Mỹ nghi Triều Tiên vẫn phát triển hạt nhân
Triều Tiên tuyên bố sẽ phá hủy và dừng hoạt động những cơ sở tên lửa chính nhưng vẫn âm thầm phát triển các cơ sở bí mật.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 12-11 dẫn một trong hai báo cáo của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực nằm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 135 km về phía Tây Bắc cho thấy lối vào bảy cơ sở tên lửa và bệ phóng tên lửa bị che giấu bằng những tấm bạt ngụy trang. Báo cáo của CSIS nói họ đã xác định được ít nhất 13 trong tổng số khoảng 20 cơ sở vận hành tên lửa không được công bố tại Triều Tiên.
Che giấu cơ sở có thể phóng tên lửa tới Mỹ
Các địa điểm được xác định trong báo cáo của CSIS nằm ở những vùng núi hẻo lánh trên khắp đất nước Triều Tiên. Những nơi này có thể được sử dụng để chứa các loại tên lửa đạn đạo có nhiều tầm bắn khác nhau, trong đó tên lửa có tầm bắn xa nhất có thể vươn đến lục địa Mỹ.
Hình ảnh vệ tinh về căn cứ tên lửa Sakkanmol “tiếp tục cho thấy những thay đổi nhỏ ở các cơ sở hạ tầng phù hợp với những gì thường được nhìn thấy ở các căn cứ quân sự của Triều Tiên”. Báo cáo cho hay: “Tính đến tháng 11-2018, cơ sở đang hoạt động và được duy trì tốt theo các tiêu chuẩn của Triều Tiên”.
“Sau khi nghiên cứu sâu rộng, bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu và chính phủ Triều Tiên, các quan chức quốc phòng và tình báo trên khắp thế giới, nhiều vấn đề đã được giải quyết và dường như quân đội Triều Tiên có khoảng 15-20 cơ sở tên lửa đang hoạt động” – báo cáo thứ hai của CSIS nêu.
Beyond Parallel phân loại những căn cứ tên lửa Triều Tiên đang hoạt động thành các khu vực. Đầu tiên là những căn cứ nằm cách khu phi quân sự (DMZ) khoảng 50-90 km, đủ gần để đưa 2/3 lãnh thổ phía Bắc Hàn Quốc vào tầm ngắm tên lửa nhưng cũng đủ xa để khiến các cơ sở này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh tầm xa của Hàn Quốc và Mỹ.
Tài trợ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Video đang HOT
Khu vực thứ hai gồm những căn cứ nằm cách DMZ khoảng 150 km và có thể sẽ được trang bị các tên lửa Hwasong, có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
“Từ lâu chúng tôi đã biết Triều Tiên đang bắt đầu triển khai và thậm chí thử nghiệm tên lửa ở cấp đơn vị. Và tất nhiên không ai thực sự tin rằng Triều Tiên đã mất khả năng căn bản về tên lửa. Đó là điều không tưởng. Điều duy nhất chúng tôi có vào lúc này là Triều Tiên đóng băng thử nghiệm, song tất nhiên điều đó có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng” – Stephan Haggard, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên-Thái Bình Dương tại ĐH California ở San Diego (Mỹ), nhận định.
Còn ông Victor Cha, người đứng đầu chương trình Beyond Parallel, quan ngại rằng ông Trump có thể sẽ chấp nhận một thỏa thuận có thể gây bất lợi cho Mỹ khi Triều Tiên chỉ phá hủy một vài cơ sở và Washington sẽ đáp trả bằng hiệp ước hòa bình.
Triều Tiên đang “đánh lạc hướng” Mỹ?
Theo New York Times, những hình ảnh trên cho thấy Triều Tiên có vẻ như đang “đánh lạc hướng” Mỹ khi tuyên bố sẽ phá hủy và dừng hoạt động những cơ sở tên lửa chính nhưng vẫn âm thầm phát triển các cơ sở bí mật nhằm tạo ra tên lửa đầu đạn thường và tên lửa hạt nhân, báo cáo nhận định.
Những phát hiện mới nhất này không có khả năng khiến chính quyền Tổng thống Trump thay đổi chính sách đối với Triều Tiên nhưng đặt ra một số câu hỏi quan trọng.
PAUL STARES, Giám đốc Trung tâm về hoạt động phòng ngừa tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại trụ sở New York
Các chuyên gia cho rằng nghi vấn những cơ sở tên lửa ngầm của Triều Tiên trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng chính sách đối ngoại của ông đang đi đến mục tiêu Triều Tiên loại bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân.
“Chúng tôi không việc gì phải vội vã. Lệnh trừng phạt vẫn còn đó. Các tên lửa đã bị dừng phát triển. Những người bị (Triều Tiên) bắt giữ đã về nhà” – ông Trump nói hôm 7-11, một ngày sau khi đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện.
Tuyên bố của ông Trump có một phần chính xác do Triều Tiên trong một năm qua đã ngừng các vụ phóng thử tên lửa. Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ nói rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục sản xuất nguyên liệu để chế tạo vũ khí và tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Bình Nhưỡng được cho là vẫn đang phát triển các tên lửa có bệ phóng di động và được giấu kín trong các cơ sở bí mật trong núi.
Mặt khác, giới quan sát cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế có khả năng sẽ bị suy yếu, do Triều Tiên đã có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Washington và tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa để đổi lại sự hợp tác về kinh tế và thương mại với Nga, Trung Quốc. Hơn nữa, theo New York Times, chương trình của Mỹ nhằm sử dụng vệ tinh thế hệ mới, kích thước nhỏ nhằm truy dò các hệ thống tên lửa di động đã bị dừng lại.
Ban đầu Lầu Năm Góc dường như muốn sử dụng các vệ tinh thế hệ mới, kích thước nhỏ để phát đi những cảnh báo sớm khi Triều Tiên triển khai hệ thống tên lửa di động. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân, chương trình vẫn giậm chân tại chỗ dù được khởi động từ thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, theo New York Times.
Nếu căng thẳng leo thang, tên lửa có thể được chuyển ra bãi phóng nhanh chóng và sẵn sàng khai hỏa trong một giờ đồng hồ. Chính vì vậy, Mỹ cần phải có các vệ tinh kích thước nhỏ để có thể cảnh báo sớm, báo cáo cho biết. Các vệ tinh này có một loại cảm biến đặc biệt có thể xuyên qua mây, cung cấp dữ liệu chính xác. Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng hệ thống vệ tinh kích thước lớn Mỹ đang triển khai ở thời điểm này chưa thật sự hiệu quả và chỉ giám sát được 30% tổng số cơ sở tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
THÁI LAI
Theo PLO
Hàn - Triều dỡ 20 chốt quân sự tại "nơi nguy hiểm nhất thế giới"
Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ 20 chốt biên phòng dọc khu phi quân sự liên Triều, nơi được xem là "nguy hiểm nhất thế giới", nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới.
Một chốt biên phòng tại khu phi quân sự liên Triều. (Ảnh: AFP)
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 11/11 bắt đầu phá dỡ 20 chốt biên phòng tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi chia tách bán đảo Triều Tiên, sau khi rút các binh sĩ và trang thiết bị quân sự khỏi khu vực này.
Trước đó, theo thỏa thuận giữa các tướng quân sự của Hàn Quốc và Triều Tiên hồi cuối tháng 10, hai nước đã đồng ý di dời mỗi bên 10 chốt biên phòng và chỉ giữ lại hai chốt biên phòng phi quân sự, một ở phía nam khu phi quân sự và một ở phía bắc.
Theo Yonhap, Hàn Quốc vẫn còn khoảng 60 chốt biên phòng dọc biên giới chung với Triều Tiên, trong khi Triều Tiên còn khoảng 160 chốt. Làng đình chiến Panmunjon là nơi duy nhất dọc DMZ vẫn còn các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên cùng Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đứng đối mặt với nhau.
Hồi tháng 10, Hàn Quốc và Triều Tiên đã rút toàn bộ vũ khí và chốt gác khỏi Khu vực An ninh chung (JSA) ở làng đình chiến Panmunjom. Hai nước đồng ý mỗi bên để lại 35 binh sĩ không được vũ trang tại khu vực này.
Khu Phi quân sự liên Triều là dải đất dài 250 km, rộng 4 km, chạy ngang bán đảo Triều Tiên. Từng là một trong những khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới, DMZ được quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên trang bị dày đặc bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự. Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi DMZ liên Triều là "khu vực đáng sợ nhất trên trái đất".
Tại DMZ từng xảy ra các vụ tai nạn do mìn được trang bị dày đặc ở khu vực này. Các binh sĩ có thể đối mặt với nguy cơ thiệt mạng nếu vô tình giẫm phải mìn khi đi tuần tra tại DMZ. Ở phía Nam của DMZ là nơi quân Mỹ đồn trú. Do vậy, tình hình an ninh tại khu vực này luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Hàn Quốc và Triều Tiên đầu tháng 10 đã tiến hành dỡ bỏ một số lượng mìn nằm ở khu vực biên giới 2 nước. Theo Reuters, hiện có tổng cộng hơn 1 triệu quả mìn nằm ở DMZ và khu vực kiểm soát dân sự phía Hàn Quốc.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9 ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí về kế hoạch chung nhằm làm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới chung giữa hai nước. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Trong năm nay, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt biện pháp cho thấy thiện chí hợp tác sau thời gian dài căng thẳng trước đây. Nhờ vai trò trung gian của Tổng thống Hàn Quốc và nỗ lực của các bên, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Thành Đạt
Theo Dantri/ AFP
Hàn Quốc và Triều Tiên hoàn tất thẩm tra giải giáp vũ khí tại DMZ Các bước giải trừ vũ khí đã diễn ra thành công lần đầu tiên kể từ khi Khu vực An ninh chung được thiết lập vào năm 1953. Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu vừa hoàn tất công tác thẩm tra chung tiến trình giải giáp vũ khí tại khu vực An ninh chung...