Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19
Ngày 5/5, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO).
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội ở Washington, DC tối 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington “ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19″. Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của WTO sẽ mất thời gian do việc phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.
Theo thông báo, Mỹ sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán của WTO về việc dỡ bỏ các rào cản mà theo những người ủng hộ sẽ giúp cho việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 phổ biến cũng như giúp các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vaccine.
Trước đó, ngày 2/10, Nam Phi và Ấn Độ đã nộp văn bản đề xuất cấp miễn trừ tạm thời một số nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến trên của Pretoria và New Delhi.
Theo dự kiến, WTO sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này vào ngày 10/5 tới đây.
Anh kêu gọi chấm dứt các hành vi thương mại 'nguy hại'
Bộ trưởng Thương mại Anh kêu gọi Mỹ và Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) phối hợp cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước thềm Hội Nghị Bộ trưởng Thương mại G7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 31/3.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trước thềm hội nghị, với tư cách là nước Chủ tịch G7 năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss kêu gọi Mỹ và các nước G7 cần gây sức ép để cải tổ WTO, đồng thời cho biết Anh sẽ thúc đẩy các nước đồng minh hành động hơn nữa để cấm "các hành vi nguy hại" về thương mại như lao động cưỡng bức, đánh cắp tài sản trí tuệ.
Bà Truss nhấn mạnh: "Mọi người không thể tin vào thương mại tự do nếu thương mại không công bằng. Niềm tin công chúng đang bị bào mòn bởi những hành vi nguy hại từ việc sử dụng lao động cưỡng bức đến suy thoái môi trường và đánh cắp tài sản trí tuệ". Bộ trưởng Truss không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, song những vấn đề trên đều là những điều London đã đề cập trước đây liên quan đến Bắc Kinh. Kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nước này tăng cường chỉ trích những hành vi thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đều phủ nhận đã có những hành vi trên.
Hiện các nước đồng minh khác của Anh trong G7 và Trung Quốc đều nhất trí rằng cần cải cách WTO cũng như đổi mới các quy định về thương mại toàn cầu.
WTO đã "bất động" trước cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cơ quan Phúc thẩm, một tòa án thương mại toàn cầu, đã bị vô hiệu hóa sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới. Đại diện thương mại mới của Mỹ Katherine Tai dự kiến sẽ xem xét lại quyết định này.
Tham dự Hội Nghị Bộ trưởng Thương mại G7 sẽ có Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên nhóm và tân Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala.
Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang của Australia Ngày 26/3, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá lên tới 218% đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 28/3. Rượu vang Australia được bày bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung...