Mỹ “rút chân” khỏi các điểm nóng: “Món quà” dành cho Tổng thống Putin?
Một loạt quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump gần đây cùng với sự ra đi của ông chủ Lầu Năm Góc được cho là tín hiệu tốt đối với chiến lược toàn cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7. (Ảnh: EPA)
Cây bút Neil MacFarquhar của New York Times đã cảm nhận thấy niềm hân hoan len lỏi trong các bản tin và bài bình luận của truyền thông Nga hôm 21/12 khi đề cập tới tình hình xáo trộn về an ninh quốc gia tại Mỹ.
Đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ cho chính các trợ lý của ông và cộng đồng quốc tế khi quyết định rút khoảng 2.000 lính Mỹ khỏi Syria. Điều này giúp Điện Kremlin một lần nữa xác nhận tính đúng đắn trong chiến thuật của Tổng thống Vladimir Putin rằng, việc Nga can thiệp quân sự vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria sẽ giúp vực dậy tầm ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Trung Đông.
Sau quyết định gây chấn động về Syria, ông Trump được cho là tiếp tục rút một nửa lực lượng quân sự Mỹ khỏi Afghanistan. Hai quyết định rút quân liên tiếp của ông chủ Nhà Trắng đã dẫn tới tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis – vị tướng giàu kinh nghiệm dẫn dắt Lầu Năm Góc.
Theo Vladimir Frolov, nhà bình luận kiêm chuyên gia phân tích đối ngoại Nga, ông Trump là “món quà của Chúa” dành cho Nga.
“Ông Trump mặc định thực thi chương trình nghị sự tiêu cực của Nga, làm suy yếu trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, gây tổn hại cho liên minh của Mỹ cũng như sự tín nhiệm của Mỹ với tư cách là một đối tác và một đồng minh. Tất cả những điều này đều do ông ấy thực hiện. Nga chỉ việc thư giãn, dõi theo và cổ vũ cho ông Trump”, chuyên gia Frolov nhận định.
Trong một bình luận trên Facebook, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nhận định những bất đồng ở Washington hiện nay là “một tín hiệu thú vị, thậm chí là tín hiệu tích cực”.
Ngoài tuyên bố rút quân của tổng thống Mỹ, Nga cũng đón nhận một thông tin tích cực khác trên mặt trận kinh tế khi Washington công bố kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Rusal – công ty Nga chiếm thị phần lớn trong thị trường nhôm thế giới. Công ty này do Oleg Derpaska, người từng là đối tác làm ăn với cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump Paul Manafort, lãnh đạo.
Một số ý kiến cho rằng Tổng thống Trump có thể đang bị Nga “hăm dọa” khi đưa ra một loạt quyết định nhượng bộ đối với Moscow. Tuy nhiên, giới phân tích và truyền thông nhận định động cơ thúc đẩy Tổng thống Trump có lẽ xuất phát từ việc thực hiện các cam kết của ông từ khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng.
“Tôi không cho rằng ông ấy đang bị hăm dọa. Làm suy yếu NATO và suy yếu châu Âu là điều mà ông Putin mong muốn, nhưng ông Trump đang thực hiện điều đó vì những lý do khác”, Nina L. Khrushcheva, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường New School ở New York, nhận định.
Mặc dù không tin Tổng thống Trump chịu sức ép từ Nga, song giới phân tích vẫn hoài nghi về việc tại sao các quyết định của ông chủ Nhà Trắng gần như trùng khớp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga như vậy.
“Một lần nữa, chúng ta chứng kiến một vị tổng thống hành xử thất thường và bốc đồng, ngoại trừ trong các vấn đề liên quan tới Nga. Ở đây, ông Trump đã kiên định một cách kỳ lạ trong việc sẵn sàng thực thi các chính sách tạo điều kiện cho chiến lược của Nga trong khi làm suy yếu chiến lược của chúng ta”, Leslie Vinjamuri, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học SOAS London, nhận định.
“Món quà” dành cho Nga?
Video đang HOT
Các thành viên lực lượng quân sự Nga và Syria đứng gác tại tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP)
Tuy vậy, không phải mọi quyết định của Tổng thống Trump đều là điềm lành cho Nga. Theo Valery D. Solovei, giáo sư về khoa học chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow, tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Trump là một “món quà” đối với Nga, nhưng quyết định rút quân khỏi Afghanistan lại là vấn đề phức tạp hơn.
“Một mặt, người Nga hân hoan về việc Mỹ rút quân, nhưng Điện Kremlin vẫn luôn lo ngại rằng sự bất ổn tại Afghanistan có thể làm gia tăng dòng chảy của ma túy và các phần tử cực đoan tới Nga”, ông Solovei nói.
Tại Syria, sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ được xem là lý do khiến Tổng thống Putin cho rằng Nga không thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột như ông mong muốn. Do vậy, sau khi Mỹ rút quân, nhà lãnh đạo Nga buộc phải đẩy nhanh cam kết của mình.
Ngoài ra, việc chiến đấu với tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria bây giờ sẽ thuộc về tay Nga sau khi Mỹ không còn hiện diện ở đây nữa. Khi đó, bất kỳ sự bùng phát bạo lực nào tại Syria cũng sẽ là đòn giáng vào tuyên bố của Nga trước đây rằng, Syria đã đủ ổn định để bắt đầu một tiến trình chính trị và tái thiết sau chiến tranh.
Chính quyền Nga vẫn luôn do dự rằng những gì Tổng thống Trump nói và những gì ông làm không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau, thậm chí nhà lãnh đạo Mỹ có thể thay đổi chỉ bằng một dòng thông báo trên Twitter. Do vậy, các quan chức Nga vẫn phản ứng thận trọng với tuyên bố rút quân, bắt đầu từ Syria, của ông Trump.
“Chúng tôi cần biết người Mỹ sẽ rời đi như thế nào, bao giờ, ở đâu và theo cách nào. Hiện tại những điều này đều chưa rõ ràng”, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry S. Peskov, nói với các phóng viên hôm 21/12.
Trong cuộc họp báo ngày 20/12, Tổng thống Putin một lần nữa ca ngợi người đồng cấp Mỹ. Ông chủ Điện Kremlin cũng nói rằng sự thay đổi của chính trường Mỹ, trong đó phe Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện, sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực của ông Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Chính quyền Trump hiện vẫn duy trì những quan điểm mà Nga không hài lòng, bao gồm việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga hay trong vấn đề Ukraine. Mỹ không đồng tình với việc Nga gia tăng kiểm soát đối với Ukraine, trong khi Moscow cáo buộc Washington là nguồn cơn dẫn tới căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Sự thiếu nhất quán của Tổng thống Trump cũng là mối lo ngại với Nga. Hiện tại quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ có thể nghiêng về phía Tổng thống Putin, nhưng một ngày nào đó, ông Trump có thể xoay chiều.
“Một thế giới quá bất ổn là điều ông Putin không thực sự mong muốn. Nếu có quá nhiều sự hỗn loạn, Nga buộc phải hành xử theo nhiều hướng”, giáo sư Khrushcheva nhận định, đồng thời chỉ ra rằng Nga chưa có đủ nguồn lực tài chính cũng như các nguồn lực khác mạnh như Mỹ để có thể giải quyết mọi vấn đề toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, Nga sẵn sàng đương đầu với một số bất ổn. Việc Tổng thống Trump hạn chế vai trò của Mỹ trên trường quốc tế và tập trung vào các vấn đề nội bộ đã “nhường sân” cho các nước như Nga hay Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Thành Đạt
Theo Dantri/New York Times
5 "công cụ" giúp Nga đáp trả các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ
Chính quyền Nga có thể sử dụng một số "công cụ" đặc biệt để đối phó với Mỹ sau khi Washington tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung với Moscow vào cuối tháng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Phần Lan hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga vào cuối tháng này do cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh hồi tháng 3. Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra bất chấp Moscow từng nhiều lần lên tiếng bác bỏ có liên quan tới vụ việc này.
Mỹ cho biết sẽ nhắm mục tiêu tới việc cấm xuất khẩu các mặt hàng được cho là nhạy cảm về an ninh tới Nga, dừng các chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga tới Mỹ, thậm chí có thể cấm toàn bộ hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào Nga. Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga được cho là gia tăng theo cấp độ và nếu Nga không chứng minh cho Mỹ thấy rằng nước này đã dừng sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc của Washington, các lệnh cấm vận sẽ mạnh tay hơn.
Với kế hoạch trên, Mỹ đã cấm vận gần như tất cả các mặt hàng mà nước này có thể cấm vận với Nga. Trong khi đó, Moscow vẫn đang kiềm chế và chưa công bố các biện pháp đáp trả Mỹ. Các nghị sĩ Nga cảnh báo Moscow có thể nhắm tới các lĩnh vực nhạy cảm trong quan hệ hợp tác giữa hai nước nếu muốn áp đặt các biện pháp trả đũa Washington.
Theo RT, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin vẫn có một số "công cụ" để đối phó với Washington.
Titanium
Trong trường hợp muốn đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, chính quyền Nga có thể áp đặt lệnh cấm toàn bộ hoặc hạn chế một phần việc xuất khẩu titanium sang Mỹ. Công ty VSMPO-Avisma độc quyền về titanium của Nga sản xuất 1/3 trữ lượng titanium cho ngành công nghiệp máy bay thế giới. Công ty này cung ứng 70% sản phẩm cho thị trường toàn cầu. Avisma cung cấp 40% titanium cho Boeing, 60% cho Airbus và 100% cho hãng chế tạo máy bay Embraer của Brazil.
Việc thay thế titanium của Nga là điều gần như không thể với hãng Boeing. Ngành công nghiệp sử dụng titanium bắt đầu đồng thời cả ở Mỹ và Liên Xô từ thập niên 1950. Tuy nhiên, chỉ Nga mới sản xuất thành công hợp kim titanium chất lượng cao.
