Mỹ: Nắng nóng cực độ tại Chicago
Ngày 17/6, nắng nóng đã quay trở lại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Vùng đô thị Chicago là một trong khoảng 10 vùng đô thị rộng lớn của Mỹ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng, kéo dài từ Trung Tây đến Đông Bắc, có thể kéo dài ít nhất 5 ngày, với nhiệt độ trung bình mỗi ngày trên 32 độ C.
Nắng gay gắt tại thành phố Phoenix, Ariona, Mỹ ngày 7/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Cơ quan Dự báo thời tiết Chicago cho biết ngày 17/6 bắt đầu chuỗi ngày nắng nóng và oi bức kéo dài, có thời điểm lên tới gần hoặc thậm chí trên 37,77 độ C. Điều kiện thời tiết khô, nóng có thể dẫn tới nồng độ ozone trên mặt đất cao. Khác với tầng ozone xuất hiện tự nhiên cao hơn trong khí quyển, tầng ozone trên mặt đất có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe như khó thở hay làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Illinois khuyến cáo các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em và những người mắc bệnh về đường hô hấp, hạn chế hoạt động ở ngoài trời. Chicago đã mở cửa các trung tâm làm mát trên toàn thành phố để giúp người dân tránh nóng.
Nhà khí hậu học bang Illinois Trent Ford cho biết cần lưu ý thời gian kéo dài của đợt nắng nóng này. Theo dự báo, nhiều khả năng nhiệt độ của Chicago sẽ lên tới trên 32 độ C trong 7 ngày liên tiếp, vượt mức trung bình trong tháng 6 hàng năm.
Cùng ngày, lực lượng cứu hỏa bang California vẫn đang nỗ lực dập tắt hàng loạt vụ cháy rừng dữ dội, bùng phát cuối tuần trước. Cơ quan Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California cho biết ít nhất 11 vụ cháy rừng đã ghi nhận tại bang này. Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió mạnh đã làm các đám cháy trở nên nghiêm trọng hơn.
Video đang HOT
Đám cháy lớn nhất Post Fire bùng phát hôm 15/6 ở Gorman, cách Los Angeles khoảng 100 km về phía Bắc, đã thiêu rụi hơn 63,1 km2 đất tại hạt Los Angeles và hạt Ventura.
Khoảng 1.200 người dân đã buộc phải sơ tán do ảnh hưởng của cháy rừng. Hiện hơn 1.100 lính cứu hỏa, cùng 7 máy bay trực thăng và 114 xe cứu hỏa, đã được huy động để khống chế cá vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, tính đến sáng 17/6 (giờ địa phương), mới chỉ có 8% diện tích đám cháy được kiểm soát.
Nhà chức trách bang California vẫn duy trì cảnh báo chất lượng không khí do khói từ các đám cháy rừng, đồng thời khuyến nghị người dân hạn chế ra ngoài để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe.
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra những đám cháy nghiêm trọng hơn vào cuối năm nếu điều kiện thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Dù hiện chưa có dấu hiệu ngay về hạn hán, nhưng nhiệt độ tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn, kéo theo nguy cơ hỏa hoạn.
Biện pháp đối phó với nắng nóng của các thành phố Mỹ
Nhiệt độ cao có thể dẫn đến tác động thảm khốc khiến nhiều người tử vong. Thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) đã thu được bài học về thực tế này vào năm 1995.
Người dân uống nước giải nhiệt tại Miami, Florida, Mỹ, ngày 26/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháng 7 năm đó, đợt nắng nóng kéo dài một tuần lên tới 41 độ C đã khiến 700 người thiệt mạng. Đa số các trường hợp tử vong là người da màu và phần lớn ở khu dân cư nghèo, nơi nhiều người cao tuổi phải chịu cảnh không có hệ thống thông gió hoặc điều hòa thích hợp. Mất điện do lưới điện quá tải khiến mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn.
Kể từ đó, Chicago đã phát triển các kế hoạch ứng phó khẩn cấp với nắng nóng, bao gồm nỗ lực lớn để cảnh báo công chúng và sau đó trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất. Các thành phố khác như Los Angeles, Miami và Phoenix hiện có "lãnh đạo nhiệt" để điều phối lập kế hoạch và ứng phó với nắng nóng nguy hiểm.
Miami - được coi là điểm nóng đối với rủi ro biến đổi khí hậu do tính dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng, lũ lụt, bão và nhiệt độ cao - đã bổ nhiệm cán bộ nhiệt của thành phố từ hai năm trước để phát triển chiến lược nhằm giữ an toàn cho mọi người trước cái nóng.
