Mỹ và các đồng minh bế tắc trong cuộc chiến chống IS
Cho đến nay, phiến quân Nhà nước Hồi giáo được cho là đã kiểm soát 40% diện tích thị trấn Kobani tại Syria và phần lớn diện tích tỉnh Anbar ở Iraq.
Ngày 14/10, tham mưu trưởng quân đội 20 nước tham gia liên minh quốc tế chống nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu nhóm họp tại thủ đô Washington, Mỹ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi về chiến lược quân sự của Mỹ và các đồng minh tại khu vực khi nó ngày càng thể hiện sự thiếu hiệu quả.
Một người dân Syria phải rời bỏ thị trấn Kobani do bị IS tấn công
Cuộc họp diễn tại căn cứ không quân Andrew, gần thủ đô Washington, nhằm thảo luận các nỗ lực của liên minh quốc tế trong chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến tham dự hội nghị.
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi liên minh quốc tế này được thành lập, trong bối cảnh lực lượng này đang bị chỉ trích vì hoạt động thiếu hiệu quả. Dù được phát động hơn 1 tháng qua, song chiến dịch không kích của liên minh quốc tế vẫn không thể ngăn chặn được đà tiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Video đang HOT
Cho đến nay, phiến quân Nhà nước Hồi giáo được cho là đã kiểm soát 40% diện tích thị trấn Kobani tại Syria và phần lớn diện tích tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
Đây đều là những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Theo các chuyên gia, nếu chiếm được hai khu vực này, nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ kiểm soát một vùng rộng lớn từ Iraq tới Syria, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, trong lúc này, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu lại đang cho thấy sự bế tắc trong chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo. Nếu như ban đầu Mỹ và đồng minh tuyên bố, họ buộc phải phát động chiến dịch không kích này bởi không thể ngồi yên nhìn Iraq bị rơi vào tay các nhóm cực đoan, thì nay cũng chính Mỹ lại tuyên bố: Người Iraq hãy tự chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Mỹ tin rằng, chiến lược hay năng lực chiến đấu sẽ được hoàn thiện theo thời gian và nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, cuối cùng chính người Iraq sẽ phải giành lại Iraq.
Chia sẻ quan điểm này, Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ cũng cho rằng, người Iraq phải đi đầu trong cuộc chiến chống này.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói: “Cũng giống như Mỹ, chính phủ Anh có lập trường rõ ràng rằng, việc sử dụng các lực lượng chiến đấu phương Tây trong cuộc chiến này không phải là cách tốt nhất. Cùng với các nước đồng minh, chúng tôi đang nghiên cứu cách hỗ trợ tốt nhất cho các lực lượng an ninh Iraq như huấn luyện, hỗ trợ kỹ thuật hay hậu cần song không phải là lực lượng chiến đấu. Iraq phải đi đầu trong cuộc chiến này”.
Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa thể thuyết phục được Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có vai trò quan trọng tại khu vực tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo và thậm chí còn đang khiến cho quan hệ với những nước này trở nên xấu hơn.
Một quan chức Mỹ hồi cuối tuần qua tuyên bố, nước này đã được phép sử dụng căn cứ quân sự lớn Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có 1.500 binh sĩ Mỹ đồn trú để thực hiện các cuộc tấn công nhóm Nhà nước Hồi giáo tại nước láng giềng Syria.
Tuy nhiên, phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc đã lập tức bác bỏ tuyên bố này khi khẳng định Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận như thế.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc nói: “Không có bất kỳ thông tin mới nào về căn cứ không quân Incirlik liên quan tới hợp tác chống khủng bố trong thời gian tới. Chúng tôi vẫn đang thảo luận việc cung cấp một số hỗ trợ về huấn luyện song vẫn chưa đạt được bất kỳ quyết định nào. Các cuộc thảo luận với Mỹ về các biện pháp sẽ được tiến hành trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tại Syria, bao gồm cả việc thiết lập vùng cấm bay và vùng đệm sẽ tiếp tục trong những ngày tới”.
Bất chấp sức ép của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn từ chối tham gia liên minh quân sự quốc tế do cho rằng, Mỹ trước tiên phải hỗ trợ các nỗ lực buộc Tổng thống Syria Basah Al Assad phải ra đi.
Trong khi đó Iran dù hỗ trợ quân sự lực lượng người Cuốc tại Iraq trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, song nhấn mạnh sẽ không tham gia liên minh của Mỹ do nghi ngờ động cơ thật sự của Mỹ và các động minh tại Syria.
Hiện đã có nhiều ý kiến tại khu vực yêu cầu Mỹ và các đồng minh thành lập một lực lượng bộ binh chung nhằm tấn công Nhà nước Hồi giáo, hỗ trợ cho các cuộc không kích đang tiến hành.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng Martin Damsey mới đây cũng phải thừa nhận, chỉ các cuộc không kích không thôi là chưa đủ để tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Song đây sẽ là vấn đề gây chia rẽ lớn trong liên minh quốc tế. Bởi đối với Mỹ đây không phải là một quyết định dễ dàng sau khi tự bó buộc mình với cam kết không đưa quân tấn công Nhà nước Hồi giáo trên bộ, trong khi các đồng minh chắc chắn cũng khó có thể mạo hiểm để theo đuổi một cuộc chiến có thể khiến họ bị sa lầy như Mỹ tại Afghanistan hay Iraq trước đây./.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin
Theo Tổng hợp