Việc sử dụng nguyên liệu khác thay thế titanium cũng không phải là lựa chọn lý tưởng đối với Boeing. Titanium có những lợi thế nhất định so với các hợp kim khác. Việc chế tạo máy bay cần sử dụng những nguyên liệu có thể chịu được áp lực mạnh khi máy bay hoạt động ở độ cao lớn so với mặt đất cũng như khả năng va đập liên tục.
Trước đây máy bay thường được làm từ thép, tuy nhiên các hãng máy bay hiện nay thường ưu tiên sử dụng các nguyên liệu nhẹ hơn và bền hơn để kéo dài tuổi thọ của máy bay và giúp máy bay hoạt động hiệu quả. Titanium cứng như thép nhưng nhẹ hơn 45%. So với thép và nhôm, giá thành của titanium cao hơn. Ngoài ra, titanium cũng có thể chịu được việc tiếp xúc với nước mặn trong thời gian dài ở những vùng khí hậu biển.
Không phận
Máy bay Boeing 737 MAX (Ảnh: Chicago Tribune)
Với vị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Nga có thể áp đặt thuế suất cao hơn đối với các máy bay chở khách và chở hàng của Mỹ muốn đi qua không phận Nga. Thậm chí, Nga có thể cấm toàn bộ các chuyến bay của Mỹ trên không phận Nga.
Trong tình huống bị cấm vận, các máy bay của Mỹ phải chấp nhận trả mức thuế cao hơn cho Nga, nếu không sẽ phải tìm đường bay khác. Việc không thể di chuyển qua Nga, vốn là chặng đường ngắn hơn để đi từ châu Âu sang châu Á, đồng nghĩa với việc các hãng hàng không Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các hãng hàng không châu Âu và châu Á.
Trong trường hợp bị cấm đi vào không phận Nga, các máy bay của Mỹ sẽ phải bay lòng vòng xung quanh quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu sẽ tăng lên đáng kể. Khi đó, các hãng hàng không của Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề và đây sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp hàng không Mỹ.
Năng lượng
Việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga vào Mỹ có thể bị cấm. Giá trị xuất khẩu dầu và các sản phẩm hóa dầu từ Nga vào Mỹ chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD và chỉ chiếm 4,6% kim ngạch xuất khẩu dầu nói chung của Nga. Theo đó, nếu Nga không xuất khẩu dầu vào Mỹ nữa, lệnh cấm này cũng gần như không hề hấn gì với các nhà sản xuất năng lượng của Nga vì họ có thể chuyển hướng sang thị trường châu Á.
Tuy nhiên, viễn cảnh trên hoàn toàn bất lợi cho Mỹ - quốc gia đang nỗ lực trở thành người chơi chính trên thị trường xuất khẩu dầu thế giới. Khi không thể tự sản xuất đủ dầu để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Mỹ được cho là đã mua LNG của Nga sau đó bán lại cho các nước châu Âu. Nếu Nga dừng xuất khẩu dầu sang Mỹ, tham vọng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ bị chấm dứt.
Các công ty Mỹ làm ăn tại Nga
Mặc dù quan hệ hai nước có xu hướng căng thẳng, song nhiều tập đoàn của Mỹ vẫn đang làm ăn tại Nga mà không vấp phải sự can thiệp từ chính quyền Nga. Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga có thể khiến hàng loạt tập đoàn của Mỹ như PepsiCo, McDonald's, Boeing, General Motors, Johnson & Johnson... gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.
Hồi tháng 8/2014, cơ quan giám sát tiêu dùng Nga đã đóng cửa 4 nhà hàng McDonald's ở trung tâm Moscow vì vi phạm hành chính, đồng thời mở cuộc điều tra đối với hơn 430 cửa hàng nhượng quyền của McDonald's tại Nga.
Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp Nga hoạt động tại Mỹ. Do vậy, Mỹ có thể gặp khó khăn nếu muốn đáp trả Nga. Điều duy nhất Điện Kremlin cần cân nhắc khi muốn trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ tại Nga là vấn đề nhân sự do các công ty của Mỹ tuyển nhiều lao động người Nga vào làm việc.
Tên lửa Nga
Việc cung cấp các động cơ tên lửa RD-180 được xem là một trong những "át chủ bài" mà Nga có thể sử dụng để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các động cơ này đóng vai trò quan trọng trong chương trình không gian của Mỹ vì cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc đều sử dụng chúng để phóng các vệ tinh. Nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt việc mua động cơ RD-180 từ Nga đã gặp thất bại vì Washington chưa thể tự chế tạo được động cơ thay thế.
Ngoài RD-180, Mỹ còn mua các động cơ RD-181 của Nga. Hồi đầu tuần, một nghị sĩ cấp cao của Nga từng kêu gọi Moscow cấm bán các động cơ RD-180 cho Mỹ như một cách để trả đũa Washington.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Nhiều cam kết chung, ít giải pháp cụ thể Thượng đỉnh Nga-Mỹ dường như chỉ là động thái phá băng trong quan hệ hai nước với nhiều cam kết chung chung và thiếu biện pháp cụ thể. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga được đánh giá là đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống...