thông tin lan truyền rằng kho dự trữ UAV của Iran ở Nga đang cạn kiệt. Do đó, có vẻ như Nga và Iran đang xét các lựa chọn thay thế dài hạn và một nhà máy sản xuất UAV chung là một trong những lựa chọn khả thi nhất về mặt này.
Một kịch bản như vậy sẽ cho phép Nga tiếp cận dễ dàng hơn với dòng UAV của Iran, điều này sẽ làm tăng áp lực lên các hệ thống phòng không và binh sĩ Ukraine. Nếu thành hiện thực, việc mở một cơ sở UAV của Iran cũng sẽ có ý nghĩa chiến lược to lớn, chẳng hạn như đưa các tổ hợp quân sự của một đối thủ chiến lược lớn đến ngay sát sườn phía Đông của NATO.
Bên cạnh đó, khi kế hoạch này thực sự được triển khai, nhà máy UAV này sẽ trở thành sự bổ sung mới nhất cho mạng lưới sản xuất toàn cầu rộng lớn của Tehran, bao gồm các cơ sở ở Tajikistan, Syria và Venezuela, cùng nhiều quốc gia khác. Nguồn tin tình báo mở cho thấy cơ sở này có thể sẽ được đặt tại thị trấn Yelabuga, phía đông Moskva. Với công suất sản xuất theo kế hoạch là khoảng 6.000 UAV/năm, nhà máy sẽ là nguồn cung cấp trang thiết bị lớn cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine trong những tháng tới.
Việc xây dựng một nhà máy sản xuất ở Nga cũng sẽ đảm bảo sự ổn định và an toàn hơn, đặc biệt liên quan đến vấn đề hậu cần trong khu vực xung đột. Cơ sở này có thể mang lại cho Nga những lợi ích chiến lược quan trọng, như dễ dàng tiếp cận phụ tùng thay thế và hỗ trợ bảo trì.
Đáng chú ý, địa điểm đề xuất cho nhà máy sản xuất, Yelabuga, nằm gần sông Kama. Về vấn đề này, các tổ hợp quân sự của Iran nổi lên một đặc điểm thú vị. Một số cơ sở sản xuất tên lửa quan trọng nhất của Tehran (bao gồm cả những cơ sở ở Parchin và Baniyas) đều nằm gần nguồn nước. Do đó, mặc dù vẫn còn sớm nhưng nhà máy UAV được đề xuất cũng có thể trở thành một địa điểm tiềm năng mới cho hoạt động sản xuất tên lửa của Iran.
Một khía cạnh có ảnh hưởng khác xét về ý nghĩa chiến lược là việc xem xét loại UAV nào sẽ được sản xuất tại cơ sở chung này. Nhà máy sản xuất ban đầu có thể sản xuất UAV cảm tử nổi tiếng Shahed-136 và Shahed-131 (được cho là đã sử dụng ở Ukraine). Tuy nhiên, vấn đề thực sự là dây chuyền sản xuất có thể bao gồm các phiên bản cải tiến, hiện đại của những chiếc UAV này, vốn giúp chúng có tốc độ cao hơn và tầm hoạt động xa hơn.
Một số nguồn tin (như Eurasian Times ngày 10/2) nói rằng Iran đã bắt đầu cuộc cải tiến này, bằng cách sửa đổi Shahed-131 truyền thống để trang bị thêm các đầu đạn có sức hủy diệt cao hơn. Nếu được thực hiện, những kế hoạch này có thể biến UAV không người lái của Iran thành một thách thức lớn hơn ở sườn phía Đông của NATO, nơi không còn chỉ giới hạn ở Ukraine.
Cơ sở được đề cập cũng sẽ cấp cho Tehran một mạng lưới các nhà cung cấp mở rộng. Trên thực tế, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn có một số kênh cung cấp khác. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, một số công ty ở Nam Kavkaz (ví dụ: Armenia) và ở Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Điện Kremlin lách lệnh trừng phạt, theo Eurasianet ngày 10/3.
Tình báo Mỹ cũng cho rằng các kênh này đã cung cấp cho cơ sở công nghiệp công nghệ quốc phòng của Nga các chất bán dẫn và linh kiện phụ cho các hệ thống quan trọng. Vì vậy, phương Tây lo ngại rằng, trong trường hợp đạt được thỏa thuận sản xuất với Iran, các công ty trên cũng sẽ gián tiếp trở thành bên liên quan trong chương trình phát triển UAV của Tehran.
Ngoài ra, với sự hiện diện ngày càng tăng trước "ngưỡng cửa" của NATO, điều này có nghĩa là Tehran sẽ dễ dàng tiếp cận và tiếp xúc với một số hệ thống vũ khí tinh vi nhất của phương Tây đang triển khai ở Ukraine. Xét về lâu dài, điều này có thể trở thành một vấn đề đáng báo động, thách thức trực tiếp lợi thế công nghệ, bí quyết kỹ thuật quân sự và quyền sở hữu trí tuệ của NATO.
Thách thức hậu cần đối với EU khi tăng cường năng lực phòng thủ Giới chuyên gia đánh giá châu Âu đang đứng trước một nhu cầu cấp bách về tăng cường khả năng phòng thủ song những thách thức về mặt hậu cần đang cản trở tiến trình này. Đường ray của Đức được sử dụng để giúp vận chuyển các trang thiết bị quân sự. Ảnh: army.mil Theo hãng tin Reuters, nếu các lực lượng...