Mỹ-Trung nhất trí gỡ bỏ thuế theo đợt liệu có khả thi?
Qũy Tiền tệ Quốc tế ( IMF) cho biết, thỏa thuận dỡ bỏ thuế nhằm giảm bớt căng thẳng Mỹ-Trung có thể sẽ giúp cơ quan này điều chỉnh lại số liệu dự báo tăng trưởng.
Trung Quốc đang hy vọng rằng, thỏa thuận trên sẽ có thể kết thúc cuộc thương chiến giữa hai nước, khi ‘quốc gia tỷ dân’ nhất trí cùng Washington rút lại nhiều khoản đánh thuế.
Triển vọng này đã giúp thị trường chứng khoán tăng vọt, và khiến IMF nhận định rằng, một thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp cơ quan này điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 7/11 cho biết, động thái hai cường quốc kinh tế cùng dỡ bỏ các mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nhau “như một bước tiến tới thỏa thuận”. Ngoài ra, Bắc Kinh đang xem xét việc dỡ bỏ rào cản về nhập khẩu gia cầm từ Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. Ảnh: THX
“Trong hai tuần vừa qua, các nhà đàm phán đã có những cuộc bàn thảo nghiêm túc và mang tính xây dựng, và nhất trí dỡ bỏ các mức thuế áp thuế theo từng đợt như một bước tiến tới thỏa thuận. Nếu Mỹ-Trung đạt được ‘thỏa thuận bước 1′, cả hai bên nên dỡ bỏ các mức thuế hiện tại theo mức tương đương nhau”, tờ Guardian trích lời phát ngôn viên Cao Phong cho biết.
Cũng theo tờ báo này, Bắc Kinh đang tìm dỡ bỏ các mức thuế áp đặt lên lượng hàng hóa nước này nhập khẩu có trị giá 360 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng như thịt, quần áo và các thiết bị điện tử, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý ký thỏa thuận thương mại ‘một phần’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Video đang HOT
Ngoài ra, các nhà đàm phán Trung Quốc cũng muốn ông Trump giảm thuế áp lên 110 tỷ USD hàng hóa nước này xuất sang Mỹ, vốn có hiệu lực hồi tháng 9 vừa qua, đồng thời giảm mức thuế 25% đánh vào lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD hồi năm ngoái.
Thị trường chứng khoán đã nhảy vọt, khi các nhà đầu tư nhận thấy việc ‘tan băng’ trong quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
“Sẽ còn rất nhiều rào cản cần vượt qua, nhưng điều đáng khích lệ là các nhà đàm phán Trung Quốc đang gửi đi những tín hiệu tích cực, và phía Mỹ cũng vậy”, chuyên gia phân tích thương mại toàn cầu Raoul Leering thuộc Ngân hàng Đầu tư ING nhận định.
Trung Quốc muốn Mỹ giảm thuế 25% áp lên hàng hóa nước này xuất khẩu. Ảnh: THX
Tuy vậy, ông này vẫn tỏ ra e ngại về tiến độ quá trình đối thoại của hai bên có thể đạt được trong những tháng tới. Với sức ép từ thuế quan, phía Mỹ sẽ tìm kiếm một sự nhượng bộ rộng hơn, khi nước này sẽ buộc Trung Quốc phải bảo vệ các tập đoàn Mỹ khỏi nạn ăn cắp tài sản trí tuệ, cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Leering cho rằng, những yêu cầu của Bắc Kinh trong bước tiếp theo (thỏa thuận bước 2) liên quan tới việc dỡ bỏ nhiều hơn nữa các mức áp thuế hàng nhập khẩu của Mỹ, và điều này sẽ khiến thỏa thuận dễ đổ vỡ. “Nếu Mỹ chỉ coi thỏa thuận tạm thời không khác gì bước đầu tiên để tiến tới ‘một thỏa thuận bước 2′, với mục đích giải quyết nhiều vấn đề gai góc hơn, thì họ sẽ muốn tiếp tục duy trì sức ép”, ông Leering nói.
Ông này cũng nói rằng, nhiều người theo đường lối cứng rắn ở Nhà Trắng và cả Quốc hội Mỹ tin rằng nếu không có các mức áp thuế đáng kể, thì việc Trung Quốc bằng lòng hợp tác giải quyết các vấn đề khó khăn hơn, như giảm trợ cấp nhà nước, ép buộc chuyển giao công nghệ và dùng các khoản trợ cấp nhằm ‘chinh phạt’ nhiều thị trường công nghệ toàn cầu, sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
“Nhưng dù sao đi nữa, thì chúng tôi cũng hy vọng ‘thỏa thuận bước 1′ cũng sẽ sớm được thực hiện, và điều này đồng nghĩa mọi việc đang đi đúng hướng”, tờ Guardian trích lời ông Leering kết luận.
Tuấn Trần
Theo vietnamnet
Kinh tế toàn cầu lao dốc, lỗi do Mỹ-Trung đấu sống chết?
Từ năm 2018, không có vấn đề gì khiến các nhà kinh tế học chú ý nhiều như thương chiến Mỹ-Trung. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020, bởi những căng thẳng thương mại và địa chính trị hiện nay. Tuy nhiên, các nhà dự báo kinh tế hiện đang hiểu sai về nguyên nhân gây ra sự suy thoái toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ bỏ lỡ những gì sẽ xảy ra sắp tới.
Trên thực tế, chỉ số tăng trưởng về sản xuất công nghiệp toàn cầu đã bắt đầu chậm lại từ cuối năm 2017. Nói cách khác, tốc độ tăng hàng năm của tổng sản lượng công nghiệp trên toàn cầu đã giảm liên tục từ cuối năm 2017. Và đây chính là tín hiệu rõ ràng của sự suy thoái công nghiệp trên toàn cầu.
Chỉ số tăng trưởng GDP thực tế năm 2019. Ảnh: IMF
Phần lớn các nhà phân tích tập trung vào chỉ số Quản lý thu mua (PMI). Đây là chỉ số đo lường 'sức khoẻ' kinh tế của ngành sản xuất, của việc tăng trưởng toàn cầu. Bởi chỉ số này thường được công bố trước dữ liệu sản xuất thực tế khoảng hơn một tháng.
Mặc dù chỉ số PMI toàn cầu chỉ ra sự tương quan tích cực với chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn cầu, nhưng điều này không tính tới năng suất trên thực tế. Bởi dữ liệu này dựa trên một cuộc khảo sát của các giám đốc điều hành về những vấn đề công ty họ đang phải đối mặt. Trong trường hợp này, khi PMI về sản xuất toàn cầu bắt đầu giảm bớt từ cuối 2017, thì sự suy giảm này đã không diễn ra ngay lập tức mà chỉ xảy tới trong vài tháng sau đó trong năm 2018.
Và trùng hợp làm sao, sự suy giảm của chỉ số PMI lại xảy ra cùng lúc với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động thương chiến, và ông đã tung các đòn thuế vào máy móc, các nguyên liệu như thép và nhôm nhập khẩu. Và vì thương chiến lúc đó diễn ra rất nhanh chóng, nên đã khiến các nhà kinh tế học ngay lập tức 'đổ lỗi' cho thương chiến làm chỉ số PMI và chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút.
Đương nhiên, thương chiến gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng theo CNN, điều mấu chốt ở đây cần được mọi người hiểu, rằng thương chiến không khiến cho kinh tế toàn cầu suy thoái. Lý do đơn giản vì theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh tế (Mỹ) cho biết, đã có rất nhiều thay đổi trực tiếp tới chu kỳ phát triển sản xuất công nghiệp toàn cầu và chỉ số PMI toàn cầu đã bắt đầu sụt giảm từ giữa năm 2017, trước khi thương chiến do ông Trump phát động nổ ra.
Thương chiến không hẳn là nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu đi xuống
Bởi vậy, sự suy thoái của chu kỳ tăng trưởng công nghiệp toàn cầu trên thực tế đã bắt đầu từ năm 2017, và thương chiến xảy ra hồi 2018 chỉ đơn giản khiến tình hình tồi tệ hơn. Và theo nhận định của nhiều chuyên gia thuộc CNN, chính những động lực cơ bản của chu kỳ kinh tế, bao gồm lãi suất cao và giá dầu, đã khiến cho chỉ số tăng trưởng công nghiệp toàn cầu bắt đầu giảm từ cuối năm 2017.
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu của IMF luôn hạ thấp mỗi khi GDP thực tế của năm sau thấp hơn năm trước, song chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu luôn xoay vòng và sẽ phát triển tích cực trở lại. Điều này đã từng xuất hiện hồi năm 2016-2017, khi sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đi lên trước khi ông Trump đắc cử tổng thống.
Dĩ nhiên, thương chiến Mỹ-Trung cũng đã gây ra tác động tiêu cực lớn với nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như đã thúc đẩy việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng dài hạn. Nhưng chu kỳ kinh tế tăng trưởng sẽ có thể tái xuất hiện bất kỳ lúc nào, cho dù ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đưa ra những quyết sách thế nào đi nữa. Và điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ được phục hồi, bất kể thương chiến vẫn đang diễn ra.
Tuấn Trần
Theo vietnmanet
Thương chiến: Trung Quốc lần đầu vượt mặt Mỹ về số người giàu Theo dữ liệu từ nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, về số lượng người giàu có, Trung Quốc lần đầu đã vượt mặt Mỹ, Reuters đưa tin Chiến tranh thương mại không phải là trở ngại Lần đầu tiên, Trung Quốc đã vượt Mỹ về con số các cư dân chiếm 10% tổng tài sản của toàn thế giới. Theo...