Công tác chuẩn bị đối phó với nắng nóng tại các thành phố nói chung đã được cải thiện trong những năm qua khi dự báo trở nên chính xác hơn và khi các nhà khí tượng học, nhà báo và quan chức chính phủ tập trung vào việc truyền bá thông tin về mối nguy hiểm sắp tới. Một ví dụ là Chicago đã mở rộng hệ thống thông báo bằng văn bản và email khẩn cấp, đồng thời xác định những cư dân dễ bị tổn thương nhất để tiếp cận.
Giáo sư Noboru Nakamura tại Đại học Chicago cho rằng thành phố này đã thực hiện nhiều thay đổi thông minh bằng cách triển khai kế hoạch khẩn cấp về nhiệt, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tạo các trung tâm làm mát.
Nhưng, khó có thể hy vọng biện pháp hiệu quả của thành phố này lại đạt được kết quả tương tự ở thành phố khác. Giáo sư dự bị Bharat Venkat tại Đại học California Los Angeles lý giải rằng đó là vì mỗi nơi đều có kiến trúc, phương tiện giao thôngvà sự bất bình đẳng riêng.
Ông Venkat cho rằng các thành phố nên giải quyết bất bình đẳng bằng cách đầu tư vào quyền lao động, phát triển bền vững... Điều đó nghe có vẻ tốn kém nhưng ông Venkat nhận định không làm gì cuối cùng sẽ tốn kém hơn.
Giáo sư dự bị Ladd Keith tại Đại học Arizona (Mỹ) đã trích dẫn cảnh báo "Nhiệt độ cực cao - Mã đỏ" của thành phố Baltimore, bang Maryland như một ví dụ về hệ thống cảnh báo được thiết kế tốt. Khi dự báo chỉ số nhiệt độ từ 40,5 độ C trở bên, cảnh báo sẽ được đưa ra và bắt đầu triển khai các hoạt động như đẩy mạnh dịch vụ xã hội trong các cộng đồng dễ bị rủi ro nhiệt nhất. Ông Ladd Keith cũng ca ngợi các "cán bộ nhiệt" ở những thành phố như Los Angeles, Miami và Phoenix, nhưng cho biết "vẫn còn hơn 19.000 thành phố và thị trấn chưa có nhân lực này".
Công nhân sửa chữa tuyến đường bị hư hại do nắng nóng tại Houston, Texas, Mỹ, ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà khoa học sức khỏe môi trường Inkyu Han tại Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ) đề cập rằng các thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong cung cấp hỗ trợ như hình thành trung tâm làm mát và trợ giá điều hòa không khí đối với các khu dân cư nghèo. Ông cho biết còn có thể khai thác nhiều hơn nữa các giải pháp đơn giản và bền vững như cải thiện không gian xanh. Ông Han nói: "Đáng chú ý là các khu dân cư có thu nhập thấp và cộng đồng da màu ở Philadelphia thường thiếu cây xanh và không gian xanh trên đường phố".
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những bước đi đó có thể là chưa đủ trong một thế giới đang chứng kiến kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ và tồn tại bất bình đẳng với những người dễ bị tổn thương nhất. Giáo sư Eric Klinenberg tại Đại học New York nhận định: "Chưa có thành phố nào thực sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất mà một số nhà khoa học khí hậu lo sợ".
Trên khắp thế giới, các thành phố và quốc gia đã áp dụng những biện pháp đối phó với nắng nóng. Pháp đã triển khai hệ thống cảnh báo theo dõi nhiệt độ sau đợt nắng nóng kéo dài vào năm 2003 ước tính khiến 15.000 người tử vong - nhiều trong số họ là người lớn tuổi sống trong các căn hộ và nhà ở thành phố không có điều hòa nhiệt độ. Hệ thống cảnh báo này bao gồm các thông báo công khai kêu gọi mọi người tránh mất nước. Tháng 6 vừa qua, Đức đã phát động một chiến dịch mới chống lại tử vong do nắng nóng. Đức cho biết họ lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Pháp.
Đợt nắng nóng gay gắt tại Ấn Độ năm 2010 với nhiệt độ trên 48 độ C đã khiến hơn 1.300 người ở thành phố Ahmedabad tử vong. Các quan chức thành phố hiện lên kế hoạch hành động để nâng cao nhận thức người dân địa phương và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Một sáng kiến đơn giản khác là sơn mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh nắng Mặt Trời chói chang.
Xả súng hàng loạt ở Chicago gây nhiều thương vong Một bé gái 8 tuổi đã thiệt mạng và ít nhất 10 người khác bị thương, trong đó có 3 trẻ em, trong vụ xả súng hàng loạt xảy ra vào tối 13/4 (giờ địa phương) tại thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ). Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Mỹ, cảnh sát đã phản ứng với thông báo khẩn cấp của công...