Mỹ – Trung Quốc sắp đạt được bộ quy tắc ứng xử trên không
Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận để đưa ra bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh đụng độ và sai sót xảy ra trong trường hợp máy bay của hai nước hoạt động gần nhau.
Mỹ và Trung Quốc sẽ thống nhất về bộ quy tắc ứng xử trên không – Ảnh: Reuters
Báo China Daily (Trung Quốc) hôm nay 15.6 cho hay quân đội Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất về một khuôn khổ đối thoại và sẽ bổ sung thêm một bộ quy tắc ứng xử để không quân của 2 nước tránh va chạm nhau khi đối đầu trên không.
Khuôn khổ đối thoại được 2 nước ký kết hồi tuần qua ở Washington, Mỹ, một động thái được cho là tích cực đối với quân đội của hai bên, diễn ra 3 tháng trước chuyến viếng thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khuôn khổ đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ mở ra những kênh mới cho lãnh đạo quân đội 2 nước tăng cường hợp tác, đối thoại những vấn đề khác bên cạnh quân sự, quốc phòng như cứu trợ nhân đạo, phòng chống thiên tai, Reuters cho hay.
Giới quan sát lo ngại đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng trước khi cả 2 cường quốc gia tăng sự hiện diện của quân đội.
Căng thẳng gia tăng xuất phát từ phía Trung Quốc tăng cường xây dựng phi pháp đảo nhân tạo trên Biển Đông, khiến nhiều nước láng giềng lo ngại. Trung Quốc đã phản đối Mỹ cho máy bay tuần tra gần nơi Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp. Trước tình hình này, giới phân tích quân sự lo lắng đụng độ trên không có thể xảy ra nếu cả 2 phía không kiềm chế khi Bắc Kinh tăng tốc xây dựng còn Washington muốn ngăn cản.
Video đang HOT
Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông – Ảnh: AFP
Bộ quy tắc ứng xử được trông đợi sẽ tháo ngòi căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai giữa 2 cường quốc và giảm rủi ro xảy ra do tính toán sai lầm hoặc tai nạn khi máy bay 2 nước áp sát nhau, theo Reuters.
Reuters cho biết thêm phía Trung Quốc cam kết sẽ đạt được bộ quy tắc ứng xử trước tháng 9 năm nay, tức trước chuyến viếng thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Guan Youfei, Giám đốc Cơ quan đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết cùng với bộ quy tắc ứng xử, Washington và Bắc Kinh có thể sẽ tiến hành tập trận chung vào năm 2016, được cho là để thực hành bộ quy tắc ứng xử này, theo China Daily.
Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thượng tướng Phạm Trường Long tại Lầu Năm Góc.
Trong cuộc gặp này, Mỹ nhắc lại yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Bắc Kinh thì yêu cầu Washington ngưng can thiệp vào chuyện ở Biển Đông. Tuy nhiên, sau cuộc họp hai bên không đưa ra kết quả chính thức vì Bắc Kinh không muốn thông tin cho báo chí. Không rõ kết quả cuộc gặp đi được đến đâu theo kỳ vọng giữa 2 nước.
Ông Phạm Trường Long trước khi về nước đã đề nghị một cuộc gặp khác và mời Bộ trưởng Quốc phòng Carter đến Bắc Kinh trong năm nay, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, Tân Hoa xã không cho biết ông Carter có nhận lời hay không và chuyến đi sẽ diễn ra khi nào.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Ông Ban Ki-moon quan ngại về việc bồi đắp đảo quy mô lớn trên Biển Đông
Chiều 22/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông Ban Ki-moon chia sẻ quan ngại của Việt Nam về hoạt động bồi đắp, làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Nhiệt liệt chào mừng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm chính thức Việt Nam trong dịp cả thế giới kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của thế giới. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn mong muốn và sẽ nỗ lực hết mình để hợp tác ngày càng tốt đẹp, thiết thực và hiệu quả với Liên Hợp Quốc.
Chia sẻ những mục tiêu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Liên Hợp Quốc dành cho Việt Nam thời gian qua, nhất là trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, sáng kiến "Thống nhất hành động" và xây dựng "Ngôi nhà chung".
Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tư vấn chính sách của Liên Hợp Quốc nhằm tăng cường năng lực xây dựng các chương trình, dự án có chất lượng, khả thi cũng như xây dựng các Mục tiêu phát triển Việt Nam, trong đó có Chương trình hành động và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà Việt Nam được dự báo là một trong ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại Hà Nội (ảnh: Chinhphu.vn).
Về phần mình, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng, tích cực, chủ động cùng Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế chung tay thực hiện hiệu quả các cam kết, chương trình hành động cho sự phát triển bền vững, trong đó có Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững sau 2015, vì mục tiêu hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng của khu vực và thế giới. Thủ tướng cũng cho biết sẽ cử một đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị về tài chính cho phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 7 tới đây theo lời mời của Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Phát biểu tại cuộc hội kiến, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban ki-moon bày tỏ vui mừng lần thứ 2 trở lại thăm chính thức Việt Nam; đồng thời chúc mừng và đánh giá cao những cam kết và đóng góp của Việt Nam đối với hệ thống Liên Hợp Quốc cũng như trong gìn giữ hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, không chỉ trong khu vực mà trên thế giới.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc nỗ lực và mong muốn xây dựng một thế giới phát triển mà không ai bị tụt hậu và tất cả người dân sống trong một môi trường tốt đẹp. Ưu tiên quan trọng mà Liên Hợp Quốc kêu gọi cả thế giới cùng hành động để đến năm 2030 đạt được các mục tiêu kỳ vọng trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Do vậy, Chương trình nghị sự phát triển bền vững sau 2015 hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới thông qua tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm nay, cũng như Thỏa thuận của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) cuối năm nay nếu đạt được sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng để thế giới thực hiện các ưu tiên của mình. Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao và mong muốn Việt Nam tiếp tục tham gia mạnh mẽ tiến trình này.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký đang theo dõi hết sức sát sao diễn biến ở Biển Đông và cho rằng diễn biến này là hết sức quan trọng và nghiêm trọng. Với tư cách Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cho biết ông luôn khuyến nghị các bên kiềm chế các hành động gây căng thẳng có thể làm tình hình đi xa hơn. Ông kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế và sớm đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Ông Ban Ki-moon cho biết Liên Hợp Quốc đã nêu quan điểm của mình, đồng thời cho biết Liên Hợp Quốc và cá nhân ông sẵn sàng tham gia những cuộc thảo luận đa phương về vấn đề này nếu các bên đồng thuận.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng chia sẻ quan điểm, sự quan ngại sâu sắc của Việt Nam, ASEAN, các nước G7 về việc tiếp tục có các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng cấu trúc nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, DOC, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực.
Ông Ban Ki-moon cũng chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam yêu cầu các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế trong các hành động; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; tiến hành đàm phán thực chất để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả. Đồng thời dừng ngay những hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đã trao đổi về việc Việt Nam tham gia ứng cử vào các cơ quan Liên Hợp Quốc trong thời gian tới. Hai bên cũng trao đổi về các nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống tư pháp để quản trị quốc gia tốt và bảo đảm quyền công dân, quyền con người, quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.
Hai bên cũng đã trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng như lộ trình giảm dần các tội danh có mức án tử hình trong quá trình sửa đổi hệ thống pháp luật hình sự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam nhất quán bảo đảm các quyền nói trên, phù hợp với Hiến pháp mới và theo hướng ngày càng tốt hơn và cho rằng đây là một tiến trình phấn đấu liên tục và lâu dài.
P.Thảo
Theo Dantri
Tàu chiến Mỹ làm gì khi chạm mặt tàu TQ ở Biển Đông? Tàu USS Fort Worth đã bất ngờ chạm trán tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa trong khi thực hiện chuyến tuần tra trên Biển Đông. Ngày 19.5, Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết trong quá trình tuần tra kéo dài 1 tuần trên Biển Đông, tàu...