Mỹ sắp cạn nguồn kinh phí mua thuốc kháng thể điều trị được chủng mới Omicron
Theo phóng viên TTXVN tại New York, kho dự trữ thuốc kháng thể COVID-19 của Mỹ, loại thuốc duy nhất điều trị hiệu quả với người bệnh nhiễm chủng mới Omicron – sắp hết vào tháng 8 tới.
Thế nhưng, nguồn kinh phí liên bang dành cho ứng phó với đại dịch của quốc gia giàu có nhất thế giới cũng sắp cạn kiệt.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang kêu gọi Quốc hội sớm thông qua việc chi thêm ngân sách cho các chương trình ứng phó với COVID-19 bởi thuốc kháng thể Bebtelovimab của hãng Lilly & Co, vốn được ví như vũ khí hiệu quả giúp người mắc COVID-19, nhất là chủng mới Omicron, không trở bệnh nặng phải nhập viện hoặc đe dọa mạng sống.
Nếu chính quyền liên bang không có kinh phí để tiếp tục mua dự trữ thuốc kháng thể này, hãng Lilly & Co sẽ phải tìm kiếm đối tác để bán và rất có thể đây sẽ là phép thử để các loại thuốc liên quan COVID-19 được bán tự do trên thị trường thương mại.
Tới thời điểm hiện nay, chính quyền liên bang Mỹ vẫn là khách hàng duy nhất được mua và phân phối các loại thuốc liên quan COVID-19 nhằm đảm bảo người dân Mỹ được tiếp cận với các loại thuốc và chế phẩm COVID-19 một cách công bằng và không phải trả tiền. Thế nhưng nỗ lực này của chính quyền của ông Biden hiện đang bị cản trở bởi phe Cộng hòa trong Quốc hội cho rằng đã đến lúc chính quyền liên bang nên tiến tới bỏ trách nhiệm đứng ra mua các loại thuốc liên quan tới đại dịch.
Theo số liệu của Bộ Y tế Mỹ, hiện mỗi tuần chính quyền liên bang cung cấp khoảng 30.000 liều thuốc kháng thể Bebtelovimab cho các nơi cần. Nếu Bebtelovimab trở thành sản phẩm thương mại được mua bán bình thường trên thị trường thì sẽ tạo ra không ít khó khăn cho người bệnh được tiếp cập bởi khi đó, các hãng bảo hiểm có quyền quyết định có chi trả chi phí loại thuốc này không, và mức chi trả bao nhiêu. Như vậy, nếu thuốc đắt đỏ thì không phải người dân nào cũng có thể mua được.
Chính phủ Mỹ đang đề xuất Quốc hội thông qua gói mới khoảng 22,5 tỷ USD cho ngân sách ứng phó COVID-19, thấp hơn con số 30 tỷ USD đề xuất ban đầu, trong đó có 10 tỷ USD cần có ngay để mua vaccine cho đợt tiêm chủng nhắc lại vào mùa Thu tới cũng như dự trữ thuốc kháng thể Bebtelovimab.
Hiện chưa thể biết Quốc hội Mỹ có chấp thuận thông qua gói ngân sách nêu trên hay không nhưng nếu chính phủ Mỹ “buông” việc kiểm soát loại thuốc quý này thì các nước giàu khác có thể mua được từ công ty trong khi nhiều người Mỹ nghèo sẽ không có để dùng khi nhiễm các chủng mới của COVID-19.
Chỉ dấu quan trọng giúp phát hiện người mắc COVID-19 kéo dài
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố, một số bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong máu và các triệu chứng kéo dài là do hệ miễn dịch vẫn đang chiến đấu với virus ẩn náu đâu đó trong cơ thể.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Để có được kết luận trên, các chuyên gia đã phân tích nhiều mẫu huyết thanh thu thập theo các giai đoạn từ 63 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 37 người ghi nhận triệu chứng COVID kéo dài. Trong nhóm những người mắc COVID-19 kéo dài, đa số mẫu máu phân tích vẫn phát hiện gai protein trên bề mặt virus thậm chí sau 12 tháng phát bệnh. Trong khi đó, ở nhóm bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng COVID kéo dài thì những gai protein này không còn xuất hiện trong huyết thanh. Việc các gai protein của virus vẫn được phát hiện trong máu bệnh nhân cho thấy có khả năng một ổ virus còn hoạt động vẫn tồn tại dai dẳng trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, vị trí chính xác của ổ virus này không được nghiên cứu đề cập.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí medRix và chưa qua đánh giá chéo. Trước đó, các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện virus còn hoạt động trong đường ruột của trẻ em nhiều tuần sau khi được phát hiện mắc COVID-19. Một số nhà nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra những vật chất di truyền của virus tại nhiều địa điểm giải phẫu học trong cơ thể người bệnh 7 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh. Các tác giả nghiên cứu tin rằng nếu các kết quả trên được xác nhận trong những nghiên cứu quy mô lớn hơn thì việc gai protein xuất hiện trong máu bệnh nhân một thời gian dài sau khi mắc bệnh có thể được coi là cơ sở để chẩn đoán người mắc COVID- 19 kéo dài.
COVID-19 thế giới tuần qua: Hơn 2/3 dân số có kháng thể; Bình Nhưỡng, Thượng Hải dỡ phong toả Hơn 2/3 dân số toàn cầu có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể; thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc được dỡ bỏ phong toả là những điểm nhấn chính trong diễn biến dịch COVID-19 tuần qua. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Darul Imarah, gần...