Mỹ không dám áp sát đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông?
Nội bộ chính quyền Mỹ đang bất đồng quan điểm về việc điều động tàu chiến tuần tra, vượt qua phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận Đá Tư Nghĩa (Hughes), nơi Trung Quốc chiếm của Việt Nam và đang xây dựng trái phép- Ảnh: Mai Thanh Hải
Các nguồn tin trong quân đội và chính phủ Tổng thống Barack Obama thừa nhận có sự bất đồng quan điểm nội bộ về việc tàu chiến Mỹ có nên tuần tra vượt qua giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay không, theo trang tin Politico (Mỹ) ngày 31.7.
Lầu Năm Góc bảo vệ quan điểm tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ chỉ hoạt động tuần tra ngoài phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Tuy nhiên, các chỉ huy hải quân Mỹ và một số thượng nghị sĩ Mỹ muốn Mỹ đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý nhằm khẳng định với Bắc Kinh rằng Mỹ phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.
Video đang HOT
“Chúng ta tiếp tục giới hạn Hải quân Mỹ hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý là một động thái nguy hiểm, vô tình công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo nhân tạo”, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ, cho hay trong phiên điều trần tại ủy ban này vào ngày 30.7.
Trang tin Breaking Defense đưa tin tại phiên điều trần này, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ nói rằng “Việc Hải quân Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực chắc chắn là điều rất quan trọng, nhưng chúng ta phải tôn trọng những tuyên bố chủ quyền chủ hợp pháp”.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan liền chất vấn ông Richardson, đồng thời chỉ tay vào bức ảnh cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa: “Có nghĩa là chúng ta tôn trọng cái này ư?”,.
“Tôi sẽ phải xem xét chính xác những tuyên bố chủ quyền nào là hợp pháp”, ông Richardson do dự đáp lời ông Sullivan.
Vấn đề tranh cãi trong nội bộ chính quyền Mỹ về Biển Đông diễn ra giữa lúc lãnh đạo các nước Thái Bình Dương, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chuẩn tham gia hội nghị an ninh khu vực vào tuần tới tại Malaysia và trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.2015.
Trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Việt Nam và các nước trong khu vực. Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã đưa pháo, xây đường băng được cho là phục vụ mục đích quân sự, xây trạm radar và đưa thiết bị quân sự khác đến những đảo nhân tạo này.
Đường băng phi pháp do Trung Quốc xây trái phép ở Đá Chữ Thập đã hoàn tất, đủ sức cho máy bay ném bom chiến lược cất/hạ cánh – Ảnh: Digital Globe
Ông Raul Pedrozo, một luật sư kỳ cựu và là cố vấn pháp lý của Lầu Năm Góc, khẳng định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc Kinh không có quyền tuyên bố chủ quyền những đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định chỉ có những hòn đảo “được hình thành tự nhiên” mới có vùng biển chủ quyền 12 hải lý bao quanh. Cũng theo UNCLOS, xây dựng đảo nhân tạo không mang đến chủ quyền ở vùng biển và vùng trời xung quanh.
“UNCLOS không công nhận đảo nhân tạo, như vậy Trung Quốc không có quyền tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như lãnh hải 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo. Chính vì thế, tàu chiến và máy bay Mỹ có quyền tiến hành hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý”, ông Pedrozo nói.
Mặc dù Mỹ từng tuyên bố tăng cường hoạt động tuần tra trên không và trên biển ở Biển Đông, nhưng theo nhận định củaPolitico, đến nay Hải quân Mỹ vẫn mơ hồ về những hoạt động của lực lượng này ở Biển Đông.
“Dường như có một sự mơ hồ về chính sách của Mỹ ở Biển Đông”, thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói.
Politico cho rằng chính quyền ông Obama có thể không muốn đụng chạm đến vấn đề Biển Đông, không muốn đối đầu với Trung Quốc trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập.
Trong cuộc họp báo ngày 30.7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân lên tiếng tố cáo Mỹ đang “quân sự hóa” Biển Đông, trong khi Trung Quốc đang tiến hành tập trận rầm rộ ở khu vực này với hơn 100 tàu chiến diễn tập bắn đạn thật.
“Trung Quốc cực kỳ quan ngại về việc Mỹ đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông. Gần đây Mỹ tăng cường sức mạnh khối đồng minh quân sự đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận chung”, ông Dương nói.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hồi năm 2014 ước tính Biển Đông có trữ lượng 11 tỉ thùng dầu và 5,3 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên. Đây cũng là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, với 5 nghìn tỉ USD hàng hóa quốc tế được vận chuyển qua Biển Đông mỗi năm.
Các quan chức Mỹ cảnh báo, nếu Trung Quốc cản trở những tuyến đường hàng hải trên Biển Đông mà theo Mỹ là vùng biển quốc tế, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
Phúc Duy
Theo Thanhnien