Mỹ khởi tố 2 công ty Trung Quốc và Đài Loan cùng 3 cá nhân ăn cắp công nghệ
Ngày 1.11, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức khởi tố Công ty sản xuất IC Tấn Hoa, Phúc Kiến ( Fujian Jinhua Integrated Circuit) của Trung Quốc Đại Lục và Công ty điện tử Liên Hoa (United Microelectronics, UMC) của Đài Loan, cáo buộc họ đã hợp mưu đánh cắp bí mật thương mại của Công ty công nghệ Micron Technology Inc.
Đây là hãng sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ. Trước đó, hôm 29.10, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa công ty Tấn Hoa vào danh sách các thực thể bị quản chế xuất khẩu (Entity List), cụ thể là cấm công ty này mua nguyên kiện bán dẫn (components) của các công ty Mỹ.
Công ty điện tử Liên Hoa (United Microelectronics, UMC) của Đài Loan bị cáo buộc đã hợp mưu với Tấn Hoa Phúc Kiến đánh cắp công nghệ sản xuất DRAM của công ty Mỹ Micron.
Căn cứ văn bản khởi tố được Tòa án liên bang tại thành phố San Jose, bang California công bố, chính phủ Mỹ đã đưa ra các cáo buộc hình sự và dân sự đối với Tấn Hoa và Liên Hoa. Theo đó, ngăn chặn 2 công ty này xuất khẩu các sản phẩm được chế tạo bởi các bí mật thương mại đánh cắp được sang Mỹ. Văn bản khởi tố hình sự đã được giao hôm 27.9.2018, công bố ngày 1.11, còn tố tụng dân sự thì được giao hôm 1.11.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, 2 công ty Tấn Hoa và Liên Hoa bị cáo buộc 3 tội danh là: cùng nhau hợp mưu hoạt động gián điệp kinh tế, tiếp nhận bí mật thương mại (một loại tội danh gián điệp kinh tế) và hợp mưu đánh cắp bí mật thương mại.
Theo pháp luật Mỹ, bị khởi tố không đồng nghĩa là đã có tội. Nếu hai tội danh cùng nhau hợp mưu hoạt động gián điệp kinh tế, tiếp nhận bí mật thương mại được thành lập thì các bị cáo có thể phải đối mặt với mức phạt cao nhất 10 triệu USD hoặc số tiền gấp 3 lần giá trị của bí mật thương mại lấy cắp được. Nếu tội danh hợp mưu đánh cắp bí mật thương mại thành lập thì có thể bị phạt 5 triệu USD hoặc số tiền gấp 3 lần giá trị bí mật thương mại lấy cắp được. Đồng thời, 2 công ty này còn có nguy cơ bị tịch thu tài sản.
Ngoài 2 công ty này, còn có 3 người đàn ông Đài Loan cũng bị khởi tố. Theo văn bản khởi tố, 3 người này đều từng là quan chức của công ty Micron Technology Inc. chi nhánh Đài Loan, đã lấy cắp tài liệu kỹ thuật là bí mật thương mại trị giá 9 tỷ USD của Micron. 3 người này là Stephen Chen (Trần Nam), 55 tuổi; J.T. Ho (Hà Kiến Đình), 42 tuổi và Kenny Wang (Vương Nam), 44 tuổi.
Video đang HOT
Công nghệ sản xuất DRAM – mục tiêu mà các công ty Liên Hoa Đài Loan và Tấn Hoa Phúc Kiến hợp mưu đoạt lấy.
Trần Nam vốn là chủ tịch của công ty điện tử Micron Memory Taiwan (MMT) đã được Micron thu mua 5 năm trước và trở thành người phụ trách chi nhánh Đài Loan của Micron. Tháng 7.2015, sau khi rời khỏi Micron, ông ta đã mang theo những bí mật thương mại giá trị rất lớn về đầu quân cho Liên Hoa, khi đó Liên Hoa chưa có công nghệ DRAM. Nhưng Trần Nam có ý muốn phát triển sang Trung Quốc Đại Lục nên ông ta đã dàn xếp một hiệp nghị hợp tác giữa Liên Hoa với Tấn Hoa Phúc Kiến. Tấn Hoa tài trợ vốn cho Liên Hoa, Liên Hoa chuyển nhượng công nghệ DRAM cho Tấn Hoa và tiến hành sản xuất số lượng lớn. Công nghệ DRAM đã được hai công ty cùng hưởng. Tháng 2.2017, Trần Nam kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc Tấn Hoa Phúc Kiến, phụ trách cơ sở sản xuất DRAM.
Hà Kiến Đình (J.T. Ho) từng là trưởng bộ phận lắp ráp của chi nhánh Micron tại Đài Loan. Cuối năm 2015, ông ta nhảy sang Liên Hoa mang theo các hồ sơ và tài liệu lấy cắp được trao cho Liên Hoa. Bị cáo còn lại là Vương Nam (Kenny Wang) – Phó giám đốc bộ phận kiểm định sản phẩm của công ty Micron Đài Loan từ tháng 4.2016 đã bỏ sang Liên Hoa. Sau khi Hà Kiến Đình và Vương Nam gia nhập Liên Hoa, công ty này và Tấn Hoa Phúc Kiến từ tháng 9.2016 tới tháng 3.2017 đã liên tiếp đăng ký 5 bằng sáng chế và 1 đề xuất xin đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến DRAM. Trong đó, đề xuất xin đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tương đồng và rất gần với bí mật thương mại của Micron. Hà Kiến Đình là người đứng tên cả 5 bằng sáng chế và 1 đề xuất xin đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ này.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 3 người này đã tải trộm 900 bản tài liệu cơ mật của Micron với tổng trị giá lên tới 9 tỷ USD. Trong đó có những công nghệ về bộ nhớ di động DRAM mà các công ty Trung Quốc đang không có. 3 người này bị cáo buộc phạm các tội phát động tấn công mạng đối với công ty Mỹ và hoạt động gián điệp kinh tế. Nếu các tội danh này được thành lập thì họ có thể đối mặt với mức án cao nhất 15 năm tù giam với số tiền phạt 5 triệu USD.
Văn bản khởi tố viết, trong tình hình Trung Quốc chưa có công nghệ DRAM, chính phủ Trung Quốc đã công khai coi việc phát triển DRAM và công nghệ vi điện tử khác là hạng mục ưu tiên để phát triển kinh tế quốc gia. Với sự cấp thiết đó, Trung Quốc đã nhìn thấy Đài Loan là nơi gia công của công ty công nghệ Mỹ nên đã quay sang lấy cắp công nghệ DRAM từ công ty Liên Hoa.
Đây là vụ án thứ 4 mà Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố từ tháng 9 tới nay nhằm chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết, Công ty Micron bị thiệt hại có giá trị thị trường tới 100 tỷ USD, sản phẩm bộ nhớ di động DRAM của họ chiếm từ 20% tới 25% thị trường thế giới. Công nghệ chế tạo DRAM của Trung Quốc gần đây mới có.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions mạnh mẽ phê phán chính phủ Trung Quốc đã vi phạm hiệp nghị “Không ủng hộ hoạt động tấn công mạng và đánh cắp bí mật thương mại” đã ký với chính phủ của ông Obama trước đây.
Theo trang tin Đông Phương ngày 2.11, ông Jeff Sessions cũng phê phán chính phủ Trung Quốc đã vi phạm hiệp nghị “Không ủng hộ hoạt động tấn công mạng và đánh cắp bí mật thương mại” đã ký với chính phủ của ông Obama trước đây. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc năm 2015 từng công khai cam kết không tấn công các công ty Mỹ. Rõ ràng họ đã không giữ lời”. Ông khẳng định, nhà nước Trung Quốc ủng hộ kế hoạch không ngừng lấy cắp bí mật công nghệ và thương mại của Mỹ.
Đây chỉ là một vụ việc mới nhất, giống như các vụ xảy ra gần đây. Chúng cho thấy Trung Quốc “quyết tâm đi con đường lấy cắp bí mật để thúc đẩy kinh tế phát triển và nước Mỹ trở thành khổ chủ”. Ông nói thêm: “Hành động này là không hợp pháp, sai lầm, tạo thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng ta, cần phải bị chặn đứng. Hoạt động gián điệp của Trung Quốc gia tăng rất nhanh, chính phủ Mỹ sẽ áp dụng các hành động khắc chế mới. Thế là đã quá đủ. Bộ Tư pháp sẽ tiến hành tố tụng đối với những hành vi phạm pháp này”.
Theo Reuters, Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Asher Wray nhân sự việc này đã nói: “Không có quốc gia nào trở thành mối đe dọa đối với quan niệm, sự sáng tạo và an ninh kinh tế của Mỹ sâu rộng và nghiêm trọng hơn Trung Quốc”.
Theo Đông Phương, trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 1.11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã tuyên bố thành lập một tổ chuyên án chuyên trách việc đối phó với các hoạt động lấy cắp bí mật thương mại, hối lộ, du thuyết trái phép… để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Theo Báo Mới
Công ty chip Trung Quốc điêu đứng vì lệnh cấm của Mỹ
Việc Mỹ áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện của các nhà sản xuất quốc gia này cho bên mua là công ty sản xuất con chip Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit Company có thể làm tăng tiến mâu thuẫn vốn là một trong các khía cạnh của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện của các nhà sản xuất Mỹ cho bên mua là công ty sản xuất con chip Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit Company vì lý do an ninh quốc gia. Đây là thông tin được Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố ngày 29/10.
Jinhua "có khả năng cao dính líu đến những hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ", Bloomberg nhận định.
"Đưa Jinhua vào danh sách các thực thể chịu biện pháp hạn chế sẽ giới hạn khả năng của công ty này trong việc đe dọa chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng trong hệ thống quân đội của chúng tôi", Bộ trưởng bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện của các nhà sản xuất Mỹ cho bên mua là công ty Jinhua Integrated Circuit Company.
Với các biện pháp hạn chế được đưa ra, các công ty Mỹ sẽ phải xin giấy phép nếu muốn xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển giao bất kỳ hàng hóa, phần mềm hay công nghệ nào cho Jinhua. Những đơn xin cấp phép đó được mặc định là bị từ chối nếu bên xin không đưa ra được lý lẽ thuyết phục.
Chính quyền Mỹ lo ngại công ty Trung Quốc có thể "làm ngập" thị trường bằng nhiều chip giá rẻ cũng do công ty Mỹ sản xuất cho quân đội Mỹ. Nếu các nhà sản xuất chip Mỹ phá sản, quân đội nước này sẽ mất nguồn cung cho một sản phẩm phải đến từ trong nước Mỹ.
Giới chuyên gia thương mại cho rằng động thái của chính quyền ông Trump là nỗ lực chưa từng có để sử dụng công cụ pháp lý, được biết đến như là cách trừng phạt doanh nghiệp ngoại gửi hàng hóa xuất xứ từ Mỹ sang các nước chịu lệnh trừng phạt như Iran, nhằm bảo vệ khả năng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem ngành công nghiệp bán dẫn là ưu tiên quan trọng, thậm chí so sánh chip máy tính với trái tim người. "Bất kể một người lớn thế nào, anh ta không bao giờ khỏe mạnh mà không có trái tim mạnh mẽ", ông Tập nói hồi tháng 4, khi đi thăm một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở miền Trung Trung Quốc.
Đại lục mua nhiều chip máy tính hơn bất cứ nước nào, tiêu thụ khoảng 140 tỷ USD, tương đương 38%, chất bán dẫn của thế giới, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu IC Insights. Dù gắng sức, Trung Quốc vẫn sản xuất chỉ 18,5 tỷ USD, tương đương 13%, tổng số chip toàn cầu. Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp khoảng cách đó nhưng việc phát triển mảng chip là tốn kém, nhạy cảm về mặt chính trị và mất nhiều thời gian.
Với Fujian Jinhua, lệnh cấm có thể khiến hãng sản xuất chip dựa nhiều vào công nghệ ngoại này điêu đứng. Động thái tương tự được Mỹ áp lên hãng ZTE hồi tháng 4, khiến nhà máy của hãng phải ngừng hoạt động nhiều tháng. Fujian Jinhua đã nộp đơn kiện Micron ở Trung Quốc, và hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về lệnh hạn chế mới từ Mỹ.
Lệnh cấm này có thể làm tăng tiến mâu thuẫn vốn là một trong các khía cạnh của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Theo Báo Mới
Intel bán cổ phần tại nhà máy làm chip 3D Xpoint cho Micron, số phận Optane sẽ đi về đâu? Hôm thứ 5 vừa qua, Micron đã công bố kế hoạch mua lại số cổ phần của Intel tại IM Flash Technologies - công ty được 2 hãng đồng sáng lập từ cách đây 13 năm nhằm phát triển các công nghệ bộ nhớ. IM Flash hiện có một nhà máy sản xuất bán dẫn tại Lehi, bang Utah dành riêng cho hoạt...