Mỹ: Nước sinh hoạt ở Newark nhiễm chì
Thành phố Newark, thuộc bang New Jersey, Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng nước sạch sau khi giới chức môi trường phát hiện nồng độ chì cao quá mức cho phép trong nước máy của khu vực.
Cung cấp nước đóng chai miễn phi cho người dân ở Newark. Ảnh: AFP
Hàng nghìn người tại thành phố Newark, với đa số là người da màu và gốc Mỹ Latinh, đã được khuyến cáo chỉ nên uống nước đóng chai sau khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra các máy lọc không tách được chì.
Thành phố Newark có khoảng 280.000 dân và cách New York chỉ vài km. Nhà chức trách hiện đã cung cấp nước đóng chai miễn phí cho khoảng 15.000 hộ dân bị ảnh hưởng tại Newark.
Chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc giải quyết khủng hoảng và kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ.
Người đứng đầu về môi trường tại bang New Jersey Catherine McCabe ngày 15/8 đã tới thủ đô Washington để gặp quan chức phụ trách EPA nhằm thảo luận về tình hình.
Thời gian qua, Newark đã phân phối cho người dân gần 40.000 bộ lọc nước. Trong số 3 hộ gia đình được tiến hành xét nghiệm, có 2 hộ phát hiện lượng chì trong nước cao hơn ngưỡng cho phép của EPA.
Video đang HOT
Giới chức y tế đã cung cấp các xét nghiệm miễn phí cho những người dân cảm thấy lo ngại nước nhiễm bẩn.
Tình hình hiện nay bị cho là tương tự như cuộc khủng hoảng nguồn nước tại các thành phố từng phát triển công nghiệp như Flint, Michigan.
Nước uống tại Flint đã bị ô nhiễm cách đây 3 năm khi nhà chức trách chuyển sang nguồn nước chưa được xử lý kỹ để tiết kiệm chi phí.
Tình trạng này đã khiến hàng nghìn trẻ em bị nhiễm độc và làm 12 người tử vong do nhiễm khuẩn./.
Theo Đặng Ánh/TTXVN
1/4 dân số thế giới có nguy cơ thiếu nước sạch
Gần 1/4 dân số toàn thế giới sống ở 17 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cực đoan, rất gần với tình trạng gọi là "Ngày số 0" khi mà nguồn nước cạn kiệt hoàn toàn - theo một báo cáo khoa học công bố hôm 6/8.
Khủng hoảng nước sạch mới xảy ra tại Chennai, Ấn Độ đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. (Nguồn: AP).
Khủng hoảng nước sạch
Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) vừa đưa ra Bản đồ Rủi ro nguồn nước Aqueduct (Aqueduct Water Risk Atlas) và xếp hạng mức độ căng thẳng về nguồn nước, rủi ro về hạn hán và lũ lụt ven sông ở 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 17 quốc gia - chiếm 1/4 dân số thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao.
Qatar, Isral, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Arab Saudi, Eritrea, UAE, San Marino, Bahrain, Pakistan, Ấn Độ, Turmenistan, Oman và Botswana là 17 nước nằm trong danh sách các nước đối diện với tình trạng căng thẳng về nguồn nước.
Có thể thấy rõ, các quốc gia này tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Tại đây, theo đánh giá của WRI, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và khu vực đô thị đang tiêu tốn trung bình tới 80% lượng nước trên bề mặt và nước ngầm mỗi năm.
Tiến sỹ Andrew Steer - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của WRI - cho hay, căng thẳng về nguồn nước thực sự là cuộc khủng hoảng lớn với hậu quả có thể nhìn thấy rõ ràng, như mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, sự bất ổn về tài chính. Nhiều giải pháp mới đang được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề này, nhưng hiệu quả chưa thể nhìn thấy ngay và nếu không có những tính toán rủi ro ngay từ ban đầu, các giải pháp này sẽ gây hao tốn tiền của.
"Căng thẳng nguồn nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai muốn đề cập tới, dù cho hậu quả của nó rất dễ nhận thấy" - ông Andrew Steer nhận định.
Vấn đề toàn cầu
Báo cáo của WRI cũng đưa ra danh sách 27 quốc gia khác đang có "mức độ căng thẳng cao" về nguồn nước. Trung Đông và Bắc Phi là nơi có tới 12 quốc gia nằm trong danh sách này.
Bản đồ rủi ro nguồn nước mới cập nhật sử dụng dữ liệu nguồn mở và đã được thẩm định, cho phép người sử dụng hiểu rõ hơn về các rủi ro nguồn nước như lũ lụt, hạn hán và những tình trạng căng thẳng về nguồn nước. Hiện nay, Aqueduct đã có 13 chỉ số về rủi ro nước, bao gồm các bổ sung mới như thực trạng nguồn nước ngầm, sự cạn kiệt nguồn nước, những ảnh chụp nhanh hàng tháng về tình trạng căng thẳng và biến động của nguồn nước.
Trên cơ sở các dữ liệu này, Aqueduct hỗ trợ Chính phủ các nước, các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể xác định và đánh giá những sự rủi ro về nguồn nước trên toàn thế giới, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.
Ví dụ, Ấn Độ xếp thứ 13 trong 17 quốc gia có tình trạng thiếu nước ở mức độ cao của Aqueduct, nhưng có dân số gấp hơn 3 lần tổng dân số của 16 quốc gia còn lại. Miền Bắc Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm nghiêm trọng và lần đầu tiên khu vực này được mô phỏng trên bản đồ Aqueduct và đưa vào các tính toán về căng thẳng nguồn nước.
Theo ông Shashi Shekhar - cựu Thư ký Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ, chuyên gia cao cấp tại WRI Ấn Độ - nước này có thể quản lý rủi ro về nước với sự trợ giúp của những dữ liệu đáng tin cậy và mạnh mẽ liên quan đến lượng mưa, bề mặt và nước ngầm để phát triển các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi. Aqueduct có thể giúp xác định và dành sự ưu tiên cho các rủi ro về nước ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
"Cuộc khủng hoảng nước sạch xảy ra mới đây tại Chennai, Ấn Độ đã khiến toàn thế giới chú ý, nhưng còn vô số khu vực ở nước này cũng đang trải qua tình trạng căng thẳng về nguồn nước" - ông Shashi Shekhar cho hay.
Dữ liệu từ Bản đồ Rủi ro Nguồn nước Aqueduct cũng cho phép các doanh nghiệp đánh giá những rủi ro về nước trong chuỗi giá trị để xác định các lĩnh vực ưu tiên cho những hành động mang tính hợp tác. Dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên và trong thời gian tới, Viện Tài nguyên Thế giới kỳ vọng công cụ này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trên khắp thế giới, góp phần cải thiện việc quản lý nguồn nước một cách bền vững.
Linh Chi
Theo daidoanket
Xếp hàng 25 năm mới thuê được một ngôi nhà nhưng vẫn ùn ùn người muốn thuê Giá thuê nhà tại thị trấn Winfield (bang New Jersey, Mỹ) luôn duy trì ở mức rất rẻ so với mặt bằng chung tại Mỹ, khu dân cư ít người sinh sống, không gian yên tĩnh khiến khách muốn thuê nhà phải chờ 25 năm mới tới lượt. Kiên nhẫn là điều cần phải có nhất là khi một người muốn thuê nhà...