Mỹ, Philippines, Trung Quốc ‘đấu khẩu’ về Biển Đông
Philippines sẽ ủng hộ Mỹ sử dụng hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để kêu gọi ngưng xây đảo nhân tạo và các hành động gây hấn ở Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc ngang ngược tuyên bố các đề nghị ngưng xây đảo trên Biển Đông là “không hợp lý”.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt đầu từ hôm nay 4.8 tại Kuala Lumpur – Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario cho biết Manila sẽ thúc giục và ủng hộ Mỹ sử dụng diễn đàn ASEAN để lên tiếng kêu gọi các nước ngưng các hành động làm căng thẳng ở Biển Đông. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 48 bắt đầu từ hôm nay 4.8 tại Kuala Lumpur (Malaysia) và kéo dài suốt tuần.
“Như một giải pháp làm giảm căng thẳng ở khu vực, Philippines ủng hộ hoàn toàn và chủ động khuyến khích lời kêu gọi của Mỹ với &’3 ngưng’ – ngưng cải tạo đất, ngưng xây dựng và ngưng gây sự”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Del Rosario.
“Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng không thể có chuyện hợp thức hóa việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc”, ông nói tiếp khi ám chỉ đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông từ năm 2014 đến nay.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vào thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Malaysia. “Đây là một diễn đàn trong đó các vấn đề an ninh quan trọng cần phải được đưa ra và thảo luận”, ông Toner nói với các phóng viên.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói thêm rằng Washington sẽ xem các động thái làm “tăng đáng kể kích thước vật lý hoặc chức năng của khu vực tranh chấp, hoặc để quân sự hóa các khu vực này” là những hành vi “gây khiêu khích”.
Trong khi đó, trước khi tham dự các cuộc họp về an ninh châu Á (ARF) với ASEAN và các nước đối tác của khối này, trong đó có Mỹ, dự kiến bắt đầu vào ngày 6.8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN để bàn thảo”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN để bàn thảo” – Ảnh: AFP
“Trung Quốc không bao giờ tin diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để bàn luận về những tranh chấp song phương”, ông Vương Nghị phát biểu với báo chí trước khi bay sang Malaysia, theo AFP.
Ngoại trưởng Trung Quốc còn răn đe rằng những nỗ lực nhằm đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN sẽ “không có tác dụng” và “chỉ gia tăng căng thẳng”. Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục việc xây dựng đảo bất chấp sự can thiệp, phản đối của nước khác, kể cả Mỹ.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington, Mỹ) nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị xây thêm một đường băng thứ hai trên Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh tiến hành bồi đắp phi pháp. Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng đường băng đầu tiên dài 3.000 m ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Đề nghị đóng băng (việc xây dựng) nghe có vẻ công bằng nhưng sẽ phi thực tế và không có tác dụng thực tiễn”, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố đầy thách thức.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Đường dây nóng là biện pháp giảm thiểu xung đột trên biển
Sau một loạt cuộc họp trù bị, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia - Ảnh: Reuters
Sau đó sẽ tiếp tục diễn ra các hội nghị quan trọng khác giữa các ngoại trưởng ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Tổng cộng có 27 nước tham gia đợt hội nghị lần này gồm 10 thành viên ASEAN cùng Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và một số đối tác khác.
Phát biểu với các phóng viên tại Kuala Lumpur vào hôm qua 3.8, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, là một trong những quan tâm lớn của ASEAN và các đối tác. Theo Thứ trưởng, Việt Nam và các nước ASEAN hoan nghênh những biện pháp tạm thời giúp giảm thiểu khả năng hiểu lầm và xảy ra xung đột trên biển. Một trong những biện pháp đó là xây dựng đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Thực ra, trên cơ sở song phương cũng đã có những đường dây nóng, ngay cả giữa ta và Trung Quốc, để hợp tác xử lý những sự cố có thể xảy ra, trong đó có sự cố trên biển. Việc vận hành về mặt kỹ thuật, sự phối hợp, quy định hoạt động ra sao... Đó là điều còn phải trao đổi trong thời gian tới giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng đằng sau việc xây dựng đường dây nóng là ý chí chính trị làm sao sớm có những thỏa thuận để tăng cường hòa bình, hợp tác và giải quyết tranh chấp", ông nói.
Đợt hội nghị cũng sẽ thảo luận về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cũng tại hội nghị, tình trạng buôn người và di cư trái phép tại Đông Nam Á cũng sẽ được ưu tiên thảo luận. Ngoại trưởng Malaysia, Chủ tịch ASEAN năm 2015, Anifah Aman cho biết nước này rất quan tâm đến vấn đề trên khi có hơn 1.150 người Bangladesh và sắc tộc Rohingya nhập cư trái phép vào đảo Langkawi của Malaysia chỉ trong tháng 5.
Theo nguồn tin chính thức, sau đợt hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm chính thức đến Malaysia trong hai ngày 7 và 8.8.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
Giải pháp cho Biển Đông: Con đường gian nan Tranh chấp Biển Đông tiếp tục sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48. Tuy nhiên, con đường đi tìm tiếng nói chung về vấn đề này xem ra còn khá gian nan... Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 đang diễn ra tại Malaysia - Ảnh: Lam Yên...