Mỹ: Kẻ trữ 47 khẩu súng âm mưu thảm sát HS
Cảnh sát Mỹ vừa bắt một người ở Bắc Indiana sở hữu 47 khẩu súng sau khi đe dọa “giết càng nhiều càng tốt” tại một trường tiểu học, cùng lúc với vụ thảm sát kinh hoàng ở Connecticut hôm 14/12.
Theo hãng tin AP của Mỹ, Von Meyer, 60 tuổi, bị bắt hôm 14/12 sau khi vợ y gọi điện cho cảnh sát Cedar Lake thông báo chồng mình đang dọa thiêu sống bà và sẽ tới trường tiểu học địa phương xả súng không thương tiếc “giết càng nhiều càng tốt trước khi cảnh sát tới”.
Lời đe dọa rợn người này xảy đến cùng ngày với vụ thảm sát trường học đẫm máu bậc nhất trong lịch sử Mỹ khiến 20 em bé cùng 7 người lớn thiệt mạng tại Newtown, Connecticut.
Von Meyer bị cảnh sát bắt trước khi thực hiện âm mưu tàn độc. Ảnh: Daily Mail
Khi cảnh sát tới nhà Meyer, họ tìm thấy 47 khẩu súng và 1 kho đạn trị giá không dưới 100.000 USD. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Meyer có một kho vũ khí lớn cất giấu trong ngôi nhà cổ 2 tầng của mình. Hiện các loại súng chưa được tiết lộ nhưng theo cảnh sát, nhiều khẩu trong số đó là các hiện vật lịch sử.
Meyer thừa nhận y định phóng hỏa đốt vợ trong lúc bà ngủ và sẽ tới trường tiểu học Jane Ball gần nhà thực hiện hành vi tàn độc. Tuy nhiên, cảnh sát đã kịp thời ra tay nhờ có vợ y trình báo.
Theo 24h
Thảm sát HS: Ác quỷ ghé qua Connecticut
Từ Connecticut (Mỹ), CTV - anh Thăng Trần cho biết Thống đốc Dan Malloy đã phải thốt lên: "Ác quỷ đã ghé qua cộng đồng này trong ngày hôm nay" khi nói về cuộc thảm sát làm bàng hoàng nước Mỹ...
Lòng người mẹ Việt cũng tan nát
Những gì diễn ra ở ngôi trường tiểu học nhỏ Sandy Hook (bang Connecticut) đã trở thành một nỗi đau buồn u ám, che phủ không khí rộn ràng đón Giáng sinh đang đến rất gần trên khắp nước Mỹ.
Như rất nhiều người khác xung quanh, tôi thật sự thảng thốt, kinh hoàng trước những thông tin được liên tục cập nhật trực tiếp qua truyền hình về vụ thảm sát. Khác với ở Connecticut, hôm nay ở Washing ton DC là ngày tập huấn chuyên môn của giáo viên. Vì vậy hai cô con gái của tôi, trong đó có một là học sinh tiểu học, được nghỉ học. Tôi phải cố gắng giữ bé ở xa màn hình tivi luôn tràn đầy những hình ảnh bi thương, tang tóc. Nhưng trước những hình ảnh, những tâm trạng và gương mặt tràn ngập nỗi đau đớn tuyệt vọng của mất mát, đau thương được truyền trực tiếp từ hiện trường, tôi không kìm được mong muốn thỉnh thoảng lại chạy đến chỉ để ôm bé vào lòng...
Thông tin cuối buổi chiều thật sự gây sốc về con số nạn nhân, đặc biệt là trẻ em. Những đứa trẻ quá nhỏ bé, ngây thơ, non nớt để có thể đối mặt với tên sát nhân điên khùng và tìm cách bảo vệ bản thân trước làn đạn nghiệt ngã. Chỉ cần nghĩ đến 20 đứa trẻ khoảng bằng tuổi con gái mình sẽ không bao giờ còn được đến trường, không bao giờ được đón mùa Giáng sinh nào nữa, không bao giờ còn được ở trong vòng tay của cha mẹ, đến cái chết oan uổng của các thầy cô trong ngôi trường bất hạnh này khiến tim tôi thắt lại.
Nỗi đau khổ tột cùng của những người có con thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut - Ảnh: Reuters
"Một hành động tàn nhẫn khi đích ngắm là những đứa trẻ hoàn toàn vô tội"
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon
"Một cú sốc khủng khiếp nhất mà tôi đón nhận khi tên sát nhân đã hủy hoại một thế hệ trẻ với bao hi vọng trong tương lai"
Video đang HOT
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso
"Trái tim tôi như thắt lại khi nghĩ về những đứa trẻ vô tội bị cướp đi cuộc sống khi tương lai vẫn còn đang chờ chúng ở phía trước"
Thủ tướng Anh David Cameron
Tôi không dám hình dung tiếp tâm trạng, nỗi đau đớn tận cùng của các gia đình, những người bố, người mẹ bất hạnh đang phải trải qua. Như một số người bạn tôi chia sẻ trên trang mạng xã hội, cần gì phải nghĩ đến một ngày tận thế nào đó có thể đến, thảm kịch đã diễn ra ở Trường tiểu học Sandy Hook cũng đã là nỗi đau tột độ, là ngày đen tối nhất trong cuộc đời đối với gia đình của những nạn nhân...
Vụ thảm sát ngay lập tức gây một tâm lý bất an trong phụ huynh về an ninh ở các trường học. Diễn đàn của phụ huynh lớp con gái nhỏ của tôi ngay lập tức xuất hiện những lời chia buồn, trao đổi đầy âu lo. Bởi tất cả đều trải qua tâm trạng sốc, kinh hoàng tột độ trước những gì diễn ra ở Trường tiểu học Sandy Hook, vốn nằm ở một khu vực rất bình yên mà mười năm qua chưa từng có vụ án mạng nào xảy ra, ngoại trừ duy nhất một vụ tự tử.
Vụ thảm sát lại một lần nữa khiến nước Mỹ bước vào cuộc tranh luận sôi sục về vấn đề kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng, mặc dù tên giết người đã được xác định là một kẻ rối loạn về nhân cách. Có vẻ như trong lúc cuộc tranh luận của các chính trị gia, chuyên gia tên tuổi về súng đạn lẫn an ninh trường học vẫn đang ầm ĩ, bất phân thắng bại trên các phương tiện truyền thông thì suy nghĩ của những người mẹ đơn giản và rõ ràng hơn hẳn.
Mẹ của cậu bé Dominic - bạn cùng lớp với con gái nhỏ của tôi - thẳng thừng bày tỏ: "Một trong những lý do quan trọng mà chúng tôi đã quyết định bỏ phiếu cho Tổng thống Obama tái cử nhiệm kỳ này là vì ông ấy muốn hạn chế việc sở hữu và sử dụng súng đạn. Quyền sở hữu súng đã được quy định trong hiến pháp nhưng nước Mỹ cũng cần hạn chế việc sử dụng chúng để tránh những bi kịch như thế này tái diễn".
Một học sinh thoát chết núp vào vòng tay mẹ - Ảnh: AFP
Tuy chẳng dính dáng gì đến quyền bầu cử ở đây nhưng chắc chắn tôi cũng có cùng mong muốn như bà mẹ Mỹ này, ủng hộ việc hạn chế súng đạn. Súng đạn, bạo lực luôn là một trong những điều tồi tệ nhất. Nhưng còn tồi tệ hơn nữa khi chúng vẫn chưa bị loại trừ khỏi cuộc sống bình thường hằng ngày ở những nơi không hề có chiến tranh và có thể gây ra những mất mát, đau đớn tột cùng cho rất nhiều con người, nhiều gia đình bất cứ lúc nào...
Là một người luôn lạc quan, nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình phải mất một thời gian không thể ngắn ngủi để có thể vượt qua tâm trạng bất an, lo lắng mỗi ngày khi đưa con đến trường và ngóng đợi đến giờ đón con, để có thể quên đi bi kịch đã diễn ra hôm nay...
Tiếp tục cuộc sống để yêu thương và chia sẻ
Dường như có thể cảm nhận và chia sẻ tâm trạng bất an, lo lắng của chúng tôi, ngay trong chiều thứ sáu tôi đã nhận được một email của cô giáo chủ nhiệm lớp con gái tôi. Và những gì cô Sarah Seltzer viết trong email gửi tới phụ huynh đã khiến tôi không kìm nổi nước mắt. Cô viết rằng: "Khi chúng ta đang đau buồn vì sự mất mát của nhiều mạng sống trong ngày hôm nay, tôi muốn rằng các bạn hãy ngay lập tức dành thời gian để ôm thật chặt con mình vào lòng, để nói với các con rằng chúng thật sự đặc biệt biết bao. Tâm trí và những lời cầu nguyện của tôi đang hướng đến những gia đình đang trải qua sự mất mát đau thương, nhưng tôi cũng nghĩ thật nhiều đến những học sinh của tôi - con của các bạn - những đứa trẻ có lẽ không hề biết chúng đang mang đến cho tôi bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày".
Tôi biết chắc rằng ngay thứ hai tới, khi đưa con đến trường bắt đầu một tuần mới, tôi sẽ phải cảm ơn cô Seltzer - một cô giáo trẻ mới năm năm trong nghề - đã luôn tận tâm với những học sinh nhỏ mỗi ngày, và vào giờ phút này có thể thấu hiểu sự lo lắng, bất an của chúng tôi để chia sẻ. Cũng như cô, chúng tôi đều phải can đảm hướng về phía trước, tiếp tục cuộc sống để yêu thương và chia sẻ...
Thanh Hà (từ Washington DC)
Không là giọt nước mắt cuối cùng, nếu...
"Hôm nay tất cả chúng ta đều tan nát cõi lòng".
Đây là lần thứ ba Tổng thống Barack Obama phát biểu trực tiếp với người dân ngay sau một vụ xả súng. Bạo lực với súng là vấn đề đau đầu và chia rẽ nước Mỹ. Trung bình một ngày ở Mỹ có 34 người thiệt mạng vì súng. Khoảng một nửa nước Mỹ muốn có luật siết chặt súng đạn, nhưng với nửa còn lại (chủ yếu ở miền Nam và theo Đảng Cộng hòa) lại xem sở hữu súng - quy định trong Tu chính án số hai của Hiến pháp từ 1791 - là vấn đề sống còn và không thể nhượng bộ.
"Năm qua, súng đã giết chết 48 người ở Nhật Bản, 8 người ở Anh, 34 người ở Thụy Sĩ, 52 người ở Canada, 58 người ở Israel, 21 người ở Thụy Điển, 42 người ở Đức và 10.728 người ở Mỹ"
(Dòng chữ trên một apphich đòi kiểm soát vũ khí ở Mỹ)
Ngoài hiến pháp, đứng đằng sau quyền sử dụng súng này là Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), tổ chức lobby quyền lực số 1 ở Washington DC. Được thành lập từ sau cuộc nội chiến 1865 như một hội của những người mê bắn súng, NRA đã dần trở thành một con ngáo ộp trên chính trường Mỹ, một lực lượng có thể làm lệch cán cân cuộc đua vào lưỡng viện và Nhà Trắng. Năm 2010, có đến 80% trong số 307 ứng viên hạ và thượng nghị sĩ được NRA ủng hộ đã giành chiến thắng trong bầu cử giữa kỳ. Trong hai thập niên qua, NRA đã chi khoảng 100 triệu USD cho các hoạt động chính trị, chủ yếu để vận động hành lang và cho các hoạt động tranh cử.
Phe Dân chủ quá hiểu sức mạnh của NRA. Bill Clinton đã thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994 khi muốn siết chặt súng ống. Và đặc biệt Al Gore lại thất bại ngay trên chính bang nhà Tennessee vào năm 2000 vì chính sách cứng rắn của ông với vấn đề súng ống. Thất bại này được coi là cú giáng chí mạng đối với phe Dân chủ, đảo ngược hoàn toàn cái nhìn của đảng này về vấn đề súng đạn. Kể từ đó phe Dân chủ thường xuyên tránh né vấn đề này. Ngay ông Obama, khi vận động tranh cử lần đầu đã kêu gọi ra luật cứng rắn hơn đối với vấn đề sử dụng súng, nhưng tới cuộc vận động tái tranh cử năm 2012 ông hầu như im lặng.
Cây bút bình luận trên báo New York Times đã viết: "Nước Mỹ đang tự hại chính mình khi trao cho những kẻ tâm thần công nghệ để nắm quyền sinh sát đối với con người".
Với ông Obama, lần này nạn nhân là những đứa trẻ, nếu ông không có hành động nào đối với việc kiểm soát súng thì đây có lẽ không phải lần cuối cùng ông phát biểu trước dân Mỹ về một vụ thảm sát. Và đây cũng không phải là những giọt nước mắt cuối cùng.
Thanh Tuấn (từ New York)
Thảm sát 20 học sinh, nước Mỹ bàng hoàng
Ngày 15/12, nước Mỹ treo cờ rủ để tưởng niệm 20 thiên thần nhỏ và bảy người khác bị sát hại trong vụ xả súng kinh hoàng ở Trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut. Cảnh sát lao vào điều tra nguyên nhân, nước mắt lăn trên má Tổng thống Obama và các phụ huynh.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là: sau những tít tựa lớn trên trang nhất các báo, sau những giọt nước mắt, sau những tiếng nói chuyên gia liên tục trên CNN... liệu thảm kịch này có xảy ra nữa không, hay "khi Syria nóng lên, chủ đề thay đổi và rồi lại một thảm kịch mới, lại các tít tựa lớn trên báo chí..."?
Những học sinh hoảng loạn được đưa ra khỏi Trường Sandy Hook - Ảnh: Reuters
Sự yên bình của cộng đồng Newtown đã chết dưới những tiếng súng lạnh lùng của kẻ thủ ác 20 tuổi Adam Lanza ngày 14/12, khi hắn xông vào Trường Sandy Hook và nổ súng vào 600 học sinh vô tội tuổi từ 5 đến 10. Trong vòng vài phút, hắn đã cướp đi sinh mạng của 20 em nhỏ cùng bảy người khác, trong đó có mẹ của hung thủ. Cú sốc lập tức làm rúng động cộng đồng nhỏ bé và tạo làn sóng phẫn nộ lan khắp nước Mỹ.
Tại Newtown và nhiều nơi trên toàn quốc, những đám đông lên đến cả ngàn người đã đốt nến tưởng niệm một trong những thảm kịch liên quan đến súng ống nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nhiều nước cũng gửi lời chia buồn đến các nạn nhân vụ xả súng.
Theo tường thuật của Reuters, vụ việc xảy ra vào khoảng 9g30 sáng (giờ địa phương), trong một buổi học như thường lệ của các học sinh Trường Sandy Hook, nằm cách thành phố New York khoảng 130km. Kẻ giết người xuất hiện trong trang phục đen và áo khoác kiểu quân đội với hai khẩu súng ngắn. Tiếp đó, các nhân chứng cho biết họ nghe thấy tiếng nổ hàng chục phát súng.
Tổng thống Barack Obama lau nước mắt khi đọc lời chia buồn tại Nhà Trắng ngày 14/12 (sáng 15/12, giờ VN) - Ảnh: Reuters
"Con không muốn chết"
Cảnh sát địa phương cho biết vụ xả súng xảy ra tại hai căn phòng của trường học. "Cháu đang trở về lớp học thì nghe giống như một người nào đó đá vào cửa, cháu quay lại và ngửi được mùi khói súng. Rồi đạn bay rít qua và giáo viên kéo cháu vào phòng" - NBC dẫn lời một học sinh 8 tuổi kể lại. Một nhân chứng quan sát vụ việc từ bên ngoài kể rằng cô nghe tiếng hét: "đưa mọi người đi! Đưa mọi người đi!". Các học sinh khác cho biết ngay sau những tiếng súng đầu tiên, các em được giáo viên lùa vào các phòng tắm và tủ đồ. Janet Vollmer, một giáo viên mẫu giáo, nhanh chóng khóa tất cả cửa phòng và kể chuyện để trấn an học sinh. Một giáo viên khác cho biết cô dường như không thể chịu nổi khi những đứa trẻ luôn nói "con chỉ muốn Giáng sinh, con không muốn chết, con chỉ muốn đón Giáng sinh".
Nữ hiệu trưởng dũng cảm
Theo báo New York Times, một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều là nữ hiệu trưởng quả cảm Dawn Lafferty Hochsprung của Trường tiểu học Sandy Hook, người đã thiệt mạng khi liều mình bảo vệ các học sinh. Chuyên viên tâm lý Diane Day cho biết: "Khi đang ngồi trao đổi với cô Hochsprung được năm phút, chúng tôi nghe tiếng súng nổ bên tai. Sợ quá tôi chui ngay xuống gầm bàn. Nhưng hiệu trưởng Hochsprung ngay lập tức lao ra để xem xét tình hình mà không đắn đo sẽ đối mặt với điều gì". Và người nữ hiệu trưởng này đã chết dưới làn đạn của kẻ thủ ác Lanza khi cố dùng thân mình chèn chặt cửa một phòng học để ngăn hắn tiếp cận những học trò nhỏ bên trong.
"Bà ấy là một người tốt bụng và vui vẻ nhưng cũng là một người cứng rắn - một người bạn của bà có cháu học tại Sandy Hook nhớ lại - Bà ấy là người mà bạn sẽ muốn giao phó để dạy dỗ con bạn. Và lũ trẻ yêu quý bà ấy".
Khoảng 9g41, một cuộc gọi đến 911 thông báo vụ việc và cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải cứu học sinh. Một học sinh cho biết cảnh sát kiểm tra các phòng học trước khi di tản mọi người, "rồi đột nhiên hắn chạy ra và giáo viên hét lên, mọi người nấp vào chỗ an toàn, chúng cháu chạy vào chỗ thay đồ của một phòng tập". Hung thủ Lanza sau đó tự sát. Vụ xả súng không kéo dài nhưng một số giáo viên thậm chí không dám mở cửa phòng khi cảnh sát gọi vì lo sợ đó có thể là kẻ giết người.
Ngay sau khi thông tin về vụ xả súng lan truyền, phụ huynh đã đổ về Sandy Hook, điên cuồng tìm con trong hỗn loạn. Nhiều người không ngừng kêu khóc "Tại sao? Tại sao?". Truyền thông đưa hình ảnh các học sinh cùng giáo viên vẫn còn hoảng loạn khi được đưa ra khỏi trường, nhiều học sinh bê bết máu. "Khoảnh khắc tôi tìm thấy con gái là giây phút hạnh phúc nhất đời tôi" - một phụ huynh nói. Con gái 8 tuổi của cô may mắn thoát chết vì nấp vào góc phòng.
Nhưng nhiều học sinh đã không được may mắn. Cảnh sát cho biết 18 học sinh bị bắn chết tại trường, hai em khác thiệt mạng trên đường đến bệnh viện. Sáu người lớn thiệt mạng trong đó bao gồm hiệu trưởng ngôi trường là Dawn Hochsprung. "Cuộc sống ở Newtown sẽ thay đổi mãi mãi - mục sư Robert Weiss nói trong xúc động - Hôm nay chúng ta có 20 vị thánh, 20 thiên thần tuyệt đẹp". Trong 10 năm qua, thị trấn 27.000 người ở Newtown chỉ có một vụ giết người duy nhất.
Cảnh sát cũng tìm thấy một nạn nhân tại một hiện trường khác là bà Nancy Lanza, mẹ của hung thủ. Các nguồn tin cho biết Lanza đã bắn chết mẹ ruột trước khi lái xe đến trường. Ngoài hai khẩu súng ngắn tại hiện trường, cảnh sát còn tìm thấy một khẩu súng trường trong xe của Lanza. Các khẩu súng được mẹ của Lanza mua hợp pháp. Trong thông tin ban đầu, những người thân thuộc với Lanza mô tả y như một kẻ lập dị và thông minh. "Mẹ của hắn luôn bắt hắn phải trở nên thông minh và chăm chỉ hơn ở trường" - một người bạn cũ kể. Cảnh sát đang thẩm tra Ryan Lanza, anh trai của hung thủ, và tìm kiếm thêm các manh mối của vụ thảm sát.
"Trái tim tôi vỡ thành triệu mảnh"
Tại nhà thờ địa phương, khoảng 1.000 người đã tham gia buổi cầu nguyện cho những thiên thần xấu số. "Tim tôi vỡ thành triệu mảnh. Làm sao ai có thể gây ra điều này? Thật là bệnh hoạn" - cô Lynn Wasik nói. Nhiều người khác lo sợ những gì xảy ra ở Newtown cũng có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Chính quyền địa phương cho biết họ đã siết chặt an ninh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu chia sẻ với gia đình các nạn nhân. "Tim chúng ta tan vỡ hôm nay vì những bậc cha mẹ, ông bà, anh chị của những đứa trẻ và gia đình của những người lớn đã mất - ông Obama nói, giọng nấc nghẹn và đưa tay lau nước mắt - Chúng chỉ là những đứa trẻ và có cả một tương lai dài đang chờ phía trước". Gọi vụ xả súng là một tội ác ghê tởm, ông Obama kêu gọi hành động quyết liệt để ngăn chặn bạo lực liên quan đến súng ống. Ông ra lệnh treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân. Tuy nhiên thống đốc New York Michael Bloomberg nhấn mạnh: "Kêu gọi hành động là không đủ. Đất nước cần ông ấy đưa luật ra trước quốc hội để giải quyết vấn đề này".
Khoảng 200 người đã tụ họp trước Nhà Trắng tối 14/12 để tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng và kêu gọi lệnh cấm súng. "Chỉ đến khi nào chúng ta hành động cùng nhau để ngăn chặn những vũ khí này bán ra, thì điều này mới không còn tiếp diễn" - ông Tom Teves, người có con trai thiệt mạng trong vụ xả súng ở rạp chiếu phim tại vùng ngoại ô Denver, thành phố Aurora nói. Trong khi đó, ông Mark Kelly, chồng của nghị sĩ Gabrielle Giffords - người bị bắn vào đầu trong vụ xả súng ở Arizona năm ngoái làm sáu người thiệt mạng, cho rằng vụ thảm sát Newtown là "lời kêu gọi mạnh mẽ các lãnh đạo phải hành động" và "thảo luận các quy định về súng và những cách để ngăn chặn bạo lực và chết chóc ở Mỹ".
Ác quỷ đã ghé qua Connecticut...
Ngày thứ sáu thường là một ngày nhẹ nhàng để chuyển sang những ngày nghỉ cuối tuần của người dân Connecticut. Thế nhưng ngày này bỗng trở thành một ngày kinh hoàng với Connecticut và nước Mỹ.
9g30 sáng 14-12, mọi người trong công ty tôi đã xôn xao bàn tán về những tiếng súng nổ tại Trường tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown. Newtown là một thị trấn tập trung rất nhiều gia đình khá giả và từ lâu nay luôn được đánh giá là khu vực an ninh tốt. Thế nên, những tiếng súng nổ bất thường đã làm mọi người sững sờ. Ai cũng nóng lòng muốn biết chuyện gì xảy ra. Nhưng trong buổi sáng, cảnh sát chẳng đưa ra thông tin nào.
Đến buổi chiều, thông tin chính thức từ cảnh sát được đưa ra. Thống đốc bang Connecticut Dan Malloy đã phải thốt lên: "Ác quỷ đã ghé qua cộng đồng này trong hôm nay". Đến lúc này, mọi người bàng hoàng.
Đến tối 14/12, nhiều gia đình tại thị trấn vẫn chưa được cảnh sát xác nhận con của họ có thiệt mạng hay không. Cảnh sát cho biết họ đang xác định tên tuổi của học sinh. Trong khi đó, tất cả các gia đình có con học tại trường đều rơi vào trạng thái hoảng loạn. Một số người nói họ không thể tin được sự việc lại xảy ra như thế. Buổi tối, nhà thờ tại Newtown đã bật đèn thâu đêm và làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân.
Tiểu bang Connecticut nơi tôi đang sinh sống nằm ở vùng Đông Bắc Mỹ, một trong những nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Mỹ trong nhiều thập niên qua, nơi có Đại học Yale danh tiếng và được mệnh danh là "tiểu bang pháp luật".
Thăng Trần (từ Connecticut)
Theo 24h
Tiết lộ của hàng xóm về sát thủ xả đạn vào HS Giám đốc pháp y H Wayne Carver II cho biết hung thủ (Newtown, Mỹ) giết chết 20 trẻ em và 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook đã sử dụng một khẩu súng trường làm vũ khí. Sự việc dần hé mở khi cảnh sát hướng điều tra về phía bạn bè và hàng xóm của kẻ tình nghi. Theo bác...