Mỹ khuyến cáo công dân ‘ngay lập tức’ rời khỏi Liban
Ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nước này ở Liban rời khỏi quốc gia Trung Đông khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Hiện trường vụ tấn công của Israel tại Beirut, Liban ngày 21/9/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Do diễn biến khó lường của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Hezbollah và Israel cũng như các vụ nổ gần đây trên khắp Liban, bao gồm cả thủ đô Beirut, Đại sứ quán Mỹ kêu gọi công dân rời khỏi Liban ngay khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động”. Tuyên bố nhấn mạnh công dân Mỹ nên “ngay lập tức” rời khỏi miền Nam Liban, cũng như các khu vực gần biên giới Syria và các khu định cư của người tị nạn.
Cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã nâng mức khuyến cáo đi lại đến Liban lên cấp độ 4 – cấp độ cao nhất – là “Không nên đi du lịch”, sau cuộc không kích của Israel ở phía Nam Beirut khiến một chỉ huy cấp cao của Hezbollah thiệt mạng.
Video đang HOT
Hôm 20/9, Israel tuyên bố đã tiến hành cuộc không kích vào phía Nam Beirut, tiêu diệt một chỉ huy cùng nhiều nhân vật cấp cao khác của Hezbollah ở Liban. Hezbollah đã xác nhận chỉ huy Ibrahim Aqil – người đứng đầu lực lượng Radwan kiêm phó chỉ huy lực lượng vũ trang này, đã thiệt mạng trong cuộc không kích này.
Trước đó, trong ngày 17 và 18/9, hàng loạt máy nhắn tin và máy bộ đàm đã phát nổ ở nhiều nơi tại Liban khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương, trong đó có Đại sứ Iran tại Liban.
Trong những ngày qua, Israel đã mở rộng các mục tiêu hoạt động quân sự với trọng tâm của cuộc xung đột đang dịch chuyển từ Dải Gaza đến phía Bắc Israel. Phong trào Hezbollah ở Liban và lực lượng Israel đã đụng độ gần như hằng ngày trong hơn 11 tháng qua trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza. Các cuộc đụng độ đã làm hàng trăm người ở Liban và hàng chục người bên phía Israel thiệt mạng, đồng thời khiến hàng chục nghìn người ở cả hai bên biên giới phải di dời.
Liên quan đến tình hình xung đột ở Trung Đông, cùng ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp xoa dịu căng thẳng ở khu vực trong bối cảnh xung đột Hamas-Israel ở Gaza đe dọa lan sang Liban.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Chúng ta rất cần các biện pháp cụ thể ở Trung Đông để xoa dịu tình hình và tránh có thêm nhiều nạn nhân là dân thường”. Tuyên bố cho biết thêm Ngoại trưởng nước này Annalena Baerbock đã liên hệ với những người đồng cấp Israel và Liban để thảo luận các bước tiếp theo.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết nước này “vô cùng quan ngại” về sự leo thang gần đây ở Trung Đông và “một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột phải khả thi”. Văn phòng của Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo cuộc xung đột lớn toàn diện sẽ “gây ra hậu quả khủng khiếp và lâu dài cho người dân khắp khu vực”, dẫn đến sự tàn phá “thảm khốc”.
Lực lượng Houthi nêu các điều kiện đàm phán hòa bình với Chính phủ Yemen
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, người đứng đầu Hội đồng Chính trị Tối cao của phong trào Houthi ở Yemen - ông Mahdi al-Mashat, ngày 20/9 tuyên bố nhóm này đã sẵn sàng đàm phán hòa bình với Chính phủ Yemen và liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tham chiến tại quốc gia Trung Đông này.
Các tay súng Houthi trên đường phố thủ đô Sanaa, Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào đêm trước lễ kỷ niệm 10 năm lực lượng Houthi chiếm thủ đô Sanaa, ông al-Mashat nói rằng "giải pháp duy nhất để đạt được hòa bình là trả lương cho các viên chức người Yemen, mở cửa các sân bay và cảng biển, cũng như trả tự do cho tất cả tù nhân". Ngoài ra, theo quan chức Houthi, trong số các yêu cầu đưa ra nhằm đạt được hòa bình cũng có việc bồi thường thiệt hại và tất cả các thế lực nước ngoài phải rút quân hoàn toàn khỏi Cộng hòa Yemen. Ông al-Mashat cũng "cảnh báo hậu quả của những tính toán sai lầm và việc một số người đặt cược vào khả năng duy trì tình trạng không hòa bình, không chiến tranh và tiếp tục các xu hướng thù địch chống lại người dân" Yemen.
Yemen đã sa lầy vào một cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát các tỉnh phía Bắc, buộc chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa và tới thành phố Aden.
Năm 2015, liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Hiện Houthi kiểm soát nhiều đô thị lớn ở Yemen.
Yemen đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng trăm nghìn người thiệt mạng do xung đột bùng phát kể từ năm 2014. LHQ coi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thế giới. Ước tính khoảng 17,6 triệu người dân nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm nay.
Nhà Trắng khuyến cáo người dân Mỹ rời Liban Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby, khẳng định không có bất kỳ thông báo nào của Israel gửi cho Mỹ trước cuộc không kích vào Beirut ngày 20/9, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không nên đến Liban hoặc rời đi nếu đang ở quốc gia này. Khói bốc lên sau cuộc không kích của...