Mỹ tính lập phi đội máy bay cảm tử chống tên lửa
Nhỏ gọn, chi phí thấp, tính sát thương cao là những đặc điểm của ‘phi đội cảm tử’ máy bay không người lái mà Mỹ có kế hoạch sử dụng để tiêu diệt tên lửa địch.
Phác thảo ý tưởng về phi đội máy bay không người lái cảm tử chống tên lửa của Mỹ. Ảnh: DARPA
Các cuộc không chiến từ thời Thế chiến I đến nay vẫn diễn ra theo phương thức quen thuộc: máy bay trinh sát tìm kiếm mục tiêu, chiến đấu cơ tấn công máy bay đối phương, còn máy bay ném bom cỡ lớn được triển khai để oanh tạc những mục tiêu mặt đất, theo Business Insider.
Trải qua một thế kỷ, phương thức tác chiến đó không thay đổi quá nhiều, có chăng chỉ là sự bổ sung của một vài mẫu máy bay chuyên dụng.
Chuyên gia nhận định, các cuộc chiến trong tương lai chủ yếu diễn ra trên bầu trời. Tại hội nghị Hiệp hội các Nhà sản xuất Hệ thống Phương tiện bay không người lái diễn ra tuần vừa rồi tại Mỹ, một quan chức không quân cho rằng, ngoài các chiến đấu cơ và máy bay ném bom, thế giới sẽ còn phải chứng kiến sự xuất hiện của hàng nghìn máy bay không người lái cỡ nhỏ tham gia chiến đấu.
“Tôi cần một loại máy bay ném bom tàng hình có khả năng tiến sát mục tiêu, sau đó thả hàng loạt vũ khí nhỏ, trong đó có những máy bay cảm tử sẵn sàng lao thẳng vào tên lửa phòng không địch. Và chúng phải rẻ. Đối phương có thể sở hữu 100 đến 1.000 tên lửa phòng không nhưng chúng ta sẽ đánh chúng bằng 10.000 máy bay không người lái cỡ nhỏ”, đại tá Travis Burdine thuộc không quân Mỹ nói tại hội nghị.
Tên lửa phòng không là một trong những nguyên do khiến không quân Mỹ phải đổ tiền đầu tư rất lớn vào công nghệ tàng hình suốt nhiều năm qua, bởi nếu tên lửa không phát hiện được máy bay, nó sẽ không thể tấn công.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở sự chênh lệch trong chi phí sản xuất. Thông thường, việc sản xuất một tên lửa mới và tân tiến sẽ dễ dàng hơn so với việc nâng cấp tính năng tàng hình cho máy bay. Nói một cách khác, tên lửa rẻ hơn máy bay, vì thế nếu muốn chống lại các cuộc tấn công trên không, người ta chỉ cần chi mạnh tay vào tên lửa.
Video đang HOT
Thế nhưng, xu thế trên đang dần thay đổi. Giới quan sát dự đoán các loại máy bay không người lái chi phí thấp sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai. Không quân, hải quân và lục quân Mỹ hiện rất quan tâm đến việc sản xuất máy bay không người lái giá thành thấp nhưng có sức công phá lớn để ngăn chặn hay loại bỏ tên lửa đối phương.
Israel đã chế tạo được một số máy bay không người lái cảm tử dành cho mục đích này. Chúng có khả năng tìm diệt tên lửa phòng không địch hoặc hạ cánh an toàn để thực hiện nhiệm vụ khác nếu không phát hiện mục tiêu.
Để đưa máy bay không người lái cảm tử vào sử dụng rộng rãi, nhà chức trách Mỹ trước hết cần tìm cách hạ giá thành sản xuất và nghiên cứu để triển khai chúng hiệu quả trong thực chiến. Mỹ đã ấp ủ ý tưởng trên hàng chục năm qua nhưng đến nay Lầu Năm Góc mới thực sự tích cực bắt tay vào biến nó thành hiện thực.
Nếu thành công, các cuộc không chiến tương lai sẽ diễn ra theo kịch bản như sau: một phi đội máy bay không người lái cảm tử nhỏ xuất kích trước các chiến đấu cơ tàng hình đắt tiền để dọn đường cho máy bay ném bom hay máy bay chở quân. Chiến trường trên không chắc chắn sẽ trở nên phức tạp hơn trước, cây bút Kelsey D. Atherton từ trang Popular Sciencebình luận.
Đình Việt
Theo VNE
Siêu vũ khí laser của không quân Mỹ
Không quân Mỹ có kế hoạch trang bị vũ khí laser cho chiến đấu cơ và máy bay không người lái để tăng năng lực tấn công lẫn phòng thủ.
Ảnh phác thảo ý tưởng UAV trang bị vũ khí laser của không quân Mỹ General Atomics
Sau khi hải quân liên tiếp công bố các đợt thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser (LaWS), đến lượt không quân Mỹ tiếp bước với dự án phát triển LaWS trang bị cho các loại máy bay với hy vọng triển khai rộng rãi vào năm 2023. Trước mắt, Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân Mỹ đặt mục tiêu có thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trong vòng khoảng 3 đến 4 năm tới, theo chuyên trang Defense One.
Chương trình của không quân cũng dựa trên nền tảng hệ thống LaWS do Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) phát triển nhiều năm qua và đã đạt được thành công khi gắn trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce từ năm 2014.
Vũ khí đa năng
Vũ khí laser phóng từ máy bay có thể đảm nhận một loạt nhiệm vụ bao gồm chống hạm, tấn công mặt đất, không đối không và thậm chí bắn hạ tên lửa đạn đạo. Theo tiến sĩ Greg Zacharias, Cố vấn khoa học của không quân Mỹ, LaWS sử dụng chùm tia nhiệt độ cao vô hình phóng đi tiêu diệt chính xác mục tiêu mà không gây ra vụ nổ lớn. Ngoài ra, tốc độ cực nhanh của laser mang lại khả năng đánh chặn các loại tên lửa siêu thanh.
Bên cạnh đó, quá trình thử nghiệm của hải quân đã chứng minh được những ưu điểm lớn khác của LaWS là có thể bắn liên tục với chi phí cực kỳ thấp so với các loại vũ khí tân tiến như tên lửa và bom thông minh. Khẩu pháo laser gắn trên tàu USS Ponce chỉ có giá 32 triệu USD và chỉ tốn chi phí 1 USD/lần bắn. Trong khi đó, tính trung bình, chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa Tomahawk đã lên tới 1,4 triệu USD.
Theo Defense One, điểm yếu lớn nhất của các thế hệ vũ khí laser đời đầu là sức công phá thấp. Chẳng hạn như tia laser của tàu USS Ponce chỉ có công suất 30 kW và vẫn chưa thể chặn được tên lửa đối hạm, cũng như chỉ đủ "gãi ngứa" cho chiến đấu cơ và chiến hạm thực thụ. Ngoài ra, độ chính xác còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, bụi, hơi nước trong không khí.
Tuy nhiên, DARPA đang bắt tay với Tập đoàn General Atomics đẩy nhanh LaWS thế hệ 3 hoạt động bằng pin lithiumion nhỏ gọn và có thể được sạc nếu cạn năng lượng. Chuyên san Aviation Week & Space Technology dẫn lời giới chức cho biết với chi phí vận hành hầu như không tăng, các chuyên gia đã thành công trong việc tăng công suất chùm tia laser lên đến 150 kW, đủ sức bắn chặn ngư lôi lẫn các đội tàu cao tốc cỡ nhỏ, còn máy bay không người lái (UAV) không thể nào chịu nổi loại vũ khí này. Mặt khác, kích thước và trọng lượng của hệ thống cũng được thu gọn rõ rệt so với các thế hệ trước.
Tất cả đều là những điều kiện lý tưởng để trang bị LaWS cho các chiến đấu cơ luôn hoạt động với tốc độ cận siêu thanh và siêu thanh, theo tiến sĩ Zacharias. Hiện mục tiêu trước mắt của DARPA là tiếp tục nghiên cứu để đẩy công suất chùm tia lên tới 300 kW, đồng thời có tầm bắn xa hơn.
Các nguồn tin từ Lầu Năm Góc tiết lộ không quân dự tính triển khai vũ khí laser cho các loại máy bay hạng nặng như máy bay vận tải C-17, C-130 và máy bay cường kích AC-130U trước để tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt biển. Khi công nghệ thu nhỏ vũ khí laser thật sự hoàn chỉnh thì sẽ bắt đầu trang bị cho chiến đấu cơ F-16, F/A-18, F-22 và cả F-35 nhằm giành ưu thế tuyệt đối trong không chiến. Ngoài ra, chuyên san The National Interest dẫn lời tiến sĩ Zacharias cho biết thêm các chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân Mỹ cũng đang nghiên cứu cơ chế dẫn đường cho vũ khí laser.
UAV như hổ thêm cánh
Theo các chuyên gia, với tốc độ nghiên cứu phát triển vũ khí laser như hiện nay thì việc trang bị cho UAV chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, UAV có thể phục vụ 2 mục tiêu cực kỳ quan trọng cho quân đội Mỹ là đánh chặn tên lửa và tấn công chính xác tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao. Defense One dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) James Syring cho biết cơ quan này đang lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ chế tạo thành công UAV tầm xa, hoạt động từ độ cao 20.000 m trở lên và có thể dùng LaWS bắn hạ tên lửa đạn đạo ngay từ giai đoạn phóng. Độ cao này không gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và giúp UAV duy trì hoạt động hiệu quả bất chấp thời tiết xấu.
Ngoài ra, UAV sẽ được trang bị năng lực tàng hình cùng khả năng duy trì hoạt động trong nhiều ngày liên tiếp cũng như giữ vững độ cao nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không hiện nay trên thế giới. "Nếu cung cấp đủ năng lượng, hoàn thiện được chất lượng của laser và ở cao độ thích hợp, việc bắn hạ tên lửa đạn đạo là có thể thực hiện được", Phó đô đốc Syring nhận định.
Bên cạnh đó, ưu điểm nhắm chính xác vào mục tiêu mà không gây nổ diện rộng của vũ khí laser còn có thể áp dụng cho các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu như thủ lĩnh cấp cao của các tổ chức vũ trang cực đoan tại Nam Á và Trung Đông. Mục tiêu lớn nhất hiện nay là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Lâu nay, các tay súng cực đoan cố tình hoạt động và lẩn trốn ở những khu dân cư đông đúc, cộng thêm những bất cập trong hệ thống điều khiển UAV, dẫn tới các cuộc không kích của Mỹ thường xuyên gây thương vong cho dân thường. Tình trạng này khiến quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia sở tại như Pakistan, Afghanistan... rơi vào căng thẳng, đồng thời Washington hứng chịu chỉ trích từ nhiều phía.
Đây cũng được cho là một lý do khiến chiến dịch không kích IS ở Syria và Iraq của liên quân do Mỹ dẫn đầu bị cho là chưa thật sự đạt hiệu quả mong muốn. Trong tương lai, khả năng tấn công chính xác từ vũ khí laser sẽ là câu trả lời cho bài toán nan giải này.
Lá chắn laser bất bại
Ngoài khả năng tấn công, Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân Mỹ (AFRL) còn đang triển khai dự án chế tạo lá chắn phòng thủ từ laser. Theo CNN, ý tưởng chủ đạo là chùm tia laser sẽ tạo thành một bong bóng lớn bao phủ toàn bộ chiến đấu cơ, tương tự lá chắn điện từ của tàu vũ trụ trong loạt phim viễn tưởng Star Trek (tạm dịch: Du hành giữa các vì sao). Lá chắn này sẽ vô hiệu hóa hoặc phá hủy mọi vật thể va chạm như tên lửa hoặc máy bay khác. Các chuyên gia cho biết để tạo ra lá chắn laser này cần phải có một tháp pháo hoạt động độc lập, không cản trở hệ thống khí động học của máy bay. Hiện AFRL đang phối hợp với DARPA cùng nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin chế tạo tháp pháo và kết quả thử nghiệm ban đầu hết sức khả quan.
Danh Toại
Theo Thanhnien
UAV cảm tử Hero thiện chiến cỡ nào? Dù có trọng lượng nhẹ hơn nhưng UAV cảm tử Orbiter1K Việt Nam muốn mua có tính năng vượt trội UAV cảm tử Hero Israel vừa đưa vào thử nghiệm. Theo trang vpk.name, ngày 4/5, hãng chế tạo Israel UVision tuyên bố bắt đầu thử nghiệm thế hệ tổ hợp máy bay không người lái (UAV) cảm tử với tên gọi Hero có...