Mỹ-NATO-Ukraine: Hôn nhân gượng ép, tránh đối đầu với Nga
NATO đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh trong tâm thế “tránh đối đầu với Nga”, đồng thời có thông tin về bằng chứng giả mạo Nga đưa quân sang Ukraine.
Hôm 5 tháng 9, NATO đã tiến hành bế mạc hội nghị thượng đỉnh của khối này ở xứ Welsh. Cũng giống như những lần hội họp lớn của NATO trước đây, kỳ hội nghị thượng đỉnh lần này ban đầu có vô số “ý kiến nóng” về các biện pháp cứng rắn với Nga, nhưng rồi sau đó nó dần dần “hạ nhiệt” và khối này đưa ra nhiều giải pháp mang tính chất vừa phải.
Một xu thế tất yếu là NATO đã quyết định là sẽ “kết thân” với Ukraine nhưng “chưa” kết nạp nước này (chứ không phải là “không” nhận Kiev vào hàng ngũ) – có thể là lâu sau đây nhưng không phải thời điểm hiện tại. NATO cũng sẽ không cung cấp vũ khí cho Kiev và cho phép các quốc gia thành viên tự cân nhắc.
Nhiều quan sát viên quốc tế nhận thấy một vấn đề có vẻ kỳ quặc là NATO đã thảo luận về an ninh châu Âu và những mối đe dọa mới có liên quan đến Nga mà không có những chuyên gia đến từ Moscow, cùng như bàn về con đường bình ổn hóa và tương lai của Afghanistan mà không có sự tham gia của các lãnh đạo nước này.
Chủ tịch OSCE, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter không đem đến niềm vui nào cho cả NATO lẫn Washington, khi vào ngày 05 tháng 9 ông tuyên bố thẳng tại hội nghị thượng đỉnh rằng thật vô lý khi về sự ổn định ở châu Âu mà thiếu Nga.
“Sự bình ổn tại Ukraine và châu Âu chỉ có thể giải quyết với sự tham gia của Nga, thiếu Moscow sẽ không thể giải quyết nổi” – ông Burkhalter nhận định.
NATO hứa hẹn cấp cho Ukraine 15 triệu USD viện trợ. Nhưng không phải là chuyển giao trực tiếp, mà chia theo các quỹ đặc biệt như hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, bảo vệ không gian mạng, cũng như quân y và phục hồi chức năng cho thương binh. Nhưng Kiev sẽ không trực tiếp nhận được bất kỳ đội quân hay vũ khí nào từ NATO.
Cuộc chiến ở Ukraine thực chất là cuộc đấu của Nga, Mỹ và NATO?
Rõ ràng là chẳng ai muốn giao chiến với Nga vì nội các chính phủ của Yatsenuk và ghế Tổng thống của Poroshenko. Phương Tây tất nhiên sẽ phải dùng đến biện pháp trừng phạt mới chống Nga, mặc dù những biện pháp hiện đã đưa ra cũng chẳng có triển vọng – chuyên viên Sven Biscop của Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Ghent (Bỉ) nêu ý kiến.
Video đang HOT
Ông Biscop nói tiếp: “Tôi không nghĩ rằng NATO sẽ đưa quân đến Ukraine với tư cách là một lực lượng quân sự đối đầu với Nga, trong vấn đề này Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hành động rất thận trọng. Chắc chắn sẽ không có đội quân nào của NATO hiện diện thường trực trên lãnh thổ Ukraine.
Mở rộng hiện diện quân sự trên biên giới với Nga là vấn đề tiềm ẩn những rủi ro rất lớn trong nhãn quan của các quốc gia thành viên liên minh, họ nhận thức được rằng rằng khu vực này bất khả xâm phạm. Mục tiêu tiên quyết của NATO là tránh can thiệp quân sự. Chúng ta (chỉ châu Âu) đã phải quen với thực tế là Crimea trở thành một phần của lãnh thổ Nga. Vì vậy, hành động này chỉ là một cách để “giữ thể diện” – ông Biscop nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko đã khiến hầu hết các thành viên NATO lúng túng khi ông ta tuyên bố tại cuộc họp báo gần đây nhất rằng có một số quốc gia không cần quyết định của NATO đã cung cấp cho Kiev “những vũ khí với độ chính xác cao”.
Về thông tin trên, các đại diện Hoa Kỳ, Anh, Ba Lan và Baltic từ chối bình luận về thông báo bất ngờ của ông Poroshenko. Nhưng có thể nhận thấy rằng, ngoài Mỹ ra chẳng có quốc gia nào có khả năng làm như vậy. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng sẽ tránh những vấn đề nhạy cảm này vì sợ Nga cũng sẽ có hành động hỗ trợ ngấm ngầm tương tự đối với phe ly khai đông Ukraine.
Trong chính sách đối phó với Nga, có thể thấy rõ NATO không muốn đối đấu với Nga
Vừa qua, NATO đã đưa ra thông cáo tổng kết và “Tuyên ngôn xuyên Đại Tây Dương” tại Newport. Trong các văn kiện nêu đồng ý thành lập “Khối quân phản ứng nhanh” gồm khoảng 4.000 binh sĩ. Để tiếp nhận số này tại Ba Lan, Romania và các nước Baltic, sẽ tạo lập những kho tàng để lưu giữ những thiết bị và cơ sở hạ tầng khác.
Các nước vùng Baltic nhiệt tình mời mọc khối đồng minh thành lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình để “đối phó với mối đe dọa từ Nga”. Tuy nhiên, trước sự phản đối quyết liệt của Berlin, Paris và Roma, NATO đã từ chối đề nghị của các nước vùng Baltic về thiết lập một “căn cứ thường trực của NATO tại Đông Âu”, để tránh chọc giận Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO chia tay với Tổng thư ký người Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen. Tháng 1 năm sau, người thay thế ông sẽ là cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg. Lãnh đạo khác nhưng cơ chế cũ, các nhà quana sát châu Âu cũng không cho rằng NATO sẽ thay đổi quan điểm và biện pháp đối phó với Nga.
Có bằng chứng về giả mạo thông tin Nga đưa quân sang Ukraine?
Ngày 6 và 7-9, các thành viên của cuộc gặp Minsk đã tiến hành thỏa thuận về qui chế và bầu cử tại Donbass. Sau đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã công bố văn bản thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề Ukraine vào ngày 8-9.
Trong tài liệu nêu rõ, ngoài việc ngừng bắn và thả tù nhân chiến tranh, các thành viên tham gia cuộc gặp đã đồng ý với nhau rằng Ukraine cần phải xác định rõ sự phân cấp quyền lực. Kiev có nghĩa vụ đảm bảo đòi hỏi đó, cấp qui chế đặc biệt cho những khu vực riêng biệt của Donbass.
Biên bản thông qua ở Minsk cũng dự trù tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn trong vùng Donetsk và Lugansk. Ngoài ra, cần thông qua đạo luật đảm bảo cho những người tham gia vào các sự kiện gần đây ở vùng đông-nam Ukraine sẽ không bị truy cứu trách nhiệm, nếu không mọi nỗ lực trong tuần qua lại sẽ có nguy cơ đổ bể.
Tuy thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết nhưng cuộc chiến giữa Nga và phương Tây vẫn đang còn tiếp diễn
Văn kiện cũng dự trù tổ chức giám sát thường trực tại vùng biên giới Ukraine-Nga. Công tác này do OSCE đảm trách, tại khu vực biên giới của Ukraine và Nga dự kiến tạo lập vùng an ninh, giám sát việc rút những nhóm vũ trang bất hợp pháp, cũng như các chiến binh và “lính đánh thuê” ra khỏi lãnh thổ của Ukraine.
Ngày 8-9, xuất hiện những thông tin cho thấy đã có sự giả mạo bằng chứng về việc Nga đưa quân sang đông nam Ukraine và có hàng trăm lính Nga tử nạn ở khu vực này. Cụ thể là một cư dân vùng Pskov đã giải ngũ và đang còn sống lại thấy tên mình trong danh sách lính Nga tử nạn ở Ukraine.
Công dân của Pskov là anh Aleksandr Kuznetsov vừa đưa ra tuyên bố là mình tự dưng rơi vào bản danh sách trực tuyến trên Internet, công bố tên họ của “những lính Nga bị giết chết ở Ukraine”. Cựu quân nhân Nga còn sống khỏe mạnh tìm thấy ảnh và dữ liệu cá nhân trên trang VKontakte của mình bây giờ laịo được đăng tải ở trang web trên.
Trên trang này thông báo anh Aleksandr Kuznetsov “đã thiệt mạng khi đột nhập qua biên giới Ukraine trong đội hình một đoàn xe tăng”. “Tôi đã giải ngũ vào tháng 11 năm 2013 sau khi phục vụ tại Cơ quan Bảo vệ Liên bang ở Gatchina, làm gì có chuyện tôi là lính thiết giáp, – Aleksandr Kuznetsov bức xúc.
Kuznetsov kể với phóng viên báo “Tin tức” của Pskov là anh được biết về bản danh sách này trên diễn đàn của thành phố Pskov. “Hôm nay, tôi ngẫu nhiên truy cập và ngớ người ra khi nhận thấy mình &’đã chết trận’. Ảnh của tôi, tên của tôi, nhưng mọi chi tiết khác hoàn toàn bậy bạ” – anh Kuznetsov bực tức nói.
Aleksandr Kuznetsov cũng nêu giả thiết là trên mạng hiện có rất nhiều thông tin về binh lính và cựu quân nhân Nga. Tôi cho là bọn họ chỉ đơn giản tìm ảnh các thanh niên Nga mặc quân phục trên những trang mạng xã hội, sau đó copy ảnh và thông tin cá nhân về dán vào trang web “những người lính đã chết trong cuộc chiến ở Ukraine”.
Có sự giả mạo bằng chứng về việc Nga đưa quân sang đông nam Ukraine?
Được biết hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9, một tổ chức nhân quyền tên là Hội đồng những người mẹ chiến binh công bố con số lên tới 15.000 bính lính Nga đã được “điều tới biên giới Nga-Ukraine trong những tuần qua và hàng trăm người đã hy sinh một cách bí ẩn”.
Trong một tài khoản mạng xã hội Nga được cho là của một người lính chiến đấu ở Ukraine, Kirill Zdrok đến từ Nizhny Novgorod, viết vào ngày 31-8 rằng anh quyết định chiến đấu vì những đồng đội đã ngã xuống. Anh bày tỏ thương tiếc đồng đội và “bất lực bởi những bí mật xung quanh nhiệm vụ của mình và những người bạn thân thiết không biết điều gì đang diễn ra”.
“Bạn sẽ không nhìn thấy nó trên TV, hay nghe trên đài báo. Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ điều gì trên mạng giải thích lý do chúng tôi đang ở đây hiện giờ. Thực sự, thì điều đó tốt với bạn hơn, bởi vì sự thật rất kinh hoàng”, Zdrok viết trên tài khoản cá nhân”.
Tuy nhiên, ngoài việc 10 lính dù Nga “đi lạc” sang địa phận Ukraine, tất cả những thông tin về việc lính Nga tham chiến ở Ukraine đều không có bằng chứng xác thực và 10 lính Nga cũng đã được trao trả cho Moscow vào ngày 31-8 mà không kèm theo thông báo gì từ phía Kiev về việc họ có tham chiến trong lực lượng ly khai nước này hay không.
Tuy nhiên, cũng có những luồng thông tin cho rằng, để đánh đổi tính mạng của 6 tiểu đoàn tiễu phạt bị quân ly khai vây chặt và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, cùng với số tù binh Ukraine bị bắt trước đó ở khu vực thành phố Ilovaiskaya thuộc Donetsk, Kiev đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” không truy cứu và trao trả số lính Nga về nước.
Thiên Nam
Theo_Báo Đất Việt