Mỹ tốn nhiều tiền để đối phó với Houthi trên Biển Đỏ
Mỹ đang phóng tên lửa phòng thủ trị giá 2 triệu USD để ngăn chặn máy bay không người lái trị giá 2.000 USD của Houthi.
Houthi tuyên bố tấn công 2 tàu chiến của Mỹ trên Biển Đỏ Houthi tuyên bố tàu thuyền phải xin cấp phép khi qua lãnh hải Yemen Lực lượng Mỹ phá hủy tên lửa đất đối không của Houthi ở Yemen
Hình ảnh từ video cho thấy phiến quân Houthi phóng một tên lửa đạn đạo từ thủ đô Sanaa (Yemen). Ảnh: AFP/TTXVN
Hơn hai tháng giao tranh trực tiếp với lực lượng Houthi đã có tác động nặng nề đối với quân đội Mỹ. Mỹ đang chi một số tiền đáng kể để đánh chặn máy bay không người lái giá rẻ, tấn công trả đũa và đối phó khi nhóm vũ trang trên bắn hạ máy bay không người lái đắt tiền của Mỹ.
Trong hầu hết các trường hợp, Mỹ phóng tên lửa phòng thủ trị giá 2 triệu USD để ngăn chặn máy bay không người lái trị giá 2.000 USD của Houthi.
Cái giá phải trả khi đối đầu với Houthi cũng trở nên rõ ràng hơn khi lực lượng này không có dấu hiệu dừng lại và có thể khiến Mỹ rơi vào một cuộc xung đột kéo dài. Điều đó đang đẩy thế giới vào tình thế khó khăn.
Mohammed al-Basha, chuyên gia về Yemen và Trung Đông, nhận định: “Đây sẽ là một vấn đề lâu dài không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với cả thế giới”.
Kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, Houthi đã tấn công các tàu thương mại và tàu Mỹ hàng chục lần. Hầu hết các cuộc tấn công đều không thành công do Mỹ bắn hạ máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình chống hạm gần như hàng ngày.
Nhưng Houthi đã bắt giữ một tàu vào tháng 11/2023, làm hư hỏng một tàu vào tháng 1 năm nay và đánh chìm một tàu chở hàng của Anh.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Pete Nguyen, cho đến nay Houthi đã tấn công 15 tàu thương mại kể từ khi cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas bắt đầu vào tháng 10/2023, trong đó có 4 tàu Mỹ.
Video đang HOT
Vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, bao gồm một liên minh gồm các quốc gia đồng minh, để tuần tra vùng Biển Đỏ và bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại chống Houthi. Vào tháng 1 vừa qua, Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi cùng với Anh và cả hai quốc gia đã tiếp tục nhắm vào nhóm này ở Yemen để loại bỏ năng lực quân sự của họ.
Hoạt động hàng hải trên vẫn được thực hiện. Theo Lầu Năm Góc, có khoảng từ 4 đến 8 tàu của liên minh có mặt ở Biển Đỏ trong ngày, nhưng Mỹ là tác nhân chính tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa của Houthi.
Khi phòng thủ, Hải quân Mỹ có thể sẽ sử dụng tên lửa đất đối không Standard Missile-2, trị giá hơn 2 triệu USD một tên lửa, để chặn các cuộc tấn công của Houthi. Hải quân Mỹ cũng có thể sử dụng tên lửa Standard SM-6, mỗi tên lửa trị giá hơn 4 triệu USD.
Tên lửa hoạt động hiệu quả vì chúng có thể vô hiệu hóa các mối đe dọa trên diện rộng hơn, giúp Mỹ bảo vệ các tàu thương mại.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ thương mại quốc tế và lưu ý rằng nếu liên minh không hành động, tính mạng và tài sản sẽ gặp nguy hiểm.
“Cái giá phải trả cho những con tàu bị chìm, số người thiệt mạng, thảm họa môi trường là bao nhiêu nếu chúng ta không hành động và không hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này?”, Tướng Ryder đặt câu hỏi.
Theo ông Ryder, với Houthi, về lâu dài, việc tiếp tục điều này “không có lợi cho họ”.
Robert Murrett, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu Phó Giám đốc Tình báo của Bộ tham mưu liên quân, cũng đồng ý như vậy. Ông nói: “Lời khuyên chắc chắn của tôi dành cho tàu hải quân là hãy sử dụng bất cứ thứ gì họ có. Đừng lo lắng về chi phí”.
Tuy nhiên, ông Murrett, hiện là Giáo sư tại Đại học Syracuse, cho biết Mỹ có thể xem xét các phương tiện rẻ hơn để hạ gục máy bay không người lái như gây nhiễu điện tử. Ông lưu ý: “Một trong những cách tốt nhất để đối phó với máy bay không người lái giá rẻ là ‘tiêu diệt mềm’, và nó liên quan đến việc gây nhiễu điện tử cùng các thiết bị khác tương tự, khá rẻ tiền”.
Nhưng Houthi cũng đang khiến Mỹ phải trả giá ở lĩnh vực khác: Hạ gục hai máy bay không người lái Reaper trị giá khoảng 32 triệu USD vào tháng 11 năm ngoái và một chiếc khác vào tháng 2 vừa qua.
Wes Rumbaugh, một thành viên của dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, cho biết bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng sẽ tốn kém nhưng lập luận rằng “không thể tính toán tổn thất tài chính so với việc cứu mạng sống”. Ông Rumbaugh cũng cho biết sẽ đặt cược vào Mỹ thay vì Houthi trong một cuộc chiến kinh tế kéo dài: “Tôi không nghĩ Houthi sẽ có thể làm phá sản nước Mỹ”.
Nhưng Houthi không chỉ tăng cường các cuộc tấn công theo thời gian mà còn áp dụng những khả năng mới vào cuộc chiến. Tháng trước, Houthi đã lần đầu tiên phóng một phương tiện bay không người lái dưới nước tại chiến trường Biển Đỏ.
Trong tuần này, thủ lĩnh Houthi là Abdul-Malik al-Houthi cho biết ông sẽ sớm đưa ra những “bất ngờ” mới trong cuộc tấn công sau khi tuyên bố sẽ tiếp tục trận chiến.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng nặng nề đến Anh
Các chuyên gia năng lượng Anh còn lo ngại xung đột tiếp diễn ở Biển Đỏ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, từ đó nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Houthi tăng cường tấn công trên Biển Đỏ, Mỹ-Anh liên quân không kích lần 4 Houthi thay đổi chiến thuật tấn công ở Biển Đỏ Tàu ngầm không người lái của Houthi gây ra mối đe dọa mới cho tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ
Máy bay chiến đấu của Anh tham gia đợt không kích cùng với Mỹ nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen ngày 24/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Công ty dịch vụ tài chính S&P Global của Mỹ ngày 25/2 cho biết, Anh đã phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn những nước khác do sự gián đoạn trong vận chuyển qua Biển Đỏ vì xung đột leo thang ở Trung Đông.
So sánh với dữ liệu tháng 1, tình hình hiện tại có tác động "vừa phải" đến cả chuỗi cung ứng và giá cả do sự gián đoạn vận chuyển. Nhưng nghiên cứu của S&P Global lưu ý: "Ở một số quốc gia, đặc biệt là Anh, tác động tiêu cực sẽ lớn hơn ở những quốc gia khác". Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã có tác động tồi tệ nhất đến các nhà sản xuất ở Anh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất và đẩy chi phí nguyên liệu thô lên cao.
Cần lưu ý rằng trong số các công ty Anh được xem xét trong nghiên cứu của S&P Global, 12% cho biết thời gian giao hàng tăng lên. Theo sau Anh về chỉ số này là Hy Lạp (9%), Pháp và Đức (8%). Việc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi sẽ tăng thêm thời gian vận chuyển từ 10 đến 14 ngày so với tuyến đường biển qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Khoảng 80% các công ty ở Anh báo cáo việc giao hàng chậm hơn là do sự chậm trễ liên quan đến các sự kiện ở Biển Đỏ, nơi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đã dẫn đến việc ngày càng nhiều công ty vận tải chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua Kênh đào Suez. Một hành trình dài như vậy thường kéo dài lộ trình giao hàng ít nhất 10 ngày. Sự chậm trễ được báo cáo phổ biến nhất trong ngành dệt may và ô tô.
Theo câu ngạn ngữ "thời gian là tiền bạc", thời gian giao hàng của các nhà cung cấp tăng lên kéo theo chi phí của các nhà sản xuất tăng lên lần đầu tiên sau 9 tháng. Mức tăng giá hàng hóa trong tháng 1 là lớn nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Những chi phí cao hơn đó đã được chuyển sang người mua, dẫn đến giá hàng hóa tăng nhanh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, S&P Global giải thích.
S&P Global cho biết chỉ số PMI (theo dõi sản xuất công nghiệp) tại Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng là 44,9. Bất kỳ chỉ số nào dưới 50 đều cho thấy sản lượng đang giảm.
Một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý mua hàng ở Anh của S&P Global cũng cho thấy các chuỗi cung ứng sản xuất đã bị ảnh hưởng bởi thời gian chờ đợi hàng container lâu hơn trong tháng 1 do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ. Khi nguồn cung mất nhiều thời gian hơn để đến nơi sản xuất và các công ty đang giảm lượng hàng tồn kho.
Các công ty Anh báo cáo mức giá họ phải trả cho vận chuyển tăng vọt khi các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, một động thái có thể làm tăng lạm phát và trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Một nghiên cứu từ Liên đoàn Công nghiệp Anh cho biết chi phí sản xuất tăng nhanh trong tháng 1, với giá dự kiến sẽ còn tăng thêm trong những tháng tới. "Các báo cáo này là những dấu hiệu hữu hình đầu tiên cho thấy xung đột Biển Đỏ đang tác động mạnh vào nền kinh tế Anh và khiến các nhà đầu tư lo ngại Ngân hàng Trung ương Anh khó có thể cắt giảm lãi suất. Đồng bảng Anh đã tăng vọt", Bloomberg viết.
Ana Andrade của Bloomberg Economics cho biết: "Rủi ro là mối đe dọa về áp lực giá mới trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ buộc Ngân hàng Anh phải trì hoãn chính sách nới lỏng của mình".
Một dấu hiệu khủng hoảng khác là sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Anh. Nền kinh tế của nước này càng ổn định thì lãi suất trái phiếu càng thấp. Giờ đây, lợi suất trái phiếu 10 năm đã tăng gần 4% lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các chuyên gia năng lượng Anh còn lo ngại xung đột tiếp diễn ở Biển Đỏ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, từ đó nền kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Andrew Grover, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Advantage Utilities của Anh, cảnh báo rằng giá cả trên thị trường năng lượng có thể bắt đầu tăng: "Nếu xung đột [ở Biển Đỏ] leo thang hơn nữa, tác động tiêu cực đến giá năng lượng toàn cầu có thể rất đáng kể. Nếu sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục trong vài tuần nữa, điều này sẽ dẫn đến giá [năng lượng] cao hơn".
Về phần mình, Bộ Tài chính Anh đã cảnh báo rằng việc tiếp tục gián đoạn nguồn cung có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ hai.
Houthi tuyên bố phóng tên lửa trúng tàu chiến Mỹ Một phát ngôn viên của lực lượng Houthi cho biết ít nhất một quả tên lửa được phóng từ Yemen chiều 24/1 đã bắn trúng một tàu chiến Mỹ và buộc hai tàu thương mại của Mỹ phải rút lui. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tuyên bố rằng tất cả các tên lửa của Houthi đã bị bắn hạ....