Mỹ sẽ tiếp nhận 85.000 người tị nạn vào năm tới
Ngoại trưởng John Kerry hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ gia tăng đáng kể số người tị nạn được phép vào nước này trong hai năm tới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua gặp gỡ những người tị nạn Syria ở Villa Borsig, Đức. Ảnh: AP
Mỹ năm tới sẽ tiếp nhận 85.000 người tị nạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Con số này vào năm 2017 là 100.000 người, AP dẫn lời ông Kerry cho biết tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sau khi hai người thảo luận về việc người di cư Syria tìm đường sang châu Âu để trốn chạy cuộc nội chiến.
Ngoại trưởng Mỹ đồng thời nhấn mạnh chỉ có thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng di cư bằng cách chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria và Tổng thống nước này là ông Bashar al-Assad phải từ chức.
Khi được hỏi vì sao Mỹ không thể tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn nữa, ông Kerry dẫn lại các yêu cầu về sàng lọc đưa ra trước đó và thêm rằng thiếu ngân sách cũng là một trở ngại.
Các nhà lập pháp Washington ngay lập tức bày tỏ lo lắng về những vấn đề tiềm tàng, như việc các phần tử cực đoan thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ đội lốt người tị nạn để xâm nhập vào Mỹ. Song, ông Kerry cho hay nhà chức trách sẽ không lơ là công tác kiểm tra an ninh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Người tị nạn nỗ lực vượt biển sang châu Âu trước khi mùa đông tới
Hàng trăm người Syria và những người di cư khác tụ tập tại một công viên nhỏ ở trung tâm Istanbul, hy vọng có cơ hội cuối cùng đến châu Âu trước khi mùa đông tới khiến biển cả trở nên nguy hiểm.
Người di cư vạ vật ở bến xe buýt thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
"Đến lúc phải đi rồi, khi cánh cửa tới châu Âu vẫn còn mở", Zopir, 20 tuổi, nói. Anh chạy trốn khỏi thị trấn Deir al-Zor của Syria 3 năm trước và giờ muốn đến châu Âu trước khi cô vợ đang mang thai 8 tháng trở dạ. "Tôi sợ chứ, nhưng tôi đã sẵn sàng".
Zopir gom góp được 9.000 USD cho chuyến đi và bắt đầu hành trình gần công viên ở Aksaray, một quận của tầng lớp lao động ở Istanbul. Họ thuê một người môi giới chuyên làm việc cho những tên buôn người để đưa người tị nạn đến bờ biển Aegean.
Vợ chồng Zopir nằm trong làn sóng kỷ lục hơn 300.000 người đang chạy trốn chiến tranh, khủng bố và đói nghèo năm nay. Họ dùng Hy Lạp làm bàn đạp để đến châu Âu. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), con số này tăng gấp 5 lần so với năm 2014 và vẫn tiếp tục tăng lên. Từ đầu năm đến nay, hơn 116.000 người đã đến được Italy.
Tuy nhiên, việc vượt biển đến châu Âu đang ngày một trở nên khó khăn khi mùa đông sắp tới, mang theo những cơn gió lớn khuấy động biển Aegean.
"Đây là tuần cuối cùng rồi. Sau tuần này, sóng biển sẽ rất lớn", Joseph, người đàn ông Palestine 37 tuổi, làm nghề môi giới đã 4 năm, cho biết. Ông từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ.
Theo Joseph, ít người môi giới dám cả gan tổ chức các chuyến vượt biển khi thời tiết thay đổi. Người di cư từ Syria, Iraq, Afghanistan và châu Phi đều tìm đến Joseph qua thông tin truyền miệng. Joseph dẫn đầu một nhóm gồm 7 người. Những người khác được biết đến thông qua các trang Facebook của người tị nạn.
Joseph tìm cho họ một người "nhận hàng" với một khoản phí nhỏ. Người này giữ tiền của người tị nạn rồi thanh toán với bọn buôn người khi nhận được cuộc gọi kèm một mật khẩu từ châu Âu. Người tị nạn sau đó được chuyển giao cho một người trung gian khác để đưa họ lên xe chở ra bờ biển.
Đây là một hình thức làm ăn rất béo bở. Joseph cho hay ông làm việc này chỉ 3 tháng trong năm. Ông có khoảng 100 khách hàng, mỗi người trả ông 800 USD. Joseph trích 100 USD từ số tiền trên để trả tiền thuê thuyền cao su hoặc một chiếc xuồng nhỏ đưa họ đến các hòn đảo ở Hy Lạp.
Nỗ lực cuối cùng
Hơn 70 người đã chết đuối trên đường đến Hy Lạp trong nửa đầu tháng này, chiếm một nửa tổng số người thiệt mạng của năm 2015, khiến tháng 9 trở thành tháng đen tối nhất trong vòng hai năm qua, IOM cho biết.
Hầu hết 2.800 người bỏ mạng ở Địa Trung Hải năm nay đều lựa chọn con đường nguy hiểm hơn để đến Italy. Năm 2014 đã có hơn 3.200 người di cư thiệt mạng.
Cảnh sát Hy Lạp hướng dẫn một con thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận bờ biển đảo Lesbos. Ảnh: AP
"Số người thiệt mạng gia tăng đột biến là vì mọi người đang nỗ lực (vượt biển) lần cuối, khi thời tiết vẫn còn thuận lợi và nước vẫn còn ấm", Emrah Guler, nhân viên của IOM ở Thổ Nhĩ Kỳ giải thích.
Tin đồn Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt chặt an ninh biên giới và hình ảnh cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi nằm chết trên bãi biển hầu như không hề làm suy giảm dòng người tị nạn. Zopir thậm chí nói rằng hình ảnh của Aylan càng thôi thúc anh phải ra đi trước khi con anh chào đời.
"Tôi không muốn vượt biển cùng đứa con nhỏ của mình", anh nói tại quán cà phê nơi những người di cư đang chia nhau nước và nhâm nhi cà phê.
Aksaray, một tổ hợp các tòa nhà bê tông với những căn phòng và hiệu cắt tóc được quảng cáo bằng tiếng Arab, đã trở thành tụ điểm cho người Syria gặp các nhà môi giới mà họ gọi là mafia.
Mạng xã hội khiến những kẻ môi giới và những kẻ giao nhận tiền phải làm việc một cách trung thực, Muhammed Salih Ali, người đứng đầu Hiệp hội Đoàn kết với Người tị nạn Syria ở thành phố Izmir, nói. Izmir là thành phố trọng điểm nằm bên bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ, trên tuyến đường đến Hy Lạp.
"Hàng triệu USD được chuyển giao mỗi đêm và không để lại dấu vết. Mọi người phải hành xử một cách trung thực vì nếu mất tiền, vụ việc sẽ tạo ra một làn sóng trên Facebook. Nhiều người vẫn ra đi từ đây là bởi vì hệ thống này hoạt động hiệu quả", ông Ali khẳng định.
Ngoài ra, một nhánh dịch vụ bán lẻ cũng bắt đầu nổi lên với các mặt hàng dành cho người di cư như áo phao kém chất lượng, xăm xe từ những chiếc lốp cũ, các loại bóng bay để giữ cho tiền và điện thoại khỏi ướt, báo trước một hành trình đầy bất trắc.
'Thiên đường' châu Âu
Một người di cư Afghanistan bơi vào đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh: Washington Post
Tuần trước, nỗi sợ đắm thuyền đã khiến hàng nghìn người kéo đến vùng biên giới giáp Hy Lạp bằng xe buýt. Những người không mua được vé thì cuốc bộ từ Istanbul. Hoạt động này được tổ chức trên Facebook để gây chú ý đến hoàn cảnh của họ.
Cảnh sát cửa khẩu Bulgaria cho hay họ đã chặn khoảng 200 người tiếp cận biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/9.
Việc Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) gia tăng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường khi thôi thúc thêm những nỗ lực tuyệt vọng đến châu Âu, ông Metin Corabatir, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu về Tị nạn và Di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.
Tháng 8 là một trong những tháng đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 5 ở Syria. Điều này khiến số người đăng ký tị nạn tăng lên hơn 73.000 người, theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đón khoảng hai triệu người Syria tị nạn nhưng điều kiện kinh tế và xã hội ở nước này ngày càng đi xuống khiến châu Âu trở thành thiên đường mơ ước của họ, ông Corabatir nói.
Tuy nhiên, với một số người, con đường tới "thiên đường" này hiện giờ quá nguy hiểm.
Maisa, 32 tuổi, từng là nhân viên ngân hàng, chạy trốn khi cuộc chiến ở Syria kéo dài được một năm và sống ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013. Cô phải đi bằng xe buýt nhiều giờ đến Istanbul để dạy nhạc kiếm sống mà không hề có giấy phép lao động hay bảo hiểm.
"Tôi có cảm giác như họ bảo tôi rằng 'Đi đi, sao cô còn ở lại đây?' ", cô nói.
Năm ngoái, Maisa không gom đủ số tiền 4.000 USD cho hành trình dài 8 ngày đến Italy. Năm nay, cô từ bỏ các kế hoạch thực hiện một chuyến đi nhanh gọn đến Hy Lạp sau khi bị chấn động trước cái chết của cậu bé Aylan.
"Mùa đông đến các con sóng sẽ rất cao và nguy hiểm, vì vậy tôi không thể đi được. Tôi sẽ chết và không ai biết đến tôi cả. Tôi chỉ là một hạt cát", cô nói.
"Nhưng tôi sẽ đi vào năm sau, chắc chắn thế. Tôi sẽ không ở lại thêm nữa", cô ngập ngừng rồi nói tiếp.
Thúy Nguyễn
Theo Reuters
Khủng bố sẽ không liều đội lốt dân tị nạn vào châu Âu Giới chuyên gia cho rằng phiến quân Hồi giáo chẳng cần liều lĩnh lên những con thuyền ọp ẹp vượt biển đầy nguy hiểm. Phiến quân IS tại thị trấn Tel Abyad, đông bắc Syria. Ảnh: AP Theo AFP, các nhà chính trị châu Âu trong vài tuần gần đây báo động về nguy cơ chiến binh Hồi giáo cực đoan đang trên...