Mỹ ghi nhận thêm dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế
Các chuyên gia kinh tế đánh giá dữ liệu điều chỉnh cuối cùng về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2022 tiếp tục xác nhận nền kinh tế hàng đầu thế giới suy giảm sâu hơn so với ước tính trước đó, củng cố nhận định rằng kinh tế Mỹ đang chuẩn bị hoặc đã bắt đầu suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Hàng hóa bày bán tại một siêu thị ở St. Louis, Missouri, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Báo cáo mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/6 cho thấy GDP giảm 1,6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu ước tính sơ bộ hồi tháng 4. Quý I/2022 cũng là quý đầu tiên GDP Mỹ giảm kể từ quý II/2020 khi nước Mỹ chìm sâu vào nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. GDP quý đầu năm 2022 của Mỹ cũng giảm sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021.
Các chuyên gia dự báo hoạt động kinh tế Mỹ sẽ còn chậm lại khi Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng thời thận trọng theo dõi những dấu hiệu về nguy cơ suy thoái (ghi nhận GDP suy giảm 2 quý liên tiếp) đang manh nha.
Cùng ngày, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Carmen Reinhart bày tỏ hoài nghi về khả năng kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong bối cảnh lạm phát leo thang, lãi suất tăng và nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Bà Reinhart nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái kinh tế khi lạm phát hiện nay đã lên đến mức 8,5%. Bà cho biết trong lịch sử việc vừa có thể giảm lạm phát vừa giảm thiểu tổn hại tới tăng trường kinh tế luôn là nhiệm vụ khó khăn, các nguy cơ suy thoái kinh tế hiện đang là chủ đề nóng. Mọi nguy cơ đều đang rình rập đưa nền kinh tế toàn cầu về ngưỡng suy thoái, từ các yếu tố bất ổn cho đến chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó có FED, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng và lãi suất âm. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 ảnh hưởng hầu các nền kinh tế thì Trung Quốc khi đó vẫn trở thành động lực tăng trưởng lớn của kinh tế toàn cầu nhưng trong cuộc khủng hoảng lần này, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức 1 con số.
Trong tháng 6 này, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 2,9% trong năm 2022, cảnh báo xung đột tại Ukraine càng làm tăng thêm bất ổn và khó khăn vốn đã kéo dài trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều nước đã bắt đầu đối mặt với suy thoái.
Liên hợp quốc cảnh báo tình hình mất an ninh tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 28/6 đã hối thúc chính phủ các nước hồi hương công dân đang sống tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria, trong bối cảnh có trên 100 người thiệt mạng tại đây trong vòng 18 tháng qua.
Trại tị nạn Al-Hol ở Syria. Ảnh: AFP/TTXVN
Nằm ở Đông Bắc Syria và do người Kurd kiểm soát, trại tị nạn Al-Hol là một cơ sở lưu trú dành cho người di tản. Tại đây hiện có khoảng 56.000 người sinh sống, trong đó khoảng 27.000 người là công dân Iraq và khoảng 19.000 người là công dân Syria. Nhiều người trong số này được cho là vẫn duy trì quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Điều phối viên của LHQ tại Syria - ông Imran Riza - cho biết trại Al-Hol ngày càng mất an toàn và những trẻ em sinh sống tại đây đang đối mặt với một tương lai u ám. Theo ông, hiện khoảng 94% số người sống tại trại Al-Hol là phụ nữ và trẻ em.
Ông Riza nhấn mạnh vấn nạn bạo lực giới tại trại Al-Hol, theo đó khoảng 106 vụ giết người xảy ra tại trại này kể từ tháng 1/2021, nhiều nạn nhân trong các vụ này là phụ nữ. Trong khi đó, những trẻ em ở độ tuổi từ 12-14 thường bị tách khỏi gia đình và đưa tới một trung tâm khác, nơi các em có xu hướng bị cực đoan hóa và gia nhập các nhóm vũ trang.
Ông Riza cho rằng giải pháp duy nhất là giải tỏa khu trại này. Theo ông, một số người tị nạn Iraq đã được hồi hương, tuy nhiên nhiều quốc gia khác từ chối tiếp nhận trở lại các công dân của mình.
Syria hiện cũng phải đối mặt với nhiều khủng hoảng cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Xung đột bùng phát năm 2011 đã nhanh chóng trở thành một cuộc xung đột phức tạp với sự tham gia của nhiều bên, trong đó có các nhóm thánh chiến và những thế lực nước ngoài. Bạo lực đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người, trong khi hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Theo ông Riza, sự cấp thiết đối với các hoạt động nhân đạo tại Syria hiện nay ở mức chưa từng có và đang gia tăng, với 14,6 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo - tăng 1,2 triệu người kể từ năm 2021 và cao nhất kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát. Ông cho biết: "Tác động đối với người dân Syria rất nặng nề, hơn 90% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ".
Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng khẩn cấp với các đại dương Ngày 27/6, Hội nghị đại dương Liên hợp quốc lần thứ 2 đã khai mạc tại thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha nhằm tìm kiếm giải pháp giúp khôi phục hệ sinh thái các đại dương toàn cầu vốn đang ngày càng suy yếu. Rác thải nhựa đe dọa đời sống các loài động, thực vật dưới đại dương. Ảnh minh họa: Unsplash...