Mỹ tin Nga có thể tạo cớ bất ngờ tấn công, Ukraina mời ông Biden đến thăm
Mỹ cáo buộc Nga có thể tạo ra cớ bất ngờ để tấn công Ukraina bất kỳ lúc nào, dù Moscow vẫn nhất quyết khẳng định không có kế hoạch “ra tay” với nước láng giềng.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 13/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tin, Nga hiện có thể động binh “vào bất kỳ ngày nào”, kể cả trước khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh kết thúc (sự kiện sẽ bế mạc vào ngày 20/2). Song, ông từ chối nhận định về một thời điểm cụ thể.
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung giữa Nga – Belarus ở thao trường Gozhsky, vùng Grodno, Belarus, gần biên giới với Ukraina. Ảnh: Reuters
Trước đó, các quan chức Mỹ cho hay, họ không thể xác nhận thông tin do báo chí phương Tây đăng tải về việc, các thông tin tình báo của nước này ám chỉ Moscow có ý định tấn công vào ngày 16/2.
Ông Sullivan nói, Washington sẽ tiếp tục chia sẻ những gì họ biết với thế giới nhằm khiến Moscow không có cơ hội “ngụy tạo cớ bất ngờ” để ra tay. Trong một cuộc phỏng vấn riêng rẽ với đài CBS, vị cố vấn an ninh khẳng định, Mỹ “sẽ bảo vệ mọi tấc đất thuộc lãnh thổ NATO” và cho rằng Nga đã hiểu rõ thông điệp đó.
Ông Sullivan có các phát biểu trên chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về “cái giá nhanh chóng và nghiêm trọng” nếu ra lệnh tấn công Ukraina. Theo một quan chức chính quyền Biden, Washington ước tính Nga đang tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraina và điều động thêm hàng nghìn lính trong tuần qua để sẵn sàng hành động.
Video đang HOT
Moscow đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc về kế hoạch tập kích nước láng giềng, đồng thời tố ngược Mỹ và các đồng minh đang thổi phồng sự thật nhằm khuấy đảo căng thẳng khu vực, trong khi phớt lờ mọi quan ngại về an ninh của Nga.
Moscow hôm 13/2 cũng bày tỏ quan ngại về việc một số quốc gia quyết định tái cử đại diện tham gia phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraina.
Tổng thống Ukraina mời ông Biden đến thăm
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã cuộc điện đàm kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng sau đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Ông Biden cũng cam kết với ông Zelenskyy sẽ cùng các đồng minh “phản ứng nhanh chóng và dứt khoát” trước nguy cơ Ukraina bị tấn công.
Theo Sputnik, đây là cuộc điện đàm thứ 3 giữa hai tổng thống kể từ đầu năm 2022.
Văn phòng tổng thống Ukraina cho hay, ông Zelenskyy đã cảm ơn ông Biden về sự ủng hộ, đồng thời mời người đứng đầu Nhà Trắng tới thăm Ukraina “càng sớm càng tốt”. Ông Zelenskyy nói, điều quan trọng là Kiev nhận được các bảo đảm an ninh từ Washington và chuyến công du của ông Biden tới quốc gia Đông Âu có thể giúp làm giảm leo thang căng thẳng với Nga.
Tuy nhiên, CNN trích dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nhận định, chuyến thăm của ông Biden ít có khả năng diễn ra trong bối cảnh hiện tại. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Thủ tướng Đức công du Ukraina, Nga
Các diễn biến mới xảy ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt khủng hoảng.
Ông Scholz đã kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng trước khi lên đường tới Kiev vào ngày 14/2 và Moscow vào ngày 15/2.
Một quan chức Đức tiết lộ, nước này không kỳ vọng đạt được các “kết quả cụ thể” từ những chuyến đi trên, nhưng cho rằng ngoại giao là quan trọng.
Ukraina khuyến cáo máy bay tránh qua Biển Đen lúc Nga tập trận
Ukraina hôm 13/2 đã khuyến cáo các hãng hàng không tránh khu vực Biển Đen từ ngày 14 đến 19/2 do các cuộc tập trận hải quân của Nga đang diễn ra ở đó.
"Từ ngày mai, các hãng bay không nên hành trình qua khu vực này và lên kế hoạch trước các đường bay tối ưu, xét theo tình hình hiện tại", cơ quan kiểm soát không lưu Ukraina cho biết, theo hãng tin Reuters. Dù vậy, Ukraina khẳng định sẽ không đóng không phận đối với các chuyến bay quốc tế.
Hãng RIA hôm 12/2 đưa tin hơn 30 tàu chiến Nga đã bắt đầu tập trận gần bán đảo Crưm trên Biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng bảo vệ bờ biển xung quanh Crưm, cùng các căn cứ của Hạm đội Biển Đen...
Tàu đổ bộ cỡ lớn Korolev của Hải quân Nga ở Eo biển Dardanelles, trên đường tới Biển Đen. Ảnh: Reuters
Mustafa Nayyem, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraina, bác bỏ các thông tin cho rằng không phận nước này đã bị đóng cửa. "Việc đóng cửa không phận là quyền chủ quyền của Ukraina. Hiện tại, chính phủ chưa đưa ra quyết định như vậy".
Cùng ngày, Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraina cũng khẳng định "không phận Ukraina vẫn mở và an toàn". "Nếu một hãng hàng không nào đó quyết định điều chỉnh lại đường bay, nó chắc chắn không liên quan gì đến các quyết định hoặc chính sách của Ukraina", ông Podoliak cho biết.
Nhiều hãng hàng không đã quyết định hoặc đang cân nhắc ngừng đưa máy bay tới Ukraina trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực. Hãng tin Ukraina Strana.ua đưa tin, các công ty bảo hiểm quốc tế lớn sẽ ngưng dịch vụ bảo hiểm cho các máy bay di chuyển qua không phận nước này.
Hãng hàng không SkyUp của Ukraina hôm 13/2 cho biết, một máy bay chở khách của hãng từ Bồ Đào Nha đến thủ đô Kiev đã buộc phải hạ cánh xuống Moldova, vì công ty cho thuê máy bay không cho phép bay vào không phận Ukraina.
Hãng hàng không KLM của Hà Lan cũng thông báo dừng tất cả chuyến bay đến Ukraina. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 12/2, KLM cho biết "chuyến bay tiếp theo đến Kiev vốn được lên kế hoạch vào tối nay, nhưng sẽ không được vận hành".
Trong khi đó, hãng hàng không Lufthansa của Đức nói với hãng tin RBC của Nga rằng "khả năng ngừng các dịch vụ hàng không đang được xem xét", đồng thời cho biết hãng vẫn đang "theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraina".
Đức, Mỹ đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ Nga tấn công Ukraine Đức vừa cảnh báo có nguy cơ về một cuộc chiến tranh ở Đông Âu còn Mỹ cho rằng Nga có thể tấn công Ukraine trong tuần trước khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Hệ thống phóng rốc két khai hỏa trong cuộc tập trận chung Nga-Belarus ở Belarus, trong một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga...