Mỹ sẽ chính thức khuyến nghị người dân tiêm vaccine mũi 3 ngừa COVID-19
Những người sống ở viện dưỡng lão và đội ngũ nhân viên y tế sẽ thuộc nhóm đối tượng đầu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường ngay trong tháng 9 tới, kế đến sẽ là nhóm người già vừa hoàn tất mũi tiêm thứ hai hồi mùa đông vừa qua.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ New York Times ngày 17/8 dẫn lời hai quan chức thạo tin ẩn danh cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đi đến quyết định hầu như toàn bộ người dân Mỹ cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường sau 8 tháng tính từ thời điểm hoàn tất mũi tiêm thứ hai. Việc triển khai có thể bắt đầu sớm nhất là vào giữa tháng 9 tới.
Dự kiến, quyết định được công bố trong tuần này. Mục đích là để người dân Mỹ hiểu rằng mỗi người cần có thêm một lớp phòng vệ để chống lại biến thể Delta vốn là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát và lây nhiễm mạnh tại Mỹ hiện nay. Nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm tăng cường sẽ là người ở viện dưỡng lão, nhân viên y tế và sau đó là người già. Người tiêm mũi tăng cường sẽ sử dụng chính loại vaccine tiêm trước đó.
Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh một số quan chức Mỹ tỏ ra đặc biệt quan ngại trước những dữ liệu khảo cứu tại Israel, cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer trước biến thể Delta suy giảm đáng kể theo thời gian, nhất là đối với nhóm người cao tuổi. Những quan chức này cho rằng Israel có thể là mẫu hình với Mỹ, bởi Israel là nước triển khai chiến dịch tiêm tăng cường sớm và gần như chỉ sử dụng vaccine Pfizer.
Dữ liệu mới nhất được Israel công bố trên website của chính phủ nước này hôm 16/8 cho thấy hiệu quả của vaccine giảm theo thời gian tính từ thời điểm kết thúc mũi tiêm thứ hai, cả về khả năng chống lây nhiễm không triệu chứng, bệnh nhẹ nói chung lẫn ngừa bệnh tăng nặng ở nhóm người cao tuổi.
Video đang HOT
Phát hiện này cũng phù hợp với đánh giá của Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla đưa ra hồi tháng 7 về hiệu quả của vaccine, dù mức sai số có thể khác nhau so với nghiên cứu của phía Israel. Dựa trên kết quả nghiên cứu ở 44.000 người tại Mỹ và nhiều nước khác, lãnh đạo Pfizer cho biết độ hiệu quả của vaccine giảm xuống còn 84% sau từ 4-6 tháng, so với mức 96,2% tối đa đạt được sau 1 tuần đến 2 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai. Đây là lý do chính để Pfizer đưa ra đề nghị về tiêm mũi thứ ba bổ sung.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ ngày 12/8 đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer Inc và Moderna Inc làm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước, trong đó có Israel và Đức có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm chủng mũi thứ 3 tăng cường để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng dịch bệnh khác do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện các nhà khoa học vẫn có ý kiến chia rẽ về việc mở rộng tiêm mũi thứ 3 tăng cường cho người không có vấn đề về sức khỏe cũng như những lợi ích của mũi vaccine tăng cường này chưa được làm rõ.
Bộ Y tế Mỹ ngày 12/8 công bố quyết định yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên liên bang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhập viện tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Delta. Quyết định này dự kiến có hiệu lực với khoảng 25.000 nhân viên thuộc Bộ Y tế và Nhân lực – những người có thể tiếp xúc với bệnh nhân và chiếm 1/3 tổng nhân viên của bộ.
Tây Ban Nha cung cấp 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Mỹ Latinh
Ngày 16/8, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao 6 triệu liều vaccine cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong những tuần tới.
Đây là phần lớn trong tổng số 7,5 triệu liều vaccine mà Madrid trước đó cam kết viện trợ cho khu vực này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho em nhỏ tại Quito, Ecuador ngày 21/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết trong ngày 16/8, Ecuador sẽ được nhận 101.760 liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Trong khi đó, các quốc gia gồm Costa Rica, Guatemala, Paraguay, Bolivia, Nicaragua, Jamaica và Suriname sẽ sớm tiếp nhận lô vaccine do Tây Ban Nha tài trợ thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Cùng với lộ trình này, Tây Ban Nha dự kiến sẽ giao đầy đủ 6 triệu liều vaccine cho các nước Mỹ Latinh và Caribe trong mùa Hè này. Các quốc gia được hưởng lợi do COVAX lựa chọn dựa trên cơ sở nhu cầu dịch tễ của các nước trong khu vực và theo tiêu chí của WHO. Các khoản quyên góp được chuyển qua COVAX, với sự hỗ trợ hậu cần từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), nhằm đóng góp vào nỗ lực đa phương để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 gây ra.
Trước đó vào tháng 7, Tây Ban Nha cũng đã cung cấp vaccine cho một số nước như Peru (101.760 liều), Guatemala (201.600 liều), Paraguay (253.440 liều) và Nicaragua (97.920 liều).
Cùng ngày, Uỷ ban tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Dịch tễ Robert Kock (RKI) của Đức đã khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi vì lợi ích vượt trội hơn những nguy cơ về tác dụng phụ.
STIKO nêu rõ: "Khuyến nghị này chủ yếu nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước dịch COVID-19 và các hệ luỵ về tâm lý xã hội liên quan đến dịch bệnh này". STIKO đồng thời phản đối việc đưa việc tiêm chủng như một điều kiện tiên quyết để cho phép trẻ em và thanh thiếu niên tham gia xã hội.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đánh giá việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi là "thông tin tốt lành". Trước khi có khuyến nghị rõ ràng, Đức đã bắt đầu tiêm chủng cho nhóm tuổi này vào đầu tháng 8.
Theo RKI, cơ quan liên bang và viện nghiên cứu chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, tính đến ngày 15/8, đã có 15,1% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, trong khi 24,3% đã được tiêm ít nhất một mũi. Cũng tính đến ngày này, hơn 47,6 triệu người ở Đức đã được tiêm đủ liều, nâng tỷ lệ tiêm chủng của nước này lên 57,2%. Gần 52,6 triệu người Đức đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cùng ngày đã trình dữ liệu lâm sàng sơ bộ cho các cơ quan y tế Mỹ trong nỗ lực xin cấp phép cho việc tiêm mũi vaccine thứ ba cho tất cả người dân Mỹ.
Tuần trước, Mỹ đã phê duyệt việc tiêm nhắc lại vacicne của Pfizer-BioNTech và Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch. Pfizer và BioNTech đã trình bày kết quả của thử nghiệm Giai đoạn 1 để đánh giá độ an toàn và hiệu quả của mũi tiêm thứ ba.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla nêu rõ: "Dữ liệu mà chúng tôi ghi nhận cho tới nay cho thấy mũi vaccine thứ ba tạo ra mức kháng thể vượt đáng kể so với mức được ghi nhận sau khi tiêm hai mũi trước đó".
Trong khi đó, nhà đồng sáng lập BioNTech Ugur Sahin cho rằng mũi vaccine tăng cường có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và mắc bệnh ở những người đã được tiêm phòng và giúp kiểm soát tốt hơn sự lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2 trong mùa Đông tới.
Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ gửi thông tin tương tự cho các cơ quan có thẩm quyền châu Âu trong những tuần tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh WHO đang kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi vaccine thứ ba để giúp đảm bảo nguồn cung và giảm bớt sự bất bình đẳng trong phân bổ vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Các ngân hàng lớn của Mỹ thúc giục nhân viên tiêm vaccine Các ngân hàng lớn trên Phố Wall đã bắt đầu thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn về khẩu trang và vaccine đối với nhân viên, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại các văn phòng. Một công nhân đeo khẩu trang bảo vệ làm sạch các máy rút tiền tự động tại chi nhánh Citibank của...