Mỹ muốn chặn Huawei, nhưng có lẽ đã quá trễ
Chiến dịch của Mỹ đã quá trễ trong việc ngăn chặn Huawei mà chỉ có thể kiềm chế chút ít đà tăng trưởng của tập đoàn này.
Huawei là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc (TQ) chuyên sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị cho các mạng lưới viễn thông.
Tham vọng tiến lên thành tập đoàn công nghệ đứng đầu toàn cầu của Huawei đang gặp trở ngại lớn khi ngày càng nhiều nước lo ngại công nghệ của Huawei có thể là công cụ do thám của chính phủ TQ.
Chiến dịch chặn Huawei của Mỹ
2018 là một năm đầy gian nan với Huawei, bắt đầu với việc công ty viễn thông Mỹ AT&T rút hợp đồng mua điện thoại không dây hồi tháng 1-2018. Tháng 2-2018, các cơ quan tình báo Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ không sử dụng điện thoại của Huawei. Nhiều quan chức tình báo hàng đầu Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng Huawei và ZTE Corp – một tập đoàn công nghệ khác của TQ là mối đe dọa với an ninh khách hàng Mỹ. Tháng 3-2018, Best Buy – một trong những nơi ít ỏi người Mỹ tìm mua thiết bị của Huawei tuyên bố sẽ ngưng bán sản phẩm Huawei.
Các sản phẩm của Huawei bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị nối mạng, phần mềm, và vi mạch.
Việc các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ nghi ngờ Huawei là công cụ của quân đội TQ nhằm do thám Mỹ không phải là chuyện mới. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kêu gọi cộng đồng tình báo Mỹ cảnh giác, rằng các quan chức an ninh quốc gia phải ngăn chặn các sản phẩm của Huawei và ZTE tràn vào Mỹ.
Tháng 11-2018, Mỹ đề nghị các đồng minh – đặc biệt các nước có căn cứ quân sự Mỹ như Đức, Ý, Nhật – ngừng sử dụng thiết bị viễn thông Huawei để đảm bảo an ninh quốc gia. Đến tháng 12-2018 tới các công ty viễn thông Đức, Nhật, Anh, Pháp cân nhắc chuyện dùng thiết bị Huawei.
Công nghệ 5G của Huawei cũng bị Mỹ cảnh báo. Úc, New Zealand đã phong tỏa Huawei cung cấp thiết bị 5G cho mạng lưới viễn thông không dây của mình.
Ngoài cản trở về kinh doanh, Huawei còn phải đối mặt thách thức lớn là bị hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Hai ngân hàng từng giúp Huawei lớn mạnh thành một tập đoàn công nghệ toàn cầu – HSBC Holdings Plc (Anh) và Standard Chartered Plc (Anh) đã quyết định không cung cấp các dịch vụ ngân hàng mới hay cho Huawei vay tiền vì đánh giá rủi ro của tập đoàn này rất cao. Đây là chuyện đáng lo vì quy mô hoạt động toàn cầu Huawei phụ thuộc rất lớn vào sức mạnh của hệ thống đồng USD của Mỹ. Thêm nữa, không ngân hàng nào của TQ có tầm cỡ hoạt động toàn cầu như HSBC, Citi hay StanChart.
Chuyện Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ và một lãnh đạo Huawei ở Ba Lan bị bắt vì cáo buộc làm do thám theo lệnh chính phủ TQ là một đòn đau với Huawei.
Diễn biến mới nhất, ngày 28-1, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Huawei và bà Mạnh Vãn Châu các tội danh ăn cắp bí mật thương mại, lừa đảo ngân hàng, vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.
Xe chở bà Mạnh Vãn Châu rời tòa án ở Vancouver (Canada) ngày 29-1. Ảnh: BLOOMBERG
Video đang HOT
Theo nhà nghiên cứu Samm Sacks chuyên chính sách an ninh mạng và kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc tại tổ chức New America, “nghi ngờ đối với Huawei trở nên sâu sắc và có sự đồng lòng lưỡng đảng, toàn bộ chính phủ Mỹ vào cuộc thực hiện chiến dịch hạ bệ Huawei không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới”.
Một nguy cơ nữa, theo các nhà quan sát là Mỹ có thể sẽ ra tay với Huawei như đã làm với ZTE (TQ) đầu năm 2018 là cấm tập đoàn này mua các thiết bị quan trọng từ các công ty Mỹ. Lý do vì ZTE vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.
Đã quá trễ
Sự tấn công của Mỹ vào Huawei cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyện ai sẽ kiểm soát công nghệ trong tương lai.
Nếu chính phủ Mỹ quyết định leo thang cuộc chiến bằng cách ngăn Huawei mua sản phẩm của các công ty Mỹ như đã làm với ZTE năm ngoái, thì đây sẽ là một đòn nguy hiểm với Huawei.
“Huawei không phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ nhiều như ZTE, tuy nhiên nếu không được tiếp cận công nghệ Mỹ, Huawei sẽ không thể tồn tại lâu dài” – theo nhà nhà phân tích Dan Wang tại công ty nghiên cứu Gavekal.
Với hàng loạt khó khăn trên, tháng 11-2018 nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận môi trường kinh doanh đang trở nên thù địch hơn.
“Trong vòng vài năm tới, tình hình chung sẽ không được lạc quan như chúng ta đã nghĩ. Chúng ta phải chuẩn bị đối mặt khó khăn” – ông Nhậm viết trên trang web Huawei.
Theo ông Nhậm, Huawei khả năng sẽ không thể duy trì được đà tăng trưởng vũ bão mình đạt được trong 30 năm qua, và sẽ phải “sa thải một số nhân viên hiệu quả kém và giảm chi phí lao động”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo về việc truy tố Huawei ngày 28-1
Tuy nhiên CNN dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng chiến dịch ngăn chặn Huawei có thể sẽ không mang lại kết quả gì nhiều ngoài kiềm chế chút ít đà tăng trưởng của tập đoàn này. Các căn cứ cho phán đoán này là việc Huawei đã xây dựng được vị trí áp đảo trong công nghệ viễn thông không dây 5G. Huawei đã có được nhiều khách hàng trung thành ở các thị trường mới nổi lẫn nhiều khu vực ở châu Âu và được dự báo sẽ trở thành nhà sản xuất và bán điện thoại thông minh nhiều hàng đầu thế giới vào năm tới.
“Chiến dịch này chỉ có thể làm chậm đà tăng trưởng của Huawei ở một số nước châu Âu và các thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng tôi không nghĩ Huawei sẽ rút khỏi bất kỳ thị trường nào trong những năm tới” – CNN dẫn lời nhà phân tích Charlie Dai tại công ty nghiên cứu Forrester ở Bắc Kinh (TQ).
Tới lúc này Huawei vẫn giữ vị thế lớn trong công nghệ 5G. Huawei cho biết mình đã ký 30 hợp đồng lớn cung cấp dịch vụ 5G và đang làm việc với hơn 50 đối tác nữa.
Ông Nhậm Chính Phi, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, đã sáng lập và xây dựng Huawei trở thành một gã khổng lồ toàn cầu về công nghệ trong hơn 3 thập niên qua.
Huawei đã có hàng thập niên xây dựng mạng lưới hiện diện vững chắc ở hàng chục thị trường khắp thế giới, bằng các sản phẩm phần cứng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới dù hoạt động gần như bị tê liệt ở thị trường Mỹ. Năm 2018 Huawei đã vượt mặt Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung, và khả năng lớn năm 2020 Huawei sẽ vượt cả Samsung vươn lên vị trí số 1.
Huawei lợi thế từ tiềm lực với địa chính trị
Mức tăng trưởng của Huawei năm 2017 là 16%. Hai đối thủ chính Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) đều chịu giảm doanh thu trong năm này.
Doanh thu từ các thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Phi tăng 5% trong năm 2017, ở châu Á-Thái Bình Dương thì mạnh hơn – hơn 10%. Các nhà phân tích dự đoán khách hàng ở các khu vực này vẫn sẽ gắn bó với Huawei vì giá cả cạnh tranh.
“Các khách hàng sẽ ưu tiên giảm chi phí đến mức thấp nhất có thể, và một cách để làm điều đó là chọn thiết bị rẻ tiền nhưng chất lượng ổn của TQ” – nhà phân tích viễn thông Kenny Liew tại công ty nghiên cứu Fitch Solutions nhận định.
Một điều nữa, các khách hàng sẽ không dễ quyết định thay thế các hệ thống không dây 5G vì sẽ rất tốn kém.
Có lý do để ông Nhậm vẫn tự tin Huawei sẽ đạt mức doanh thu 125 tỉ USD trong năm nay, tăng 15% so với năm 2018.
Huawei đang chịu áp lưc từ Mỹ và các thị trường phát triển, nhưng phần còn lại của thế giới vẫn rộng cửa với Huawei. Màu đỏ là các khu vực Huaei bị hạn chế hoạt động. Màu xanh là các khu vực Huawei đang bị chú ý an ninh. Phần còn lại vẫn rất lớn với Huawei.
“Chúng tôi không được phép bán sản phẩm ở một số thị trường, chúng tôi sẽ thu nhỏ hoạt đông một chút. Miễn chúng tôi có thể lo được cho người lao động, tôi tin Huawei vẫn có tương lai” – ông Nhậm nói trong cuộc họp báo ngày 15-1.
Không chỉ nhờ tiềm lực mà bối cảnh chính trị cũng sẽ giúp Huawei, theo CNN. Các nước đã được hưởng lợi từ đầu tư của Trung Quốc sẽ không dễ quyết định cấm sử dụng thiết bị của Huawei vì lo ngại nguy cơ ảnh hưởng địa chính trị, theo nhà phân tích Liew.
Hiện một số nước như Ba Lan, Cộng hòa Czech đang cố cân bằng ngoại giao, cân bằng quan hệ an ninh với Mỹ và nhu cầu nhận đầu tư của Trung Quốc. Ba Lan là đối tác thương mại lớn nhất của TQ trong khu vực, được cho là đang cố gắng giảm căng thẳng với TQ sau chuyện bắt lãnh đạo Huawei. Năm ngoái tình báo Cộng hòa Czech ra cảnh báo an ninh liên quan dùng sản phẩm Huawei. Sau đó Thủ tướng nước này phải lên tiếng rằng cảnh báo này không phải là quan điểm của chính phủ Ba Lan
Theo PLO
Huawei chìm trong khủng hoảng, nhà sáng lập chính thức lên tiếng
Ông Nhiệm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, đã lên tiếng sau nhiều năm giữ im lặng trước những cáo buộc của Mỹ...
Ông Nhiệm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, đã lên tiếng sau nhiều năm giữ im lặng trước những cáo buộc của Mỹ cho rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc này giúp Bắc Kinh theo dõi các chính phủ phương Tây.
Theo tin từ Bloomberg, ông Nhiệm phủ nhận những cáo buộc cho rằng Huawei giúp Chính phủ Trung Quốc thực hiện các hành vi gián điệp, khẳng định công ty mà ông sáng lập không có sự liên lạc thường xuyên với Bắc Kinh. Tuyên bố này được ông Nhiệm đưa ra trong bối cảnh "đế chế" Huawei đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 3 thập kỷ phát triển.
Ông Nhiệm cũng gọi ông Donald Trump là "một vị Tổng thống tuyệt vời" và nói sẽ chờ xem liệu nhà lãnh đạo Mỹ có can thiệp vào vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou). Bà Mạnh, con gái cả của ông Nhiệm, đang được tại ngoại ở Canada và có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ vì cáo buộc lừa dối nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
"Hạt vừng" trong xung đột Mỹ-Trung
Sự xuất hiện của ông Nhiệm - người vô cùng kín tiếng với giới truyền thông và lần gần đây nhất có cuộc trò chuyện với các nhà báo nước ngoài là vào năm 2015 - cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà Huawei, biểu tượng sức mạnh công nghệ đang nổi lên của Trung Quốc, phải đối mặt.
Vụ bắt giữ bà Meng phản ánh nỗi sợ của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, cụ thể hơn là Huawei, trong các lĩnh vực từ hạ tầng không dây thế hệ mới nhất cho tới thiết bị bán dẫn và thiết bị điện tử tiêu dùng. Thời gian qua, Washington đã thuyết phục được một danh sách ngày càng dài các quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị mạng Huawei.
"Tôi yêu đất nước của mình, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì có hại cho thế giới", ông Nhiệm, 74 tuổi, nói trong một cuộc họp báo bàn tròn. Đây mới là lần thứ ba từ trước đến nay nhà sáng lập Huawei tổ chức họp báo bàn tròn với phóng viên nước ngoài. "Tôi không thấy có sự liên hệ gần gũi nào giữa quan điểm chính trị của cá nhân tôi với hoạt động kinh doanh của Huawei".
Ông Nhiệm khẳng định sẽ từ chối bất kỳ đề nghị nào của Bắc Kinh về cung cấp thông tin nhạy cảm về khách hàng của Huawei, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Mỹ và chính quyền ông Trump. Ông cũng bác bỏ vai trò của Huawei trong căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.
"Huawei chỉ là một hạt vừng trong xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Nhiệm phát biểu tại trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến. "Ông Trump là một vị Tổng thống tuyệt vời. Ông ấy dám mạnh tay cắt giảm thuế, và điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Nhưng Mỹ cần phải đối xử tốt với các công ty và các quốc gia để họ sẵn sàng đầu tư vào Mỹ và Chính phủ Mỹ sẽ thu được đủ thuế".
Lạc quan về doanh thu
Mấy tuần qua, hàng loạt nhà điều hành của Huawei, bao gồm Chủ tịch luân phiên Ken Hu, đã lên tiếng trước truyền thông nhằm phủ nhận các cáo buộc gián điệp nhằm vào tập đoàn, đồng thời yêu cầu các bên có cáo buộc đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, vụ bắt một Giám đốc bán hàng của Huawei ở Ba Lan hồi tuần trước do cáo buộc gián điệp có thể đã buộc ông Nhiệm phải đích thân lên tiếng. Vào cuối tuần vừa rồi, Giám đốc bị bắt ở Ba Lan đã bị Huawei sa thải.
Bất chấp những thách thức mà Huawei đang đối mặt, ông Nhiệm bày tỏ tin tưởng doanh thu của tập đoàn sẽ tăng lên mức 125 tỷ USD trong 2019, từ mức hơn 100 tỷ USD trong 2018.
"Huawei không phải là một công ty đại chúng, chúng tôi không cần phải có những báo cáo lợi nhuận đẹp", ông Nhiệm phát biểu. "Nếu họ không muốn Huawei có mặt ở một số thị trường, chúng tôi có thể co lại một chút. Chừng nào chúng tôi còn sống được và nuôi được nhân viên của mình, thì chừng đó vẫn còn tương lai cho chúng tôi".
Năm 1987, ông Nhiệm sáng lập Huawei cùng với 4 cộng sự, bằng số vốn 21.000 Nhân dân tệ. Kể từ đó, ông đã xây dựng nên một hãng công nghệ có doanh thu lớn hơn cả doanh thu của Alibaba và Tencent gộp lại. Năm ngoái, Huawei vượt qua tập đoàn Mỹ Apple về doanh số điện thoại thông minh (smartphone).
Năm 2011, ông Nhiệm thôi điều hành hoạt động hàng ngày của Huawei và áp dụng một hệ thống lãnh đạo luân phiên, cho phép các lãnh đạo trẻ được thay nhau điều hành công ty trong thời gian khoảng 6 tháng mỗi lần. Tuy nhiên, ông Nhiệm vẫn giữ vai trò là đại diện cao nhất trong các sự kiện quan trọng của Huawei, chẳng hạn khi ông tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm văn phòng Huawei ở Anh vào năm 2015.
Một báo cáo hồi năm 2017 của Huawei cho thấy ông Nhiệm nắm cổ phần 1,4% trong công ty, tương đương giá trị tài sản ròng 2 tỷ USD - theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Ông Nhiệm nói Huawei sẽ tiếp tục tương tác với cac chính phủ để họ có thể hiểu rõ hơn về Huawei. "Huawei luôn đứng về phía khách hàng trong vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin", ông nói thêm.
Theo Tri Thuc Tre
Chủ tịch Huawei hâm mộ Steve Jobs, mắc nợ con cái và muốn... 'bất tử' Cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài của Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi hé lộ những thông tin ít biết về con người nổi tiếng kín đáo này. Ông Nhậm Chính Phi, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Huawei, vẫn giữ im lặng trước công chúng dù công ty trải qua một năm 2018 sóng gió, bao gồm các lệnh cấm...