Mỹ kêu gọi Úc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
Trung tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn Úc cùng tham gia biểu dương sức mạnh hải quân và không quân nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong chuyến thăm Canberra hôm 8-6, ông Berger nhấn mạnh mỗi quốc gia phải đưa ra quyết định của mình nhưng Mỹ “hoàn toàn” hoan nghênh Úc tham gia các hoạt động gọi là tự do hàng hải.
Tướng Berger xác nhận lực lượng phòng vệ Úc có năng lực và ngang tầm với Mỹ.
Gần đây, Mỹ cho thấy nước này có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động ở biển Đông nhằm chứng tỏ với Bắc Kinh rằng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo là bất hợp pháp.
Trung tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo ở Đại sứ quán Mỹ tại Canberra hôm 8-6. Ảnh: SMH
Ông Berger cho rằng mỗi quốc gia có thể tìm được phương cách riêng của mình để cùng với cả khu vực cho Bắc Kinh thấy rằng tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển đó không được chấp nhận.
Ngoài ra, tướng Berger khẳng định nếu các quốc gia không cho máy bay bay bên trên các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông hoặc đưa tàu đến đây, có nghĩa là trên thực tế họ công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vốn đã bị luật pháp quốc tế bãi bỏ.
Hơn nữa, tướng Berger cho biết Mỹ còn chờ đợi Bắc Kinh tháo dỡ các căn cứ quân sự của họ trên biển Đông.
Video đang HOT
Không chỉ Úc, Pháp cũng đang chứng tỏ hiện diện trên biển Đông. Kể từ năm 2014, tàu của Pháp vẫn thường xuyên đi vào biển Đông nhằm ủng hộ tự do hàng hải.
Báo The Wall Street Journal nhận định: Trung thành với cam kết ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông, Pháp có thể dẫn đầu các nước châu Âu khác chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Thêm vào đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang xây dựng mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Ấn Độ và Úc, đồng thời dường như ông ước định được mối thách thức của Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Hồi tháng 3, hải quân Pháp cho biết tàu khu trục Vendémiaire đã tuần tra trên biển Đông để xác định sự hiện diện của Pháp trong khu vực. Ảnh: Hải quân Pháp
Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh so với các vị tiền nhiệm của ông Macron, vốn bị cho là “bị mê hoặc trước các cơ hội làm ăn và đầu tư ở Trung Quốc”.
Hơn nữa, Pháp đang tập hợp các nước châu Âu khác để có hành động ủng hộ tuyên bố tự do hàng hải. Đó là thông điệp đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly truyền đạt tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la gần đây ở Singapore.
Bà Parly nhấn mạnh rằng Pháp sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển tranh chấp này, cùng với Anh và Đức. Theo bà, ít nhất 5 tàu của Pháp đã đi vào biển Đông trong năm qua. Hành động của Pháp có thể là cơ sở cho các hoạt động đa quốc gia châu Âu.
Theo Hoài Vy
Người Lao Động
Trung Quốc bị "cô lập" trong tâm bão chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La
Tại sự kiện Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào cuối tuần qua Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chỉ trích của các nước tham gia vì tham vọng bành trướng ở Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: Reuters)
Theo Straits Times, các quốc gia tham gia sự kiện Đối thoại Shangri-la hồi cuối tuần qua đã bày tỏ quan điểm cứng rắn nhằm phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh mặc dù lớn tiếng bảo vệ lập trường của họ bằng những quan điểm sai trái, những ý kiến phản đối từ cộng đồng quốc tế đã áp đảo Bắc Kinh.
Trung Quốc chống chế cho việc bồi đắp phi pháp, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng cách ngang nhiên công nhận chủ quyền của họ ở vùng biển này. Phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc He Lei lớn tiếng nói rằng "Bắc Kinh có quyền" khi thừa nhận Trung Quốc đã triển khai binh sĩ và vũ khí tới các thực thể trên Biển Đông.
Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc không nhận được sự ủng hộ từ các nước tham gia, và trái với luật pháp quốc tế.
Trong bài phát biểu mở đầu ngày họp thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: "Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi hứa hẹn mang lại, điều này làm dấy lên hoài nghi về mục tiêu thực sự của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, mang lại kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể, và cũng đối đầu cứng rắn nếu cần".
Ông Mattis chỉ trích hành động mang các tên lửa, khí tài quân sự của Trung Quốc tới các đảo nhân tạo Biển Đông, bất chấp việc Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ không quân sự hóa khu vực này. Ông Mattis cũng cảnh báo Trung Quốc hãy cẩn thận với những hậu quả có thể xảy ra khi "phớt lờ" phản ứng từ cộng đồng quốc tế, đơn cử như việc Mỹ mới đây đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới RIMPAC.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho hay Trung Quốc đang hành động một cách đơn phương tại Biển Đông mà không được sự đồng thuận của các nước khác. Một số ý kiến khác cho rằng cần có sự đảm bảo tự do hàng hải và việc các nước trong khu vực phải tuân thủ theo luật lệ quốc tế, động thái ám chỉ trực tiếp tới Bắc Kinh.
Máy bay quân sự Shaanxi Y-8 xuất hiện trên đường băng tại căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AMTI)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu, dù các tuyến đường biển có vai trò quan trọng với nền kinh tế, nhưng không vì thế mà Trung Quốc có quyền bỏ qua những quy định đã được công nhận rộng rãi. Bà Parly nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các vấn đề tranh chấp dựa trên việc đàm phán và các công cụ pháp lý, cũng như bày tỏ quan điểm ủng hộ bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và kêu gọi các nước nghiêm túc tuân thủ.
Ông Gavin Williamson, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, nói: "Chúng tôi tin rằng các quốc gia nên tuân thủ theo các luật lệ đã được thống nhất. Nhưng các luật lệ hiện bị một số nước phớt lờ và điều này làm ảnh hưởng tới hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia khác".
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi thiết lập một trật tự khu vực theo đúng luật pháp quốc tế và áp dụng công bằng cho tất cả các quốc gia. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne kêu gọi các nước cùng chung tay làm rõ, cũng như giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông dựa vào luật pháp quốc tế.
Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn uy tín về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức thường niên tại Singapore từ năm 2002. Hội nghị năm 2018 diễn ra từ ngày 1/6 tới 3/6.
Theo Straits Times, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Trung Quốc dường như đã rơi vào tình cảnh "gậy ông đập lưng ông" khi lớn tiếng đưa ra những tuyên bố sai trái về chủ quyền trên Biển Đông, để rồi nhận lại những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Đối thoại Shangri-La 2018: Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam xác định nền tảng hòa bình Ngày 2/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh rằng độc lập, tự chủ và tăng cương hơp tac, tuân thu luât phap quôc tê la nên tang cua an ninh, hoa binh va phat triên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô...