Mỹ kêu gọi Triều Tiên tiếp tục đàm phán phi hạt nhân
Quan chức Mỹ tỏ ý thất vọng khi Triều Tiên khoe tên lửa đạn đạo tầm xa, cho biết Washington muốn Bình Nhưỡng duy trì đàm phán phi hạt nhân.
“Thật thất vọng khi thấy Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thay vì hướng tới tương lai tươi sáng cho người dân. Mỹ kêu gọi Triều Tiên tiếp tục các cuộc đàm phán thực chất nhằm đạt tình trạng phi hạt nhân hóa toàn diện”, quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết hôm nay.
Phát biểu được đưa ra sau khi đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV tường thuật lễ duyệt binh quy mô lớn được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng rạng sáng 10/10. Hàng loạt mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã được trình diễn trong sự kiện, đánh dấu lần đầu Bình Nhưỡng triển khai tên lửa tầm xa trong một cuộc duyệt binh kể từ năm 2018.
Mẫu ICBM mới được Triều Tiên ra mắt trong lễ duyệt binh ngày 10/10. Ảnh: KCTV.
Video đang HOT
Điểm nhấn của buổi lễ là sự xuất hiện của 4 xe chở kiêm bệ phóng mang mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, có kích thước lớn hơn và dường như được phát triển từ dòng Hwasong-15. Mỗi xe có 11 trục, nhiều hơn mọi loại xe chở tên lửa đạn đạo trước đó của Bình Nhưỡng.
“Đó là tên lửa dùng nhiên liệu lỏng đặt trên khung gầm di động lớn nhất thế giới”, chuyên gia Ankit Panda của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ nhận xét. Các chuyên gia của trang NK News chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho rằng mẫu tên lửa này có thể mang được nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập, giúp mở rộng phạm vi tấn công và gây khó khăn cho lưới phòng thủ tên lửa đối phương.
Toàn bộ các loại vũ khí được Triều Tiên bắn thử trong giai đoạn 2019-2020 cũng xuất hiện trong lễ duyệt binh, trong đó có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-3 vối tầm bắn 2.000 km, nhưng trên vỏ tên lửa lại ghi dòng chữ “4A”.
Triều Tiên hồi năm 2017 phóng 3 quả ICBM, gồm tên lửa Hwasong-14 có tầm bắn ước tính 10.400 km và mẫu Hwasong-15 có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách tới 13.000 km, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Nước này sau đó đình chỉ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, nhưng nỗ lực do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạt được rất ít thành quả.
Triều Tiên cuối năm ngoái đẩy mạnh hoạt động ở những cơ sở liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo, nhiều lần cảnh báo sẽ gửi “món quà Giáng sinh” tới Mỹ và đi theo “con đường mới” nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Triều Tiên cũng nhiều lần thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn kể từ đầu năm 2018 đến nay, cho thấy nước này đang sở hữu ngày càng nhiều công nghệ hiện đại có thể ứng dụng vào ICBM.
Giới quan sát dự đoán Bình Nhưỡng sẽ phóng ICBM vào cuối tháng 12/2019 hoặc những tháng đầu năm 2020 để thể hiện rõ thông điệp. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc trong giai đoạn này, khiến Triều Tiên dường như đã hoãn kế hoạch thử ICBM để tránh gây thêm khó khăn cho đồng minh thân thiết nhất.
Triều Tiên tập dượt duyệt binh lớn nhất lịch sử
BBC cho biết, Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này, huy động hàng nghìn binh sĩ luyện tập trong nhiều tháng qua.
Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị rầm rộ lễ duyệt binh đánh dấu 75 thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10. Theo giới quan sát, tại lễ duyệt binh này, Triều Tiên sẽ dùng cuộc duyệt binh để ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.
Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên là một trong những ngày lễ lớn nhất của Triều Tiên. Bình Nhưỡng tổ chức các sự kiện kỷ niệm trọng thể trong các năm chẵn, theo các mốc kỷ niệm 5 năm, 10 năm.
Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này. (Ảnh: Reuters)
Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ tháng 3, Bình Nhưỡng đã huy động 32.000 quân nhân tham gia duyệt binh. Số lượng quân nhân quá lớn khiến họ phải mở rộng khu vực tập luyện thêm 2 con đường và 10 tòa nhà. Lễ duyệt binh này được xem là sự kiện chính thức để Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự và là dịp tỏ lòng kính trọng đối với các nhà lãnh đạo của đất nước.
Hôm 8/10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định nhận định: "Có khả năng Triều Tiên sẽ trình làng vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, hay tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm... nhằm thu hút sự chú ý vào thời điểm nền kinh tế của nước này đang phát triển chậm".
Yonhap trích dẫn các nguồn tin cho biết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có thể phát biểu trong sự kiện này, đồng thời có các dấu hiệu cho thấy đài truyền hình nhà nước của Triều Tiên chuẩn bị phát sóng trực tiếp cuộc duyệt binh lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Lần cuối cùng Triều Tiên thực hiện một cuộc duyệt binh trực tiếp vào tháng 4/2017, đánh dấu kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng đã trình diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và các loại vũ khí đa dạng, đồng thời lãnh đạo nước này cũng có bài phát biểu cảnh báo chiến tranh nếu Mỹ có hành động quân sự.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young, việc trình làng một tên lửa mới sẽ "thể hiện sức mạnh ở cường độ thấp" trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, ít mang tính khiêu khích hơn so với việc phóng hay thử hạt nhân.
Sau hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã không trình làng tên lửa đạn đạo nào trong các cuộc duyệt binh.
Triều Tiên di chuyển tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên đưa một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 4 bệ phóng rời khỏi nhà máy, dường như để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh ngày 10/10. Tình báo Hàn Quốc và Mỹ phát hiện Triều Tiên di chuyển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chưa rõ chủng loại và 4 xe bệ phóng khỏi nhà máy...